Văn hóa & Đức tin 

Giải viết văn đường trường 2013 – bản tin 06

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013 
BẢN TIN 06

vietvanVới hạn chót nhận bài ngày 15-4-2013, Giải Viết Văn Đường Trường đã khóa sổ với bài dự thi số 51. Trừ 6 bài không đúng thể lệ, 45 bài dự thi đã được gửi đến Ban Sơ khảo.

Chúng tôi xin gửi đến quý Ban Biên Tập và độc giả bốn phương bản tin số 6.

Giải Viết Văn Đường Trường tổ chức trao giải 6 năm liền (2013-2018) cho những truyện ngắn có nội dung Kitô giáo và ấn hành giới thiệu các tuyển tập truyện ngắn cho các tác giả đạt giải.

Lễ trao giải năm nay sẽ trùng vào ngày năm đức tin của giới cầm bút tại giáo phận Qui Nhơn, tối 21-9-2013. Thân ái mời tất cả những tác giả có gửi bài dự thi cùng tham gia buổi trao giải và hôm sau, 22-9, dự sinh hoạt dã ngoại thăm trại phong Qui Hòa nhân kỷ niệm ngày sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử. Về ngày cử hành Năm Đức Tin của giới cầm bút, xin xem:

http://gpquinhon.org/qn/news/van-hoa/Ngay-Nam-Duc-Tin-cua-gioi-cam-but-851/

Giải Viết Văn Đường Trường sẽ tiếp tục tới năm 2018, dành cho giới trẻ Công giáo từ 40 tuổi trở xuống. Mong các bạn chuẩn bị tác phẩm dự thi cho lần tới ngay từ bây giờ. Những ai muốn biết rõ hơn, xin mời xem hai bài:

– Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường

– Chương trình tìm kiếm và xây dựng tài năng văn xuôi cho văn học công giáo

tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Chúng tôi ước mong quý vị giúp giới thiệu chương trình này rộng rãi để có thêm nhiều bạn trẻ dự thi.

Quy Nhơn, 26-4-2013
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
Tòa Giám Mục Qui Nhơn
116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn
ĐTDĐ: 0935-424-449; gopnhattho@yahoo.com

BÀI DỰ THI

Mã số 13-026

CHÚNG TỚ HỌC BÀI GIÁO LÝ VỠ LÒNG
(kịch)

Các vai: Cát Tường, Minh Thi, Nhật Nam, Thanh Đạt, Thùy Linh, Khánh Trình, Hồng Ân, Thủy Tiên, cha phó, bé Phương (em của Nhật Nam), chị gái (chị của Hồng Ân).

Cảnh 1: 

Ở trước cổng nhà NHẬT NAM

NHẬT NAM chuẩn bị đi chơi, bé Phương kéo áo anh: Anh, anh, cho em đi chơi với
NHẬT NAM: Thôi, (Nhật Nam hất tay em) Ở nhà đi, đi đâu cũng đòi đi theo, phiền phức quá!
Bé Phương giật tay anh nài nỉ: Cho em đi chút thôi. Lên Nhà Thờ rồi em chơi với bạn, em có đi theo anh đâu.
NHẬT NAM bỏ chạy đi: Không là không!
Bé Phương khóc òa lên: Anh ơi, huuuuuuu!!!

Cảnh 2: 

Tại sân nhà HỒNG ÂN

HỒNG ÂN đang quét nhà bỗng reo lên hớn hở: A, có tờ 50.000 đ. May mắn quá! hihi

CHỊ GÁI vẻ mặt lo lắng bước tới: Ân, em có nhặt được 50.000 của chị không?

HỒNG ÂN ấp úng: Dạ?…Dạ dạ…dạ không!

HỒNG ÂN: Chị mất 50.000 há? Chị đánh rơi ở đâu?

CHỊ GÁI nhìn quanh:  Chị không biết nữa.

HỒNG ÂN cất cái chổi rồi bước nhanh ra cổng: Dạ, em cũng không biết. Thôi em đi chơi đã chị nhé…

CHỊ GÁI nói vọng theo:  Coi trưa về ăn cơm nghe, đừng để chị phải đi gọi đấy

Cảnh 3: 

Tại sân nhà thờ

MINH THI vừa đọc vừa lúc lắc cái đầu, nhìn qua nhìn ve: Hỏi: Bí tích Thánh Thể là gì? Thưa: Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình và Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.

MINH THI lặp lại: Hỏi: Bí Tích Thánh Thể là gì?…

MINH THI nhìn thấy Cát Tường đang đạp xe từ đằng xa, MINH THI chạy lại hồ hởi hỏi bạn: Cát Tường, bạn đã thuộc bài giáo lý chưa?

CÁT TƯỜNG trả lời nhanh nhẩu: Hả? Bài hôm qua hả? Mình thuộc lâu rồi. nói xong, CÁT TƯỜNG đảo mắt nhìn lên trời rồi đọc lại.

CÁT TƯỜNG đọc vanh vách: Câu 1: Hỏi: Bí tích Thánh Thể là gì?…Thưa: Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình và Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.

MINH THI ngắt lời: Thôi được rồi, biết bạn giỏi rồi đấy. Bạn giải thích cho mình câu đó với…mình không hiểu.

MINH THI chỉ vào sách trang 1: Bí tích Thánh Thể là bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá và để

ban Mình và Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta. “tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá” nghĩa là gì?

MINH THI tiếp: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá rồi, làm sao làm lễ được, mà lại nói là lễ hy sinh trên thập giá nữa chứ…

MINH THI vò đầu…mình không hiểu chút nào.

CÁT TƯỜNG cầm lấy sách, chau mày: điều này thì…điều này thì …để mình nhớ đã…hôm qua chị nói sao nhỉ?!

MINH THI vẫn vò đầu bứt tóc: Chị Giáo lý viên có nói là do Chúa hy sinh chịu chết trên thập giá để cứu độ mình nên mới gọi là lễ hy sinh trên thánh giá…nhưng mình không hiểu là vì sao lại nói bí tích Thánh Thể là tiếp tục lễ hy sinh trên thánh giá? Bí tích Thánh Thể…là…

MINH THI vỗ vai bạn: Tường này, có phải chỉ được cử hành trong Thánh lễ thôi phải không? Chỉ trong Thánh lễ mới cử hành bí tích đó phải không? Còn đi sinh hoạt giới trẻ hay thiếu nhi Thánh Thể nếu không có lễ thì cũng không có cử hành bí tích đó phải không?

CÁT TƯỜNG trầm ngâm nghĩ ngợi: Đúng rồi…chị dạy giáo lý lớp mình có nói là chỉ trong Thánh Le, khi cha đọc lời truyền phép thì bánh rượu mới thành Mình Máu Thánh Chúa. Đó chính là bí tích Thánh Thể.

MINH THI chỈ vào sách: Thì biết vậy…nhưng mình vẫn khó hiểu quá…Tại sao lại nói bí tích đó là tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Giêsu?

MINH THI: “tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá” nghĩa là gì? Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá từ khi xưa rồi mà

CÁT TƯỜNG: Ừ, gần 2000 năm rồi…năm nay là năm 2013

MINH THI: Vậy thì tại sao lại nói bí tích Thánh Thể là tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Giêsu? Bí tích đó chỉ được cử hành trong Thánh Lễ …Thánh Lễ thì ngày nào cũng được cử hành. Nói vậy thì ngày nào Chúa cũng chịu chết lại lần nữa sao?

MINH THI: Ui, nhức đầu quá! Thôi không học nữa. Mình đi chơi nhảy dây đây

CÁT TƯỜNG chạy theo: Ê, đợi mình đi với.

CẢ HAI chạy đến bên một đám bạn chừng 5, 6 đứa đang chơi trò nhảy dây qua về, cười hồ hởi: Ê, cho tụi mình chơi với!?

NHÓM BẠN NHỎ đồng thanh: ừ, oẳn tù tì với hai bạn bị đi…tù tì, tù tì

MINH THI hét lên vui sướng: Mình thắng rồi

CÁT TƯỜNG cười: Mình thì thua…

MINH THI: hihi, cành tay

MINH THI chạy lấy đa: Lúc trước mình chơi trò này không khi nào bị thua cả. không biết giờ thì sao.

MINH THI nhảy qua sợi dây: Hey ya, qua rồi…hihi

THỦY TIÊN nhảy theo sau: Mình cũng qua nữa…mình nữa này

KHÁNH TRÌNH: Hihi, kiểu ni thì dễ bị ọ quá (bị ọ: phải cầm dây liên tục cho người khác nhảy mà bản thân không được ra nhảy)

NHẬT NAM xắn ống quần nói lớn: Cành cổ, lên đi

KHÁNH TRÌNH: Khéo nghe, khéo nghe

THÙY LINH nhảy qua dây: Hey ya, waaaaa mình nhảy qua rồi này. Hihi,

Cát Tường, Minh Thi và nhóm bạn gồm Nhật Nam, Khánh Trình, Thùy Linh, Mỹ Quỳnh, Thủy Tiên Chơi.

THỦY TIÊN đột nhiên nhìn đám bạn nói vu vơ: Mai đi học giáo lý lại rồi, nhanh hấy

CẢ NHÓM: uh, nhanh quá

THỦY TIÊN: Hôm qua bạn đi học trễ đó…hihi, may mà chị dạy lớp mình hiền, chị không mắng chút nào.

NHẬT NAM: Thật sao?

NHẬT NAM vừa giữ cho sợi dây khỏi rung vừa nói: là may mắn đấy

NHẬT NAM: Chị của lớp mình dữ lắm…duy có điều chị kể chuyện hay ơi là hay

NHẬT NAM: À, mấy bạn ni thuộc bài giáo lý chưa? Bạn thuộc lòng hết rồi

CÁT TƯỜNG:  Bạn cũng vậy

THÙY LINH: Hihi, tụi mình thuộc hết rồi, giỏi quá

MINH THI: Hi, có mình chưa thuộc…

KHÁNH TRÌNH: Mình cũng chưa thuộc…

NHẬT NAM vừa cười nói vừa nhảy qua dây: Có 5 câu thôi mà các bạn cũng không chịu học nữa, nhác quá…

MINH THI: Không dám đâu. Mình có học nhưng do không hiểu nên…

NHẬT NAM: Câu gì? Nói mình giải thích cho!

MINH THI: Câu 1 đó: Tại sao lại nói bí tích Thánh Thể là tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thánh giá? VẺ MẶT SUY

TƯ: Mình thật sự không hiểu. Chúa Giêsu ở trên thánh giá rồi thì làm sao mà cử hành Thánh lễ được? Vậy tại sao lại nói bí tích Thánh Thể là tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thánh giá?

NHÓM BẠN: Ừ, đúng rồi! tại sao lại nói vậy nhỉ?

MINH THI: Mấy bạn cũng biết đấy, chỉ trong Thánh Lễ bí tích Thánh Thể mới được cử hành thôi. Mà ngày nào cũng có Thánh Lễ hết, nên ngày nào bí tích Thánh Thể cũng được cử hành hết.

CẢ NHÓM: Đúng rồi!

MINH THI: Nói vậy thì ngày nào Chúa Giêsu cũng tiếp tục lễ hy sinh hết à?

Nghĩa là ngày nào Chúa cũng chịu chết lại lần nữa (giọng nhần mạnh) để cứu độ mình sao?

CẢ NHÓM nhốn nháo: Chúa chỉ chịu chết có một lần thôi.

MINH THI: Đúng vậy!

NHẬT NAM: Nếu vậy thì…thì…

CẢ NHÓM: Thì sao?

CẢ NHÓM nhìn nhau.

KHÁNH TRÌNH lên tiếng:  Bạn Minh Thi nói có lý…vì khi cha dâng lễ thì đó là lễ do cha dâng chứ có phải của Chúa dâng, phải không? Vậy mà sách lại nói là tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Giêsu. Chẳng lẽ sách viết sai?

CẢ NHÓM đồng thanh: Không có đâu. Sách Giáo lý các cha, các sơ viết, làm sao sai được.

KHÁNH TRÌNH: Nhưng mà Chúa Giêsu chịu chết cách đây hơn 2000 năm rồi!

CẢ NHÓM: Vậy thì Chúa làm sao mà cử hành bí tích đó trong Thánh Lễ được?

KHÁNH TRÌNH: Nhưng sách lại viết như vậy.

NHẬT NAM: Để mai mình hỏi chị dạy giáo lý lớp mình. Chị giỏi lắm. Còn nếu chị không biết thì mình đi hỏi cha. Chắc chắn cha biết.

CÁT TƯỜNG nhìn Khánh Trình: Mà Chúa Giêsu không phải chịu chết cách đây hơn 2000 năm đâu Trình. Bạn phải nói là gần 2000 năm mới đúng.

KHÁNH TRÌNH: Nhưng năm này là năm 2013 mà. Tường không nhớ người ta lấy mốc năm đầu tiên làm lịch là năm Chúa Giêsu sinh ra sao?

THỦY TIÊN, CÁT TƯỜNG: Nhưng 30 tuổi Chúa mới đi rao giảng, 33 tuổi Chúa mới bị người ta hại mà. Trình tính lại đi!

CẢ NHÓM: Ừ, mấy bạn ấy nói đúng đấy Trình…

MINH THI: Các bạn, quan trọng là câu 1, phải hiểu sao cho đúng đây?

“Bí tích Thánh Thể là gì?… Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình và Máu

Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.”

Tại sao lại nói Bí tích Thánh Thể là bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình và Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta chứ?

CẢ NHÓM im lặng.

KHÁNH TRÌNH: Bạn Thi không hiểu chuyện đó còn mình thì không hiểu chuyện này…

MINH THI nhanh nhẩu: Chuyện gì vậy?

KHÁNH TRÌNH: Khi cha đọc lời truyền phép thì bánh với rượu liền trở thành Mình Máu Thánh Chúa Giêsu phải không?

MINH THI: Uh đúng rồi…mà sao?

KHÁNH TRÌNH: Mình thấy lạ là lời truyền phép đó là do cha đọc. Mà cha thì đâu có quyền năng, vậy mà nói là lời truyền phép đó làm cho bánh với rượu biến thành Mình Máu Chúa, thành chính Chúa Giêsu…

CẢ NHÓM: Thì do ơn Chúa Thánh Thần đó

CÁT TƯỜNG nhìn Trình: Trình không nhớ sao?…khi ở trong nhà tiệc ly, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi cầm lấy bánh rượu, chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” đó; rồi Chúa cũng cầm lấy chén rượu nói là: “Tất cả các con cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Đó! chính đó là lúc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể chứ đâu có phải cha lập.

CẢ NHÓM: Cho nên mỗi lần cha dâng Thánh lễ, cha đọc lại lời ấy của Chúa Giêsu thì lập tức chính Chúa Thánh Thần ban ơn để biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Giêsu mà dâng lên Thiên Chúa Cha chứ có phải là các cha ban ơn đâu.

KHÁNH TRÌNH cười: Thì ra là do ơn Chúa Thánh Thần há?! Hihi, mình không để ý lúc chị giảng nên…

THỦY TIÊN ngắt lời: Ê, vậy thì thần tính là chi? Mình học câu số 3 mà không hiểu.

THỦY TIÊN đọc lớn: Câu 3. Hỏi. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể thế nào?

Thưa. Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh rượu cách thực sự và toàn vẹn cùng với linh hồn và Thần tính của Người.

MINH THI nghe xong thì cười tủm tỉm nói: Hôm qua, chị dạy giáo lý mình hỏi Chúa Giêsu là ai? Mấy bạn biết mình trả lời sao không?

CẢ NHÓM: Bạn trả lời sao?

KHÁNH TRÌNH: Mình trả lời rằng Chúa Giêsu là Con Một của Chúa Cha.

CẢ NHÓM: Ừ, đúng rồi.

MINH THI: Mà Chúa Giêsu cũng là người con duy nhất của Đức Mẹ nữa.

CẢ NHÓM: Ừ, đúng rồi.

MINH THI: Như vậy, Chúa Giêsu vừa là Con Một của Chúa Cha vừa là người con duy nhất của Đức Mẹ.

CÁT TƯỜNG: Đúng rồi! Vậy mới nói Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Do vừa là Thiên Chúa, vừa là con người nên Chúa Giêsu cũng có linh hồn và thân xác, như tụi mình có linh hồn và có xác vậy.

THỦY TIÊN cắt ngang: Nhưng mà mình đang hỏi về thần tính. Thần tính là gì?

MINH THI: Linh hồn và thân xác là bản chất của con người. Đã là người thì ai cũng có. Còn thần tính thì chính là bản tính Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa Cha mới có thôi. Trong Kinh tin Kính tụi mình thường đọc trong Thánh lễ, các bạn không nhớ có câu: Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành sao?

CẢ NHÓM: Vậy thì…do Chúa Giêsu là Con Một của Chúa Cha nên Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha? Thần tính chính là bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu?

CÁT TƯỜNG: Chính xác!

THỦY TIÊN: Vậy là trong Chúa Giêsu vừa có linh hồn và thân xác của một người bình thường như tụi mình, vừa có bản chất của một Thiên Chúa há?

MINH THI: Ừ, bản chất của một Thiên Chúa mà Tiên nói được diễn tả bằng từ “thần tính” trong sách đấy.

CẢ NHÓM: Các bạn. Tụi mình chơi nhảy dây tiếp đi.

NHẬT NAM: Còn câu 1 mai mình sẽ hỏi chị.

CẢ NHÓM: Ừ. Nam cố gắng hỏi cho rõ để giải thích cho tụi mình luôn nhé!

NHẬT NAM: Ok.

CẢNH 4: 

THANH ĐẠT, một bạn nhỏ không cùng lớp giáo lý xuất hiện

THANH ĐẠT: Các bạn cho mình chơi nhảy dây với!

THỦY TIÊN đại diện nhóm: Đạt oẳn tù tì với hai bạn kia đi. (Nói rồi Tiên chỉ sang Nhật Nam, Thùy Linh)

NHẬT NAM, THÙY LINH lắc đầu: Thôi! Tụi mình không tù tì đâu. Hắn chơi gian lắm.

MINH THI giọng ngạc nhiên: Thật sao? Mình nghe nói bạn ấy học tốt lắm mà.

THÙY LINH: Học tốt nhưng chơi không đàng hoàng đâu. Có lần đang lượt hắn bị, hắn viện cớ là đau bụng bỏ về đấy.

NHẬT NAM: Đúng đấy!

THANH ĐẠT: Cho mình chơi đi. Mình không ăn gian nữa. Mình hứa.

NHẬT NAM: Không! Không là không!

THÙY LINH: Để hắn ngồi đó coi đi!

CẢ NHÓM nhìn sang Linh, Nam: Tội nghiệp bạn ấy…cho bạn ấy chơi đi!

THÙY LINH: Không cho! Nếu cho chơi thì phải vô bị

NHẬT NAM nhìn Đạt: Chịu không?

THANH ĐẠT cúi mặt bỏ đi.

NHẬT NAM: Kệ bạn ấy đi.

CẢ NHÓM im lặng.

THÙY LINH: Lên cành đầu rồi. Các bạn nhảy không qua là vào đây thay thế chỗ mình đấy.

KHÁNH TRÌNH: chà chà, mình nhảy trước. Coi bộ hơi cao à nghen!

(Chơi được một lúc)

THỦY TIÊN đột nhiên reo lên: Ui! Nói vậy thì…

CẢ NHÓM dừng lại.

THỦY TIÊN tiếp: Bạn nói việc Chúa Giêsu vừa là Thiên chúa vừa là con người đấy. Khi tụi mình được rước lễ chính là lúc mình được rước lấy Chúa Giêsu với trọn vẹn linh hồn và thần tính của Người…

CẢ NHÓM:  Đúng vậy!

CÁT TƯỜNG, MINH THI: Chao ôi!

(Cả nhóm cùng “ôi” lên một tiếng rồi dừng lại. Bỗng nhiên, không ai bảo ai, Nhật Nam, Thùy Linh vụt chạy theo hướng đạt đi lúc nãy).

THÙY LINH, NHẬT NAM: Đạt ơi, Đạt ơi! Bạn đến chơi nhảy dây đi. Đạt ơi, Đạt ơi!

THANH ĐẠT: Có chuyện gì vậy?

NHẬT NAM: Tụi mình xin lỗi. Tụi mình không cho Đạt chơi chỉ vì…

THÙY LINH: vì lần trước Đạt gian quá! Tụi mình giận lắm.

THÙY LINH, NHẬT NAM: Nhưng tụi mình nghĩ lại rồi…lần này là lần này, hôm nay là hôm nay…Tụi mình không tính chuyện cũ nữa, Đạt đến chơi đi.

THANH ĐẠT: Mình…mình cũng có lỗi. Mình xin lỗi. Mình không như vậy nữa đâu.

NHẬT NAM, THÙY LINH: Ừ, vậy thì đi đi! Đi tới với tụi mình. Cả nhóm đang đợi đấy.

CẢNH 5: 

Nhóm nhỏ đang chơi thì cha phó xuất hiện

CẢ NHÓM: Cha ơi! cha ơi!…

CHA PHÓ: Chào mấy con…mấy con chơi nhảy dây há?

CẢ NHÓM: Dạ, hihi, tụi con chơi vui lắm. Tụi con nhảy lên đến cành đầu rồi cha.

CHA PHÓ: Cành đầu há?

CẢ NHÓM: Dạ, là bỏ sợi dây trên đầu như vậy cha này…rồi các bạn lần lượt nhảy qua. Ai nhảy không qua là chết.

CHA PHÓ: Chết là vô bị, không được nhảy mà phải giữ sợi dây cho bạn khác nhảy phải không?

CẢ NHÓM: Dạ phải. Lúc nhỏ cha có chơi trò này không cha?

CẢ NHÓM: Cha nhảy có qua được cành đầu không?

CẢ NHÓM: Cha nhảy hay không cha?

CHA PHÓ: Hihi, cha không biết nhảy. Cha nhảy lần nào là chết lần ấy. Cha chơi tệ lắm!

CẢ NHÓM: Vậy thì cha chơi trò gì giỏi nhất?

CHA PHÓ: Ưhm, trò bắn bi. Tụi con có chơi trò đó không?

KHÁNH TRÌNH: Dạ có. Hihi. Con bắn hay nhất đấy cha. Lúc nào con cũng thắng cả.

ĐẠT, NAM: Tụi con cũng chơi hay lắm cha, ném banh xỉu đấy. Lúc nào tụi con cũng ném trúng các bạn hết. Hihi.

CHA PHÓ: Hihi, tụi con thích chơi ở sân Nhà Thờ lắm phải không? Ngày nào cha cũng nghe tiếng tụi con cười…cha cũng thấy

vui lây!

CẢ NHÓM: Hihi, dạ

CHA PHÓ: À, mà khi hồi cha thấy mấy đứa con tranh luận chuyện chi há?

CẢ NHÓM: Dạ tụi con tranh luận mấy câu giáo lý…tụi con hiểu hết rồi ngoài trừ câu số 1.

CHA PHÓ: Câu 1?

CÁT TƯỜNG, MINH THI:  Dạ. Tụi con học là bí tích Thánh Thể Là Bí tích do Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.

CẢ NHÓM: Nhưng tụi con không hiểu

CHA PHÓ: Không hiểu? không hiểu chỗ nào con?

CÁT TƯỜNG: Chúa Giêsu khi xưa hy sinh chịu chết trên thánh giá để đền tội thay mình, để cứu độ mình cha hấy!?.

CHA PHÓ: Uh, đúng rồi!

MINH THI: Nhưng đó là chuyện lúc xưa, Chúa chỉ chết một lần chứ đâu có phải ngày nào Chúa cũng chết đâu…mà con thấy ngày nào cha hoặc cha sở, hoặc cha Dũng, cha Trung cũng có làm lễ…vậy thì ngày nào bánh rượu thành cũng được biến thành Mình Máu Chúa trong Thánh lễ…

MINH THI: Mà như vậy thì chứng tỏ ngày nào Chúa Giêsu cũng bị đóng đinh hết.

CẢ NHÓM: Tụi con không hiểu chỗ đó

CHA PHÓ mỉm cười: Hì, mấy con ngồi xuống đây cha nói cho

CHA PHÓ: Mấy con biết Chúa Giêsu chỉ chịu chết một lần trên thánh giá là giỏi lắm. Thánh Phao Lô cũng khẳng định cho mình Chúa Giêsu chỉ chịu chết một lần là đủ. Chúa chỉ chịu chết trên thánh giá một lần. Ơn cứu độ từ một lần chịu chết đó tồn tại mãi mãi, trọn vẹn, đầy tràn, không bao giờ bị mất đi.

Cả nhóm chăm chú.

CHA PHÓ tiếp: Mỗi lần cha dâng thánh lễ thì chính là lúc Chúa Giêsu, một cách thiêng liêng mắt mình không thấy được, tiếp tục hiến tế chính Người để ban ơn cứu độ cho mình.

CẢ NHÓM: Hiến tế tức là Chúa Giêsu chịu bị giết thêm lần nữa cha há?

CHA PHÓ: Ừ, đúng vậy.

CẢ NHÓM: Nhưng cha…cha vừa nói…

CHA PHÓ: Hihi, từ từ nào các con…Nhưng là một cách thiêng liêng.

CẢ NHÓM: Một cách thiêng liêng?

CHA PHÓ: Ừ. Thiêng liêng tức là mắt mình không thấy nhưng vẫn xảy ra, vẫn có. Chúa Giêsu tự nguyện chịu chết thêm lần nữa một cách thiêng liêng.

CHA PHÓ: Các con biết không…khi cha dâng THÁNH LỄ, nhất là lúc cha đọc lời truyền phép chính là lúc Chúa Giêsu tự nguyện chịu chết thêm lần nữa, vì tội lỗi của mình, để dâng lên Chúa Cha lời cầu xin tha tội cho mình…nhưng không phải Chúa chịu chết một cách hữu hình trên thánh giá như xưa mà là một cách vô hình. Mắt cha, mắt con, mắt của mấy đứa con nữa đều không nhìn thấy được…

CÁT TƯỜNG: Vậy cứ mỗi lần cha hoặc cha sở, cha Trung, cha Dũng dâng lễ là Chúa Giêsu lại tự mình chịu chết thêm lần nữa mà mình không thấy thôi cha há?

CHA PHÓ: Ừ

MINH THI: Cha ơi, vậy đó là lúc Chúa tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá đó phải không cha?

CHA PHÓ: Ừ, đúng rồi con.

Chúa lại tự nguyện chịu chết thêm lần nữa một cách vô hình, cha con mình không thấy được để mời gọi mình trở về với Chúa. Nhất là Chúa Giêsu cũng tự nguyện trở nên tấm bánh để mình ăn vào để được ở trong Chúa mãi mãi.

CÁT TƯỜNG: Cha ơi, Chúa Giêsu vừa là người vừa là Chúa. Chị giáo lý viên của con dạy là khi tụi con rước lễ tức là tụi con được rước Chúa, được rước cả hồn cả xác Chúa, cả nhân tính lẫn thiên tính.

CẢ NHÓM: Vậy là tụi con được rước tính làm Chúa của Chúa Giêsu luôn há cha?

CHA PHÓ: Ừ.

CÁT TƯỜNG, MINH THI: Vậy là tụi con thành Chúa luôn?!!!

CẢ NHÓM: Có đúng vậy không cha?

CHA PHÓ: Đúng rồi.

CẢ NHÓM: Chao ôi! Kinh khủng quá!

CHA PHÓ: Khi các con được rước Lễ thì không phải là được ăn bánh bình thường mà là được ăn chính Con Một Thiên Chúa. Đó cũng chính là lúc mấy con được đón rước Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thánh Thần vào lòng đấy.

CẢ NHÓM: Chao ôi!

CHA PHÓ: Thiên Chúa đến thì kể như cả vũ trụ Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao đều ở hết trong tâm hồn các con rồi còn gì…

CẢ NHÓM: Chao ôi!

CHA PHÓ: Bởi vậy nên mới gọi lúc được rước lễ là lúc được ăn bánh Thiên Thần

CẢ NHÓM: Chao ôi!

CHA PHÓ: Bởi vậy tụi con phải chuẩn bị tâm hồn thật sạch tội, cố gắng có tâm tình yêu mến Chúa để khi Chúa ngự vào thì Chúa thấy tâm hồn các con xứng đáng.

NHẬT NAM: Cha ơi, vậy con lỡ phạm tội rồi thì sao?

CHA PHÓ: Thì con phải đi xưng tội.

CHA PHÓ: Giáo xứ mình có xưng tội mỗi chiều thứ 7, các con cố gắng đi xưng tội nhé!

MINH THI: Và không được gây bậy với bạn, không được hỗn hào với ba mẹ phải không cha?

THÙY LINH, NHẬT NAM: Không được ích kỷ với người khác nữa phải không cha?

CHA PHÓ: Ừ, hì hì. Nói chung là tụi con phải sống yêu thương mọi người và chu toàn việc bổn phận của tụi con…

CẢ NHÓM: Vậy là không được nhác học bài nữa phải không cha?

CHA PHÓ: Ừ, nếu con không chịu học mà đi nhìn bài bạn thì không được.

CẢ NHÓM: Tụi mình phải thay đổi thôi.

CẢNH 6: 

Nhật Nam nhìn thấy bé Phương đằng xa.

NAM chạy lại: Em ơi, cho anh xin lỗi chuyện lúc nãy nhé. Anh cho em cái kẹo nè.

BÉ PHƯƠNG: Hihi, cám ơn anh.

NAM: Ừ, anh cũng vậy. Cám ơn em

HỒNG ÂN cũng nhìn thấy chị gái đằng xa: Chị, chị lên đây học bài hả?

CHỊ GÁI bước tới gần: Ừ, nhà mình ồn quá chị lên đây học cho yên tĩnh…con chào cha.

CHA PHÓ: Chào con. Năm ni con thi vào Đại Học hả?

CHỊ GÁI: Dạ

HỒNG ÂN đột nhiên kéo tay áo chị: Chị, em…em xin lỗi…

CHỊ GÁI ngạc nhiên: Chuyện gì vậy em?

HỒNG ÂN lấy tiền từ trong túi: Tờ…tờ tiền của chị đây này…

CHỊ GÁI: Ui, sao …8000đ? Em lượm của chị và mua hàng rồi phải không?

HỒNG ÂN cúi mặt xuống đất: Dạ….em…

CHA PHÓ: Con bỏ lỗi cho em đi con! Nó biết nhận lỗi vậy là tốt rồi. Để cha đổi cho con tờ 50 000 nhé? Con đưa 8000 đó cho cha.

CHỊ GÁI từ chối: Dạ thôi. Không có gì đâu cha.

CHA PHÓ: Cha biết là không đáng gì nhưng con nhận cho em con đỡ lo.

CHỊ GÁI: Dạ…vậy thì con xin nhận… Con cảm ơn cha.

HỒNG ÂN: Con cám ơn cha

CHA PHÓ: Hihi. Tụi con chơi tiếp đi, cha đi đây

CẢ NHÓM đồng thanh : Dạ tụi con chào cha

CHA PHÓ nói vọng lại đằng sau: Mà nhớ học thuộc bài nghe mấy đứa con

CẢ NHÓM đồng thanh: Dạ. Chúng con sẽ thuộc. Cha yên tâm.

Mã số 13-027

KHI CHÚA THƯƠNG…

Có lẽ đêm nay là đêm cuối cùng của tôi trên dương gian này! Cách đây một tháng, căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát và tôi biết đã đến lúc tôi phải lên đường, từ giã cuộc sống lữ hành trần gian… Bác sĩ chẩn đoán căn bệnh của tôi không kéo dài hơn một tháng. Chúa ơi, lẽ nào giờ đây tôi đang phải trải qua những giây phút sau cùng của đời mình? Thân xác tôi càng lúc càng mệt hơn…!

Tôi cố đưa mắt nhìn lại thân xác mình lần cuối cùng. Cái thân xác mà trước đây ngày nào tôi cũng kề cận, nhưng chưa khi nào nhìn kỹ như hôm nay. Tôi không muốn lìa xa nó chút nào. Giờ tôi mới nghiệm được thế nào là từ: chết!

Hơn 25 năm trong đời sống linh mục, tôi đã chứng kiến biết bao cái chết, đã giảng biết bao bài giảng lễ an táng, đã khuyên nhủ biết bao tang quyến. Thế mà hôm nay tới lượt mình, tôi lại thấy lo sợ! Có lẽ tôi không sợ cái chết cho bằng sợ cảm giác đánh mất chính mình. Đúng hơn, tôi không muốn giã từ cuộc sống này, tôi vẫn muốn làm con người!

Tôi bắt đầu nhớ lại hành trình cuộc đời mình, khởi đầu từ những trường hợp khó quên trong cuộc sống linh mục. Một ông lão mắc bệnh lao giai đoạn cuối. Ông phải ở trong  một căn phòng như cái chuồng gà. Con cái phải dựng cho ông một cái chòi để ở riêng. Nền nhà thay vì tráng xi-măng hay gạch hoa như thường lệ, thì lại được rắc cát trắng vào để dễ hút mùi hôi tanh sau những lần thổ huyết của ông.

Tôi nhớ lúc đó là hơn 12h đêm, tiếng gõ cửa nhà xứ dập dồn, tôi mở ra thì thấy con trai lớn của ông.

Ba con sắp đi rồi cha, xin cha tới ban phép xức dầu cho ba con.

Tôi vội vã sửa soạn hành trang rồi theo anh ta. Cách “cái chuồng” của ông vài chục mét đã nghe mùi tanh tanh rồi. Tôi xin một cái bàn, trải khăn thánh, thắp nến, đặt Thánh Giá và Mình Thánh Chúa.

Chào ông, tôi mang Chúa đến với ông đây.

Xin Cha đừng vào chỗ này, kẻo lây bệnh đó. Ông nói trong tiếng nấc.

Không sao, ông cứ yên tâm.

Mọi người cũng khuyên tôi là không nên vào, vì đây là giai đoạn cuối của căn bệnh lao và là thời kỳ dễ lây nhiễm nhất. Tôi cũng hơi run, nhưng làm sao bây giờ, không vào thì làm sao giải tội được. Tôi không nói gì, lặng lẽ bước vào ngồi bên cạnh ông.

Ông dọn mình rồi xưng tội để đón Chúa nhá.

Dạ!

Tôi giúp ông xét mình và ông bắt đầu xưng tội. Nửa chừng, một cơn nấc dữ dội bộc lên, ông thổ huyết. Máu phụt ra và ướt hết nửa khuôn mặt của tôi. Mọi người đứng phía ngoài cũng ồ lên một tiếng rõ to, ai cũng lo lắng cho tôi và … tôi cũng lo lắng không kém. Tôi nhẹ nhàng đưa tay vào túi áo dòng  rút chiếc khăn lau vết máu trên mặt, rồi ôn tồn:

Không sao, ông hãy tiếp tục!

Con xin lỗi. Nói rồi, ông tiếp tục xưng tội một cách xác tín và thánh thiện.

Sau khi cho ông lãnh các bí tích sau cùng, tôi về tới nhà xứ đúng 2h sáng. Tôi chạy ngay vào nhà vệ sinh rửa mặt thật kỹ, chà đi chà lại mà lòng vẫn lo lắng.
Cốc, cốc, cốc… lại có tiếng gõ cửa.

Tôi bước ra thì con trai lớn của ông báo tin là ông đã về với Chúa trong tình trạng rất thánh thiện. Tôi lẩm nhẩm điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về…” và lên giường ngủ, lòng rất an vui và nhẹ nhõm.

Giờ đây không biết ông lão trên thiên đàng có nhớ tôi không. Tôi lo lắng. Lúc này, tôi đang đi đoạn đường cuối mà ông đã đi qua. Tôi cũng muốn cất tiếng hát “khi Chúa thương…” nhưng sao khó quá. Tôi hát không nổi. Tại sao hát điệp khúc này cho người khác thì dễ, mà hát cho chính mình khó thế? Và rồi, một trường hợp khác lại xuất hiện trong đầu tôi. Nhà ấy có một đứa con trai, vừa ngoan hiền vừa giỏi giang. Thi đậu vào lớp 10 trường công lập xong, thằng nhỏ xin ba mẹ đi chơi suối với chúng bạn, rồi bị vấp ngã chết. Người mẹ ngồi bên cạnh xác con với khuôn mặt lạnh tanh ngây dại, đôi mắt khô rang đăm đăm không buồn chảy một giọt nước. Có lẽ đối với bà, nước mắt lúc này cũng trở nên vô nghĩa với nỗi đau mà bà đang gánh chịu.

Nghe tin, tôi ghé tới trong tư cách bổn phận của người chủ chăn để hiệp thông chia sẻ và cầu nguyện cho con bà. Trong khi cộng đoàn hát tới điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về….” thì người mẹ bộc phát: thương gì lạ vậy mà thương! Ai cũng giật mình khi nghe bà nói, nhưng rồi mọi người đều im lặng như để an ủi bà. Vì lúc này, cho dù là ai và cho dù có khuyên gì đi nữa cũng không lấp nổi nỗi đau này.

Tôi bắt đầu nhớ lại những bài học trong Đại Chủng Viện, đặc biệt là môn cánh chung luận. Khi đó chúng tôi bàn luận và tranh cãi rất sôi nỗi về những sự sau cùng: chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Sao lúc ấy tôi bàn luận hăng say và sôi nổi đến thế. Chắc là lúc ấy tôi còn rất trẻ và có cảm giác là cái chết còn rất xa. Nếu bây giờ được sống lại giây phút ấy chắc tôi không dám nói gì nhiều. Mà đâu phải riêng tôi, hình như con người là như thế. Khi mình còn trẻ, có khi nào nghĩ tới cái chết đâu. Hồi đó, mỗi buổi sáng chạy bộ ra bãi biển Nha Trang, tôi chỉ thấy toàn người già đi tập thể dục. Điều này như minh chứng cho điều mà người đời thường nói: tuổi già mới sợ cái chết!

Tôi tiếp tục nhớ lại những bài giáo lý vỡ lòng. Những hình ảnh về cuộc giao tranh giữa Thiện và Ác mà các soeurs dạy giáo lý minh họa cho trẻ con dễ nhớ bài. Rồi tới những bài hát trong lễ đám tang. Có một điều tôi vẫn khó hiểu là tại sao giáo lý dạy chết là cuộc trở về với Cha trong hân hoan, nhưng trong lễ an táng, tôi không thấy mang chút âm hưởng gì của sự hân hoan ấy. Từ cách trang trí bàn thờ, cho tới lễ phục của chủ tế, thậm chí là những giai điệu của thánh ca phụng vụ lễ an táng cũng mang âm hưởng trầm buồn. Lúc còn trẻ, tôi cũng từng thấy khó chịu về cách bài trí như thế. Nhưng giờ này, tôi lại thấy thấm thía hơn, không biết tại sao nữa.

Trời ơi, sao hôm nay tôi lại suy nghĩ những chuyện vu vơ thế nhỉ? Con người tôi đang bị giằng co dữ dội giữa sự lưu luyến và sự từ bỏ. Dù không muốn nhưng sự quyến luyến vẫn xuất hiện trong tôi. Tôi nhớ giáo dân của tôi quá chừng. Những bàn tay chai sạm, những nét mặt đen đủi với những nụ cười nhăn nheo của họ đã thắp cho tôi bao nhiêu hy vọng. Giờ đây, tôi chuẩn bị lìa xa tất cả. Cả cuộc đời linh mục của tôi, đi không cần hành trang, đến không cần điểm tựa. Vậy mà lúc này tôi cảm thấy ra đi khó quá chừng. Tôi cố hít một hơi thật sâu và thả lỏng toàn thân tối đa như là một chiến thuật trên bước đường từ bỏ. Nhưng ôi, sao khó quá! Tôi bắt đầu kêu xin Thầy tôi trợ giúp “lạy Thầy Giêsu, xin giúp con biết từ bỏ chính mình để theo Người mãi mãi, và giúp con hát lên điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về…” bằng cả trái tim”!

Tôi đang suy nghĩ miên man thì tiếng trẻ con văng vẳng cất lên:
Thiên đàng địa ngục hai quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng.

Bài đồng dao của trẻ con đang chơi đùa trong sân giáo xứ đưa tôi về lại với tuổi thơ của mình. Tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Bầu trời vẫn cao cao. Các vì sao lấp lánh như đang vẫy chào tôi. Tôi mĩm cười mà nước mắt lưng tròng.

Reng, reng, reeennnggg…

Tiếng đồng hồ báo thức điểm 3h30 sáng. Tôi giật mình tỉnh giấc. Hóa ra, nãy giờ tôi đang mơ một giấc mơ thật dài. Tôi hít một hơi thật sâu để định thần lại mình đang ở đâu. Tôi làm dấu thánh giá dâng ngày cho Chúa. Sau đó, tôi chuẩn bị mọi thứ để dâng thánh lễ. Thánh lễ sáng nay là lễ an táng cho một thanh niên trong giáo xứ mới bị tai nạn giao thông hôm trước, để lại người vợ trẻ măng và hai đứa con nhỏ xíu. Và một câu hỏi lóe lên trong đầu tôi: Có nên khởi đầu bài giảng bằng điệp khúc quen thuộc “khi Chúa thương gọi tôi về…” nữa hay không?

Mã số 13-028

ĐIỀU KỲ DIỆU

Nó nói sẽ về, không cần chờ đến tết. Về xem mặt mẹ nó có tươi như giọng nói trong điện thoại không, xem bố nó có thiệt là hết những bước đi ngả nghiêng mỗi chiều không. Xem lại ngỏ sau cỏ đã mọc che lối đi chưa.

Cửa sau nhà từng là lối thoát hiểm để mẹ con nó tránh những trận đòn của ông bố. Những chiều về nhà sau cơn say, bố nó hay nhớ bài lai của nhóm bạn nhậu “vợ mày không biết đẻ, toàn là vịt bầu”, rồi quay sang bắt mẹ con nó quỳ, không nghe lời thì đánh tơi tả… Sáng mai tỉnh dậy, nhìn mấy mẹ con ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra hết trơn hết trọi. Lãnh đòn hoài mẹ nó đâm ra kinh nghiệm. Chiều xuống, nghe tiếng xe Minsk rịn trước cổng là biết ông bố đã say, mấy mẹ con dắt díu nhau theo lối ngỏ sau về xóm dưới tránh đòn. Mấy bữa đầu không thấy vợ con trong nhà, bố nó tưởng đi đâu vắng, rồi quay sang chửi đổng như Chí Phèo chửi cái làng Vũ Đại vậy. Hàng xóm bữa đầu nghe thấy ngộ, chạy sang xem, sau riết rồi cũng quen, hễ nghe tiếng chửi là biết mấy mẹ con nó đã thoát đòn. Sau này say về không thấy mẹ con trong nhà, bố nó xuống xóm dưới tìm. Xóm dưới có nhà bác Năm là an toàn cho mẹ con nó ẩn trốn. Nhà bác Năm không giàu không nghèo, tử tế và gia phong, có uy tín trong xóm. Dù say nhưng bố nó vẫn nể nang đôi phần, không dám lên tiếng trong nhà bác Năm. Có hôm, mấy mẹ con trốn trong buồng nghe bác Năm nói, mầy bớt rượu chè lại đi, để vợ con nó khổ hoài, còn bố nó thì gật gù dạ lia lịa. Nhưng hôm sau vẫn say với mấy ông bạn nhậu, say rồi lại tìm mấy mẹ con chửi. Có hôm mẹ nó đang dỗ đứa em út khóc oang oang, còn hai chị em chơi trước sân, bỗng bố nó về, mẹ bế đứa út chạy thoát còn hai chị em bị bắt quỳ trước hiên, thỉnh thoảng ông liếc mắt qua thấy đứa nào quỳ nghiêng ngả, ngồi bệt xuống vì mỏi hai đầu gồi là cho mấy bợp tai. Hai đầu gối nó rướm máu vì quỳ lâu giờ dưới nền đất. Khi ông say như một con ma điên dại, hai mắt đỏ lườm lườm, đi ngả nghiêng. Dù kinh nghiệm nhưng cũng có lúc mẹ nó thoát hiểm không kịp vì tay dắt díu con nhỏ. Bữa đó, mẹ nó sưng tím mặt mày. Có chiều đang lặt rau, vo gạo ở sau nhà nghe tiếng xe rịn rịn ngoài đường của ông nào đó, mẹ nó giật mình xốc ngược con bé út chay tóa lỏa ra xóm sau, chiều về thấy ông bố ngồi đói co ro trong tội nghiệp.

Lớn lên tuổi mười 17, biết nghĩ một chút, nó thương mẹ dễ sợ. Thương mẹ đâm ra ghét cái mùi rượu, ghét những cơn say của ông bố, ghét những cú chỏ, cú đấm làm mẹ nó bầm dập mình mẩy. Nó dành dụm được số tiền quà vặt mua cái bánh sinh nhật. Buổi cơm trưa có đủ bố mẹ, nó đem bánh kem ra nói là hôm nay sinh nhật mẹ. Bố nó mừng. Mừng vì con gái đã lớn biết lo cho mẹ, bù đắp phần nào mà ông đã không làm cho mẹ nó. Bình thường bố nó cũng tử tế đâu có tệ lắm, chỉ có lúc say không biết ma biết Phật gì hết. Nhưng khổ cái say nhiều hơn tỉnh. Nó bảo mẹ ước một điều, ngày sinh nhật thì điều ước linh thiêng và dễ thành hiện thực. Ngập ngừng rồi mẹ nó hỏi:

– Có thiệt là điều ước sẽ thành hiện thức không con?

– Thiệt đó mẹ.

Những làn máu đỏ chạy dưới lớp da dồn lên khuôn mặt đỏ bừng, bố nó nín thinh chờ điều ước của mẹ nó. Sợ mẹ nó ước một điều mà ông không thể nào thực hiện được.

– Ước gì nhà mình lần hạt chung vào buổi tối trong mùa Mân côi này.

Dứt lời, hai bố con nhìn nhau ngơ ngác, rồi bố nó thở ra nhẹ nhõm như bữa ngồi uống rượu qua tua không ai phát hiện. Nó và bố nó biết đáng lẽ mẹ nó nên ước điều gì, ước ông bố sẽ không uống rượu. Việc lần hạt thì quá khó đối với bố nó nhưng thà vậy còn hơn bỏ rượu. Ông đồng ý lần hạt nhưng một tuần duy vào tối Chúa nhật thôi (có lẽ tối này là ông chắc chắn tỉnh rượu vì chủ Nhật không tụ tập với bạn nhậu xe ôm). Mẹ nó cố nài lần chuổi thêm ngày Thứ Năm nữa. Nó không thích đọc kinh nhưng để mẹ vui, nó miễn cưỡng đồng ý với bố nó.

Hôm nó đi học về với mấy đứa bạn, đạp ngang qua bến xe, nghe mấy ông bạn bố nó nói: “Thằng Quang (bố nó) hình như bác sĩ khám bị ung thư hay gan gì đó nên rủ nó nhậu mà lơ hoài. Nó định dừng xe lại vào nói bố nó chẳng ung thư, hay bị gan gì hết, không uống rượu là để giữ tỉnh táo đọc kinh tối với gia đình, bố nó đã hứa với mẹ nó hôm sinh nhật mẹ nó vậy.

Nó vào Sài Gòn học Đại học, đứa em kề cũng vào cấp ba ở nhà trọ tháng về một lần. Gia đình chỉ còn ba, mẹ và đứa em út. Nó rỗi vào buổi tối, thỉnh thoảng nhớ gia đình gọi hỏi thăm bố mẹ. Bạn bè khen nó hiếu thảo, chắc là gia đình nề nếp đầm ấm lắm nên nhớ nhung hay gọi về gia đình, chẳng giống như tụi nó, tháng nào bố mẹ gọi hai lần là càm ràm rồi. Bạn nó đâu có biết gọi nhiều mà gặp được thì ít đâu. Hôm mẹ nó gọi lên bảo, bữa nay đừng gọi điện vào ban đêm nữa, tối nào cả nhà cũng đọc kinh chung nên không bắt máy được. Mẹ nó còn khoe dạo này mở quán nước mía trước trường học, đông khách lắm, bố cũng phụ nên cũng không rảnh chạy xe. Thỉnh thoảng mấy ông bạn xe ôm có ghé qua quán, hôm thì mang theo con rắn mới đập trên đường, hôm thì mang sẵn mồi đã chế biến rủ bố đi làm ít ly nhưng thấy bố bận bịu quá nên ngồi nói chuyện thời sự chút ít rồi đi luôn. Bố bữa nay bỏ rượu luôn rồi, kinh nguyện sốt sắng lắm, sắp tới bố dự tính sẽ nấu ăn tổ chức sinh nhật cho mẹ đó. Nó định nhảy dựng lên ôm choàng mẹ và nói “ mẹ thật tuyệt vời”, nhưng chợt nhớ mình đang nói chuyện qua điện thoại. Nó vui hơn bữa nhận tin được học bổng cuối kỳ. Nó chưa bao giờ vui như vậy.

Nó nhận tiền học bổng ở trên khoa xong liền chạy ra bến đón xe về quê, xem có thiệt như mẹ nó nói không và cũng hỏi bố nó cách nào mà bỏ rượu được hay vậy. Bố nó nói: “Ban đầu đọc kinh vì lời hứa (bố nó trọng lời hứa), đọc kinh rồi cầu nguyện, cũng xin cho được lòng yêu vợ yêu con. Cầu nguyện vậy, nên khi cầm ly rượu với nhóm bạn lại nhớ lời ước, khi ấy chợt nghĩ chẳng phải mình hay xin Chúa bỏ rượu đó sao, xin nhưng mà cũng phải có quyết tâm bỏ nữa mới được. Ban đầu, đấu tranh tư tưởng lắm, khó lắm. Làm được một lần, hai lần, ba lần, rồi bỏ khi nào cũng không biết nữa”. Nó thấy cũng hay thiệt, cũng đúng thiệt. Nó không ngờ điều ước của mẹ nó lại hiệu quả như thế, ước một mà được hai. Chính nó cũng thay đổi luôn, cũng không biết từ bao giờ nữa mà mỗi tối trước khi đi ngủ, nó dành hai phút để đọc kinh.

Mã số 13-029

GÓC NHÌN  ĐỜI TU
(Dành tặng chị Oanh – Chúc chị luôn cảm nghiệm được ân tình Chúa trên từng chặng đường đi nhé!)

1. TIẾNG GỌI TỪ CON TIM YÊU

– Sao chị thích đi tu thế? Mà đi tu có vui không hả chị?

– Tu vui chứ sao không?

– Nhưng đi tu chị sẽ chẳng có thể được yêu như tụi em.

– Có chứ! Yêu mãnh liệt ấy chứ!

– Chị có thể yêu ai được nhỉ?

– Ôi! Em ngốc quá, em biết “anh” Giê-su chứ? Người tình yêu dấu của chị đó!

– À ra là thế! Vậy tình yêu đó chị dành tặng cho “anh” ấy như thế nào ạ?

– Chỉ có thể là một tình yêu nguyên vẹn, bền vững, nồng nhiệt..thì chị mới gắn bó cùng “anh” ấy tới nay, đó là những năm tháng hạnh phúc rạo rực. Và có thể là nhiều những năm về sau nữa ấy chứ?!”

Đúng đó! Phải là “như là yêu” mới đúng! Ngay từ thuở ban đầu tình yêu Đức Kitô đã thúc bách tôi thật là mạnh mẽ và tôi đã can đảm, vững tâm, bền lòng đi theo lý tưởng, sự chọn lựa của mình. Đối với tôi, khi đã chọn con đường dâng hiến, đó là một diễm phúc, tôi luôn yêu thích. Dường như chưa bao giờ thấy chán chường, thấy mông lung, thấy đi sai đường lạc lối. Chưa một lần.

2. NĂM THÁNG ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT

Còn nhớ năm nào, tôi còn là một cô bé 18 tuổi vừa mới tốt nghiệp THPT, được ba mẹ dẫn tới tu viện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, tu viện duy nhất của giáo phận nhà. Bước vào khuôn viên Hội Dòng, tôi đã hoàn toàn bị đánh bùa choáng bởi ngôi nguyện đường trang nghiêm, cổ kính. Những dãy nhà ở nối dài ngăn nắp, trật tự. Cây cối xanh tốt, được cắt tỉa gọn gàng, đẹp đẽ. Tôi đi cùng ba mẹ tới phòng khách tìm gặp Sơ phụ trách tu sinh. Tim tôi bỗng nhiên đập những nhịp hồi hộp, chộn rộn, cảm giác cứ run nhẹ lên. May mà có ba mẹ ở kề bên, điều đó đã an ủi, khích lệ tôi rất nhiều. Hình như nhịp đập con tim có lẽ dịu xuống khi mẹ nắm chặt lấy tay tôi, ba nở một nụ cười hiền với con gái yêu quý… làm tôi thấy bớt đi đôi phần hồi hộp vì chờ đợi.

Quý Sơ tiếp khách rất dịu dàng và thân thiện. Nụ cười luôn thường trực trên môi Sơ ấy. Sau khi trình bày lý do, Sơ mời ba mẹ cùng tôi ngồi chờ đợi trong ít phút. Và tôi được gặp Bề Trên của Hội Dòng. Qua trao đổi kĩ lưỡng với ba mẹ hồi lâu, đặc biệt, Bà có trò chuyện cùng tôi. Câu chuyện xoay quoanh ý hướng và lý do tại sao tôi có mặt ở đây. Và đơn giản thôi, là bởi vì tôi rất yêu rất thích. Cái niềm thích thú, cảm mến ấy đã được Chúa thương nhận lời và ban ơn xuống cho tôi, giúp tôi thuyết phục được ba mẹ và tất cả mọi người. Sự lựa chọn của tôi được chấp thuận và được tôn trọng. Tôi vui mừng xiết bao. Ngay chính hôm ấy, Bà Bề Trên làm “công tác” thủ tục hồ sơ cho tôi đăng kí dự tu vào tháng 8 (hồi ấy là tháng 6). Gia đình tôi chia tay Bà Bề Trên, không quên cám ơn Bà thật nhiều. Hẹn gặp lại Bà kính yêu vào tháng 8 không xa. Tôi thấy hạnh phúc kinh khủng. Trái tim trong lồng ngực, có gì đâu mà cứ khua múa rộn ràng?
Ngày tôi được chính thức bước chân vào sống trong công đoàn Mến Thánh Giá, tiễn chân tôi tới Hội Dòng có ông bà, ba mẹ và chị gái. Đó là niềm khích lệ, tôi thấy mình hăng hái, tự tin lắm! Dù rằng sau khi mọi người thân ra về, trong lòng tôi vẫn không khỏi thấy hẫng nhẹ, lòng buồn man mác… “Từ đây con đã chính thức bước ra đi theo đuổi lý tưởng và hoài bão của mình. Con nay thấy mình đã lớn, ba mẹ đã bảo bọc, nuôi dưỡng con trưởng thành, khôn lớn tới chừng này rồi. Và con đã biết mình yêu thích và muốn gắn bó với điều gì rồi. Con sẽ quyết tâm tới cùng, con tin Người vẫn hằng luôn ở bên con, soi sáng những đường đi, nước bước cho con, giữ gìn, phù hộ cho con. Mọi người an tâm nhé!”

Những tháng ngày sống trong tu viện cùng các chị em tới từ các giáo miền khác nhau, tôi được học biết thêm bao nhiêu điều hay. Tất cả mọi người đều đạo đức, thánh thiện cả thôi. Chị em sống chan hòa tình mến, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều. Những giờ kinh, tham dự thánh lễ ở tu viện diễn ra rất sốt sắng, trang nghiêm, trong bầu không khí linh thiêng. Cho tôi được trở về với thế giới nội tâm, thủ thì cùng Chúa những lời tâm tình kêu xin, thánh hóa mọi sự. Ở tu viện, tôi thấy mình dần dà trưởng thành hơn về ơn đức tin, thêm lòng mến mộ Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, sống có lý tưởng và cho hoài bão ơn gọi cao cả. Mỗi ngày một chút thôi, tôi dần cảm nghiệm được ân tình Chúa tặng ban.

Sống trong cộng đoàn tôi cũng tham gia lao động, các công việc làm như: Nuôi dạy trẻ mẫu giáo, làm vườn, làm bánh lễ, may vá, thuê thùa… Và sau một thời gian trải nghiệm, chị phụ trách thấy ai có năng lực, có khả năng tốt nhất ở lĩnh vực nào thì sẽ phân công cắt cử và đảm nhiệm công việc đó. Ai cũng tham gia đúng công việc mà mình có thể làm tốt nhất, để chu toàn bổn phận mỗi ngày.

Lao động và cầu nguyện là hai việc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Hằng ngày sẽ có thánh lễ vào sáng sớm, có thêm ba giờ kinh sáng, chiều, tối. Ngoài ra trong tuần, tất cả các chị em sẽ được học thêm vài buổi học ngoại khóa về đàn nhạc, giáo lý, cắm hoa… những thứ rất cần cho một người tu sĩ sau này nếu như đi giúp xứ, phục vụ ở các giáo điểm. Thỉnh thoảng tôi được Bề Trên cho phép về thăm gia đình đôi ngày, gặp lại ông bà, ba mẹ, cô, dì, chú, bác… ai cũng gặng hỏi:

– Cuộc sống nơi tu viện thế nào hả con?

Tôi luôn trả lời trong an vui, tự nhiên nhất có thể:

– Gia đình tu viện an yên lắm ạ. Điều quan trọng là con được gần Chúa mỗi ngày, con được học biết thêm nhiều điều hay. Chị em trong Hội Dòng cũng yêu thương, quý mến con rất mực. Cuộc sống bình ổn và hạnh phúc.

Ba mẹ và mọi người nghe thấy cũng mỉm cười theo – nụ cười ấm áp, tin yêu, tiếp thêm động lực cho tôi vững bước trên con đường ơn gọi còn dài phía trước. Thế là con bé Oanh mít ướt, hay phụng phịu, nhõng nhẽo ngày nào giờ đã lớn và thật trưởng thành, khôn ngoan. Nó đang được ân tình Chúa ủ ấp, nâng đỡ, dìu dắt mỗi ngày mà.

3. KỈ NIỆM TẾT NĂM ẤY

Nhớ kì nghỉ Tết năm đó, tôi được về nhà thăm gia đình 9 ngày, có đi chúc Tết gia đình, họ hàng nội, ngoại rất vui, mừng rỡ. Ai ai cũng hỏi thăm nom cháu Oanh nhà bác Đức – con cháu đi Dòng ý. Tôi cũng thấy ngài ngại khi mọi người có vẻ rất nhiệt tình hỏi han. Nhưng bù lại, tôi cũng rất hạnh phúc, thấy mình cũng đặc biệt lắm ấy chứ?! Phải chăng đó là một hồng ân Ngài đã ưu ái tặng riêng tôi – đứa con bé bỏng vẫn hàng ngày hi sinh, cầu nguyện, sống đúng theo linh đạo nhà dòng, chu toàn bổn phận từ trong việc nhỏ. Ông bà, các bác, cô, dì, chú,… cứ nắm lấy tay cháu mà căn dặn rất mộc mạc, chân thành cực kì:

– Gắng mà tu cho trọn nghe con! Mai này được làm bà dòng thì nhớ thêm lời cầu nguyện cho mọi người nhé con!

– Vâng ạ! Hằng ngày khi con tới nguyện đường thầm thĩ dâng lời cầu nguyện cùng Chúa Cha, con vẫn không quên nhớ tới mọi người mà. Đại gia đình mĩnh vẫn mãi luôn trong con. Nguyện cầu bình an, hạnh phúc, sức khỏe. Dồi dào ơn Chúa trong mỗi ngày sống. Con cũng không quên cả những linh hồn ông cha đã khuất.

Tết đó, tôi cũng tình cờ gặp lại mấy người bạn hoc THPT năm xưa. Tôi ngạc nhiên và tý nữa không nhận ra hội bạn. Đã mấy năm không gặp, chúng nó có phần khác quá! Chỉ nhận thấy mình là ít đổi thay (tính về mặt phần nhìn thôi nhé: Tóc tai, quần áo…) Uhm, tại lâu lắc rồi không gặp nên khi giáp mặt nhau cũng còn ngượng nghịu, câu chuyện kể không được cới lới, thoải mái cho lắm! Ít chuyện để nói hơn năm xưa khi còn là học sinh. Dăm ba câu hỏi han công việc học tập, làm ăn, sức khỏe, dự định tương lai… Khi tụi bạn hỏi:

– Oanh, giờ cậu theo học gì rồi?”.

– Tớ đi tu dòng bạn ạ!

Thế là tụi nó cứ ố á hết cả lên, mắt tròn, mắt dẹt:

– Ơ! Ngọc Oanh học “cứng” nhất nhì lớp ta ngày trước sao lại đi tu? Bỏ phí cơ hội học hành rộng mở là sao?

– Tớ không hối tiếc những gì mình đã chọn lựa, tớ đã cân nhắc, chín chắn khi lựa chọn. Và bởi vì xuất phát từ lòng yêu mến nên tớ tính mình sẽ gắn bó dài lâu. Con người ta chỉ hối hận chuyện chưa làm chứ mấy ai đắn đo, cắn rứt chuyện đã làm bao giờ, phải không?

Bởi tôi đã từng nghĩ: Chúa chẳng chọn chúng con vì chúng con đẹp đẽ, đạo đức hay tài năng… Chúa chọn chúng con vì Chúa yêu thương, để qua chúng con, Chúa đến với nhân loại. Chính vì Chúa yêu thương như vậy, chúng con được mời gọi để thanh tẩy tâm hồn và thăng tiến tâm linh mỗi ngày để được Chúa ngự đến trong tâm hồn chúng con. “Tôi sống không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).Chúng con được sử dụng như là dấu chỉ hiện diện của Chúa cho thế giới, chúng con được mời gọi tiến sâu vào nội tâm trong sự ẩn dật, nguyện cầu, khiêm tốn và khó nghèo, kẻo bụi đời bám lấy và biến đổi. Xin Chúa hằng phù hộ, giữ gìn con.

4. VĨ THANH

Ơ hay! Ai lại đi nói “Đi tu là đi tù” nhỉ? Nghe có vẻ vần vần đấy, nhưng chẳng đúng tý tẹo nào cả, khi mà ta chưa hiểu bản chất đích thực của cuộc đời tu trì. Cuộc đời ấy nó cũng thật là đa sắc màu, có những gam màu nóng ấm, rực rỡ, cả những gam màu trầm ẩn. Tất cả hòa quyện tạo nên một bức họa đủ cung sắc về một cuộc đời thật đẹp của người tu sĩ. Phải chăng dù chỉ là một ngày ở trong nhà Chúa đã là một niềm hạnh phúc bất tận? Đó hẳn là những tháng năm được yêu thích nhất, “để con được chung mối duyên tình với Đấng con hằng mến yêu”, hằng ao ước được “kết thân”.

Đến một ngày tình con dành cho Chúa đủ nhiều thì hãy cứ để con được ở lại trong ân tình Chúa nhé!

Ngày tôi tuyên khấn tron đời, tôi đã thân thưa với Chúa rằng: Con nay đã dằn lòng, bỏ mọi sự: Cha mẹ dấu yêu, gia đình thân cận, bạn bè xa gần và cả những người con yêu… để đi theo tiếng Chúa gọi mời, thuộc trọn vẹn về Chúa. Cho con được mãi trong Chúa. Có Chúa làm gia nghiệp đời con, con còn lo gì? Yêu người, yêu Chúa con chẳng ngần ngại gì non cao, sông sâu… Dù cho mây mù, nắng cháy, gió ngàn… dẫu cho vạn vật chuyển biến, xoay vần, suy suyển, tình con vẫn trước sau còn thiết tha. Kiên trung giữ trọn lời thể và sống trọn tình với Ngài.

*****
“Em ơi! Chị vẫn không ngừng yêu “ anh” Giêsu, yêu đến hoang dại ấy chứ! Và chị muốn gắn bó cùng “anh ấy” tới khi hơi thở bớt nồng nàn và đôi tay thôi nắm chặt. Yêu đến khi chẳng còn điều gì hối tiếc.”

Mã số 13-030

CHẠM VÀO TƯƠNG LAI

(Yêu thương dành tặng riêng cho Cha Dần kính yêu, dù chỉ một lần gặp mặt.)

1. ƯỚC NGUYỆN THỜI THƠ BÉ

Ngày ấy tôi nhớ mình còn nhỏ lắm! Chừng bốn, năm tuổi gì đó. Còn thơ dại không ý à. Tôi hay được ba mẹ nắm tay dắt theo đi tới nguyện đường tham dự thánh lễ, có khi là chỉ tới để viếng Mình Thánh Chúa thôi rồi về cũng được. Nhưng có một nguyên tắc đó là: Tôi tuyệt đối phải nghiêm trang khi vào nhà thờ. Ngồi ngay ngắn và khoanh tay trước ngực. Nếu cựa quậy, ngồi nghịch vẩn vơ là coi chừng, về nhà sẽ được ăn đòn của ba má ngay. Tôi được gia đình giáo dục khác hẳn với những đứa trẻ khác. Dù còn bé, khi tới giáo đường, ba mẹ không bao giờ mua quà bánh cho tôi ăn dặm hay để tôi chạy loăng quoăng. Ngày ấy tôi non nớt, đâu có hiểu cặn kẽ nguyên do rằng là: Ba mẹ đơn giản cũng chỉ muốn cho tôi là một đứa con ngoan và có lòng mến mộ Chúa từ bé. Tôi đã vâng nghe, lớn lên từng ngày trong sự chăm sóc, yêu thương, đùm bọc của gia đình và trong ân tình Chúa.

Năm tôi học lớp 6, tôi cũng đã lớn đủ, đã được học xong khóa giáo lý xưng tội lần đầu và được lãnh nhận hồng ân rước lễ lần đầu. Tôi cảm thấy vui mừng kinh khủng. Cái diễm phúc được đến “Bàn Tiệc Thánh” thật không sao tả siết. Rồi một ngày tôi đến bên  mẹ – người hay dắt tôi tới nguyện đường nhất, thủ thỉ ngon ngọt với mẹ – giọng rụt rẻ như một con mèo ngoan hiền, đáng yêu:

– Mai mẹ xin Cha xứ cho con đi giúp lễ với cánh anh Tuấn, anh Kiên, anh Ngũ… nghe mẹ? Con thích lắm mẹ ạ!”

– Má cũng mong con được vào đội ngũ chú giúp lễ lắm! Cho con thêm gần Chúa mà có được lòng chí khôn ngoan hiểu biết, càng thêm yêu mến Ngài. –  Mẹ nói, kèm theo nụ cười ấm lắm!

– Mẹ đồng ý rồi ạ?

– Thứ Bảy tuần này, ăn vận chỉnh tề rồi mẹ dắt vào Cha xứ ghi danh cho con nhé!

– Dạ! Vâng!

Hôm đó là Thứ Năm rồi, nhưng thời gian chảy trôi tới Thứ Bảy sao cảm giác dài như kẹo cao su, lâu la thật đấy! Hay là bởi lòng tôi háo hức đợi chờ nhiều lắm rồi? À! Bởi tôi đã những khát khao lâu lắm rồi mà. Mẹ đã là người “giúp một tay” thực hiện ước mơ cho tôi. Con biết ơn mẹ vô ngần.

Mẹ có lời xin cho tôi, Cha xứ mừng và khuyến khích con em xứ đạo đăng kí tham gia ban lễ sinh. Tôi về háo hức báo tin cho cánh thằng Thiêm, Khánh, Sinh… mấy đứa nó cũng rỉ tai nhau ước nguyện được đi giúp lễ giống y chang tôi này. Tôi giục chúng nó về nói với ba mẹ tới nhà xứ ghi danh đi. Rồi mấy anh em mình cùng đi giúp lễ cho vui, cho có khí thế. Chúng nó “Uhm, hử?”, nét mặt vui rạng rỡ cả lên, nhảy chân sáo về loan tin cho ba mẹ ngay. Năm ấy, cùng với tôi còn có thêm bốn chú nữa cùng gia nhập hàng ngũ ban lễ sinh.

“”Vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít”

À mà đâu cứ phải là đi giúp lễ là mai này ăn chắc một suất đi tu làm thầy, làm Cha đâu. Không hẳn là vậy, để lãnh nhận được thiên chức Linh Mục cao quý, thiêng liêng, là cả một quá trình đi theo tiếng Chúa mời gọi. Thời gian không đong đếm được, cũng không có một lời nào của ai có thể khẳng định chắc nịch: “Chú A, chú B… mai này làm Giám mục, Linh mục…” Tất cả còn tùy thuộc tiếng Chúa gọi mời và lời đáp trả nơi mỗi người.

*****

Thấm thoát thời gian trôi đi, “tuổi đời giúp lễ” của tôi được 6 năm, tính tới lúc đó tôi đã là học sinh lớp 12 rồi. Năm đó, Cha xứ chỗ tôi theo bài sai của Bề Trên thuyên chuyển tới một xứ đạo khác. Giáo xứ chúng tôi vắng Cha ở thường trực, thay vào đó mỗi cuối tuần sẽ có một Cha ở nơi khác tới dâng lễ Chúa nhật cho cộng đoàn. Không hiểu sao với sự chuyển đi của Cha xứ, thì anh em trong ban lễ sinh cũng đồng loạt bỏ bê, sao nhãng công việc giúp lễ. Tôi có kêu các bạn quay lại cũng chẳng ai nghe cho. Thất vọng thảm thiết. Thiêm, Lộc, Sinh… chúng nó cũng học hết lớp 12 rồi, mỗi đứa mỗi nơi, không thể tụ họp. Còn mình tôi lẻ bóng.

Năm ấy tôi tốt nghiệp THPT, đã 18 tuổi, cũng đủ tuổi trưởng thành, suy nghĩ cũng đã đôi chút chín chắn, thấu đáo hơn phần nào. Bằng ấy năm qua, nguyện ước được đi phục vụ  nhà Chúa trong tôi vẫn còn đó nồng nàn, thắm thiết, vẫn trung thành với lý tưởng được gần Chúa mỗi ngày. Giúp những công việc nhỏ bé: Giúp lễ, dọn đồ Bàn Thánh, cắm hoa, trải khăn bàn thờ… Bởi tôi đã từng nghe “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn”. Cố gắng mỗi ngày, chu toàn bổn phận dù là trong việc nhỏ nhất – Tôi tự nhủ với lòng mình vậy.

Kẹt một nỗi, tôi muốn đi tu, theo con đường ơn gọi, nhưng chẳng có một ai làm linh hướng, làm “công tác” ơn gọi cho tôi, để tôi biết rõ mục tiêu mà phấn đấu và quyết tâm! Nếu cứ ở nhà phục vụ giáo xứ mãi, không trong tổ chức dòng tu hay tu sinh của địa phận¸ liệu ai có thể biết đến tôi. Tôi chỉ là một chú giúp lễ lớn trong giáo xứ nhà. Mà ở địa phận có biết bao chú đi giúp lễ? Không thể đếm xuể. Thảng hoặc, tôi có nghĩ: Hay là đã đến lúc giấc mơ của tôi chính thức bị gián đoạn? Khó có thể tìm lấy ai “nâng cánh” cho hoài bão ấy.

Tôi đành tạm thời ngưng đi giúp lễ. Tôi thấy mình cũng thật tệ như bao chú khác đã từng bỏ giúp lễ trước đó thôi. Thế nhưng là ước mong theo con đường ơn gọi trong lòng vẫn vô cùng chân thật, và không hề nguôi tắt, vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu. À, có nghĩa là tôi sẽ chỉ ngừng lại một thời gian thôi, cho mình được suy nghĩ và đưa ra quyết định chín chắn nhất. Thời gian đi qua sẽ để lại cho tôi câu trả lời thật tâm nhất.

2. CÀ PHÊ BAN MÊ, NGÀY DÀI LÊ THÊ

Kì hè năm đó, đã xong xuôi chương trình học 12 năm trời, anh tạm gác lại ước nguyện ơn gọi cao cả xiết bao của mình. Anh bắt xe vào Ban Mê Thuột bỏ lại giáo xứ quê hương nhỏ bé nhưng chật nêm những nỗi niềm khó nói thành lời. Anh vào nhà anh trai cả tên Nhân, phụ giúp làm nương rẫy. Anh đi về phía có nắng. Đi để có thêm thời gian suy nghĩ cho thấu đáo, chín muồi. Nhìn vào một góc thực tế của quyết định đó, cũng như là một cách anh đi làm kinh tế, mong rằng kiếm được tý chút giúp đỡ cho gia đình. Bởi là anh cũng đã có quãng thời gian đi học hành dài ngất, tốn kém không ít tiền của gia đình. Ba mẹ anh chưa bao giờ kêu than về chuyện đó. Nhưng anh nghĩ mình ra đi là muốn làm bù đắp vào đó một chút gì bằng chính sức lao động của mình. Nó như mang ý nghĩa na ná là báo hiếu cha mẹ. Biết rằng ba mẹ không hề bắt buộc anh phải làm như thế nhưng chính anh tự nhận thấy mình nên như thế thì hơn. Nhân lúc những tháng ngày vô định này, anh không thể hoang phí thời gian được. Ba mẹ anh cũng đã vất vả nuôi dạy anh cả bao năm nay rồi. Anh đã đủ 18 tuổi, anh làm được với một sức lực tuổi trẻ không ngại gian khó.

*****
Nhắc tới Tây Nguyên là nhắc tới những con đường đất đỏ ba-zan đặc quánh, uốn khúc quanh co đường đồi. Với bạt ngàn cà phê, cao su xanh ngát tầm mắt. Những trụ tiêu cao ngất, nối dài tít tắp. Nương ngô, nương sắn trù phú, tốt tươi. Tây Nguyên hẳn có được sự ưu đãi vốn quý từ thiên nhiên ban tặng. Những ngày sống cùng gia đình anh trai, anh làm công việc lao động chân tay thôi.  Anh cũng hái cà phê thoăn thoắt. Anh lên nương tra ngô, dựng trụ tiêu… Anh khoác lên mình bộ áo lao động đơn sơ, bình dị. Anh cần mẫn làm việc như bao người dân khác.

Cuối tuần anh tới nguyện đường cách nhà khoảng chừng 10 km đường đồi, xóc lộn ruột, đi lại đâu có dễ dàng như ở đồng bằng đâu.

Có một đặc điểm vô cùng đáng yêu của những người dân nơi đây (đa số là dân tộc Ê-đê và Ba-na) là ngày Chúa Nhật cuối tuần họ đều hoãn dẹp lại tất cả các công việc, cùng nhau tới giáo đường. Dù cho ngày Chủ Nhật hôm đó có ai mướn việc, thuê khoán họ với giá bao nhiêu họ cũng mặc kệ, không nhận lời. Họ không tham công tiếc việc trong ngày này đâu. Như đã ấn định rồi, Chúa Nhật là để tới nhà thờ tham dự thánh lễ. Trên những cung đường đều bắt gặp từng tốp người đi với nhau, có thể là một gia đình, những người bạn với nhau. Họ đều “cuốc bộ” cả. Đường thì xa đấy, nhưng trông nét mặt của ai cũng tươi tắn, nô nức lắm! Tới nhà Chúa là một niềm vui rất đỗi bình dị và yêu thích của họ chăng?

Nhìn dòng người tấp nập, rộn ràng kéo tới nguyện đường, trong lòng anh không khỏi nhói lên niềm nhớ quê hương da diết. Đi xa nhưng tận sâu trong lòng anh, quê hương vẫn còn hiện hữu với những kỉ niệm khó phai mờ nhạt. Đành lòng thôi, chứ biết sao được? Anh tự nhủ mình phải cứng rắn và mạnh mẽ lên. Không được phép yếu đuối, mềm lòng ở nơi không phải là quê nhà, nghe chưa? An tâm, tin rằng có Chúa hằng ở bên, anh còn lo lắng, phiền muộn gì?

Anh vẫn giữ liên lạc với người thân và bạn bè ngoài Bắc. Đôi bữa, cuộc gọi điện đường dài về hỏi thăm sức khỏe ba mẹ, nghe ngóng tình hình quê hương, xứ nhà ra sao. Anh đâu có bỏ bê quê hương đâu. Vẫn đau đáu trong lòng  về một ngày trở lại.

***
Huy là người bạn thân của anh. Hai người cùng chung đội giúp lễ ngày trước. Phải nói là đôi bạn thân chí cốt nhất quả đất mới đúng ý! Huy có khả năng mạnh về ngoại ngữ. Cậu thi đậu vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội, học chuyên khoa Anh văn. Học lực khá-giỏi, đạo đức tốt. Huy có tên trong danh sách tu sinh, hàng tháng vẫn về Nhà Chung sinh hoạt tĩnh tâm… Dù có xa cách, hai anh em vẫn thường xuyên kết nối, liên lạc: Qua email, điện thoại, chia sẻ cho nhau tin tức cần thiết từ vùng này tới vùng kia.

Rồi một ngày đẹp trời, cuộc gọi điện báo từ Huy đến. Huy nói rằng đã tìm được Cha nâng đỡ bước đường ơn gọi cho anh rồi. Đó là Cha Phê-rô Trần Văn Hòa – hiện đang quản nhiệm giáo xứ Khiết Kỷ – cách nhà thờ xứ anh không xa lắm. Huy đã kể chân tình tất cả  về anh. Cha gật đầu đồng ý và muốn gọi anh quay trở về Bắc. Cha sẽ tạo điều kiện giúp đỡ được chu đáo, quan tâm đầy đủ hơn. Được tin mừng ấy từ Huy, anh vui khôn tả, đôi mắt có gì đó khẽ nhòe đi chút  ít vì thực sự quá xúc động trước niềm hạnh phúc bất ngờ ùa về. “Con cảm tạ hồng ân thánh ý của Ngài.”

3. NGÀY TRỞ VỀ, NỐI LẠI HOÀI BÃO.

Anh tạm biệt mảnh đấy Tây Nguyên yêu thương, hiền hòa với những con người lao động chất phác, nồng hậu, có lòng mến mộ Chúa tới lạ lùng. Anh quay về quê hương, xứ đạo của mình. Sau khi nghe thông báo rằng: Anh cần về ngay để kịp chuẩn bị cho kỳ thi Tiểu Chủng Viện, Cha linh hướng ơn gọi đã sắp xếp và ghi danh cho anh được dự thi vào khoảng tầm tháng 8 tới đây. Mà nay đã là tháng 5 rồi. Anh chia tay gia đình anh Nhân, đáp xe đò về lại quê nhà để sống với hoài bão đang trỗi dậy, hồi sinh rạo rực, khát khao mãnh liệt, tin yêu. Với ý nghĩ ấy, làm anh thêm lòng quyết tâm và phấn khích lạ lùng.

Anh được ở luôn với Cha đỡ đầu, giúp Cha một số công việc, và cũng tiện là có thể gần gũi để Cha dạy kèm cho anh thêm phần kiến thức về giáo lý, chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Cha đối xử với anh thân tình, tận tụy, nồng hậu. Anh quý Cha lắm! Anh say mê học hành, cố gắng tận dụng chuỗi thời gian cũng không còn nhiều lắm để vá lắp lại những mảng kiến thức đã có phần mai một do lâu ngày không đụng chạm tới.

Hẳn Chúa Thánh Thần đã soi sáng, phù giúp. Kiến thức các môn thi bắt buộc xét tuyển vào Tiểu Chủng Viện: Anh Văn – Việt Văn – Giáo Lý sớm được anh trau đồi kĩ lưỡng mỗi ngày. Trong quá trình ôn tập, anh không thể nào quên được sự hỗ trợ đắc lực từ Cha linh hướng cũng như chính sự quan tâm, động viên của Cha dành cho anh. Anh thấy ấm lòng lạ kì, thấy rung động hơn khi sắp bước vào kì thi tuyển chọn tu sinh khá khắc nghiệt. Nhưng có là gì, khi đồng hành với anh là cả nguồn động viên, thôi thúc thiệt lớn lao từ Cha, ba mẹ, những người thân tình… Anh đã có phần nào dần tự tin vào khả năng của mình.

Kì thi cũng vắt mình trôi qua, anh tạm ưng ý và không hối tiếc vì những gì mình đã làm. Anh bình ổn. Anh an yên. Anh nghĩ mình đã cố gắng hết mình rồi và quyết định được hay không, chọn hay không chọn là ở Thánh ý Chúa.

Những ngày chờ đợi kết quả dần dịch mình đi qua, ngày thông báo kết quả thi tuyển tu sinh được công bố. Anh đậu, với số điểm cao thứ 5 khóa IV. Đó là một kết quả ưng ý – Không phải là cao nhất, nhưng cũng không thấp tẹt. Anh hài lòng và mỉm cười vì kết quả mình đã đạt được. Cha anh cũng mừng lắm vì thành quả của sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cậu con trai trong những tháng ngày đã được đền đáp xứng đáng.

Ngày tiễn anh lên Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse có một bữa tiệc nhỏ quy tụ Cha linh hướng, ba mẹ, Huy, một vài anh em thân tình. Bữa cơm diễn ra trong đầm ấm, hạnh phúc mừng ngày anh tiến lên Tiểu Chủng Viện học tập. Trong khoảnh khắc, hân hoan của bữa tiệc hôm đó. Giả sử có máy ảnh ghi lại hình ảnh sống động ấy. Tôi dám cá với bạn rằng, sẽ không thấy có tấm ảnh nào đủ sức lột tả được niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ ấy.

4. CHẠM VÀO ƯỚC MƠ

Lần hai tôi rời xa quê hương, xứ đạo thân yêu của mình, không phải là tôi sẽ lại đi bôn ba làm kinh tế nữa mà là tôi đã chính thức trở thành một tu sinh của giáo phận được gửi lên Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse học tập và tiếp tục nuôi dưỡng ơn gọi. Cánh cửa gia đình Tiểu Chủng Viện vẫy gọi, mở ra một khung trời dấu yêu mới mẻ, tinh khôi, đưa tôi đi trên con đường ơn gọi đích thực. Và bắt đầu những bước đi. Mỗi ngày một chút.

Ngày bé tôi đã từng ước gì nhỉ? Nhớ không ạ? Riêng tôi thì nhớ cặn kẽ lắm, quên sao được. Dù đó là ước mơ từ tấm bé, nhưng giờ đã trưởng thành, khát khao, hoài bão ấy vẫn còn nguyên trong lồng ngực một cách nguyên vẹn, tinh tuyền, chân thật nhất.

Chúa yêu dấu ơi! Ngài hãy đến bên con như một ống sáo thần kì, thổi cho những ước nguyện lấp lánh của con được bay tung lên bầu trời, cho chúng được thành hiện thực. Ngài chính là người nâng đôi cánh vô hình trong con, để con có thể bay lên chạm vào ước mơ. Đáp trả giấc mơ ấy là thực tại của ngày hôm nay.

Phải chăng hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống đời tôi thật dồi dào, nâng đỡ tôi trong từng hơi thở, để tôi dần trưởng thành, sống cảm nghiệm tình Chúa, gần gũi với Ngài hơn?

Đến một ngày khi tình con yêu Ngài tới độ đậm sâu, nồng ấm nhất, hãy cứ để con được ở lại trọn vẹn nơi Ngài nhé!
Và tôi biết, đây mới chỉ là một khởi đầu.

Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông Văn Hóa

Related posts