Nhà cải cách Ratzinger trở về với cội nguồn của mình
EMTY (ROMA, 3-5-2013, Vatican Insider) – Kể từ ngày 2-5, Vatican có hai vị Giáo hoàng cùng sống trong 1 cây số vuông của quốc gia thành phố nhỏ nhất thế giới. Giám mục Roma – ĐGH Phanxicô – và vị tiền nhiệm của ngài thật sự đang sống cạnh nhau: một vị có quyền Giáo hoàng đầy đủ sau cuộc bầu ngày 13-3 vừa qua và một vị là Giáo hoàng Danh dự, đang lui vào nơi thanh tịnh để dành thời giờ cầu nguyện và nghiên cứu.
Không ai thực sự coi đây là vấn đề khi vị Giáo hoàng Danh dự đang còn cư ngụ tại Dinh thự Giáo hoàng Castel Gandolfo. Nhưng kể từ giây phút Đức Bênêđictô XVI bước chân trở về Vatican vào ngày 2-5 và đến cư ngụ tại Đan viện Mater Ecclesiae, ngài một lần nữa tạo nên cảm giác có một sự hiện diện và là điểm tham chiếu trong khuôn viên quốc gia bé nhỏ này. Việc ngài không muốn sự trở về của mình được ghi hình, mà chỉ cho phép chụp 1 tấm ảnh để trấn an những người lo lắng cho sức khoẻ của ngài (nên nhớ rằng sức khoẻ suy yếu là lý do ngài từ nhiệm), thật dễ hiểu. Nhưng dù Đức Bênêđictô XVI không còn xuất hiện trước công chúng hoặc tổ chức các cuộc họp, ngài sẽ vẫn tiếp tục là một sự hiện diện.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội có một Giáo hoàng trong cương vị là Giám mục Roma từ nhiệm vì tuổi già sức yếu. Sự khiêm tốn và thận trọng của Đức Ratzinger đảm bảo rằng ngài sẽ không thể là một gánh nặng cho người kế nhiệm và sẽ tránh bị coi như một điểm tham chiếu bởi những người không hài lòng hoặc thất vọng với vị Giáo hoàng đương nhiệm.
Một số lựa chọn của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã là đối tượng chỉ trích nơi một số người theo chủ nghĩa truyền thống nhất định nào đó. Họ cáo buộc ngài về phong cách quá điềm tĩnh và không thích hợp khi không dùng huy hiệu nhất định và mặc phẩm phục theo phong cách truyền thống. Thậm chí ngài còn bị cáo buộc là làm suy giảm sứ vụ Giáo hoàng khi nêu bật vài trò là Giám mục Roma của mình – danh hiệu đầu tiên và lâu đời nhất của Giáo hoàng – và thành lập Uỷ ban 8 hồng y để cố vấn cho ngài về các vấn đề cải cách Giáo triều và lãnh đạo Giáo Hội. Những lời chỉ trích Đức Phanxicô còn nhấn mạnh đến sự gián đoạn với triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, lo sợ cho sự phá huỷ triều đại giáo hoàng và làm mất đi ý nghĩa thánh thiêng về hình ảnh của Giáo hoàng.
Những lời chỉ trích đó là quá sớm để giải thích bất kỳ động thái nào của Đức Phanxicô như là dấu hiệu làm gián đoạn công việc của vị tiền nhiệm. Những điều họ quên còn nhiều hơn bất cứ lựa chọn nào của Đức Phanxicô, đó là việc từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI đã bị họ trình bày như là hành động thế tục lớn nhất về hình ảnh của Giáo hoàng. Việc ngài rời khỏi ngai toà Thánh Phêrô do sự suy yếu thể lý và tinh thần đã tạo nên tình trạng chưa từng có của hai vị Giáo hoàng hiện đang sống rất gần nhau.
Tuy nhiên, quyết định của Đức Ratzinger cũng góp phần đưa vai trò của Giám mục Roma trở lại nguồn gốc và bản chất thực sự của nó: Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, là mục tử của Giáo Hội và là một mẫu gương sống động của lòng bác ái, là người quản lý một kho tàng không thuộc về ngài: kho tàng đức tin (depositum fidei), mà ngài có nhiệm vụ truyền lại cho người khác. Giáo hoàng không phải là một vị hoàng đế trị vì suốt đời và ngài cũng không phải là người lãnh đạo tối thượng của Giáo Hội. Một số hình thức mang tính lịch sử hoặc hợp lý về mặt lịch sử nào đó đã thần thánh hoá hình ảnh của Giáo hoàng tới mức vượt ra khỏi bản chất căn nguyên của nó – một hình ảnh không thực sự phù hợp với tình hình hiện tại của Vatican – dù bất kỳ cách nào cũng không làm suy yếu triều đại giáo hoàng.
Cuối cùng, có một chút khác biệt là Giáo hoàng có đội mũ mitra cao và được trang trí lộng lẫy hay không, có làm cho phẩm phục của Giáo hoàng sống động trở lại, có đeo thánh giá bằng vàng như từng được dùng qua các thời đại hoặc có ngồi trên ngai lớn được sơn son thếp vàng hay không. Tất cả những việc đó nhấn mạnh đến sự thánh thiêng, tính duy nhất và phổ quát của sứ vụ giáo hoàng. Nhưng việc từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI cho thấy ngài không xem sự thánh thiêng nơi một vị giáo hoàng như là một điều gì đó có tầm quan trọng tối thượng. Ngài đã chọn nghỉ hưu, cũng như các giám mục khác trong các giáo phận trên toàn thế giới đã làm khi các ngài đến một độ tuổi nhất định. Bằng cách từ nhiệm trong cương vị là Giáo hoàng và là Giám mục Roma, ngài đã mang hình ảnh của Giáo hoàng đến gần hơn với hình ảnh giám mục, mà không hề làm suy giảm tầm quan trọng và đặc quyền mang tính ưu việt của ngai toà Phêrô.
Như vậy, rõ ràng là có sự liên tục giữa Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI – Giáo hoàng Danh dự – và Đức Giáo hoàng Phanxicô – Giám mục Rôma. Theo nhãn quan đức tin và nhận thức của các ngài, thì chính Chúa mới là Đấng lãnh đạo Giáo Hội, chứ không phải là Giáo hoàng.
Hùng Nguyễn