Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền
HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI MẠN THUYỀN
Biến cố Phục sinh được nhắc đi nhắc lại hằng năm, vẫn những nghi thức đó, những bài đọc đó, vẫn những con người đó nhưng mỗi năm lại cho tôi cái cảm xúc, những liên tưởng không năm nào giống năm nào, câu chuyện ngàn năm về trước như là chuyện mới xảy ra hôm qua…
Kinh thánh không nhắc đến thái độ những người thân trong gia đình khi các tông đồ bỏ nhà theo Đức Kitô, tôi không hiểu có bao nhiêu người cha, người mẹ, người vợ không lo buồn khi người con, người chồng của mình bỏ cả gia đình, công ăn việc làm để đi theo người thanh niên có sức hấp dẫn đặc biệt nhưng chưa thấy mang lại của cải vật chất vốn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người, nhất là khi người thanh niên Giêsu kia bị tù tội, kết thúc bằng án tử hình càng làm cho nỗi buồn gia đình thêm lớn hơn. Sai lầm rồi, sai lầm nhiều rồi, câu nói này chắc các tông đồ đã từng nghe không chỉ bởi phía chính quyền đương thời nhưng có thể còn chính những người ruột thịt.
Hôm nay tôi cũng nghe như thế khi chúng ta dấn thân theo Chúa. Thế rồi Đức Kitô phục sinh, Ngài lại xuất hiện bên cạnh câu chuyện ngôi mộ trống (Yn 20/1-9), những lần gặp sau đó với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau không còn là chuyện hảo huyền, thêu dệt bởi những người có óc tưởng tượng siêu phàm tưởng như làm các tông đồ cùng người thân của họ xanh tóc trở lại sau thời gian bạc đầu vì sợ hãi và thất vọng thì chẳng mấy chốc tai họa tiếp tục ập xuống để phần lớn các tông đồ cũng giống như thủ lĩnh của họ: Tử hình. Ai lại chẳng hiếu sinh úy tử, luật pháp, quyền lực không che chở được gì cho họ và họ phải chết vì họ dám nói với mọi người rằng: Ông Giêsu đã sống lại. Ông là Con Thiên Chúa. Họ lại tiếp tục bị nhạo báng…
Ngày nay, chúng ta cũng bị mỉa mai, cười khảy khi công bố tin mừng phục sinh như vậy.
Làm sao câu chuyện xảy ra trước mình cả ngàn năm vẫn mới như tin thời sự? Làm sao bản tin ấy có thể thuyết phục được người nghe trong thời đại chỉ cần nhấn phím enter thì chẳng còn gì là bí ẩn? Làm cách nào biết rằng bản tin ấy thật sự đáng tin trong một xã hội mà nhiều phe nhóm chính trị lúc thắng lúc thua đã nhiệt tình lái dư luận đi theo hướng khác khiến con người khó tìm sự thật, chúng ta đã không từng nghe câu cửa miệng của nhiều người: ‘Ngó vậy chứ chưa chắc là vậy”, đó sao! Chúng ta chẳng đã từng nghe có những nhóm này nhóm khác hoài nghi về sự tàn bạo của Hitler hoặc của Polpot đó sao mặc dầu các nhân vật này chỉ mới xuất hiện và hậu quả việc họ làm vẫn đang còn ảnh hưởng đến tận ngày nay….
Nhìn lại lịch sử, chúng ta không là người duy nhất và chắc chắn chẳng phải là người sau cùng bị khinh miệt khi mang danh Kitô.
Khó khăn như vậy, ngăn trở như vậy nhưng chúng ta không được dừng bước trong việc công bố tin vui cứu độ vì chia sẻ sự thật, niềm vui, niềm hy vọng là bản chất của những tâm hồn quảng đại, sống vì anh em, mưu cầu hạnh phúc cho anh em. Càng quảng đại càng giống Chúa nhiều hơn. Nếu Tin Chúa rồi khư khư giữ Chúa cho chính mình, không muốn mang Chúa đến cho người bên cạnh, chúng ta giống như người anh cả trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15/11-32), người anh chỉ muốn Cha thuộc hẳn về mình, không thấy được niềm vui Cha còn thuộc về anh em mình nữa. Thay vì cùng với Cha mở tiệc mừng em, người anh lại muốn loại trừ những ai giành mất phần của mình; thiên đàng chỉ dành riêng cho mình và chỉ mình hưởng lấy niềm vui ấy. Không thể như thế! Tin Chúa còn là chia sẻ niềm vui ĐỨC TIN, hơn thế nữa đây còn là mệnh lệnh của Đức Kitô: “HÃY THẢ LƯỚI ” (Yn 21/4-6); “ANH EM HÃY ĐI…LOAN BÁO TIN MỪNG” ( Mc 16/14-18).
Nhiều người và cũng nhiều lúc chúng ta nhụt chí, tỏ ra mệt mỏi trong sứ mệnh loan báo tin mừng, chúng ta loay hoay chẳng tìm được giải pháp, chẳng thấy được tương lai phía trước… phải chăng chúng ta thiếu lòng tin và lòng yêu mến, hãy nghe linh mục Jean Marie Poirier Tân (1848-1885) nói với em mình: ”Dù anh chỉ chinh phục được một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào” (Khi xác thân là của lễ – Ban truyền thông văn hóa giáo phận Qui Nhơn, trang 6).
Tại sao những thế hệ trước chúng ta sẵn sàng chấp nhận khốn khó cách mạnh mẽ và tự tin tuyệt vời đến thế? kinh tin kính họ không chỉ đọc bằng miệng như kinh nguyện hằng ngày nhưng đọc bằng máu, bằng gông xiềng, bằng mạng sống…
Chúng ta hỏi nhau như thế chỉ vì câu chuyện tuần thánh năm nay tại Tuy hòa. Thứ năm, sau thánh lễ, chúng ta đã chẳng đọc được lời than thở của Đức Kitô: Đêm nay còn một giờ này – Các con không thức với Thầy được sao?! để rồi thứ sáu, thứ bảy tiếp theo nhiều lời than vãn, nào là lâu quá, nóng quá, mỏi mệt quá, rườm rà quá !…
Chúng ta hoàn toàn thông cảm những đám mây yếu đuối vụt qua trái tim yêu mến của mình và tin tưởng rằng nó mau chóng tan đi nhường chỗ cho ngọn lửa nồng của Thánh Thần đốt nóng ngọn lửa nhiệt tình trong mỗi chúng ta và như thế Tin mừng sẽ được loan đi bất chấp mọi nghịch cảnh. Hy vọng qua chúng ta, nhiều người biết Chúa và yêu mến Hội thánh..
Trần Tuy Hòa