Tin Giáo hội 

Tại sao ai cũng muốn hòa bình mà vẫn có chiến tranh?

Sau nhiều năm thảo luận ngày mùng 2 tháng 4 vừa qua, với 154 phiếu thuận, 23 phiếu trắng và 3 phiếu chống, Liên Hiệp Quốc đã thông qua văn bản ”Thỏa hiệp buôn bán vũ khí” trên thế giới. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Trung Quốc và Nga, trong khi ba nước bỏ phiếu chống là Bắc Hàn, Iran và Siria. Để có hiệu lực phải có ít nhất 50 nước bỏ phiếu ký nhận Thỏa Hiệp. Mục đích của Thỏa Hiệp là điều chỉnh việc buôn bán vũ khí trên thế giới, tạo ra các chuẩn mực cho việc chuyển vận nhắm hạn chế việc bán vũ khí, và đưa nó vào khuôn phép trên bình diện luân lý.

Thỏa Hiệp đòi phải lượng định xem việc chuyển vận và bán vũ khí có thể bị dùng để xúi dục khủng bố, yểm trợ các vụ diệt chủng và phạm các tội chống lại nhân loại hay không. Trong tường hợp đó các chính quyền xuất cảng vũ khí được yêu cầu khước từ bán vũ khí cho các nước bi coi là có rủi ro. Các vũ khí quy ước được Thảo Hiệp nhắc tới là: xe tăng, xe chiến đấu, trọng pháo, máy bay và trực thăng chiến đấu, tầu chiến, hỏa tiễn và dàn phóng hỏa tiễn, súng dài và súng ngắn. Tuy nhiên, Thỏa Hiệp lại không tuyệt đối cấm việc xuất cảng vũ khí không gây tổn hại cho quyền tự vệ của các quốc gia, và không liên quan tới

việc buôn bán vũ khí trong nước hay chính khả thể có vũ khí. Thỏa Hiệp cũng yêu cầu đừng vi phạm các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Bình luận về việc Liên Hiệp quốc thông qua văn bản của Thỏa Hiệp, bà Anna McDonald, thuộc tổ chức quốc tế phi chính quyền Oxfam, nói: ”Thỏa hiệp sẽ không giải quyết được ngay lập tức các vấn đề của Siria, không có thỏa hiệp nào có thể làm điều đó, nhưng nó sẽ giúp phòng ngừa các trường hợp tương tự trong tương lai, và giảm bạo lực vũ trang. Nó sẽ giúp giảm xung đột”. Tờ Thời báo New York thì viết: ”Lần đầu tiên Thỏa Hiệp sẽ bắt buộc các người bán vũ khí duyệt xét xem các khách hàng của mình sẽ dùng các vũ khí như thế nào và công bố các tin tức ấy”. Còn chính quyền Italia, một trong các nước sản xuất và bán nhiều vũ khí, thì nhận định rằng: ”Như thế là Thỏa Hiệp mở ra con đường cương quyết của một khung cảnh pháp lý quốc tế, mà vì sự vắng bóng của nó cho tới nay tất cả những kẻ đã dưỡng nuôi việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, gây thiệt hại cho các dân tộc, nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang trong các vùng khổ đau nhất thế giới”.

Sau biết bao nhiêu năm thảo luận giờ đây Liên Hiện Quốc đã có được văn bản Thỏa Hiệp buôn bán vũ khí, nhưng người ta có cảm tưởng đó là cảnh ”con voi đẻ ra con chuột”. Nhưng câu chuyện không có gì khó hiểu, khi người ta đọc bản tường trình của Trung tâm nghiên cứu hòa bình Stockholm viết tắt là SIPRI. Theo đó trong năm 2011 các quốc gia trên thế giới đã chi tiêu 1.740 tỷ mỹ kim cho việc mua khí giới. Đây là con số cao nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Tính đổ đồng mỗi phút thế giới tiêu 3,3 triệu mỹ kim cho chiến tranh, tức mỗi giờ đốt đi 198 triệu mỹ kim, hay mỗi ngày nướng đứt 4,7 tỷ mỹ kim cho các dịch vụ giết người và tàn phá. Mỗi một người trên trái đất hằng năm bị lấy mất đi 250 mỹ kim tiền có thể dùng để sản xuất thực phẩm, cải tiến giáo dục và y tế. Như thế dù không có ai bắn, vũ khí cũng vẫn giết người.

Trong số các quốc gia sắm nhiều vũ khí nhất Hoa Kỳ đừng hàng đầu với 711 tỷ mỹ kim, tiếp đến là Trung Quốc với 143 tỷ, gia tăng 70% trong các năm 2002-2011, và thứ ba là Nga với 71 tỷ mỹ kim.

Liên quan tới việc chế tạo và buôn bán Hoa Kỳ hiện kiểm soát 40% thị trường xuất cảng vũ khí trên thế giới, với doanh thu 46,1 tỷ mỹ kim hồi năm ngoái, tức gia tăng gấp 4 làn so với năm 2.000. Đàng sau những chiến dịch được gọi với các mỹ từ là ”chiến tranh chống khủng bố” hay ”can thiệp nhân đạo” là các áp phe làm ăn của những tổ chức chế tạo và buôn bán vũ khí. Đứng hàng thứ hai là Nga và thứ bà là Trung Quốc. Trong khi các nước thuộc khối Liên Hiệp Âu châu hàng năm thu vào 32 tỷ mỹ kim qua việc xuất cảng khí giới, riêng năm 2009 tiền bán khí giới của Âu chậu đạt kỷ lục với 41 tỷ mỹ kim. Trong ngũ niên 2006-2010 các vũ khí của Âu châu được bán cho các chính quyền độc tài bán đảo A rập như A rập Sauđi, các quốc vương A rập, Oman và Kuweit. cũng như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Marốc, Algeria, Ai Cập, Nam Phi và Libia. Trong số các nước càng ngày càng mua thêm nhiều vũ khí có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, Pakistan và Singapore. Nhưng trong danh sách cũng có các nước nghèo miền nam sa mạc Sahara nữa.

Theo một bản tường trình quốc tế trong các năm từ 1990 đến 2005 các chiến cuộc tại 23 quốc gia Phi châu đã tốn gần 300 tỷ mỹ kim, chưa kể đến các hậu qủa phu của chúng. 95% vũ khí đến từ các nước ngoài. Các nhà máy sản xuất các vũ khí nói trên nằm trong 13 nước Âu châu, Á châu và Nam Mỹ. Hoa Kỳ bán vũ khí cho Phi châu qua trung gian của Israel, Nga bán vũ khí cho Phi châu qua trung gian của Cuba. Và Phi châu trở thành thị trường sa thải các loại vũ khí cũ của các nước Tây Phương và Đông Âu, cũng như vùng đất trnah giành ảnh hưởng buốn bán vũ khí giữa Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, qua rất nhiều hình thức khác nhau như các tổ chức cố vấn đào tạo quân sự, các tổ chức an ninh tư, bảo vệ các hãng khai thác dầu lửa vv…

Nhưng điều tệ hại hơn nữa đó là nhiều nước Phi châu giờ đây cũng có kỹ nghệ chế tạo và bán vũ khí. Đứng đầu là Ai Cập và Nam Phi, nhưng trong danh sách cũng có Nigeria, Namibia, Zimbabwe, Uganda, Kenya và Tanzania. Tại các nước chiến tranh đã kết thúc như Liberia và Sierra Leone, chương trình giao nộp khí giới đã không được thực thi nghiêm chỉnh, và hàng triệu vũ khí giết người vẫn tiếp tục lưu hành.

Thế mới biết cho tới khi nào con người không muốn từ bỏ các lợi nhuận khổng lồ của kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí giết người, thì mặc dù ai cũng muốn có hòa bình, thế giới này sẽ luôn luôm có chiến tranh, và hòa bình sẽ chỉ mãi mãi là một ước mơ khó thực hiện.

Linh Tiến Khải

R.Vatican

Related posts