Tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng
“Tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng” đó đã chủ đề bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi khai mạc hội nghị thường niên của giáo phận Rôma. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu giáo phận Roma hãy làm chứng về niềm hy vọng bằng cuộc sống chứng tá vui tươi, không sợ hãi, ra khỏi chính mình để tìm đến với tha nhân, nơi những người đang chịu đau khổ.
Năm nay anh chị em đã vất vả nhiều về phép Rửa tội cũng như về canh tân mục vụ hậu phép rửa. Việc rửa tội, đi từ “sống dưới lề luật” đến “sống dưới ân sủng” là một cuộc cách mạng. Có rất nhiều cuộc cách mạng trong lịch sử, nhiều quốc gia. Nhưng đã không một ai có sức mạnh của cuộc cách mạng này là đã đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta : Cách mạng để biến đổi lịch sử, cách mạng để thay đổi tận con tim của nhân loại. Những cuộc cách mạng trong lịch sử đã thay đổi các hệ thống chính trị, kinh tế, nhưng không có cuộc cách mạng nào đã thay đổi trái tim con người thực sự. Cách mạng đích thực, là làm biến đổi tận căn của cuộc sống, điều đó đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô qua sự Phục sinh của Người : Thập giá và Phục sinh. Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã nói về cuộc cách mạng này, “đó là sự thay đổi rất lớn của lịch sử nhân loại”. Chúng ta hãy nghĩ điều này : sự thay đổi rất lớn của dòng lịch sử nhân loại, là cuộc cách mạng đích thực và chúng ta là những nhà cách mạng và những nhà cách mạng của cuộc cách mạng này, bởi vì chúng ta đang đi trên con đường của sự thay đổi của dòng lịch sử nhân loại này. Một người Kitô hữu, trong thời đại hôm nay, nếu không là một nhà cách mạng thì không phải là kitô hữu! Phải là nhà cách mạng vì ân sủng! Chính ân sủng mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại làm cho chúng ta thành những nhà cách mạng, vì “sự thay đổi rất lớn của lịch sử nhân loại”, để thay đổi tâm hồn.
Ngôn sứ Ezêkiel đã nói : “Ta sẽ tháo khỏi các ngươi quả tim bằng đá và sẽ ban cho các ngươi quả tim bằng thịt”. Đây là kinh nghiệm sống của Thánh Phaolô tông đồ : Sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Đamát, thánh nhân đã thay đổi tận gốc rễ quan điểm sống của mình và lãnh nhận Phép rửa. Thiên Chúa đã thay đổi tâm hồn thánh nhân! Anh chị em nghĩ coi : một kẻ bách hại, một kẻ truy sát Giáo hội và các Kitô hữu, đã trở thành một vị thánh, một người Kitô hữu trong tận xương tủy, một Kitô hữu đích thực! Trước kia là một kẻ bách hại hung bạo, nay trở thành tông đồ, thành chứng nhân cản đảm của Đức Giêsu Kitô đến nỗi không còn sợ phải chịu tử đạo. Đó là Saolô, người đã muốn hạ sát những ai loan báo Tin mừng, cuối cùng đã dành trọn cuộc sống mình để loan báo Tin mừng. Đây là sự thay đổi, một thay đổi rất vĩ đại như lời Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã nói. Thiên Chúa thay đổi trái tim bạn từ tội nhân: Chúng ta là những tội nhân, từ tội nhân Thiên Chúa biến đổi thành thánh nhân. Một số người trong chúng ta không phải là tội nhân đúng không? Nếu có ai đó, xin đưa tay lên! Tất cả chúng ta là những tội nhân! Tất cả! Nhưng ân sủng của Đức Giêsu Kitô cứu chúng ta khỏi tội. Nếu tất cả chúng ta đón nhận ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Người sẽ thay đổi con tim của chúng ta từ những tội nhân thành những thánh nhân. Để trở thành những vị thánh không cần phải xoay tròn đôi mắt và nhìn đây đó, hay có khuôn mặt nhỏ nhắn một chút! Không! Không, không cần như vậy! chỉ một điều cần thiết để trở thành những vị thánh : là đón nhận ơn sủng mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Chính ân sủng này thay đổi con tim chúng ta. Chúng ta vẫn tiếp tục là những kẻ tội lỗi, bởi vì tất cả chúng ta yêu đuối, nhưng với ân sủng này làm cho chúng ta cảm thấy Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa là Đấng xót thương, Thiên Chúa mong đợi chúng ta, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, ân sủng này lớn lao, làm thay đổi con tim của chúng ta.
Ngôn sứ Ezêkiel đã nói, từ trái tim bằng đá Thiên Chúa sẽ thay đổi nó thành trái tim bằng thịt. Điều này muốn nói lên điều gì? Một trái tim yêu thương, một trái tim đau khổ, một trái tim vui mừng với người khác, một trái tim đầy ắp dịu dàng cho người mang những vết thương của cuộc đời, người bị bỏ rơi bên lề xã hội. Tình yêu là sức mạnh to lớn của sự biến đổi thực tại, để phá đi những bức tường ích kỷ và lấp đầy những hố hầm khiến cho chúng ta phải cách xa tình hiệp nhất với tha nhân. Đây là tình yêu từ trái tim đã được thay đổi, từ trái tim bằng đá được biến đổi thành trái tim bằng thịt, trái tim con người. Và tình yêu này làm nên ân sủng, ân sủng của Đức Giêsu Kitô mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh. Có ai trong anh chị em biết được ân sủng này giá bao nhiêu không? Người ta bán ân sủng ở đâu? Tôi có thể mua ân sủng ở đâu? Không ai biết trả lời. Tôi đi mua ân sủng từ vị thư ký của các xứ đạo, có thể người này bán ân sủng? Một vài linh mục rao bán ân sủng phải không? Anh chị em nghe rõ điều này : Ân sủng không mua không bán; ân sủng là quà tặng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô ban cho chúng ta ân sủng, là Người duy nhất ban cho chúng ta ân sủng. Ân sủng là quà tặng : Thiên Chúa hiến tặng chúng ta. Chúng ta hãy nhận lấy ân sủng. Điều này thật tuyệt. Tình yêu của Chúa Giêsu là như vậy: trao ban ân sủng cách nhưng không. Chúng ta cũng phải trao ban ân sủng cho anh chị em mình cách nhưng không. Thật buồn khi gặp nhiều người rao bán ân sủng : trong lịch sử Giáo hội nhiều gương mặt đã vấp ngã vì điều này, và đã gây ra rất nhiều điều xấu. Người ta không thể rao bán ân sủng : nhưng lãnh nhận nó một cách nhưng không và cho đi nhưng không. Đây là ân sủng của Đức Giêsu Kitô.
Giữa rất nhiều những đau khổ, những vấn nạn đang hiện hữu đây, ở Roma, có những người sống không có niềm hy vọng. Trong thinh lặng, mỗi người trong chúng ta có thể nghĩ về những người sống không có niềm hy vọng. Họ bị nhận chìm trong nỗi buồn sâu thẳm từ đó họ cố giải thoát, tin tưởng tìm kiếm niềm vui nơi rượu chè, ma túy, cờ bạc, quyền lực của tiền bạc, tính dục mà không theo nguyên tắc nào. Nhưng họ lại thấy thất vọng nhiều hơn và đôi khi trút cơn giận của mình vào cuộc đời bằng những hành vi đầy bạo lực và không xứng đáng là con người. Biết bao nhiêu người buồn bã, không có niềm hy vọng! Anh chị em cũng hãy nghĩ đến rất nhiều người trẻ, sau khi đã cảm nghiệm được nhiều điều, họ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và họ tìm đến việc tự tử như là giải pháp. Anh chị em biết ngày nay có bao nhiêu vụ tự tử của người trẻ trên thế giới không? Con số rất cao! Tại sao vậy? Vì họ không có niềm hy vọng. Họ đã cố gắng rất nhiều điều nhưng xã hội thì tàn nhẫn, không thể đem lại cho bạn niềm hy vọng.
Niềm hy vọng giống như ân sủng : Người ta không thể mua, vì đó là ơn của Thiên Chúa. Chúng ta phải hiến tặng niềm hy vọng kitô hữu bằng chứng tá, tự do và niềm vui của mình. Quà tặng ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đem lại niềm hy vọng. Chúng ta, những người có niềm vui nhận ra rằng chúng ta không mồ côi, chúng ta có một Người Cha. Chúng ta không thể không quan tâm đến thành phố này, đang nài xin chúng ta, ngay cả khi không ý thức, một niềm hy vọng nâng đỡ để nhìn về tương lai với niềm tin tưởng lớn lao và thanh thản? Chúng ta không thể không quan tâm. Nhưng chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Chúng ta có thể tiến tới và hiến tặng niềm hy vọng như thế nào? Có thể vừa đi trên đường vừa nói : “tôi có niềm hy vọng” được không? Không! Anh chị em nói bằng chứng tá, bằng nụ cười của mình : “Tôi tin rằng tôi có một người cha. Chúng ta không mồ côi. Chúng ta có một người Cha”, và hãy chia sẻ tình con này với Người Cha với tất cả mọi người. “Thưa cha, giờ con hiểu rồi, đó là để thuyết phục người khác, để làm cho người tân tòng”. Không, hoàn toàn không phải vậy. Tin mừng như là hạt giống : anh gieo hạt, gieo hạt bằng lời và chứng tá của anh. Sau đó đừng làm thống kê rằng anh đã làm được như thế nào : Thiên Chúa sẽ làm điều đó. Người sẽ làm cho hạt giống này lớn lên; chúng ta phải gieo hạt giống với sự chắc chắn còn Thiên Chúa sẽ tưới nước cho nó, Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống này lớn lên. Chúng ta không gặt hái nó : một linh mục khác sẽ làm điều đó, một giáo dân khác, một người khác sẽ thu lượm nó. Nhưng niềm vui gieo trồng phải bằng chứng tá, vì nếu chỉ bằng lời nói thì chưa đủ. Lời nói không có chứng từ chỉ là không khí. Lời nói thì không đủ. Phải là chứng tá đích thực như thánh Phaolô đã nói.
Loan báo Tin mừng trước hết là hướng về những người nghèo, những người thường thiếu cái cần thiết để sống một cuộc sống xứng đáng. Họ là những người đầu tiên được loan báo sứ điệp vui mừng là Thiên Chúa yêu thương họ với lòng ưu ái và đến viếng thăm họ qua những việc bác ái mà các môn đệ của Đức Kitô hoàn tất nhân danh Người. Trước hết hãy đi đến với những người nghèo : đầu tiên là điều này. Trong giờ phán xét sau hết, chúng ta có thể đọc Tin mừng Matthêu chương 25, tất cả chúng ta sẽ bị phán xử về điều này. Thế nhưng một số người nghĩ rằng sứ điệp của Chúa Giêsu dành cho những người không có sự chuẩn bị văn hóa. Không phải vậy! Thánh tông đồ mạnh mẽ khẳng định rằng Tin mừng dành cho tất cả mọi người, cả những người có học thức. Sự khôn ngoan bắt nguồn từ sự Phục sinh, không đối kháng với con người, trái lại, thanh tẩy và nâng con người lên. Giáo hội đã luôn luôn hiện diện ở những nơi người ta xây dựng văn hóa. Nhưng bước đầu tiên vẫn luôn ưu tiên cho những người nghèo. Chúng ta cũng phải đi đến với ranh giới của trí tuệ, văn hóa, tầm vóc đối thoại, đối thoại làm nên hòa bình, đối thoại tri thức, đối thoại cách hợp lý. Tin mừng dành cho tất cả mọi người! Đi đến với những người nghèo không có nghĩa là chúng ta phải trở thành những người nghèo túng nhất, hay một hạng người “tâm linh vớ vẫn”! Không phải ý này! Nghĩa là chúng ta phải đi đến với thân xác của Chúa Giêsu đau khổ, nhưng thân xác đau khổ của Chúa Giêsu cũng là điều mà người ta không thể nhận biết bằng nghiên cứu, bằng trí thông minh hay bằng văn hóa của họ. Chúng ta phải đi đến đó! Bởi thế, tôi thích dùng từ “đi đến những vùng ngoại ô”, những vùng ngoại ô của cuộc sống. Đến với tất cả mọi người, từ những người nghèo về thể chất và nghèo về trí thức, đó là thực tế. Tất cả các vùng ngoại ô, tất cả mọi hành trình ngang dọc : hãy đi đến đó. Ở đó, hãy gieo trồng hạt giống Tin mừng, bằng lời nói và chứng tá.
Điều này có nghĩa là chúng ta phải can đảm. Đức Thánh Cha Phalô VI đã nói rằng, ngài đã không hiểu được những người kitô hữu chán nản : ngài đã không hiểu được họ. Những người Kitô hữu buồn bã, lo lắng, một trong số những người Kitô hữu này nghĩ rằng họ đang tin vào Đức Kitô hay tin vào “nữ thần than trách”: họ không hề biết. Suốt ngày họ than phiền, trách móc; hãy nhìn xem thế giới với nhiều thảm họa làm sao. Nhưng anh chị em nghĩ xem : thế giới không tồi tệ hơn năm thế kỷ trước sao! Thế giới là thế giới; luôn luôn là thế giới. Khi một người than trách : và cứ như vậy, người ta không thể làm gì được. Tôi muốn đặt ra cho mọi người câu hỏi : Anh chị em có quen biết những kitô hữu như vậy không? Có những người như vậy chứ! Người Kitô hữu cần phải can đảm trước mọi vấn đề, trước những khủng hoảng xã hội, tôn giáo phải can đảm tiến về phía trước, đi trước với lòng can đảm. Khi người ta không thể làm được gì, với sự nhẫn nại : giúp chịu đựng. Can đảm và nhẫn nại là hai nhân đức của Thánh Phaolô. Can đảm : đi trước, làm mọi sự, đưa ra chứng tá mạnh mẽ. Chịu đựng : cõng trên vai những gì người ta không thể thay đổi được nữa. Phải tiến tới bằng nhẫn nại, với sự nhẫn nại này sẽ đem lại cho chúng ta ân sủng. Nhưng chúng ta phải làm gì với sự can đảm và nhẫn nại? Đó là thoát ra khỏi chính mình : ra khỏi chính mình. Ra khỏi cộng đoàn mình để đến nơi mà mọi người đang sống, đang lao động, đang đau khổ và rao giảng lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đã làm cho việc nhận biết con người nơi Đức Giêsu Kitô thành Nazareth.
Rao truyền ân sủng được Chúa Giêsu hiến tặng cho chúng ta. Nếu là các linh mục, ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi xin được là những người mục tử với mùi thơm của những con cừu. Tôi nói với anh chị em : bất cứ nơi đâu anh chị em hãy là những người mang Lời của cuộc sống vào các phố phường của mình, những nơi lao động và bất cứ nơi nào nhiều người đang tìm lại và phát triển các mối tương quan. Anh chị em hãy đi ra ngoài. Tôi không thể hiểu được những cộng đoàn kitô hữu ở các giáo xứ mà lại đóng kín. Tôi muốn nói cho anh chị em một điều. Trong đoạn Tin mừng rất hay nói cho chúng ta về người mục tử, khi trở lại với đoàn chiên, người mục tử nhận ra thiếu mất một con, ông để lại 99 con và đi tìm con chiên lạc. Nhưng thưa anh chị em, chúng ta có một con chiên, còn thiếu 99 con! Chúng ta phải ra đi, phải đi đến với nó. Trong nền văn hóa này chúng ta chỉ có một con chiên, chúng ta là thiểu số! Chúng ta có cảm thấy lòng nhiệt huyết, nhiệt thành tông đồ để ra đi và tìm 99 con chiên khác không? Đây là một trách nhiệm lớn lao, và chúng ta phải xin Chúa ơn quảng đại, can đảm và nhẫn nại để ra khỏi, để rao giảng Tin mừng. Điều này thật khó! Ở nhà thì dễ dàng hơn, với con chiên duy nhất! chải chuốt và vuốt ve nó… Nhưng chúng ta là linh mục, cũng như anh chị em kitô hữu : Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta là những mục tử, không phải là người chải chuốt đàn chiên; là những mục tử! Khi một cộng đoàn bị khép kín, thì chính những người này luôn nói rằng, đây không phải là cộng đoàn ban cuộc sống. Đó là một cộng đoàn cằn cỗi, không sinh sản. Sự phong phú của Tin mừng đến nhờ bởi ơn của Chúa Giêsu Kitô, nhưng qua việc rao giảng, sự can đảm và nhẫn nại của chúng ta.
Nói một chuyện hơi dài? Nhưng không phải dễ! Chính chúng ta phải nói sự thật: làm việc để phúc âm hóa, để đưa đến ơn nhưng không thật không dễ, bởi vì không phải chỉ chúng ta với Chúa Giêsu. Còn có một địch thủ, một kẻ thù muốn giữ con người xa cách Thiên Chúa. Chính vì điều này mà nó truyền vào trong những tâm hồn sự thất vọng, khi chúng ta không thấy được thưởng công cho nhiệt thành tông đồ của mình. Hằng ngày ma quỷ ném vào trong tâm hồn chúng ta những hạt giống bi quan và cay đắng, làm cho ta nản lòng, làm cho chúng ta chán nản. “không được! chúng ta đã làm điều này, làm điều kia không được! nhìn các tôn giáo đang lôi kéo nhiều người như thế nào còn chúng ta thì không”. Ma quỷ đặt ra điều này. Chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc chiến thiêng liêng. Điều này rất quan trọng. Người ta không thể rao giảng Tin mừng mà không có sự đấu tranh tinh thần này : đấu tranh từng ngày để chống lại sự buồn bã, chống lại cay đắng và bi quan; đấu tranh mỗi ngày. Gieo trồng không phải dễ. Thu lượm thì tốt hơn, còn gieo trồng thì không dễ, đây là cuộc đấu tranh từng ngày của những người tín hữu.
Thánh Phaolô nói rằng ngài có sự thúc bách rao giảng, ngài có kinh nghiệm về cuộc chiến thiêng liêng này, khi ngài nói : “có trong thân xác tôi cái gai của satan và tôi cảm thấy nó từng ngày”. Chúng ta cũng có những cái gai của satan làm cho chúng ta đau khổ, làm cho chúng ta ra đi trong khó khăn và nhiều lần làm cho chúng ta chán nản. Chúng ta chuẩn bị cho cuộc chiến thiêng liêng : việc tái phúc âm đòi hỏi nơi chúng ta lòng can đảm thực sự, ngay cả vì cuộc chiến nội tâm, trong tâm hồn chúng ta, để nói bằng cầu nguyện, bằng hãm mình, với ước muốn theo Chúa Giêsu, với các bí tích như là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, nói với Chúa Giêsu rằng : cám ơn, con cám ơn Chúa vì ơn huệ của Người. Con muốn đem ơn này đến cho người khác. Đây là việc làm : việc làm là đây. Điều này còn được gọi là tử đạo. Tử đạo là đây : là đấu tranh từng ngày, để làm chứng nhân. Tử đạo là đây. Thiên Chúa đòi hỏi một số người tử đạo vì cuộc sống, tử đạo từng ngày, từng giờ : là chứng tá chống lại thần dữ không muốn để cho chúng ta làm những người rao giảng tin mừng.
Giờ đây tôi muốn kết thúc suy tư với một điều. Trong thời đại này, cái miễn phí xem ra bị yếu dần trong các mối tương quan với nhau bởi vì tất cả đều bán và mua, cái miễn phí thật khó mà tìm. Người Kitô hữu chúng ta loan báo một Thiên Chúa, vì là người bạn của chúng ta nên Người không yêu cầu điều gì nếu không được tiếp nhận. Chúa Giêsu chỉ xin một điều duy nhất : là được tiếp nhận. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều người đang sống trong sự thất vọng bởi vì họ đã chưa từng gặp những người đã tỏ ra quan tâm đến họ, an ủi họ, làm cho họ cảm thấy mình quý giá và quan trọng. Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta có thể khước từ việc đi đến những nơi không ai muốn đi vì sợ mình bị thiệt hại, sợ người khác xét đoán. Làm như vậy là phủ nhận việc loan báo Lời Chúa của anh em mình? Nhưng không! Chúng ta đã lãnh nhận cái miễn phí này, ân huệ này, cách nhưng không; chúng ta phải trao ban nó cách nhưng không. Cuối cùng, đây là điều tôi muốn nói với anh chị em. Đừng sợ! Đừng sợ! Đừng sợ yêu thương, tình thương của Thiên Chúa Cha chúng ta. Đừng sợ! Đựng sợ nhận lãnh ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đừng sợ để cho sự tự do của chúng ta được trao ban từ ân sủng của Đức Giêsu Kitô, như Thánh Phaolô đã nói : “Anh em không còn sống dưới lề luật, nhưng sống dưới ân sủng”. Đừng sợ ân sủng, đừng sợ đi ra khỏi chính mình, đừng sợ đi ra khỏi cộng đoàn tín hữu của mình để đi tìm 99 con chiên không nhà. Ra đi để đối thoại với họ, để nói cho họ biết chúng ta đang nghĩ gì, ra đi để cho biết tình yêu của chúng ta là tình yêu của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến. Anh chị em đừng sợ! chúng ta cùng tiến bước để nói cho anh chị em mình biết rằng chúng ta sống dưới ân sủng mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, và ân sủng này không phải trả tiền : chỉ đón nhận nó mà thôi.