Một lời thề nghiệt ngã
Trong một bài viết (22/6/2013) trên vietcatholic của linh mục Trần đức Anh OP có tiêu đề: “Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu giữ lời hứa”, khi Ngài nói chuyện với các tham dự viên tham dự khóa họp lần thứ 38 của tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), Đức Thánh Cha nói: “Tất cả chúng ta ở đây đều chia sẻ ý tưởng chúng ta có thể và phải làm cái gì hơn nữa để mang lại nghị lực cho hoạt động quốc tế bênh vực người nghèo, không phải chỉ được linh hoạt bằng thiện chí, hoặc tệ hơn nữa bằng những lời hứa thường không được thi hành.”…
Với lời kêu gọi của Đức Phanxicô Đệ I, quả thật chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ không ngừng, nhiều phát minh mới, nhiều sáng kiến, nhiều khám phá mới nhưng cũng là một thế giới thiếu lòng tin hơn bao giờ hết. Một trong những lý do đưa đến tình trạng này chính là: Không giữ lời hứa.
Nhớ lại chuyện Nhạc Chính Tử, người Nước Lỗ không tuân lệnh vua để đem cái đỉnh giả tiến vua Tề thay cho đỉnh thật vì Nhạc Chính Tử coi chữ TÍN là trên hết (Ông đòi phải tiến bằng đỉnh thật) hoặc như Quý Trát, con vua Ngô, định cho vua Từ chiếc gươm quý nhưng chưa thực hiện được vì chuyến du lịch chưa xong. Khi đến nơi, vua Từ đã mất, Quý Trát đem gươm treo bên mộ vua Từ coi như đã thực hiện lời hứa mặc dù chỉ hứa trong lòng, lời hứa này chưa một lần nói ra.. (Cổ học tinh hoa). Như thế đủ biết người xưa coi trọng chữ TÍN biết nhường nào! đúng là “Tín vi quốc chi bảo” (Tấn văn Công},Tín là báu vật quốc gia.
Những cuộc xung đột giữa nước này với nước khác, giữa vùng này với vùng khác, nhỏ hơn giữa gia đình này với gia đình khác, giữa người này với người khác thật khó hòa giải vì họ không tin nhau, không tin những thiện chí của nhau; không tin những giải pháp của nhau vì tất cả đều dị ứng, đều hoài nghi về những hứa hẹn của nhau trước đó, hứa hẹn về một cuộc đình chiến, hứa hẹn về một nhượng bộ; hứa hẹn về một cuộc rút quân, hứa hẹn về một cuộc tái thiết, hứa hẹn sẽ được trả lại sau khi cho mượn, hứa hẹn về một đảm bảo đời sống, hứa hẹn về một việc đền bù thỏa đáng, hứa hẹn về ngắn hạn, dài hạn ấm no hạnh phúc…mọi người thấy mình đang nhảy múa với chữ nghĩa, với một loạt tiêu chuẩn mới, một loạt khái niệm mới và cứ như thế chữ TÍN khó lòng được đón nhận và thế là mất lòng tin, mất định hướng…
Hậu quả của việc bội tín, không giữ lời hứa là quá rõ, nhưng có phải tất cả mọi câu chuyện giữ lời hứa đều đưa đến chung cuộc có hậu tốt đẹp hay không? Tôi nhớ đến câu chuyện giữ lời hứa của vua Hêrôđê với con gái bà Hêrôđia, người tình loạn luân của vua: “Hễ cô xin gì ,vua cũng ban cho”( Mt 14,7), hên cho nhà vua quá vì nếu chẳng may để thực hiện lời hứa, nàng xin vua nhường ngôi thì không biết Hêrôđê phản ứng thế nào! Nghe lời mẹ, nàng chỉ xin đầu Gioan Tẩy giả. Vua đã giữ lời hứa nhưng như thế đâu có làm thần dân an tâm, đâu có làm thần dân yêu mến. Thực hiện một lời hứa để mọi người khiếp sợ hơn, thực hiện lời hứa trên mạng sống của người khác làm con người hoang man hơn, bất định hơn, đây không là giữ trọn lời thề mà dùng lời thề để giỡn chơi, để làm đẹp bản thân mình, làm đẹp cho mối quan hệ bất chính của mình (đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc) (Mt 14,9). Hay nói cách khác là thất hứa vì vua không bảo vệ được sự sống cho thần dân.
Trước khi lời hứa của Hêrôđê được thực hiện là đoạn thất hứa của các nhà chiêm tinh khi các ông không thực hiện lời thỉnh cầu đầy thiện ý của nhà vua “xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người (Mt 2,9). Kinh thánh không cho biết các nhà chiêm tinh có hứa đồng ý trở lại báo cho Hêrôđê sau khi gặp Hài Nhi hay không nhưng không lẽ các đạo sỹ lại hẹp hòi không trở lại với một người quyền thế mà mình vừa mang ơn.
Nếu các ông gặp lại Hêrôđê trên đường về thì không hiểu thế giới hôm nay ra sao!
Nghe lời Thiên Chúa qua mộng báo (Mt 2,12) các ông không trở lại – Các ông không giữ lời hứa nhưng việc không giữ lời hứa của các nhà chiêm tinh mở ra cho nhân loại hôm nay hiểu được: Tình yêu là gì? Lòng chung thủy là gì? Sự thật là gì? Chân lý là gì? Hòa bình là gì? Sự sống vĩnh cữu là gì?…
Qua cái chết và phục sinh của Đức Ki tô. Các đạo sĩ đã giữ lời hứa.
Cảm ơn Thánh Gioan Baotixita, nhờ cái chết của Ngài chúng ta hiểu được mức độ đáng tin cậy của lời hứa của thế gian, của sự dữ.
Ước chi các quốc gia, các dân tộc, mỗi người chúng ta trung thành với lời hứa trong ngày chúng ta trở nên con cái Chúa giống như Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Người lúc con người sa ngã. “Ta sẽ đặt sự hiềm thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người nữ, Người sẽ đạp dập đàu m nà mi rình cắn gót chân Người” ( St 3,14). Theo lời chú giải của các Giáo Phụ thì người nữ nói đây là Đức Maria Đấng sinh ra Đức Kitô, chiến thắng ma quỷ và cứu độ loài người.
Khi nhân loại này đồng thanh như một lời thề trước Thiên Chúa: TÔI TIN –TÔI TIN…, chắc chắn chúng ta ắt biết mình phải làm gì cho chính mình và cho anh em. Lúc đó, thế giới không còn sống trong tình trạng mất niềm tin và lời kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược hay lời kêu gọi thực hiện lời hứa nhường cơm sẻ áo, không còn mang tính cấp bách, nhưng chỉ là một nhắc nhở nhẹ nhàng trong một phút lơ là lãng quên không đáng trách.
Lễ thánh Gioan Baotixita – Bổn mạng GK 1
Tác giả bài viết: Trần Tuy Hòa