Văn hóa & Đức tin 

Họp mặt trao giải viết văn đường trường tại Qui nhơn

NGÀY NĂM ĐỨC TIN CỦA GIỚI CẦM BÚT VÀ CUỘC HỌP MẶT TRAO GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG TẠI QUI NHƠN

 Với niềm thao thức mãnh liệt muốn phát huy thơ văn Công giáo, Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã dành cho anh chị em giới cầm bút Công giáo một ngày cử hành Năm Đức Tin, kết hợp với ngày trao giải Viết Văn Đường Trường lần thứ I, đã được định trước vào 21-9-2013.

Giải Viết Văn Đường Trường là cuộc thi truyện ngắn kéo dài 6 năm, nhằm phát hiện và quy tụ các tài năng văn xuôi trong giới Công giáo. Giải được tổ chức hằng năm liên tục cho tới 2018, kỷ niệm 400 năm Tin mừng đến với Giáo phận Qui Nhơn tại giáo điểm Nước Mặn, nơi phát sinh chữ Quốc ngữ.

Ngày 20-9, nhà văn Thái Hà, tác giả Tam Đa Nhà Đạo từ Hà Nội và một nam sinh viên năm I từ Phát Diệm đã đến. Trưa 21, các tác giả Cao Huy Hoàng từ Phan Thiết, Lê Hồng Bảo từ Phan Rang, Maria Khánh Vân và một người bạn từ Hà Tĩnh, rồi Tippy từ Huế, cùng họp mặt với Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn và 21 cây bút mầm non trên 17 tuổi của Giáo phận Qui Nhơn. Khi chương trình bắt đầu lúc 2 giờ chiều, đoàn đại biểu hùng hậu từ Kontum cũng kịp đến, với Đức Cha Micae, cha Giám đốc Chủng viện và cha phụ trách Truyền thông Giáo phận Kontum cùng với 4 chủng sinh, 2 nữ tu và 4 giáo dân. Sau khi thăm chào mừng lễ bổn mạng Đức Giám mục chủ nhà, đoàn đã họp mặt giao lưu chia sẻ, trao đổi những cái nhìn, những khó khăn, những cố gắng từ những góc trời khác nhau của Giáo hội Việt Nam. Đức Cha Micae lắng nghe tất cả và chia sẻ đáp lại thật chân tình. Ngài nhấn mạnh lệnh truyền của Chúa: “Hãy ra đi loan báo Tin mừng”, bằng việc làm, bằng lời nói và chữ viết. Một lần nữa ngài nhắc lại trách nhiệm người Công giáo trước món quà cha ông đã để lại cho Dân tộc và Giáo hội là chữ Quốc ngữ. Trước điểm đồng quy từ tâm tình của một số người thấy lẻ loi trong sứ mạng, Đức Cha an ủi: Dù lẻ loi, hãy cứ mạnh dạn bắt đầu từ dưới lên rồi một lúc nào đó sẽ có đáp ứng từ trên xuống.

Đến 5 giờ chiều, Thánh lễ ngày Năm Đức Tin của giới cầm bút được cử hành tại nhà nguyện Chủng viện Qui Nhơn, do Đức Cha Matthêô chủ tế, với sự đồng tế của Đức Cha Micae và mười linh mục. Một số vị lo về mục vụ văn hóa các Giáo xứ, nhiều chủng sinh, nữ tu và giáo dân quan tâm tới mục vụ văn hóa cũng đến hiệp dâng thánh lễ.

Buổi văn nghệ trao giải diễn ra từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 45 tối, với các tiết mục phụ họa của các bạn chủng sinh, sinh viên, thanh tuyển Mến Thánh Giá, thanh tuyển Phaolô và bạn trẻ Chính tòa. Trong số 15 tác giả đạt giải, 3 người đang tu học ở nước ngoài, 7 người khác không đến được. Tuy nhiên bầu khí thật ý nghĩa vì có đủ đại biểu từ cả ba Giáo tỉnh. Sau phần trao giải, Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn công bố hai bản thể lệ của hai cuộc thi năm 2014: Một là Giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần thứ V, dành cho các bạn trẻ đang độ tuổi học giáo lý, có năm sinh từ 1996 về sau; hai là Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ II, dành cho các bạn trẻ Công giáo khắp nơi có năm sinh từ 1974 về sau. Bản văn được đăng trên website Giáo phận Qui Nhơn: www.gpquinhon.org – Cuối chương trình, hai đại biểu giáo dân từ hai Giáo tỉnh Hà Nội và Sài Gòn đã phát biểu, nói lên niềm vui gặp gỡ và ao ước mảng mục vụ văn hóa ngày càng phát triển. Đức Cha Micae được mời nói lên tiếng nói của một chủ chăn ở Giáo tỉnh Huế và ngài đã chia sẻ rất đánh động:

Theo ngài, Giải Viết Văn Đường Trường của Giáo phận Qui Nhơn là một việc làm hữu ích; việc truyền giáo bằng văn thơ là điều cần thiết và sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Đức Cha kể lại hai câu chuyện. Thứ nhất, có người lương nói với Ngài rằng người ta không sợ người Công giáo, vì so với người Tin lành thì người Công giáo chỉ giỏi giữ đạo chứ không biết truyền đạo. Nhận xét ấy không xa sự thật. Chúng ta đầu tư quá nhiều vào xây cất mà không lo truyền giáo. Có giáo xứ bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà thờ, đưa cả đoàn người ra Bắc chụp hình từng nét các nhà thờ, nhưng lại không hề đầu tư gì cho việc phát triền văn hoá. Chuyện thứ hai là chuyện của chính Đức Cha hồi 1974. Ngài đến nhà một người thân mời mua sách báo Công giáo nhưng họ bảo nhà nghèo không có tiền mua. Ít lâu sau, ngài nhận lời đến dùng cơm ở nhà ấy, nhưng thay vì dùng cơm, ngài cáo lỗi ra về và nêu rõ lý do: Chỉ nguyên bia cam cá thịt trên bàn đã nhiều tiên hơn giá mua 3 năm báo nhà đạo. Ta cần đánh thức mọi người về chuyện này bằng những diễn tả thật mạnh.

Sau buổi trao giải, đại biểu từ Phan Thiết và hai đại biểu từ Hà Tĩnh đón xe đêm về để kịp buổi dạy sáng thứ Hai. Quả là những cố gắng vượt bậc. Ngồi xe gần 800 km để dự 7 giờ sinh hoạt rồi lại về ngay. Họ phải đến gặp nhau để xác nhận với mình và với những anh chị em khác rằng vẫn còn có những tấm lòng vừa vì văn chương vừa vì Chúa và các linh hồn. Đoàn hai xe của Đức Cha Micae cũng vượt mưa gió về lại Tây nguyên trong đêm, về đến nhà lúc 2 giờ sáng.

Ngày 21 qua đi và ngày 22 đã đến. Hết ngày lễ Thánh Mátthêô bổn mạng các nhà văn tới ngày kỷ niệm sinh nhật nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử. Các bạn văn và bạn thơ lại lên đường thực hiện cuộc hành hương văn học, về thăm Nước Mặn, quê hương của chữ Quốc ngữ, về thăm nhà in Làng Sông xưa, một cơ sở phát huy chữ Quốc ngữ. Gần trưa, mọi người đã có mặt tại mộ Hàn Mạc Tử để thắp hương và tưởng niệm những tác giả văn thơ Kitô giáo đã khuất. Sau bữa trưa tại dòng nữ Phan Sinh ở Qui Hòa, mọi người viếng nhà lưu niệm và đài tưởng niệm Hàn Mạc Tử, rồi cùng ngồi chia sẻ. Còn lại 32 người nhưng đếm được 6 giáo phận. Chương trình kết thúc lúc 3g30 chiều, sau thánh lễ do cha Quản hạt Bình Định chủ lễ. Những ký ức quá khứ giục giã tương lai. Năm ngoái cũng vào 21 và 22 tháng 9, gần 50 anh chị em cầm bút từ nhiều Giáo phận đã về Qui Nhơn lặp lại những dấu chân Hàn Mạc Tử. Năm nay còn đậm đà hơn, rồi năm sau và những năm sau còn hơn thế nữa. Và mỗi năm 21 và 22 tháng 9 lại về, ta lại có ngày của văn, của thơ và của Chúa, ngày của thơ văn Công giáo.

TÂM AN

image001image005

Related posts