Xã hội 

Thuật trừ tà man rợ của người Afghanistan

AFP từ Samar Khel, Afghanistan

Thuật trừ tà man rợ của người Afghanistan thumbnail

Din Muhammed bị đưa vào một căn phòng nhỏ tại một đền thờ Afghanistan, xích lại và cho ăn bánh mì trong 40 ngày.

Muhammed bị ép “điều trị” theo phương pháp truyền thống tại đền thờ Mia Ali Baba bên ngoài thành phố phía đông Jalalabad để trừ tà cho anh.

Thậm chí sau một thập niên Afghanistan được quốc tế tài trợ và tư vấn kiến thức chuyên môn y khoa, nhiều người dân địa phương vẫn còn tin việc thử thách dã man tại đền thờ này sẽ chữa được các bệnh tâm thần, hay theo họ là những người bị ma nhập.

“Tôi đã cãi nhau dữ dội với bố tôi”, Muhammed, một người đàn ông trẻ gầy tay và chân bị xích ngồi trên cái chăn bẩn, nói. “Tôi đã lấy tiền của ông ấy để mua một chiếc xe môtô”.

“Tôi rất buồn và tức giận ông ấy đã giam tôi ở đây”, Muhammed nói. Anh bị năm vết thương khi phục vụ trong quân đội Afghanistan, và hiện đang bị giam trong dãy phòng gồm 20 phòng nhỏ bằng đá tồi tàn.

Trần nhà thấp và ẩm ướt, mùa hè không có quạt còn mùa đông thì không có lò sưởi.

“Bệnh nhân bị xích trong 40 ngày và được cho ăn bánh mì với tiêu”, Malik, giám sát đền thờ, cho biết.

“Làm như thế để trừ tà cho anh ta. Khi có người bị ma ám, chúng tôi đọc kinh Koran, và các phụ nữ có chồng nhưng không có con trao cho họ các lá bùa hộ mạng để đuổi tà”.

“360 năm nay đều làm như thế và hàng ngàn người được chữa khỏi”.

Cuối thời gian thử thách, “bệnh nhân” được cho uống nước xúp nấu từ đầu dê để hoàn tất quá trình thanh tẩy.

Những người trải qua quá trình thử thách gian khổ này trông xuống sức nhanh và gần như không thể nói chuyện được do kiệt sức.

“Tôi không muốn đến đây, anh tôi ép tôi”, Abdul ở tuổi 30 nói một cách yếu ớt và không thể giải thích tại sao anh lại bị đưa đến đền thờ này.

“Họ nói sẽ đưa tôi đến gặp bác sĩ và họ lấy trong túi tôi 5.000 afghani (90 Mỹ kim) để trả tiền đi khám bác sĩ. Tôi cảm thấy chóng mặt và đau đầu”.

Phòng giam Abdul bốc mùi mồ hôi và nước tiểu, đầy rác rưới và vải bẩn. Trẻ con đến gần phòng giam chế nhạo anh, rồi vừa cười vừa bỏ chạy khi anh vùng vẫy trong tuyệt vọng.

‘Không có cơ sở khoa học’

Shah Temor Mosamim, bác sĩ và là giám đốc bệnh viện tâm thần ở Kabul, nói cách điều trị của đền thờ này là “không có cơ sở khoa học”.

“Dù bệnh nhân hung hăng đến đâu đi nữa, nếu không được cho ăn nhiều trong 40 ngày thì bệnh nhân đó sẽ trầm tĩnh hơn”, Mosamim nói.

“Tại Afghanistan, có những cách điều trị bệnh nhân tâm thần truyền thống như thế, xích họ trong phòng hay đền thờ. Có một số trường hợp, bệnh nhân bị suy nhược hay bị tâm thần”.

Nhóm vận động Theo dõi Nhân quyền kêu gọi đóng cửa đền thờ Mia Ali, đền thờ được đặt theo tên của một thánh nhân ở thế kỷ 17, và các nhà hoạt động nhân quyền địa phương cũng quan tâm đến việc này.

“Nên đóng cửa nơi này vì những việc làm ở đây không hợp với nhân quyền”, nhà nghiên cứu của HRW Heather Barr nói. “Điều trị bệnh tâm thần đang nằm trong những giai đoạn cơ bản ở Afghanistan nhưng đáng tiếc lại không được xem là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà tài trợ quốc tế mặc dù có nhiều người Afghanistan trải nghiệm sự tổn thương nghiêm trọng này.

“Rafiullah Bidar thuộc Ủy ban Nhân quyền độc lập Afghanistan miêu tả cảnh gia đình để bệnh nhân sống trong điều kiện kinh tởm tại đền thờ này.

“Họ nghĩ đây là sự lựa chọn cuối cùng… chúng ta không thể làm ngơ việc này. Những gia đình này không hài lòng với các dịch vụ y tế của chính quyền, đó là lý do họ tin vào đền thờ này”, ông nói.

“Môi trường bệnh nhân sống không lành mạnh, họ tiểu tiện ngay trong phòng giam. Tôi còn nhớ mùi hôi thối và môi trường bẩn thỉu khi đến đó”.

Đối với Muhammed và Abdul, sợ nhất là cảnh họ bị giam không phải để được chữa lành mà là để chết. Từ phòng giam, họ có thể nhìn thấy những phần mộ lởm chởm của những người không được ra ngoài.

“Một số gia đình không trở lại đón người bệnh và họ phải ở lại đó 6 hoặc 8 tháng, đôi khi chết luôn và chúng tôi chôn họ ở đây”, nhân viên chăm sóc Mir Shafiqullah nói. AFP

Ucanews

Related posts