Năm A 

Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian – Chúa nhật II TN A

Chúa nhật II Thường Niên A

Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

Khi chúng ta mở Tin mừng, khi chúng ta đọc Tin mừng ở nhà, khi học giáo lý, hoặc khi chúng ta nghe Tin mừng được công bố ở bục giảng trong Thánh lễ, chúng ta đang bước vào bên trong một kho báu thật quý giá. Những lời mà chúng ta đọc, nghe là ánh sáng, là sự hướng dẫn, nâng đỡ, niềm vui, an ủi, hy vọng và dấn thân cho cuộc sống chúng ta.

Các tác giả Tin mừng đã viết, không lãng phí lời nào. Những lời họ chọn giống như là những gam màu đúng đắn, cần thiết cho việc đem đến cho bản văn một tuyệt tác thực sự. Những lời họ dùng mở ra một kiểu nói nói, dẫn đến những câu chuyện khác đã xảy ra hàng thiên niên kỷ trước, về lịch sử cứu độ, giải phóng, yêu thương : Lịch sử của Thiên Chúa dành cho con người.

Thánh Girolamo, người đầu tiên dịch Kinh thánh sang tiếng Latin đã khẳng định rằng “Lời Chúa được giải thích bằng Lời Chúa”. Đặc biệt, hôm nay chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của câu này.

Đoạn tin mừng Chúa nhật hôm nay chúng ta tìm thấy trong chương đầu của Gioan. Tin mừng trình bày gương mặt của Gioan Tẩy giả, đang khi thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông đã nói về Người như sau : “Đây chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29-30).

“Đây” tức là nhìn kìa. Ngày hôm nay tất cả chúng ta được mời gọi để nhìn. Nhìn ai đây?

Chiên Thiên Chúa? Con chiên này là ai? Đó là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là con chiên của Thiên Chúa muốn nói lên điều gì? Từ con chiên có ý nghĩa gì?

Để hiểu từ con chiên chúng ta hãy quay trở lại với thời gian trước kia, đó là thời gian nô lệ của những người Do thái ở đất nước Ai cập. Vào đêm Vượt qua, đêm giải phóng, ông Môsê nói với những người chủ gia đình nướng một con chiên và lấy máu của nó bôi lên cửa. “Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi”, phải được dùng hết, “không được để lại gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi” và ăn mặc với y phục của người đi đường. Môsê cũng đã nói một cách rõ ràng : phải thắt đai lưng, bởi vì áo thường rất dài và để đi dễ dàng họ phải thắt lưng để có thể bước đi mà không sợ phải vướng víu. “Lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA”. (Xh 12,12)

Thịt chiên đem lại sự cường tráng cho những bước chân của họ. Máu chiên được bôi lên những khung cửa là dấu hiệu để tránh xa khỏi sự hủy diệt.

Con chiên vượt qua này không bị người ta đập gãy xương và cần phải nướng nó cách nguyên vẹn. Vì lý do gì?

Con chiên là một động vật được sát tế theo tục lệ đông phương cổ. Đọc qua Kinh thánh, nhiều lần chúng ta tìm thấy hình ảnh việc sát tế các con chiên và dê cho Thiên Chúa. Đối với người mục tử các con vật này là kho tàng quý giá của ông, vì thế trước khi di chuyển, từ đồng cỏ này sang đồng cỏ kia, họ dâng lên Thiên Chúa, vào mùa Xuân, một con chiên trong đoàn chiên của họ, trọn vẹn một con chiên với cả xương của nó. Điều đó có nghĩa là dâng lên Thiên Chúa một hy lễ tuyệt vời và hoàn hảo.

Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giêsu như là Con Chiên tháo gỡ và xóa bỏ tội lỗi bằng cách mang lấy nơi bản thân mình sự dữ và tội lỗi của thế gian.

Chúng ta hãy nhớ điều này, Chúa Giêsu chết vào những ngày Vượt qua của người Do thái, vào chính lúc lễ vượt qua diễn ra trong đền thờ khi các tư tế sát tế các chiên con.

Chúa Giêsu, Chiên Con của Thiên Chúa, là người Tôi tớ đã hy sinh mạng sống mình để cứu độ toàn thể nhân loại. Người đã hiến dâng mạng sống mình để xóa bỏ tội lỗi khỏi gương mặt của thế gian. Đây không phải chỉ là tội lỗi của con người mà còn là tội lỗi của cả thế gian.

Thế gian ta đang nói đây là gì? và đâu là tội lỗi của thế gian?

Trong Tin mừng của Gioan chúng ta luôn tìm thấy hai thực tại này : Thiên Chúa và thế gian. Ở đâu có Thiên Chúa ở đó có ánh sáng, sự sống; và ở đâu có thế gian thì ở ở đó có bóng đêm và sự chết. Thế gian là tất cả những gì trái ngược với Thiên Chúa, dẫn đưa con người đến việc tin rằng ở trong bóng đêm có niềm vui, hạnh phúc và thực tại viên mãn.

Tội lỗi của thế gian là ngẫu tượng. Thờ ngẫu tượng, tức là thờ cúng, vinh danh, yêu mến các thần tượng. Và tất cả chúng ta ít nhiều đều biết về nó. Trong thời cựu ước nó là những tượng hình người, do con người làm nên được coi như là thần thánh : như thần vệ nữ, thần ái tình… những người cổ đại đã thờ bái các tượng thần này.

Kinh thánh cũng nói đến các tượng thần và được diễn tả bằng cách : “Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi” (Tv 115,5-7). Chúng thực sự vô dụng. Bề ngoài xem ra chúng có vẻ là những người mạnh mẽ, và lộng lẫy. Các tượng thần được đúc bằng vàng, bằng bạc nhưng chúng không thể đem lại ơn cứu độ. Chúng không thể giúp đỡ được gì, không thể nâng đỡ đường đời chúng ta hướng về điều thiện, về niềm vui, chia sẻ, tình huynh đệ và hiệp thông.

Ngẫu tượng luôn hiện diện và mỗi người trong chúng ta được kêu gọi để chọn lựa, phân biệt để đem lại vị trí đúng đắn cho sự vật và con người. Các cầu thủ, ca sĩ, diễn viên thường được chúng ta xem như là những thần tượng của mình, nhưng đừng quên điều này : họ cũng là những con người như chúng ta.

Thế gian có chương trình của riêng mình, một chương trình mang đến cho con người giá trị và tầm quan trọng qua việc sở hữu, tư lợi, hống hách, bạo lực, tiền bạc, quyền lực… Còn Chúa Giêsu dạy chúng ta chỉ thờ lạy một Thiên Chúa Cha, hành động và thực hiện chương trình tình yêu mà Thiên Chúa có nơi nhân loại. Người là đấng xóa bỏ tội lỗi của thế gian, ban cho tất cả chúng ta chính bản thân Người, và với cái chết và sự phục sinh, Người đem lại cho chúng ta một phong cách mới của cuộc sống, ở nơi mà tình yêu, đón nhận, phục vụ, tha thứ, nhân lành, thương xót là những lối đường để học cách sống với nhau như anh em.

Sức mạnh để sống tất cả những điều này là chúng ta dâng lên Chúa Giêsu bản thân mình với ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta thành con cái của Cha trên trời.

Giuse Võ Tá Hoàng

Related posts