Giáo huấn 

Chia rẽ, không có lời nào khác hơn : là gương mù gương xấu!

Bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quãng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 22/01/2013

Anh chị em thân mến

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu đã được bắt đầu vào thứ bảy tuần trước, sẽ được kết thúc vào thứ bảy tới vào ngày lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Đây là sáng kiến đạo đức, quý giá hơn bao giờ hết, thu hút các cộng đoàn Kitô hữu từ hơn một trăm năm nay. Đó là thời gian dành riêng để cầu nguyện cho sự hiệp nhất tất cả những người được rửa tội, theo ước muốn của Chúa Kitô : “để tất cả nên một” (Ga 17,21). Mỗi năm, một nhóm đại kết của một miền trên thế giới, dưới sự hướng dẫn của Hội Đồng Đại Kết của Giáo hội và của Hội Đồng Giáo Hoàng về cổ võ cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, đề ra một chủ đề và chuẩn bị các tài liệu cho Tuần cầu nguyện. Năm nay các tài liệu này đến từ Giáo hội và cộng đoàn thuộc giáo hội Canada, liên quan đến câu hỏi thánh Phaolô đề ra cho các tín hữu ở Corintô : ” Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1Cr 1,13).

Chắc chắn Chúa Kitô không bị chia năm xẻ bảy. Nhưng với đau khổ, chúng ta phải thừa nhận cách thành thật rằng cộng đoàn của chúng ta đang tiếp tục sống chia rẽ, đó là những gương xấu. Những chia rẽ giữa người tín hữu chúng ta là một gương xấu. Không có lời nào khác hơn : là một gương xấu. Thánh Phaolô kể rằng một vài người trong số anh chị em nói : “Tôi thuộc về Phaolô” hoặc “Tôi thuộc về Apollo” và “tôi thuộc về Cefa”, “tôi thuộc về Chúa Kitô” (1Cr 1,12). Thậm chí họ đã tuyên xưng Chúa Kitô như là thủ lãnh của họ cũng không được thánh Phaolô tán thành, bởi vì họ đã dùng danh thánh Chúa Kitô để tự tách mình ra khỏi người khác trong cộng đoàn Kitô hữu. Thế nhưng tên của Chúa Kitô tạo nên sự hiệp thông và hiệp nhất, chứ không phải chia rẽ. Người đã đến để tạo nên sự hiệp nhất giữa chúng ta, chứ không để chia rẽ chúng ta. Bí tích rửa tội và Thập giá là những yếu tố nòng cốt của người môn đệ Kitô mà chúng ta có chung với nhau. Trái lại những chia rẽ làm suy yếu sự khả tín và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin mừng của chúng ta và có nguy cơ vô hiệu thập giá quyền năng của Người (x. 1,17)

Thánh Phaolô đã khiển trách các tín hữu Côrintô vì những tranh tụng của họ, nhưng ngài cũng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa : “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1Cr 1,4-5). Những lời này của thánh Phaolô không đơn giản là một hình thức, nhưng là dấu chỉ mà ngài thấy trước hết – ngài thực sự vui mừng vì điều này – những ơn huệ Thiên Chúa ban cho cộng đoàn. Thái độ này của thánh Phaolô là một sự khích lệ cho chúng ta và cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu nhận biết với niềm vui những ơn của Thiên Chúa đang hiện diện trong những cộng đoàn khác. Dẫu cho đau khổ vì những chia rẽ, không may vẫn còn tồn tại, chúng ta hãy đón nhận những lời của Phaolô như một lời mời gọi hãy mừng vui cách chân thành về những ơn huệ mà Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu khác. Chúng ta đều có cùng môt phép rửa, một Thánh Thần, Đấng đã ban cho chúng ta Ơn sủng : Chúng ta hãy nhận ra điều đó và hãy vui mừng.

Thật tuyệt khi nhận ra ơn lành và cùng với ơn này Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta và, còn hơn thế nữa, tìm thấy được nơi các Kitô hữu khác những điều mà chúng ta cần, những điều mà chúng ta có thể nhận được như một món quà từ anh chị em mình. Nhóm những người Canađa đã chuẩn bị các tài liệu cho tuần cầu nguyện này đã không kêu mời các cộng đoàn nghĩ đến những điều có thể đem lại cho những anh chị em Kitô giáo bên cạnh họ, nhưng đã khích lệ những người này cũng gặp gỡ nhau để hiểu tất cả những gì mà họ có thể nhận được từ từ nơi người khác. Điều này đòi hỏi nhiều hơn nữa. Đòi hỏi cầu nguyện nhiều hơn, khiêm nhường nhiều hơn, đòi hỏi suy tư và tiếp tục hoán cải. Chúng ta cùng tiến lên trên con đường này, bằng cách cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, để gương xấu này bớt dần và không còn giữa chúng ta nữa.

Sau bài Huấn từ Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Montreux, Thụy sĩ, tìm ra được những giải pháp tích cực cho hòa bình ở Syria.

Sau khi chào thăm các tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới, trước khi kết thúc Đức Thánh Cha nói :

Một ý nghĩ đặc biệt tôi muốn gửi đến các bạn trẻ, những người đau yếu và các đôi bạn mới cưới. Thứ bảy tới đây chúng ta sẽ cử hành lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Các bạn trẻ thân mến, hình ảnh của Thánh Phaolô luôn làn mẫu mực cho tất cả chúng ta, những người môn đệ truyền giáo. Anh chị em đau yếu quý mến, anh chị em hãy dâng hết những đau khổ của mình vì sự hiệp nhất của Giáo hội Chúa Kitô. Và các bạn, những đôi vợ chồng mới cưới thân mến, hãy gợi lên mẫu gương của vị Tông đồ các dân ngoại, bằng cách nhận ra tính siêu việt của Thiên Chúa và tình yêu của người trong lịch sử của gia đình các bạn.

Giuse Võ Tá Hoàng

chuyển ngữ

 

Related posts