Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên những chi thể của Thân thể Đức Kitô và của Dân Thiên Chúa
Trong buổi tiếp kiến hôm nay 15/01/2014 tại đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các bí tích, cách riêng về Bí tích Rửa tội. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về hoa trái do Bí tích Rửa tội đem lại : Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Kitô, chi thể của Dân Thiên Chúa. Và Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được tháp nhập vào Dân Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên những chi thể của một dân tộc bước đi, một dân tộc lữ hành trong lịch sử.
Anh chị em thân mến
Thứ tư tuần trước chúng ta đã bắt đầu loạt bài giáo lý ngắn về các Bí tích, khởi đầu với Bí tích Rửa tội. Hôm nay tôi cũng muốn dừng lại ở Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh về hoa trái rất quan trọng của Bí tích này : Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên những chi thể của Thân thể Đức Kitô và của Dân Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquino đã minh định rằng người lãnh nhận Bí tích rửa tội được tháp nhập vào Chúa Kitô như chính thân thể Người và được tập hợp lại nơi cộng đoàn các tín hữu (x. Summa Theologiae, III, q. 69, art. 5; q. 70, art. 1), tức là được tập hợp nơi Dân của Thiên Chúa. Theo Công đồng Vat II, hôm nay chúng ta nói rằng Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được tháp nhập vào Dân Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên những chi thể của một dân tộc bước đi, một dân tộc lữ hành trong lịch sử.
Thực thế, giống như cuộc sống được truyền lại từ đời nọ tới đời kia, cũng vậy, từ đời nọ tới đời kia, qua việc tái sinh từ suối nguồn bí tích, ơn sủng được truyền lại, và với ơn sủng này Dân tộc Kitô bước đi trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và lan truyền trong thế gian sự chúc lành của Thiên Chúa. Từ lúc Chúa Giêsu nói, nhiều lần chúng ta đã nghe từ Tin mừng, các môn đệ đã ra đi làm phép rửa; và từ đó cho đến nay có một dây xích trong sự thông truyền đức tin nhờ Bí tích rửa tội. Mỗi người trong chúng ta là một vòng của dây xích này : luôn luôn tiến về phía trước; như dòng sông đang chảy. Đó là ơn của Thiên Chúa là đức tin của chúng ta, một đức tin mà chúng ta phải thông truyền cho con cái mình, cho các trẻ nhỏ, để chúng nó, khi trưởng thành, chúng có thể thông truyền đức tin lại cho con cái của mình. Đó là Bí tích Rửa tội. Tại sao? Bởi vì bí tích Rửa tội làm cho chúng ta gia nhập vào đoàn Dân của Thiên Chúa, để thông truyền đức tin. Điều này rất quan trọng. Dân Thiên Chúa bước đi và thông truyền đức tin.
Nhờ vào Bí tích Rửa tội chúng ta trở thành những người môn đệ truyền giáo, được mời gọi đem Tin mừng đến cho thế giới (x. Evangelii gaudium, 120). “Mỗi người được rửa tội, dù vị trí của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của mình thế nào, thì cũng là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin mừng…. Việc tái rao giảng Tin mừng phải đòi hỏi sự dấn thân mới” (sđd) của tất cả mọi người và mọi Dân Thiên Chúa, một sự dấn thân cá nhân mới của những người được rửa tội. Dân của Thiên Chúa là một dân môn đệ – vì đã lãnh nhận đức tin – và truyền giáo – vì là người thông truyền đức tin. Bí tích rửa tội làm điều đó trong chúng ta. Bí tích Rửa tội ban cho chúng ta ơn của việc thông truyền đức tin. Trong Giáo hội tất cả mọi người chúng ta là những môn đệ, và mãi mãi chúng ta là những môn đệ, trọn vẹn cuộc sống chúng ta; tất cả chúng ta là những nhà truyền giáo, mọi người ở nơi mà Thiên Chúa đã trao phó họ cho chúng ta. Tất cả mọi người : những người nhỏ bé nhất cũng là người truyền giáo; và người xem ra lớn nhất là môn đệ. Nhưng một vài người trong anh chị em sẽ nói : “Các giám mục không phải là môn đệ, các Giám mục biết hết tất cả; Giáo hoàng biết hết mọi sự, không phải là môn đệ”. Không, kể cả các Giám mục và Giáo hoàng cũng là những môn đệ, vì nếu không phải là môn đệ thì họ không làm được điều tốt, không thể là những nhà truyền giáo, không thể thông truyền đức tin được. Tất cả chúng ta là những môn đệ và là những nhà truyền giáo.
Có một mối dây ràng buộc bất khả phân ly giữa chiều kích thần bí và ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu, cả hai đều bén rễ nơi Bí tích Rửa tội. “Khi lãnh nhận đức tin và Bí tích Rửa tội, những người Kitô hữu đón nhận hoạt động của Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô như là Con của Thiên Chúa, và gọi Thiên Chúa là “Abba”, lạy Cha. Tất cả những người chịu phép rửa tội… chúng ta được mời gọi sống và rao truyền sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, vì việc rao giảng Tin mừng là lời kêu gọi tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi” (Tài liệu kết thúc tại Aparecida, số 157)
Không ai có thể tự cứu mình được. Chúng ta là một cộng đoàn các tín hữu, chúng ta là Dân Thiên Chúa và trong cộng đoàn này chúng ta cảm nghiệm được vẻ đẹp của việc chia sẻ kinh nghiệm về một tình yêu đến trước tất cả chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta hãy là “những con kênh” của ơn hiệp nhất mọi người với nhau, cho dẫu chúng ta tội lỗi và giới hạn. Chiều kích cộng đoàn không chỉ là một “góc cạnh” hay một “đường viền”, nhưng là một phần nguyên vẹn của cuộc sống Kitô hữu, của chứng tá và rao giảng Tin mừng. Đức tin Kitô giáo nảy sinh và sống trong Giáo hội, và trong Bí tích Rửa tội, các gia đình và các giáo xứ chào mừng sự gia nhập của một chi thể mới vào Chúa Kitô và thân thể của Người là Giáo hội (x. sđd, số 175b).
Nhân dịp nói về tầm quan trọng của bí tích Rửa tội đối với Dân Thiên Chúa, lịch sử cộng đoàn kitô hữu ở Nhật bản là một gương sáng. Họ phải chịu sự bách hại nặng đề từ những năm đầu của thế kỷ 17. Có rất nhiều vị tử đạo, nhiều giáo sỹ bị trục xuất, hàng ngàn tín hữu bị giết chết. Ở Nhật không còn một linh mục nào, tất cả đều bị trục xuất. Lúc bấy giờ cộng đoàn rút lui vào nơi ẩn náu, để bảo vệ đức tin và cầu nguyện trong sự kín đáo. Khi một em bé được sinh ra, cha mẹ của em đã rửa tội cho em, vì trong hoàn cảnh đặc biệt tất cả mọi tín hữu đều có thể làm phép rửa. Sau đó khoảng 2 thế kỷ rưỡi, tức là 250 năm sau, các nhà truyền giáo trở lại Nhật bản, hàng nghìn Kitô hữu bước ra khỏi lớp vỏ bọc và Giáo hội lại hưng thịnh. Họ được sống sót là nhờ ơn của bí tích Rửa tội. Đó thật là điều lớn lao : Dân Thiên Chúa thông truyền đức tin, là phép rửa cho con cái họ và tiếp tục tiến bước. Họ đã duy trì, dù là kín đáo, một tinh thần cộng đoàn mạnh mẽ, vì Bí tích Rửa tội đã làm cho họ trở thành chỉ một thân thể trong Chúa Kitô : Họ bị cô lập và trốn tránh, nhưng họ luôn là thành phần của Dân Thiên Chúa, thành phần của Giáo hội. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ câu chuyện này.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va