Giáo hội giúp bảo vệ di sản văn hóa của người thiểu số
Giáo hội giúp bảo vệ di sản văn hóa của người thiểu số
Khoảng 5.000 người Công giáo thuộc các nhóm thiểu số Châu Mạ, Chơ Ru và K’Hor tham gia ngày họp mặt truyền thống hàng năm nhân ngày Khánh nhật truyền giáo tại tại nhà thờ giáo họ B’Sumrăc ở Bảo Lộc hôm 30-10.
Các tham dự viên thi giã gạo và bắn cung nỏ và diễn văn nghệ. Họ còn rước kiệu Lòng Chúa Thương Xót và dự thánh lễ do Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương cùng các linh mục đồng tế, thánh lễ hoàn toàn bằng tiếng bản ngữ K’Hor.
Ông Phanxicô K’Sơn cùng hai thành viên khác trong nhóm thi giã gạo với 11 nhóm khác. Cuộc thi nhắc ông nhớ đến một thời giã gạo của buôn làng.
Người đàn ông 46 tuổi cho biết 20 năm trước, buôn làng còn trồng lúa và hàng ngày giã lúa bằng chiếc cối và chày gỗ để lấy gạo trắng nấu cơm ăn. Do nhà nước cấm phá rừng làm nương rẫy nên dân làng giờ sống chủ yếu bằng cách hái lượm trong rừng và trồng cà phê và chè.
Ông bố người K’Hor nói ông biết ơn các linh mục đã tổ chức ngày họp mặt giúp đồng bào nhớ về cội nguồn văn hóa truyền thống của tổ tiên. “Các con tôi và những người trẻ khác không biết giã gạo và không rành bắn cung nỏ, những dịp như thế này nhắc nhở chúng nhớ về truyền thống dân tộc”.
Ông nói giáo phận Đà Lạt cũng có phòng truyền thống trưng bày các dụng cụ lao động và nhạc cụ như là cách lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào. Các linh mục còn dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, cử hành phụng vụ bằng tiếng của họ và xây dựng nhà thờ theo lối kiến trúc văn hóa Tây Nguyên.
Theo linh mục Giuse Nguyễn Hữu Duyên, quản hạt Bảo Lộc, mục đích của ngày họp mặt là “cầu nguyện cho việc truyền giáo cho người dân tộc thiểu số và giúp bảo tồn văn hóa của họ”. Đây cũng là dịp để giáo dân ở 20 buôn làng trao đổi văn hóa, phong tục với nhau, làm tô đẹp thêm cho nét đẹp của các buôn làng.
Cha Duyên cho biết đây là lần họp mặt truyền thống lần thứ 5 và hàng năm giáo phận có thêm 1.000 người dân tộc thiểu số theo đạo.
Giáo phận Đà Lạt hiện có 350.000 giáo dân, trong đó có hơn 120.000 người thiểu số.