Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh

Thứ ba - 13/05/2025 23:49 14 0

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh
Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa,
là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, trên Thập giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi Phục Sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống. Chúng con xin cảm tạ Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể làm thần lương nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng của chúng con. Như sự sống thể xác cần được nuôi dưỡng, cần phải lớn lên theo năm tháng cuộc đời, thì sự sống làm con Thiên Chúa nơi mỗi chúng con cũng cần được dưỡng nuôi và lớn lên mỗi ngày.

Vâng, lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại để tái sinh con, để trao ban sự sống mới, sự sống thần linh. Chúa đã ban sự sống và còn lập bí tích Thánh Thể để tiếp tục dưỡng nuôi và làm sự sống mới được lớn lên trong ân sủng. Biết bao người đã cảm nhận sự trống vắng, sự đói khát thiêng liêng, khi phải xa bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho con hợp nhất với Chúa để nên của lễ hiến tế tôn vinh Thiên Chúa: Tôn vinh Thiên Chúa từng giây từng phút, trong mỗi công việc, trong từng suy nghĩ, và chứng tỏ bằng hoa bác ái yêu thương. Xin cho con luôn gắn bó với Chúa để không một sự gì trên đời cản trở con nên một với Chúa trong đời sống nội tâm của mình. Xin cho mỗi chúng con biết cho đi không chỉ vật chất, nhưng cho đi bản thân bằng những hy sinh của sự hiến thân nơi cuộc sống của mỗi chúng con giữa đời thường.

Suy gẫm:

Vào đêm bị trao nộp trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14-19). Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giêsu uỷ thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người, trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu. Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất vì không chỉ trao ban ân sủng mà trao chính Tác giả của ân sủng, Đấng là Thiên Chúa muôn loài lại trao hiến bản thân phục vụ loài người.

Thánh Lễ là cao điểm của Phụng vụ Kitô giáo, nơi đó cộng đoàn tín hữu hiệp nhất để thờ phượng Thiên Chúa và tưởng niệm biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, cũng là để tái lập giao ước mà Con Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá.

Khi rước Mình Máu Chúa, chúng ta được ăn chính thịt và uống máu Chúa Kitô. Mình Máu Chúa Kitô là của ăn của uống cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa và được hiệp thông với nhau trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Vì lẽ đó mà khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô xin gia nhập chi nhánh của Dòng, mẹ đã xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Mẹ giải thích lý do: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày “Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Bí tích của sự hiệp thông Giáo hội.Thật vậy, trong Thánh Thể, người lãnh nhận không chỉ được hiệp thông theo chiều dọc (với Chúa Kitô, và qua Người bước vào hiệp thông sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi), mà còn là chiều ngang (hiệp thông với tha nhân); không chỉ hiệp thông với quá khứ mà còn là tương lai; không chỉ hiệp thông với Hội thánh khải hoàn mà còn với Hội thánh thanh luyện nữa. Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông sự sống thần linh của Thiên Chúa. “Vì vậy Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các bí tích vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha bằng cách đồng hóa với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần”[1]. Đồng thời, Thánh Thể cũng đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa với tha nhân, với cộng đoàn Hội thánh: “trong Đức Kitô và nhờ hoạt động của Thánh Thần liên kết chúng ta với Chúa Cha và với nhau.”

Đời sống thánh hiến của chúng ta, cách nào đó đã diễn tả đời sống Giáo hội, mọi người đồng tâm nhất trí với nhau trong việc học hỏi giáo huấn của các Tông đồ, chuyên cần cầu nguyện, tham dự Lễ Bẻ Bánh và cùng nhau làm việc tông đồ bác ái. Đời sống thánh hiến được ví như bản sao đời sống yêu thương của con cái Nước Thiên Chúa. Tông huấn  Đời Sống Thánh Hiến chỉ rõ: Ơn gọi đời thánh hiến được sống nhờ Thánh Thể và cho Thánh Thể. Vì thế, lòng tôn thờ Thánh Thể nơi người tu sĩ phải thân tình, phải sâu sắc và Thánh Thể phải là trọng tâm của mọi sinh hoạt của cuộc sống. 

Cuộc sống tu trì gắn bó đặc biệt với bí tích Thánh Thể, người sống đời thánh hiến là bước theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm Vượt qua, để các tu sĩ được cùng chết và sống lại với Ngài. Thánh Thể là trung tâm của sống Giáo hội, khi tuyên khấn người tu sĩ được Hội thánh liên kết cách mật thiết với hy lễ Thánh Thể. ( x. Hc 56/1).

Điều này còn được Đấng đáng kính Hồng y Phanxicôxavie Nguyễn Văn Thuận ghi trong sách Đường Hy Vọng, “Hội Thánh dạy cử hành nghi thức khấn dòng trong Thánh Lễ, để con ý thức và thực sự hiến dâng đời con làm hy lễ toàn thiêu với Chúa Giêsu trên bàn thánh. Trong mỗi Thánh Lễ, con hãy tuyên thệ lại lời khấn với tất cả tâm hồn, với tất cả ý nghĩa của “một Tân ước vĩnh cửu” ( ĐHV.387)

Là những người sống đời thánh hiến, theo linh đạo mến thánh giá, chúng ta theo gương Đấng sáng lập. Đức Cha Lambert rất tôn sùng Chúa Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Ngài luôn khát khao đồng hóa với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Tử Nạn.


Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên giống Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là một trong những điểm trọng yếu của chiều kích chiêm niệm. Ơn gọi của đời dâng hiến là ơn gọi sống nhờ Thánh Thể và cho Thánh Thể. Lòng sùng kính Thánh Thể nơi chị em chúng ta phải thân tình, sâu sắc và được coi là chính yếu trong sinh hoạt của mỗi người. “Thánh Thể” phải là nguồn sống cho chị em chúng ta giữa đời thường.

Đức Giêsu Kitô, Đấng sống lại từ cõi chết, là một với chúng ta trong nhiệm mầu của Giáo hội là thân thể Người. Trong tình yêu nhiệm mầu này, chúng ta được mời gọi trở thành nhân chứng của Người. Chúng ta hãy khích lệ nhau, cùng nhau đi trên con đường tràn niềm vui, hy vọng, với trái tim tràn đầy yêu mến, hướng về cuộc gặp gỡ nơi bí tích Thánh Thể. Nhờ vậy, chúng ta có thể trải nghiệm và loan báo cho người khác về sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, một sự hiện diện đầy yêu thương­ “Này đây Thầy ở lại với chúng con mọi ngày trong cuộc sống”

 Lời nguyện kết:

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúng con ngợi khen Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu con Chúa. Cám ơn Chúa về quà tặng lớn lao mà Chúa đã ban cho loài người, chính là Đức Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng đã trao ban chính mình để cho con người được sống và sống dồi dào. Xin Chúa ban muôn phúc lành trên chúng con để tất cả mọi người nhận biết Thánh Thể là nguồn mạch tình thương Chúa ban cho con người.
Xin Chúa làm cho cuộc sống chúng con thành “thánh lễ nối dài, đem tình thương Chúa đến cho mọi nơi, nơi môi trường mà chúng con có dịp tiếp xúc, làm việc chung...để danh Chúa được ‘rạng rỡ vinh quang’ và mọi người có thể nhận ra và tìm đến với Đức Giêsu – Đấng cứu độ duy nhất mà Chúa đã trao ban cho nhân loại. Đức Giêsu - Ngài hằng mong muốn đem hạnh phúc đến cho con người; Vì chỉ nơi Ngài mới có chân lý, chỉ nơi Ngài cuộc sống mới được phát triển tròn đầy và chỉ nơi Ngài con người mới tìm được lẽ sống và hạnh phúc đích thực. Amen

[1]. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 34.

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây