Chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu để đón nhận đau khổ
trong cuộc sống với niềm hy vọng
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, con tin thật Ngài đang ở đây với chúng con. Chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con một đêm an lành, được thức dậy để tiếp tục hành trình của loài thụ tạo, dành những phút giây đầu tiên của ngày sống mới để ca tụng, tôn vinh, yêu mến và tri ân Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Cám ơn Chúa đã đến trần gian để chia sẻ phận người với chúng con. Chúa đã từng bị những người Do thái không tin, khinh khi, nhục mạ, vu cáo cho đến chết bởi vì họ nhìn Chúa theo quan niệm riêng của họ. Lòng họ vẫn mong chờ, nhưng khi đối diện với chính Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến thì họ không nhận ra, không tin Chúa là Thiên Chúa Nhập Thể.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để Ngài giúp mỗi chúng con yêu mến Chúa bằng tấm lòng chứ không hệ tại ở lời hay ý đẹp, ở danh nghĩa hay những việc làm bên ngoài. Xin giúp con sáng suốt nhận định mọi vấn đề thuộc lãnh vực nhân bản và thiêng liêng dưới ánh sáng của Tin Mừng, đừng để con không uốn cong Lời Chúa theo quan niệm riêng mà khéo léo che đậy cái tôi đầy tham vọng của con. Xin giúp con biết sống đức tin đích thực mỗi khi phải đối diện với đòi hỏi bỏ mình, để nhờ đó con vững tin và can đảm sống những giá trị của Tin Mừng nơi đời thường vì Chúa là nguồn hy vọng duy nhất của đời sống chúng con.
Suy gẫm:
“Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mặc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha, Ngài đã tuyên bố “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”.
Vì thế, Không phải tự nhiên người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trước sự giận dữ của người Do Thái, Đức Giêsu vẫn bình tĩnh đối thoại với họ. Người muốn họ hiểu ra rằng, Đấng Messia mà họ mong đợi, nay đang hiện diện ở giữa họ.
Để minh chứng điều đó, Chúa Giêsu không chỉ dùng lời nói, mà còn biểu lộ qua hành động cụ thể. Các phép lạ Người thực hiện là bằng chứng xác thực vị thế Messia của Người. Bởi lẽ, tất cả những việc đó chỉ có thể phát xuất từ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng người Do Thái không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người. Do đó họ lượm đá ném Chúa vì cho Ngài là lộng ngôn… Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ không cảm thấy cần ơn cứu độ.
Người Kitô hữu ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ muốn Chúa Giêsu thỏa mãn những nhu cầu vật chất, chúng ta cũng có thể lượm đá ném Ngài vì không làm theo ý chúng ta,
Người Do thái không tin Đức Giêsu vì họ không nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giêsu đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.
“Đức Giêsu là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không? Chính các Tông đồ cũng đã từng thắc mắc: Ngài là ai? Chúa Cha trả lời câu hỏi này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con (Mc 1,11), và chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy khi người kể dụ ngôn “những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do thái giết chết nơi đồi Canvê...Người Do thái cứng lòng, không chịu nhận Đức Giêsu và lời giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng, vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giêsu đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Với họ, Đức Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazareth nghèo nàn.
Người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa, nhưng thực ra họ biết theo cái nhìn tự nhiên rất nông cạn hời hợt. Hơn nữa thái độ cứng lòng cố chấp đã che lấp tâm hồn họ, không cho họ nhìn ra và đón nhận chân lý mà Chúa mặc khải cho. Họ tự hào biết rõ nguồn gốc lý lịch tầm thường của Chúa, nên họ khẳng định Chúa chẳng phải là Đức Kitô. Nhưng Chúa đã vạch trần cái biết lệch lạc cố chấp ấy để quả quyết rằng Chúa là Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đến để dẫn nhân loại về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Chiêm ngắm Đức Giêsu trong giây phút này, chúng ta xin Ngài cho chúng ta thực sự thuộc về chân lý. Chân lý sẽ hướng dẫn mỗi người trong cuộc sống với một niềm hy vọng lớn lao, chấp nhận những khổ đau, buồn phiền...trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống đầy niềm tin yêu, hy vọng, hy sinh và phục vụ trong yêu thương. Ước gì qủa quyết của thánh Phaolô : “Tôi sống mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi” luôn tan chảy trong mọi hoạt động sống của chúng con.
Lời nguyện kết thúc:
Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng chính Chúa đã cho con nhận ra ý nghĩa đích thực của đời người, đã cho con gặp và đạt được sự sung mãn đích thực của cuộc sống là chính Chúa. Xin cho con xác tín mãnh liệt vào Chúa, để niềm tin nơi con- không chỉ theo Chúa cách cầm chừng, có mức độ, hay chỉ sống những điều xem ra dễ dãi và cố tình bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng.
Nhờ mầu nhiệm Chúa chịu chết trên Thánh giá, Chúa đã đem lại cho khổ đau Thập giá một giá trị tuyệt vời, giá trị cứu độ trần gian.
Thánh giá là đỉnh cao của con đường cứu độ, là niềm hy vọng duy nhất, là tiếng nói vĩ đại của yêu thương, tha thứ, là đường Chúa đã đi để làm cho con người trở nên người mới. Con đường khổ đau Thánh giá mà Chúa đã đi trở thành lời mời gọi chúng con bước theo: “Ai muốn theo sau Ta thì hãy từ bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà theo”. Xin cho con xác tín rằng cả cuộc đời con, cuộc đời của những người con yêu mến, những người con có bổn phận phục vụ...tất cả với những vui buồn, trăn trở, lo âu, tin yêu, chờ đợi và hy vọng là sợi chỉ đỏ đang kết mọi người với Thập giá của Chúa để mọi người và bản thân con trở thành chứng nhân sống động của niềm hy vọng và tình yêu nơi Chúa.Amen.
