Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Phục Sinh C

Thứ ba - 22/04/2025 20:08 19 0

Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Phục Sinh C
“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba ngôi cực Thánh ! Giây phút đầu tiên trong ngày sống mới chúng con xin hợp với chư thánh cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh Chúa.Cùng với muôn loài thụ tạo hát mừng tình thương Chúa đã dành cho con người và mọi vật để phục vụ con người, giúp con người tìm đến chân lý và sự thật.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã chịu chết khổ hình trên cây thánh giá và đã sống lại vinh quang để cứu độ chúng con. Chúng con tin Sự chết và Phục Sinh của Chúa nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chúa Phục Sinh để sự sống Thần Linh của Chúa luôn hoạt động trong tâm hồn các tín hữu. Chúa Phục Sinh để tái lập sự sống mới trên trần gian. Sự sống mới là sức sống chan hòa yêu thương. Chúa đã chiến thắng hận thù, oán ghét, và cả sự chết vì tình yêu. Sự đen tối của màn đêm tội lỗi, sự hủy diệt từ nấm mồ phải lui xa, nhường lại nguồn ánh bình minh tươi sáng cho thế giới, cho sự sống vĩnh hằng. Chúng con xin ngợi khen, tôn vinh “Chúa  đã sống lại từ cõi chết”,  Alleluia, Alleluia.

Tin Mừng Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Suy gẫm:

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, thánh Gioan vừa kể cho chúng ta câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Phêrô và chính ngài - Gioan .
Câu chuyện Lời Chúa cho chúng ta nhận thấy cả 3 người đều đến mồ Chúa, cả 3 người đều thấy cùng một sự kiện ngôi mồ trống với khăn liệm để một bên, nhưng chỉ có mỗi mình thánh Gioan tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh Gioan đã viết về chính mình
thế này: “Ông thấy và ông đã tin”.

Ba nhân vật ra mồ Chúa hôm nay với những phản ứng khác biệt:

Maria Mađalêna khi thấy mộ trống liền nghĩ ngay đến chuyện có ai đã đến lấy xác Chúa mang đi rồi: “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, vội vả chạy về báo tin. “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).

Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy. Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ “bình yên”. Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.

Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông. Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình, thánh Gioan luôn dùng kiểu nói “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. Thánh Gioan
đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.

Trước phản ứng của ba nhân vật này bên ngôi mộ trống, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống reo hò của toàn dân. Sáng sớm ngày thứ nhất của tuần sống mới, tảng đá lấp cửa mồ đã lăn ra một bên, mở toang. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm đã mở tung. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Đấng Phục Sinh! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi của con đường hầm, sẽ mở ra một vòm trời vinh quang tươi sáng ở phía bên kia. Chúa Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được “Thần Khí Hoá” và từ đây Ngài sống hoàn toàn bởi Thần Khí,vì chỉ “Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” (Ga 6,36). Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác, thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết trên thập giá, nay thân xác đó được biến đổi, thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới. Thân xác của Ngài được Thần Khí hoá, không bị vật chất cản trở. Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ để cũng cố đức tin cho họ, chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần hầu trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa cho con người trên khắp thế giới.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta đang đi tìm Chúa, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu dành cho Chúa. Sống tương quan thân tình hơn với Chúa bằng đời sống nội tâm, tưởng nhớ đến Chúa trong mọi hoạt động sống của mình.

Biến cố Chúa Phục Sinh có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta? Phục sinh có nghĩa là cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu đang biến đổi hoàn cảnh cuộc đời mỗi người trở thành một khởi đầu vinh quang đầy mới mẻ.

Trong cuộc sống, lắm lần chúng ta nếm cảm những thất bại đau đớn, chúng ta muốn buông xuôi, nặng nề, buồn thương giống như ngôi mộ đã bị một tảng đá niêm phong lại, chẳng còn gì để hy vọng, ngoài một niềm nuối tiếc khôn nguôi. Nhưng “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”! Chính Thiên Chúa đã lăn tảng đá ra khỏi mộ Đức Giêsu, thì Ngài cũng lăn được những tảng đá đang chắn cuộc đời chúng ta, miễn là chúng ta đừng nhất định bám cứng vào những tảng đá đó, ở lì trong những tổn thương, chết chóc và tội lỗi của mình.

Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy Người vì họ đánh mất lòng thiện chí, thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Nói khác đi tâm hồn của mỗi chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Đấng Phục Sinh, đó là khăn liệm và khăn che mặt. Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên. Thánh Gioan đã đến và thấy ngôi mộ trống, đã nhìn tất cả với đôi mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Thánh Gioan không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh và Ngài đã tin.

Chúng ta không thấy Chúa Phục Sinh nhưng chúng ta thấy ngôi mộ trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người. Ta cũng có thể thấy Chúa nơi những người đang xả thân cho người khác, cho quê hương, cho đồng loại, cho sự thăng tiến toàn diện của con người. Chúng ta cũng thấy Ngài trong tâm hồn khiêm nhu tự hạ quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm mình. Đó là những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh ban tặng cho mỗi người và cho con người trong thế giới hôm nay.

Nhìn lại đời sống mình, nhìn vào đời sống chung nơi cộng đoàn đời thánh hiến, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự dấu chỉ của sự Phục sinh, rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường, khi chúng ta vượt qua những nhỏ nhen, ích kỷ, lười biếng, tầm thường để dấn thân cho lý tưởng, cho ích chung, cho sự tiến bộ của một ai đó trong trách nhiệm của mình ...đó chính là những chứng từ của sự Phục Sinh.

Niềm hy vọng lớn lao sẽ được bắt đầu từ những hy sinh nho nhỏ. Cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, buồn phiền có khi đầy đau thương - Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ. Chúng ta xin Chúa Phục Sinh cho mỗi người bắt đầu một hành trình mới, hình trình gặp Đấng Phục Sinh giữa đời thường với tất cả những tầm thường để có để cảm nhận niềm vui, hy vọng từ nơi Đấng Phục sinh và mạnh dạn chia sẻ cho anh chị em mình.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã Phục Sinh, lời ca Allelui, Alleluia vang lên làm ấm lòng những ai đang buồn phiền vì mất mát, thất bại, đắng cay. Tin mừng Phục Sinh đã lau khô đôi mắt ngấn lệ, tiếc thương của các môn đệ dành cho Chúa. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Chúa từng rao giảng thực sự được chứng minh. Chúa đã chỗi dậy từ nơi Chúa đã được mai táng. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu sau những khổ đau, cực hình, chết chóc và tuyệt vọng. Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ. Xin cho con có chút tình cảm như cô Maria Mađalêna đã dành cho Chúa. Xin cho con có được niềm tin của Phêrô, và cố gắng giải thoát tâm trí mình khỏi mọi vướng bận để có một tình yêu cao thượng, trong sáng như tình yêu của Gioan dành cho Chúa. Để từ đây mọi hành động, suy nghĩ và lối sống của con thuộc về Chúa và chứng minh cho mọi người nhận biết chúng con đang tin yêu và muốn nên giống Đấng Kitô, Người đã chết và đã sống lại ngang qua mọi biến cố buồn vui giữa đời thường mỗi ngày. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây