Suy Niệm Đường Thánh Giá – Thứ Sáu Tuần Thánh 2025
CẦU CHO MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA TRONG HỘI THÁNH
BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU KITÔ NGUỒN HY VỌNG
"Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta" (1 Tm 1,1)
Lời Mở đầu:
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta cùng Giáo hội hoàn vũ bước vào Thứ Sáu Tuần Thánh trong Năm Thánh “Những người hành hương của hy vọng”. Là những người lữ hành trong hy vọng. Chúng ta cùng đi lại đường thánh giá, đường Chúa Giêsu đã đi qua. Suy ngắm những chặng đàng Chúa đi mời gọi chúng ta kết hợp đời sống của mình với cuộc tử nạn, cái chết của Người. Và không chỉ để thể hiện lòng trung thành với con đường thánh giá, nhưng một lần nữa xác tín đường thánh giá mở ra đường hy vọng. Đường thánh giá là niềm an ủi, là sự nâng đỡ cho những thập giá mà mỗi người đang phải mang vác trong bổn phận hằng ngày mà thêm hy vọng để tiến về đời sống mới nơi Đức Giêsu đã khải hoàn Phục Sinh từ cõi chết và đang chờ đợi chúng ta.
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu chúng con tôn thờ, yêu mến, chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc trần gian.
Lạy Chúa, nhờ bí tích Rửa tội, chúng con đã được dìm mình vào trong sự chết và phục sinh của Chúa. Chúng con được sự sống mới và thoát khỏi ràn buộc của tội, nhưng vẫn còn đó những cạm bẫy của đam mê, chúng con khó mà thoát khỏi những lầm than khổ cực do tội lỗi gây nên, khiến chúng con không tránh khỏi khốn khổ, đau thương, thất vọng, buồn phiền...Chính Chúa đã chọn đồng cảm với nhân loại thống khổ bằng việc chấp nhận “con đường khổ nạn”, và bằng việc chết trên thập giá Chúa đã bỏ mình cho tình yêu tự hiến trong bàn tay của Chúa Cha. Chúa đã ôm trọn những đói khát, cô độc, đau khổ nơi thân xác và cái chết của bao con người thuộc mọi thời đại cũng như cho mỗi chúng con ngay trong hiện tại.
Xin Chúa cho chúng con thêm xác tín về ơn gọi của mình vì được gọi là người Kitô hữu và làm cho tất cả chúng con trở thành môn đệ của Chúa để sống trọn vẹn con đường thập giá của đời mình.
NƠI THỨ 1 : CHÚA GIÊSU CHỊU XỬ ÁN
Lời Chúa:
Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp:“Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá. (Mt 27, 22-23. 26)
Suy niệm:
Phiên tòa Lễ Vượt Qua năm ấy được diễn ra trong bầu khí sôi động khác thường với một nền công lý đã đến hồi suy sụp:
- Nguyên cáo là quần chúng vô trách nhiệm, a ua, bị hiệu ứng đám đông dưới sự dẫn dắt của các Thượng tế,
- Bị cáo là một mình Chúa Giêsu đứng im lặng, đôi tay quyền uy ngày nào đã từng giải thoát bao người cùng khổ, giờ đây bị chốt chặt dưới vòng dây pháp luật phàm trần.
- Quan tòa là một người tham quyền, không điều tra kỹ lưỡng mà đã kết tội người vô tội với những bằng chứng ngụy tạo, áp đảo người thấp cổ bé miệng.
Vì kiêu ngạo, con người đã kết án người vô tội, đã chối bỏ sự hiện diện của chân lý để chạy theo con đường lầm lạc và đã khước từ tình thương để lao đầu vào đêm tối của hận thù, bi thương và chết chóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, vì ngạo mạn, kiêu căng mà con người qua bao thời đã không mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Kiêu căng, tự mãn đã làm cho thế giới loạn lạc chiến tranh, gia đình bất an...người cùng máu mủ vì lợi ích bản thân đã tố cáo nhau...Xin Chúa cho chúng con được thật lòng sám hối, và tìm lại bản chất con người thật của mình trong cuộc khổ nạn của Chúa. Xin Chúa giúp mọi thành phần dân Chúa biết ra khỏi mình, chết đi cho tính hư nết xấu, không vì quyền lợi của bản thân, gia đình, quốc gia mình mà đang tâm làm tổn hại, tổn thương đến người khác, đến đất nước, dân tộc khác. Amen
NƠI THỨ 2 – ĐỨC GIÊ SU VÁC THÁNH GIÁ
Lời Chúa:
“Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha.” (Ga 19,17).
Suy Niệm:
Theo luật Rôma, tội nhân bị kết án tử hình phải tự mình vác lấy Thập giá tới nơi thi hành bản án. Không ngoài thông lệ ấy, Chúa Giêsu đã nhận lấy Thập giá và Người lầm lũi bước đi với thập giá trên vai trước mắt những kẻ kết án mình.
Thập giá được xem là một sáng kiến lạ lùng và tàn bạo của ngành tư pháp Rôma dành cho các tử tội, khi tòa án bắt phạm nhân phải vác lấy gánh nặng họ đã gây ra mà đi đến chỗ chết, như một kiểu đền bù công khai. Đây là lý do theo tính Luật pháp. Nhưng nhìn từ góc độ ơn cứu chuộc, Thập giá lại là một sáng kiến để chứng tỏ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Đức Giêsu Kitô mang lỗi lầm của cả nhân loại nơi cuộc thương khó của Ngài và Ngài đã mang tất cả trên thánh giá để cứu độ chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, bị vu khống- Chúa đã không một lời biện hộ, thanh minh... nhưng cam chịu như một tội nhân. Hơn thế nữa, Ngài còn ghé vai vác lấy thập giá mà người đời đặt lên đôi vai của Ngài, họ áp giải Ngài như một tên tội phạm. Xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa của Thập giá, và biết can đảm tiến bước theo Chúa mọi ngày trong đời chúng con... Đặc biệt, chúng con xin Chúa ban thêm niềm tin, sức mạnh và nguồn hy vọng cho những nhà truyền giáo là các linh mục, tu sĩ, giáo dân đang phải chịu vu khống, bất công vì làm chứng cho công lý, đang sống cho những giá trị của Tin Mừng để các ngài luôn kiên vững và hy vọng vào tình yêu từ Thập giá của Ngài. Amen
NƠI THỨ 3 - CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ NHẤT
Lời Chúa:
“Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề” (Is 53,4).
Suy Niệm:
Đức Giêsu đã quỵ ngã xuống đất trước những cười khinh của quân lính và dân chúng, trước những giọt nước mắt thương cảm của những người còn chút lương tri. Nhưng bỏ qua tất cả Đức Giêsu gượng đứng lên, tiếp tục hành trình vác thập giá vì tình yêu.
Chắc hẳn lần té ngã này đã gây cho Ngài một nỗi đau khôn tả; thế nhưng nỗi đau - đã không thể đè bẹp được Ngài. Chính sức mạnh tình yêu nơi Ngài đã chiến thắng. Ngài quyết bước đi hết con đường thập giá, để mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần trong đời chúng con đã chỉ tìm an nhàn, thư thái và chỉ thích dừng lại trong vinh quang ảo, chóng qua, để rồi cố tình lẩn tránh hy sinh hoặc quên đi ý nghĩa của việc chối từ sự dễ dãi, bởi dễ dãi thường làm cho chúng con yêu bản thân mình hơn. Nuông chiều bản thân dẫn con đến thái độ sống vô ơn và sự dễ dãi sẽ làm cho con trở thành kẻ sống không biết điều, dửng dưng. Xin cho mỗi chúng con và mọi Kitô hữu khi suy niệm lần ngã này của Chúa, biết nhìn lại mình và hết lòng thống hối để vượt qua những cám dỗ của lười biếng mà biết hy sinh, tập từ bỏ những ươn lười nhỏ nhỏ mỗi ngày mà góp phần làm cho đời sống bớt đi những vấp ngã, khổ đau.
Lạy Chúa, Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng con và phần chúng con, xin cho chúng con cũng đừng bao giờ mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ từ nơi Chúa và tha nhân.
NƠI THỨ 4 - CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ
Lời Chúa: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35).
Suy Niệm:
Không có biến cố nào trong đời sống Chúa Giêsu lại vắng bóng Mẹ Maria, từ lúc Người Giáng Sinh đến những ngày lang thang đây đó trên hành trình sứ mạng, và Mẹ đã âm thầm đi bên con trong suốt chặng đường lên Núi Sọ. Mẹ chứng kiến tất cả trong thinh lặng, ghi nhận và suy đi nghĩ lại trong lòng cùng hiệp thông và dâng hiến.
Lúc này, hai mẹ con gặp nhau. Lặng lẻ nhưng hiểu nhau thật sâu. Lời thưa “Xin vâng” của Mẹ năm xưa trong biến cố truyền tin nay đã nên trọn, “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” trái tim Mẹ hòa chung một nhịp đập của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua thân thể Người Con đang bị đánh đập, hành hạ, vác thập giá.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, trên đường thánh giá của đời mình chúng con muốn gặp Chúa Giêsu, nhưng chúng con chưa biết hy sinh, chưa biết đồng cảm, chưa quảng đại yêu thuơng, ánh mắt tâm hồn chúng con chưa thực sự bình an... chính vì thế, chúng con chỉ thấy ở đó toàn là “ những tử tội, người đáng phải vác thập giá, đáng thụ nạn” đã không nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những người đang cùng đi với mình, đang cùng mình tham gia trên đường thánh giá, đường hy vọng mà mỗi người đang hướng đến. Xin Mẹ giúp chúng con biết sống nội tâm, để lòng mình tĩnh lặng, để trong mọi ngày sống, chúng con được gặp Chúa Giêsu nơi bổn phận, nơi những biến cố, sự kiện vài Ngài là Đấng Cứu Chuộc chúng con.
NƠI THỨ 5- ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU
Lời Chúa: Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ. (Máccô 15: 21-22)
Suy Niệm:
Khi thấy Chúa Giêsu kiệt sức, sợ Ngài chết dọc đường, quân lính đã bắt một người ngoại là Simon vác Thập giá đỡ Ngài.
Thật đáng buồn khi những người được Đức Giêsu chữa lành, cho ăn no khi họ mệt lả theo Ngài, các môn đệ ngày đêm được Ngài dạy dỗ cũng không thấy ai? Tại sao một người ngoại giáo lại vác thập giá đỡ cho Chúa Giêsu?
Hình ảnh dễ thương - ông Simon vác đỡ thập giá với Chúa Giêsu dù ông chẳng quen biết có làm tôi áy náy khi tôi đã không ngừng than thân trách phận khi gặp khó khăn, buồn phiền trong cuộc sống?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành phần trong Hội thánh từ các cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn sống đời thánh hiến và nơi các gia đình luôn biết sống liên đới, đoàn kết với nhau cả khi vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại. Xin cho mỗi người ý thức mình là người hành hương hy vọng để mang tin yêu và hy vọng đến cho nhau bằng những niềm vui của sự phục vụ và hoa trái của yêu thương, sẵn lòng vì Chúa mà giúp đỡ nhau, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống như ông Simon ngày xưa. Amen.
NƠI THỨ 6 - BÀ VÊRÔNICA LAU MẶT CHÚA GIÊSU
Lời Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25: 37-40).
Suy Niệm:
Giờ đây, khuôn mặt khả ái của Đức Giêsu không còn hình tượng người ta nữa bởi những lằn roi độc ác, những lời nói kiêu căng, sỉ nhục. Giữa lúc đó, một phụ nữ đã tiến lại lấy khăn lau mặt cho Chúa Giêsu, ngõ hầu xoa dịu đi nỗi khổ đau nơi Đấng xóa tội trần gian, người đó là bà Veronica.
Trong thực tế, nơi cộng đoàn, gia đình, vẫn còn đó những người bị cô đơn, bị chống đối, bị loại trừ, nghèo khổ! Phải chăng họ đang rất cần một cử chỉ yêu thương, một lời an ủi, một việc làm bác ái, những lời động viên nâng đỡ, khích lệ của chị em chúng ta?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúng con đang chiêm ngắm hành vi đầy nhân ái của Bà Vêrônia. Xin ban cho chúng con có được trái tim yêu thương như Chúa và lòng can đảm của bà Veronica, để chúng con sẵn lòng sống sự liên đới, hiệp thông, đồng hành và tham gia cùng nhau và cùng anh chị em cộng tác viên trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người, mỗi phận sự đóng góp phần mình xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ trở nên một đoàn hiệp nhất, yêu thương nhau, để làm vinh danh Chúa, mưu ích cho bản thân và lan tỏa niềm hy vọng được hưởng ơn cứu độ nhờ sự chết và Phục Sinh của Chúa. Amen.
NƠI THỨ 7- CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ HAI
Lời Chúa: “Người đã bị ức hiếp, bị buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Ðức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ” ( Is 5,8)
Suy Niệm:
Chúa Giêsu vác thánh giá bước đi giữa bầu trời càng lúc những tia nắng ban trưa càng thêm gay gắt, những vết thương nơi thân thể của Ngài càng thấm đau, sức khỏe yếu dần. Ngài đã ngã xuống đất lần nữa, nhưng Ngài không bỏ cuộc, thánh giá vẫn ôm trên tay và quyết đứng lên đi tiếp.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa quỵ ngã lần này chúng con như được thêm động lực trước nghị lực phi thường của Chúa. Chúa dạy con không nên biện minh, viện cớ cho những thiếu cố gắng trước những đòi hỏi của Tin Mừng. Xin giúp chúng con không ảo tưởng mình đã đến đích, đã đạt được điều này điều kia trong việc tập luyện để đạt đến sự hoàn thiện của mình. Xin cho chúng con và mọi Kitô hữu nỗ lực hơn nữa trong hy sinh, khổ chế và sống khiêm tốn nơi cộng đoàn và tại các gia đình để không ai bị vấp ngã trước những cám dỗ nguy hiểm của thời đại hôm nay.
NƠI THỨ 8 - CHÚA GIÊSU AN ỦI NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ GIÊRUSALEM THEO NGƯỜI
Lời Chúa:
“Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc, thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).
Suy Niệm:
Vào thời Chúa Giêsu, có những phụ nữ thường đi theo thương khóc những tội nhân bị quân Rôma mang đi xử tử, và tùy thời cơ, cung cấp nước giải khát cho những nạn nhân đáng thương này của đế quốc Rôma. Khi Đức Giêsu bị đưa đi hành hình, nhiều người phụ nữ như thế đã đi theo khóc thương Ngài. Đức Giêsu đã quay lại nói với các bà ấy: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28)
Chúng ta khóc thương Đức Giêsu, cảm thông với những đau khổ Ngài đang mang vác dù Ngài là Đấng vô tội, vô cùng thánh thiện nơi chặng đường này. Chúng ta cần phải khóc thương chính mình vì những thiếu cố gắng và bất tuân. Chúng ta hãy thương đến hàng triệu người vô tội chịu đau đớn vì bị giam giữ bất công, những người mẹ, người cha đau đang phải đau khổ trong hành trình cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nơi chặng đường này chúng con nhớ đến các bà mẹ đang đau khổ vì những đứa con hư hỏng, những bà mẹ phải mất con, mất chồng vì chiến tranh, bạo lực. Xin Chúa an ủi, nâng đỡ các bà mẹ này bằng tinh thần tương trợ của xã hội và của những người đồng bào, đồng đạo của mình. Đồng thời, xin Chúa ban ơn hoán cải cho những đứa con hư hỏng, cũng như ban cho thế giới được hòa bình để không có thêm một bà mẹ nào phải đau khổ vì con mình, chồng mình phải tham gia chiến tranh.
Lạy Chúa, cuộc sống khó khăn nơi các gia đình thường để lại những ghánh nặng cho các bà mẹ, các người phụ nữ. Xin Chúa đồng hành, bổ sức cho các bà mẹ, các người phụ nữ và xin cho phẩm giá của họ được tôn trọng, công sức của họ được đền đáp nơi lòng thảo hiếu của người con, sự trân trọng của chồng, của những người chung quanh và của xã hội. Amen
NƠI THỨ 9 - CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA
Lời Chúa:
“ Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá….” (1Pr. 2,21-24)
Suy niệm:
Trên đường lên đồi Can-vê, có hai hình ảnh đối lập. Một mình Chúa Giêsu vác Thánh Giá bước đi, bên cạnh là đám đông đi theo và hả hê khi thấy Người vác thập giá như tội nhân, họ cười nhạo sỉ nhục người đã từng làm ơn, chữa lành cho nhiều người trong bọn họ...
Theo Chúa trên hành trình đức tin hôm nay, có lẽ chúng con và nhiều anh chị em hoạt động truyền giáo khắp nơi vẫn đang bị đối xử bất công, kỳ thị, ghét bỏ, phản đối. Nhưng chọn lựa bước theo Chúa, chúng con phải đón nhận và sống những giá trị của Tin Mừng, sống những giá trị này, đòi buộc chúng con học cách chiến đấu, từ bỏ và chịu đựng những bất công không đáng phải có. Đường đi này thật nhiều khó, lắm khi còn nguy hiểm đến tính mạng của mình! Nhưng chúng con biết, con đường này, chính Ngài đã đi và đã chiến thắng. Ngài vẫn cùng đi với chúng con và không ngừng lưu tâm đến từng người khi đưa ra lời khuyến khích cho những ai đi với Ngài “các con sẽ được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (x. Mc 10, 29)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu!
Chính những tội lỗi, sai lầm, thiếu cố gắng trên đường theo Chúa của chúng con chứ không ai khác đã đem đến cho Chúa những khổ đau và phải ngã xuống đất tới 3 lần trên đường thập giá. Chúa đã mệt mỏi quỵ ngã vì con kiêu căng, đam mê quyền lợi, danh vọng, bổng lộc mà thế gian ban tặng. Xin cho chúng con nhận thức rõ hơn về tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa cố gắng đứng lên, vượt qua những tầm thường, nhu nhược, cậy vào sức mình để rồi chiều theo bản năng tự nhiên. Xin thức tỉnh lương tâm chúng con và những Kitô hữu đang sống trong lầm lạc...Lạy Chúa, sau khi ngã lần thứ ba, Chúa đã không từ bỏ Thập Giá, nhưng chỗi dậy và tiếp tục hành trình yêu thương của mình, xin giúp con can đảm đứng dậy khi nhận ra những lần quỵ ngã. Amen
NƠI THỨ 10 - CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO
Lời Chúa: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm” (Ga 19,23-24)
Suy Niệm:
Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.”
Thân thể đầy những vết thương bầm tím và sưng húp của Đức Giê-su giờ đây bị phơi bày trước mắt bao kẻ đang sửng sốt khi thấy Đấng tôi trung của Thiên Chúa “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52, 14). Thân thể Ngài “từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới” (Is 1, 6).
Chiêm ngắm những vết thương trên thân thể cũng như trong tâm hồn của Đức Giêsu lúc này, mời gọi chúng ta nhớ đến những người đang gặp đau khổ, bị bắt bớ, chiến tranh và thù hận đang tước đoạt hết tất cả nơi đời sống của họ - cả phẩm giá là con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chính Ngài đã mang lấy thương tích, chịu nhạo báng, sỉ nhục, khinh chê và trần truồng vì tội lỗi chúng con. Xin cho chúng con, các Kitô hữu và các vị lãnh đạo quốc gia đừng bao giờ mặt những bộ áo được kết dệt từ lối sống tầm thường, phóng túng, nuông chiều thân xác hoặc viện cớ nhân đạo, công bằng mà gây hấn, thù hận, kêu gọi chiến tranh ...vì khi chúng con nghiêng chiều về những giá trị trần thế, nguy cơ chúng con góp phần làm cho những chi thể của Chúa phải đau khổ, mất phẩm giá và đau thương hơn. Amen
NƠI THỨ 11 - CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP GIÁ
Lời Chúa: Khi đến nơi gọi là “Ðồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. ((Lc 23, 33-34)
Suy Niệm:
Hình ảnh Đức Giêsu vai mang thập giá, thân mình tan nát, mệt nhọc, khuôn mặt không còn hình dạng con người- bước đi bên đám lính đã kết thúc. Họ cho Người nằm trần truồng trên cây thập giá trong khi bọn lính tay cầm búa, cầm đinh chờ đóng đinh Ngài. Thật vậy, Đức Giêsu đã đi trọn con đường thập giá, Ngài dang tay ra cho quân lính đóng đinh. Ngài không tìm cách kháng cự, xin khoan hồng hoặc để Ngài nói lời cuối cùng với Mẹ - không, Ngài im lặng, thế là những nhát búa chan chát cứ đóng chặt từng chiếc đinh cùng với chân tay Ngài vào thánh giá.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, bàn tay này Chúa đã từng mở mắt kẻ mù, chữa người yếu đau, chúc phúc và làm nên biết bao điều lạ lùng; bàn chân kia đã miệt mài đi gieo tình người, loan tin mừng bình an, ban ơn tha thứ…giờ đây bất động bởi những đinh nhọn. Dẫu người đời vô ơn, Chúa không trách cứ, oán thù mà còn cầu xin cùng Chúa Cha tha thứ “vì họ không biết việc họ làm”.
Lạy Chúa, từ đây mầu nhiệm khổ nạn đã khép lại và mở lối cho con ngươi được ơn giải thoát qua cái chết sẽ được thực hiện trong sự Phục Sinh. Xin cho mỗi Kitô hữu biết hoàn toàn tín thác vào Chúa, biết sẵn sàng đón nhận những điều không vừa ý xảy ra trong đời sống như chút hy sinh làm của lễ dâng Chúa, đón nhận những đau khổ của phận người trong sự kết hợp với những thương tích của Chúa trên đường Thánh Giá - nhờ đó chúng con mới có thể làm lan tỏa niềm tin yêu và hy vọng trong cuộc sống mỗi ngày. Amen
NƠI THỨ 12- CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ
Lời Chúa: “Mọi sự đã hoàn tất, Chúa gục đầu xuống và trút hơi thở” (Ga 19,30)
Suy Niệm:
Nhìn lên Thập giá, chúng ta thấy sức nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu đã mang trên vai tội lỗi của cả nhân loại, tội lỗi của mỗi chúng ta (x.1Pr 2, 24), Ngài đã lãnh lấy hình phạt để chúng ta được bình an, và bởi thương tích Ngài mà chúng ta được chữa lành. Như thế, Thập giá không tượng trưng cho sự thất bại mà là nơi khơi nguồn ân sủng. Chính nhờ Đức Kitô mà Thập giá từ chỗ là biểu tượng của oán thù đã trở nên nơi thi thố tình yêu, sự hòa giải giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau.
Thập Giá đã trở thành dấu chỉ của hy vọng và sự sống, là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh Phaolô Tông đồ đã thốt lên: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng rằng, Người yêu thế gian hơn yêu chính mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã chết vì con...nhiều người trong chúng con đã nỗ lực sống và chứng minh về sự thật, chân lý... nhưng con cảm thấy sự dữ vẫn đang thắng thế, khó chấp nhận ... Nhưng khi chiêm ngắm Chúa đón nhận mọi khổ đau, thất bại, bị vu oan, cô đơn và cái chết nhục nhã trong bình an và tin tưởng. Xin cho mọi Kitô hữu trên thế giới, cách riêng là các Kitô hữu trẻ sức mạnh đức tin và tình yêu để bước theo Chúa trong mọi biến cố buồn vui của cuộc đời. Luôn tin tưởng không có sự dữ nào thắng được tình yêu, tình yêu của Chúa lớn lao và vĩ đại đến vô cùng, nếu ai kiên trì theo Chúa dù trong đau khổ vẫn hy vọng được giải thoát nhờ sức mạnh từ Thập Giá. Amen
NƠI THỨ 13 – MÔN ĐỆ ĐỨC CHÚA GIÊSU HẠ XÁC NGƯỜI XUỐNG KHỎI THẬP GIÁ
Lời Chúa:
“Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó. (Ga 19, 40-42)
Suy Niệm:
Đức Giê-su và hai kẻ trộm cùng bị đóng đinh với Ngài đã tắt thở. Đám đông lũ lượt ra về cùng với những lời sỉ nhục họ dành cho Đức Giê-su. Quân lính thì đã hoàn thành công việc của họ. Giờ đây chỉ còn lại Đức Maria và những gương mặt trung thành theo Đức Giêsu trong suốt hành trình khổ nạn. Sau khi hạ xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá, ông Giô-xép A-ri-ma-thê cùng ông Ni-cô-đê-mô lấy băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài và chôn cất Người theo tập tục của người Do Thái.
Với tâm tình phó thác và tin tưởng vào thánh ý Chúa, Đức Ma-ri-a đã luôn vững bước trong hành trình đức tin. Mẹ đã trung thành hiệp nhất với Đức Giê-su trong mọi biến cố đau thương, và luôn đứng kề bên thập giá trong giờ phút cuối cùng của Đức Giê-su trên đồi Can-vê (Ga 19, 25).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho Đức Maria diễm phúc cùng chịu đau khổ với Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại. Xin cho chúng con và mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh luôn biết noi gương Mẹ Maria tin tưởng, phó thác và trung thành theo sát chân Chúa trong mọi biến cố cuộc đời của mỗi người. Cách riêng, cho những ai đang bị giam giữ vì loan báo Tin Mừng, vì tuyên xưng mình là Kitô hữu được ơn cam đảm và mạnh mẽ trong niềm tin để đời sống của họ là sứ điệp của thứ tha và tình yêu, cũng như sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng con ( x, 1 Tm 1,1). Amen
NƠI THỨ 14– TÁNG XÁC ĐỨC CHÚA GIÊSU TRONG HANG ĐÁ
Lời Chúa: Khi đã nhận thi hài, ông Giôxép lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. (Mátthêu 27: 59-60)
Suy niệm:
Con Thiên Chúa đã sống như một người nghèo. Khi lìa thế, cái chết của Ngài đã thể hiện cái nghèo tột cùng của con người, trần trụi không một mảnh vải che thân, được an táng nơi phần mộ do ông Giuse vùng Arimathia dâng tặng. Phẩm giá cao quý của Chúa không dừng lại ở địa vị giàu sang, nhưng chính là giáo lý yêu thương, là đường, là sự thật và là sự sống vĩnh cửu. Chúa ra đi, để lại cho tất cả chúng con một sứ mạng: “Các con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 15,15). Ra đi để tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho con người. Sứ mạng đó là lời mời gọi mọi người hãy dấn thân trong mọi hoàn cảnh sống, để Tin Mừng sự sống luôn là niềm hy vọng cho những ai tin cậy Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của nhiều người trong các gia đình đang đứng trước những nấm mồ của chia ly, đau khổ, hận thù, ghanh ghét...Họ đang ghánh chịu những mất mát lớn, trẻ em cũng phải ghánh chịu những hậu quả đau thương ấy.
Chúa đã được tháo đinh ra khỏi thập giá để được mai táng và phục sinh. Vì chặng đường này, xin Chúa ban ân sủng và tình yêu Chúa cho từng người trong gia đình nhân loại, nơi các gia đình có nguy cơn tan vỡ giúp mỗi người can đảm tháo những cái đinh của sự giận hờn, ghen ghét, nghi ngờ, ích kỷ, nói xấu, than trách người này kẻ khác, để họ tìm thấy phương dược chữa lành vết thương qua sự tha thứ, bao dung, tinh thần trách nhiệm. Giúp nhau tái khám phá những giá trị mỗi người ngay cả trong sự khác biệt của họ mà sớm hàn gắn những gãy đổ không đáng xảy ra. Amen.
Lời nguyện Kết thúc:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết và đã phục sinh, Chúng con cám ơn Chúa vì được biết Chúa là Đấng cứu độ của con. Sau khi chiêm ngắm, suy niệm về đường thập giá Chúa đã đi qua, chúng con hiểu rằng: thập giá không là hình phạt, không là số phận oan trái nhưng là nguồn ân sủng dồi dào khi chúng con biết đón nhận đau khổ đời mình với tình yêu và tha thứ. Xin Chúa giúp chúng con kiên trung vác thập giá của bản thân mỗi ngày nơi đời sống cộng đoàn, đời sống chung nơi các gia đình với ơn mình đã lãnh nhận mà đi theo Chúa. Khiêm nhường trong mọi sinh hoạt của đời sống. Tin tưởng lẫn nhau, thành thật trong đổi thoại, minh bạch trong mọi tương quan....để hy vọng chúng con sẽ hoàn tất đời mình trong bình an và đón nhận cái chết lành thánh, nhờ đó đáng được phục sinh vinh quang với Chúa. Amen
Đọc một kinh lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh...
Hát : Tùy chọn
