Khóa thường huần linh mục Giáo Phận Qui Nhơn 05-09/09/2011
HUẤN TỪ KHAI MẠC CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
1. Chúng ta biết rằng «tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha» (Công đồng Vatican II, Ad Gentes, 2). «Giáo Hội tồn tại để loan báo Tin Mừng» (Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 14). Mọi người tín hữu đều có bổn phận truyền giáo tùy theo chức phận, công việc và khả năng của mình.
Trong sứ điệp truyền giáo nhân ngày thế giới truyền giáo sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 23.10.2011 với chủ đề “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhắc đến tính chất thời sự và cấp thiết của sứ vụ truyền giáo mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội. Sứ vụ này vẫn còn được tiếp tục không ngừng. Đức Thánh Cha nhận định rằng «“Một cái nhìn chung về nhân loại cho thấy sứ mạng ấy vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta phải hết sức dấn thân phục vụ sứ mạng ấy” (Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 1). Chúng ta không thể tiếp tục an tâm khi nghĩ rằng sau hai ngàn năm, vẫn còn những dân tộc không biết Chúa Kitô và chưa được nghe sứ điệp cứu độ của Chúa».
2. Không phải một cái nhìn bi quan, nhưng những nhận định đó rất đúng đối với hoàn cảnh thực tế Giáo Hội tại Việt Nam và cách riêng đối với Giáo phận chúng ta. Bởi vậy, thật thích đáng và hết sức ý nghĩa khi năm nay chúng ta chọn chủ đề cho cuộc thường huấn các linh mục là về truyền giáo: từ Missio Dei đến Missiones Ecclesiae.
Thật vậy, trước hết chúng ta thấy rằng cuộc thường huấn nầy là bước đầu chúng ta cùng nhau thực hiện lời mời gọi «loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh ngày nay» của thư chung hậu đại hội Dân Chúa Giáo Hội tại Việt Nam năm 2010 (chương IV, số 31-47) vừa kết thúc. Hơn nữa cũng rất thích đáng vì sắp tới chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế Giới lần thứ XIII là «Tân Phúc Âm Hóa để truyền bá đức tin Kitô giáo» (đề cương lineamenta, Città del Vaticano 2011). Trong cả hai tài liệu trên đều dành một phần nói đến những bối cảnh thuận lợi và thách đố của hoàn cảnh chúng ta đang sống và từ đó cho thấy việc loan báo Tin Mừng là việc cấp bách và cần phải được đổi mới cho thích ứng. Chúng ta thấy thế giới và xã hội Việt Nam đang có những thay đổi quan trọng dẫn đến những tình hình và thách thức mới đối với người Kitô hữu.
Thư chung hậu đại hội Dân Chúa nói trên có đề cập đến «hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin» (chương I, số 4-9). Trong đó đề cập đến tác động của toàn cầu hóa, sự thay đổi xã hội, nền kinh tế thị trường, sự sa sút đạo đức truyền thống do phẩm chất giáo dục hiện tại, hiện tượng tương đối hóa tôn giáo. Còn tài liệu Lineamenta của Thượng Hội Đồng nói trên cũng phân tích kỹ lưỡng 6 bối cảnh có ảnh hưởng đáng kể đến công cuộc Tân Phúc âm hóa. 1) Văn hóa: chủ nghĩa tục hóa trong đó quan niệm về đời sống của thế giới mà không cần đến thế giới siêu việt; gạt bỏ Thiên Chúa hoàn toàn hay một phần trong đời sống và ý thức con người, biểu hiện rõ nhất là chủ nghĩa khoái lạc và hưởng thụ; 2) xã hội: việc di dân làm xói mòn những giá trị truyền thống kể cả truyền thống tôn giáo; 3) truyền thông đại chúng: hữu ích nhưng cũng nhiều thách đố vì ngày càng quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời cá nhân và ý thức tập thể; 4) kinh tế: sự mất cân đối giữa các nước hay những nhóm lợi ích trong việc tiếp cận nguồn và phân phối tài nguyên, kèm theo sự hủy hoại và ô nhiễm môi trường; 5) khoa học và kỹ thuật: sự tiến bộ trong lĩnh vựa nầy ngày càng nhanh và con người ngày càng lệ thuộc chúng. Khoa học trở nên thần tượng hay tôn giáo mới, và coi kỹ thuật như nguồn minh triết; 6) đời sống dân sự và chính trị: tạo nên hoàn cảnh giàu tiềm năng nhưng cũng đầy những nguy cơ và cám dỗ về sự thống trị và quyền lực.
Bên cạnh đó, trong sứ điệp truyền giáo năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định rằng «không những vậy, ngày càng gia tăng đoàn ngũ những người, tuy đã đón nhận việc loan báo Tin Mừng, nhưng nay đã quên lãng và rời bỏ, không còn nhìn nhận mình ở trong Giáo Hội nữa; và trong nhiều môi trường, cả trong những xã hội Kitô theo truyền thống, ngày nay cũng không muốn cởi mở đối với lời đức tin”. Thêm vào đó «ngày nay đang có một sự thay đổi văn hóa, được trào lưu toàn cầu hóa nuôi dưỡng, cùng với những phong trào tư tưởng và chủ thuyết duy tương đối, một sự thay đổi đưa tới một não trạng và một lối sống xa rời Sứ điệp Tin Mừng, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và đề cao việc tìm kiếm sự sung túc, kiếm tiền dễ dàng, công danh sự nghiệp và thành công như mục đích của cuộc sống, và gây thiệt hại cho các giá trị luân lý».
3. Nhìn chung, Giáo phận Qui Nhơn chúng ta không nằm ngoài những bối cảnh đó. Ngoài ra, nhìn lại thực tế ta thấy số tín hữu trong giáo phận trong những năm qua gia tăng không đáng kể và vẫn là thiểu số so với dân số trong giáo phận[1]. Đứng trước hoàn cảnh đó, tôi xin nhắc lại rằng «cho dù có những khó khăn chồng chất, truyền giáo vẫn là nhiệm vụ ưu tiên và khẩn cấp của tất cả chúng ta»[2]. Chính vì vậy, chúng ta đã và đang cố gắng hơn nữa cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận được khởi sắc. Chúng ta đã khởi động một lộ trình khá dài 10 năm (từ 2008) nhằm chuẩn bị kỷ niệm 400 năm Tin Mừng lần đầu tiên đến với Giáo phận tại Nước Mặn (1618-2018). Năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 150 năm cuộc tử đạo của Thánh Giám Mục Stêphanô Cuénot Thể (14.11.1861-2011). Ngài là vị thừa sai nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo với những sáng kiến tuyệt vời và cách thức rất hay cho đến nay vẫn còn giá trị.
Những năm gần đây tôi rất vui mừng vì có nhiều cha nhất là các Cha sở và Ban Loan Báo Tin Mừng của Giáo phận rất nhiệt thành và có nhiều sáng kiến hữu ích trong việc truyền giáo. Tôi vừa cảm ơn vừa cảm phục trước những hy sinh âm thầm của nhiều Cha cho công cuộc truyền giáo trong Giáo phận. Năm nay chúng ta lại có thêm một dấu chỉ đầy hy vọng cho công cuộc loan báo Tin Mừng nữa, đó là Ban Thường Huấn linh mục Giáo phận chọn chủ đề truyền giáo. Việc thường huấn linh mục rất quan trọng vì các linh mục là những cộng tác viên nòng cốt của Giám Mục trong các sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản Giáo phận.
4. Cuộc thường huấn năm nay của chúng ta về truyền giáo được nhìn và phân tích dưới các góc độ khác nhau. Khởi đầu là nền tảng thần học và Kinh Thánh của việc truyền giáo rồi sau đó là hai chiều kích luân lý và giáo luật trong việc truyền giáo. Đây là hai chiều kích áp dụng những nguyên tắc truyền giáo trong đời sống của mọi người tín hữu vừa trên bình diện cá nhân vừa trên bình diện cộng đoàn. Tiếp đến chúng ta sẽ học hỏi văn kiện nòng cốt của Công đồng Vatican II về truyền giáo, Ad Gentes. Việc học hỏi có tính học lý văn kiện nầy sẽ được cụ thể hóa bằng thực tế qua gương truyền giáo cụ thể của thánh Giám Mục Giáo phận Stêphanô Cuénot Thể. Sau cùng, một chủ đề vừa có tính mới mẻ vừa có tính thời sự như đã nói trên đây là “Tân Phúc âm hóa”, vì đây chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII sắp được tổ chức. Đó là những đề tài rất phong phú được chọn lựa kỹ càng và xếp đặt logic. Vấn đề truyền giáo không phải là mới nhưng cần được nhìn lại và canh tân trong hoàn cảnh mới. Hy vọng những đề tài rất hữu ích trên giúp chúng ta hiểu và ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm truyền giáo của mình.
5. Trong dịp thường huấn nầy với tình huynh đệ chúng ta sẽ cùng nhau cử hành phụng vụ, cùng nhau học hỏi, chia sẻ tinh thần và vật chất chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi để ôn lại và khơi dậy lại những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đặc biệt ân huệ qua thiên chức linh mục Thiên Chúa trao cho chúng ta càng làm cho chúng ta phải liên tục quan tâm tới sứ mạng truyền giáo. Thực vậy, chúng ta hãy nhớ lại trong ngày chịu chức linh mục chúng ta đã chăm chú nghe những lời huấn dụ nầy: «Các con sắp lên chức Linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Luật Chúa các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui thú cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành các con xây dựng nhà Thiên Chúa là Hội Thánh»[3]. Và chúng ta cũng đã đoan hứa rằng «muốn chu toàn một cách xứng đáng và khôn ngoan thừa tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc âm và trình bày đức tin công giáo»[4].
Sau nữa, chúng ta cần cảm nghiệm và đem ra thực hành trong đời linh mục của mình rằng «Tin mừng không phải là một thiện ích dành riêng cho người lãnh nhận, nhưng là một hồng ân cần phải được chia sẻ, một tin vui cần phải thông truyền. Hồng ân – nghĩa vụ này được ủy thác không phải chỉ cho vài người, nhưng cho tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, họ là “giòng dõi được tuyển chọn… là những người thánh thiện, là dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình” (1 Pr 2, 9), để công bố những kỳ công của Chúa» (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Sứ điệp truyền giáo năm 2011).
Tôi ước mong tất cả chúng ta với tình huynh đệ của linh mục đoàn Qui Nhơn trong sự hiệp nhất và yêu thương, cùng hiệp ý và hiệp lực để khóa thường huấn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp không những cho mỗi người, cho Giáo phận mà còn cho lương dân nữa. Kính chúc cuộc thường huấn của chúng ta thành công với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần nhờ lời cầu bàu của hai thánh tử đạo Anrê Kim Thông và Stêphanô cùng Á thánh Anrê Phú Yên.
+ Phêrô Nguyễn Soạn
Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn
——————————–
[1] Theo số liệu thống kê mới nhất (3/2011) văn phòng TGM Qui Nhơn cho biết tổng số giáo dân hiện nay là 69.512 người và tổng số gia đình là 17.641.
[2] Nguyễn Soạn, “Thư gởi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em tín hữu giáo phận Qui Nhơn nhân ngày truyền giáo thế giới 19/10/2008”, trong Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 126, tháng 10/2008, tr. 634.
[3] Sách các phép và sách lễ nghi các giám mục, trang 302, 303.
[4] Sách các phép và sách lễ nghi các giám mục, trang 304.