Ôn cố tri tân: Cha GUÉGAN Hoàng
CHA GUÉGAN HOÀNG
(1849-1885)
I
Louis-Marie-Charles Guégan sinh ngày 26 tháng 5 năm 1849, tại lâu đài Langourla, làng Saint-Véran (Finistère), nơi cha ngài làm quản lý; mẹ ngài là bà Louise-Marie Le Guennec, ngài là cháu của một trong các thủ lãnh danh tiếng nhất của phong trào Su-ăng (chouannerie), ông Georges Cadoudal.
Những năm đầu tuổi thơ của ngài đã trôi qua dưới sự hướng dẫn đạo đức, thông minh và cương quyết của người mẹ thánh thiện, và ở Saint-Véran, người ta còn nhớ “cậu bé dễ thương, có bộ tóc hoe dài, đôi mắt xanh lớn, cái nhìn thuần khiết và trong sáng này, dáng vẻ khiêm tốn và dè dặt, diện mạo đầy sự trong trắng ngây thơ của cậu đánh động và cảm hoá tất cả mọi người”.
Sau khi người cha qua đời, ngài cùng với mẹ và anh chị dọn đến ở xóm nhỏ Kerléano, thuộc giáo xứ Brech, gần Auray, giáo phận Vannes; ít lâu sau, ngài được ủy thác cho chú ngài là cha Guégan, lúc bấy giờ làm hiệu trưởng của Saint-Pierre-Guibéron, qua đời trong khi làm cha sở họ đạo Plouay. Ông này đã bắt đầu cho ngài đi học. Năm 1862, ngài vào tiểu chủng viện Sainte-Anne của Auray.
Một trong những người bạn thân nhất của ngài là cha Jobet đã nói với chúng tôi: “Trong tám năm dưới sự hướng dẫn khéo léo và tận tâm của các thầy giáo, tôi thấy chẳng bao giờ ngài bị một lời quở trách nặng nề. Tuy nhiên tôi cũng không dám khẳng định ngài là một học sinh tuyệt đối hoàn hảo; với một bản tính hăng say nên có lần ngài đã tuôn trào sức sống dồi dào này khi nói chuyện trong giờ cấm, ngài đã bị phạt đứng dưới gốc cây trong giờ chơi. Đó là khuyết điểm của ngài. Nhưng đó không phải là một khuyết điểm chủ yếu. Hơn nữa, học giỏi và hoà đồng trong trong giờ chơi, cá tính tốt và vui vẻ, thương yêu mọi người và được mọi người yêu mến, kết hợp với các đức tính này là một nghị lực hiếm thấy và một lòng can đảm. Ngay từ năm đầu tiên ở chủng viện, ngài đã ngã bệnh.
Căn bệnh kéo dài, thường rất đau đớn nhưng cậu bé đã biết chịu đựng và không thốt ra một lời phàn nàn nào trong cơn thử thách này”.
Trong bầu không khí ấy, sự cuồng nhiệt của đức tin nơi ngài chỉ có thể phát triển mạnh và nhanh. Thật vậy, ở Sainte-Anne người ta không bằng lòng với việc đào tạo những nhà văn giỏi mà còn chuẩn bị cho các học sinh tiến lên chức linh mục, và việc đạo đức có một vị trí rộng lớn trong cuộc sống của họ.
Hai hội đoàn được thiết lập ở đó: hội đoàn các ThánhThiên Thần cho các lớp thấp, và hội đoàn Đức Thánh Nữ Trinh cho các lớp cao hơn. Louis Guégan đã làm giám quản của hai hội đoàn này.
II
Ngài chuyển từ tiểu chủng viện Sainte-Anne sang đại chủng viện Vannes. Đó là vào năm 1870; gần như mỗi ngày đều mang có tin tức về một thảm hoạ; ở chủng viện, việc học thần học đã bị trì trệ. Cha Jobet thuật lại: “Chúng tôi nói với nhau rằng đừng lo gì cho bản thân, nước Pháp cần chúng ta, bổn phận của chúng ta không phải là chiến đấu bên cạnh những người anh em trên các chiến trường sao? Cha Guégan không phải là người cuối cùng rút ra kết luận này, và nếu ngài là chủng sinh do lòng đạo đức và chiếc áo dòng, thì trong trái tim ngài đã ba phần tư là người lính.
“Một buổi chiều, Đức Cha đã đến đại chủng viện, ngài đã tập họp chúng tôi lại trong phòng học, ngài khuyến khích chúng tôi đi tòng quân trong thời gian chiến tranh nếu được cha mẹ đồng ý, rồi ngài ra về sau khi ban phép lành cho chúng tôi. Ngài để chúng tôi tự quyết định. “Hôm sau, hơn hai mươi chủng sinh đã ra đi, Louis Guégan ở trong số những người đầu tiên; ngài lập tức đi Kerléano để xin phép mẹ. Mặc dù bà đã có người con trai là Georges, trung úy trong tiểu đoàn Charette, nay Bà Guégan cũng hy sinh cho tổ quốc người con trai thứ hai của bà. Không phải bà thuộc dòng giống những người mạnh mẽ và quảng đại sao?”
Hai ngày sau, ngày 19 thánh 11, Louis đã ở Mans, và ngày 27 tháng 11, ngài được chuyển vào đại đội ba của tiểu đoàn ba, và rời Mans theo lệnh của tướng Jaurès, tư lệnh binh đoàn hai mươi mốt. Trong suốt chiến dịch Marchenoir và Mans này, tiểu đoàn ba luôn luôn trong tình trạng cảnh giác, mệt mỏi vì những cuộc hành quân và rút lui, ban ngày thì tiến lên còn ban đêm thì thường là rút lui, tham gia mọi trận đánh, ở Vendôme, ở Fretteval, ở Mans, ở Sillé-le-Guillaume, nằm trên chiến trường ở Marchenoir tám ngày, và bù lại biết bao mệt nhọc và cơ cực này, họ chưa bắn được một phát súng an ủi nào.
Cực nhọc luôn luôn nhưng tiểu đoàn ba này chưa hưởng được một phút vẻ vang nào! Trong tất cả những sự đau khổ, sự nhục nhã này là đau đớn nhất. Louis Guégan lấy làm đau khổ vì điều đó hơn mọi người khác vì ngài là cháu của Georges Cadoudal. Hơn mọi người khác, ngài cũng đã đau khổ vì thiếu thốn mọi bề, vì rét và vì đói. Cha Jobet nói: “Phần đông chúng tôi đều có những chiếc áo khoác bằng vải và chút ít tiền bạc mà chúng tôi được phép, và đó chẳng phải là xài sang gì nhiều khi bù đắp cho sự thiếu hụt của món ăn hằng ngày. Louis không có áo khoác, ngài hầu như không có tiền bạc, và chỉ một mình Thiên Chúa biết ngài đã chịu đựng điều gì trong chiến dịch này. Tôi nói: chỉ một mình Thiên Chúa, vì không bao giờ ngài thổ lộ cho các bạn chiến đấu, và ngày nay người ta cũng chưa biết gì được nếu tôi không nói ra, xin ông anh của ngài là người đã nói cho tôi biết chuyện này tha thứ cho tôi về tội không kín đáo. “Khi ở chung quanh ngài, người ta than phiền là không làm gì cả và chịu khổ cực biết bao vì vua Phổ, thì ngài trả lời rằng: nhưng chúng ta chịu khổ cực vì tổ quốc, và chịu khổ cực vì tổ quốc thì đó cũng vẫn là chiến đấu vì tổ quốc.”
Trở về chủng viện, M. Guégan tỏ ra là một chủng sinh đạo đức, vui vẻ và chăm chỉ mà người ta đã từng nhận thấy ở Sainte-Anne; cho nên đã có một lúc mọi người quen biết đều ngạc nhiên khi hay tin ngài đã gia hạn chức phụ phó tế. Sự quá đạo đức và cá tính mạnh mẽ của ngài hình như gạt bỏ mọi ý tưởng cho rằng ngài bị bối rối, có lẽ sự tinh tế của lương tâm đã làm cho ngài do dự trước những trách nhiệm kinh khủng và phẩm tước cao siêu của chức linh mục. Có lẽ đó là một thử thách Thiên Chúa đã gởi đến để làm cho ngài thêm mạnh mẽ; dầu là sự do dự của con người hay thử thách của Thiên Chúa, tình trạng này đã không kéo dài lâu. Năm 1873, được gởi đi làm giám thị tiểu chủng viện Sainte-Anne, cha Guégan đã được thụ phong linh mục trong Mùa Chay năm 1874. Ngài đã rời Sainte-Anne năm 1875 để đi làm cha phó, trước tiên ở Bubry cho đến năm 1880, rồi ở Bignan cho đến lúc ngài ra đi.
Trong hai giáo xứ này, ngài đã là người mà quá khứ đã hứa hẹn, một linh mục thánh thiện, tốt lành, nhẫn nại, khiêm tốn, can đảm, tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và lòng yêu thương các linh hồn, không bao giờ sợ khổ cực, không lùi bước trước một sự mệt nhọc nào khi đó là một việc phục vụ phải thực hiện hoặc một bổn phận phải làm chu toàn. Ngoài các chức năng thông thường của cha phó, ngài phụ trách một nhà nguyện nằm khá xa thị trấn. Vào mùa hè, cuộc hành trình này xuyên qua những con đường mòn đầy hương thơm, những con đường nhỏ rợp bóng mát và những truông đầy hoa, là một cuộc đi dạo lý thú và đầy chất thơ. Nhưng mùa đông sự vui thích này lại bắt phải trả giá rất đắt …; nhưng cha Guégan đã thấy nhiều cái khác nữa ở Marchenoir và ở Mans.
III
Song, Thiên Chúa đã có cái nhìn khác đối với vị linh mục trẻ này: ascensiones in corde suo disposuit (Ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương); Chúa đã làm cho ngài vượt qua nấc thang chức linh mục để nhìn rõ sứ vụ tông đồ. Cha Guégan đã suy gẫm thầm lặng và dài lâu tiếng gọi của Thiên Chúa; rồi khi ngài nghe tiếng gọi đó một cách rõ ràng, ngài đã do dự; tiếng gọi này hình như đối với ngài thật nghiệt ngã.
Sau này ngài viết: “Từ lâu, những ước muốn và những suy nghĩ thúc ép tôi tận hiến cho các miền truyền giáo, nhưng có ma quỷ giúp sức, tôi luôn luôn hoãn lại việc ra đi của tôi, và như Thánh Augustinô, tôi đã tỏ ra chống lại tiếng của Thiên Chúa gọi bằng cách trả lời: cứ để xem sao, để năm sau vậy. Song, thời gian càng đi tới, những năm tháng càng trôi qua và tôi càng cảm thấy tiếng kêu của lương tâm ray rứt.”
Ngài đã quyết định đi đến Dòng Trappe de Thymadeuc để tĩnh tâm ba ngày. Cha Tanguy, người bạn đường của ngài, đã viết: “Cuộc cấm phòng kết thúc, chúng tôi ra đi. Trên những đồi cao nhấp nhô trên Dòng Trappe, cha Guégan bỗng dung ngừng lại: – Cha không biết sao? Con đi đến chủng viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài – Cha đùa à. – Không, con nói nghiêm túc đấy; từ lâu, Chúa đã gọi con và con đã cưỡng lại.
Đó là nguyên nhân của những sự e sợ mà con đã nói với cha ngày nọ. Hôm nay, hy lễ được hoàn tất.” Một lần cuối cùng, ngài đi thăm Kerléano, nhưng không báo về cuộc ra đi của ngài cho gia đình để tránh sự đau xé xót xa của sự chia ly. Một trong các nhân chứng cuộc từ biệt này đã viết: “Đã bước lên xe, tôi còn thấy mình đang nhìn kỹ những cái ôm hôn của hai anh em sẽ không còn gặp nhau nữa này – Georges la lên: Này, Louis, khi nào em trở về với chúng tôi? Anh nghĩ hiếm khi em có dịp trở lại thăm viếng, tạm biệt nhé! – Tạm biệt! Vĩnh biệt, cha đáp lại bằng một giọng nghẹn ngào. Đó là dấu hiệu xúc động duy nhất của ngài, và con ngựa đã đưa chúng tôi đi, chạy nhanh trên đường Vannes.” Vài ngày sau, cha phó xứ Bignan vào Chủng viện Hội Truyền Giáo
Nước Ngoài.
Khi Bà Guégan được biết quyết định của con trai, bà đã chấp nhận với tư cách là Kitô hữu.
– Người thỉnh sinh nói với một người bạn của mình: “Họ hàng tôi vâng phục thánh ý Chúa, và thậm chí họ rất hạnh phúc thấy tôi là nhà truyền giáo. Chúc tụng Thiên Chúa!”
Khi nhận nhiệm vụ đến miền truyền giáo Đông Đàng Trong, ngài đã không nghĩ đến chuyện phải đi từ biệt gia đình.
Mọi người đều quá lo sợ rằng vết thương lòng mình lại nứt toác ra vào cuộc thăm viếng cuối cùng này. Ngày 26 tháng 11 năm 1882, ngài xuống tàu ở Marseille mà đã không thăm lại “xứ sở Armor yêu dấu”.
IV
Khi đến miền truyền giáo, ngài được gởi đi cùng với một thầy giảng đến Sông Cát, một sở họ nhỏ gồm một trăm năm mươi tín hữu. Nơi đây, ngài đã qua bốn tháng để học tiếng Việt; sau thời gian này, ngài đến tỉnh Quảng Ngãi để giúp Cha Garin đang gánh vác công việc rất nặng. Ngay sau đó, Đức Cha Van Camelbeke đã chia khu vực rộng lớn của Cha Garin và trao một phần cho Cha Guégan, cha đã định cư tại Phú Hoà và bắt đầu làm việc hăng say.
Ngày 23 tháng 6 năm 1884, ngài viết: “Bà con kính yêu, lần này con chỉ gởi cho bà con vài dòng, bởi vì con có công việc ngập lút đầu: quản lý các cộng đoàn Kitô hữu của con; những công việc phải xét xử giữa người ngoại giáo và người Kitô giáo; chuẩn bị cho khoảng tám mươi trẻ em rước lễ lần đầu; sửa soạn đón rước Đức Cha Van Camelbeke đến vùng lân cận chúng con để ban Bí tích Thêm Sức. Con có khoảng một nghìn Kitô hữu chưa được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, bởi vì không phải năm nào vị Đại Diện Tông Toà cũng có thể đi khắp miền truyền giáo. Bà con thấy rằng nếu bà con có thêm một nhà thờ phải xây dựng, đang khi lại phải tu sửa một nhà thờ khác thì chính xác đó là công việc con đang làm.”
Và sau này, trong một bức thư gởi Cha Bề Trên Chủng viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài, ngài báo cáo các kết quả ngài đã đạt được và những đau khổ ngài đã chịu: “Từ chín tháng nay, Đức Giám mục đã đặt con đứng đầu một vùng có một nghìn sáu trăm Kitô hữu. Cho đến bây giờ, con đã chỉ có thể rửa tội cho hai mươi bốn người ngoại giáo, nhưng để bù lại, con đã rửa tội cho tám trăm lẻ hai trẻ em ngoại giáo in articulo mortis (trong lúc nguy tử). Con hy vọng khi tất cả vương quốc này được bình yên, thì những người ngoại giáo cuối cùng cũng sẽ mở mắt ra với ánh sáng của Tin Mừng.
“Đối với các giáo dân của con, tất cả đều bình an khi cơn bão kinh khủng đến tàn phá họ: chín mươi lăm nhà bị phá hủy hoàn toàn, các nhà khác bị hư hại. Con có ba nhà thờ bị phá hủy, nhiều nhà thờ bị hư hại nặng, nhất là một nhà thờ lấy tên thánh bảo trợ là Đức Bà Chiến Thắng, và cũng đã gia nhập vào tổng phụng hội của nhà thờ Đức Bà Paris. Miễn là Thiên Chúa gìn giữ chúng con khỏi một nạn đói kém hình như sắp xảy ra!
“Cuối cùng, như Cha đã nói với con, cuộc sống của nhà truyền giáo là một cuộc sống của những sự hy sinh… Nên, cho dù xảy ra điều gì, con cũng sẵn sàng phục tùng tất cả những gì Thiên Chúa muốn gởi đến cho con. Ước gì con có thể chinh phục được nhiều linh hồn và chính con tìm được sự cứu rỗi của con, đó là ước muốn duy nhất của con!” Đức ái của những bạn bè người Pháp đã cho phép ngài đền bù những bất hạnh mà cơn bão đã gây ra.
“Nhờ sự trợ giúp mà các bạn đã gởi cho tôi, những đổ nát của khu vực tôi được dựng lại dần dần; như ông Giuse, song không có tất cả những khả năng của ông, cũng không có tất cả những đức tính của ông, tôi đã có thể mua gạo, khá nhiều, để đương đầu với những điều cần thiết đầu tiên của một nạn đói. Vậy, bây giờ tôi đang tái thiết các nhà thờ của tôi, xây dựng những con đê, làm những guồng xe nước để đưa sự màu mỡ vào những nơi mà mãi đên bây giờ vẫn còn đang khô cằn.
Tóm lại, với bàn tay làm việc và sự giúp đỡ của Thiên Chúa, tôi hy vọng một thời gian nữa, giáo dân của tôi sẽ không quá khốn cùng. Họ rất cảm động vì lòng hào hiệp của bạn bè Pháp nên không ngày nào họ quên cầu nguyện cho những người anh em này.”
Sau đó cha Guégan đi thăm các giáo xứ khác nhau của mình. Những cuộc thăm viếng một hai lần mỗi năm này làm cho ngài mệt nhọc kinh khủng, nhưng đồng thời cũng làm cho ngài được hưởng nếm những niềm vui sâu kín và ngọi ngào sâu sắc. Ngài thấy ở đó những mẫu gương lạ lùng về tính kiên trì, về sự trong sạch, về đức ái; ngài chạm tới, có thể nói như thế, tất cả những điều huyền diệu mà ân sủng của Thiên Chúa thực hiện trong các linh hồn mà mới ngày hôm qua còn phục tùng ma quỷ.
Đối với các giáo dân, ngày ngài đến là một ngày hội. Họ mặc những chiếc áo dài lụa đen hoặc tím có tay dài, thắt những chiếc thắt lưng nhiều màu, đội những khăn đóng xanh lá cây hoặc xanh da trời, giáo dân đến từng nhóm riêng rẽ, đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, chào vị linh mục và với long kính trọng của tình yêu con cái, họ dâng lên ngài những món quà nghèo nàn của mình: trái cây, những quả trứng, đôi khi những chiếc bánh ngọt nhỏ, không kể đến trầu, cau, thuốc lá, chè, là những thứ phải có trong của mọi cuộc tiếp đón ở xứ Annam. Vị truyền giáo cám ơn họ, nói với họ vài lời, rồi ngài cho họ về.
Các chức việc của giáo xứ lúc bấy giờ tập họp lại, họ báo cáo về tình trạng giáo xứ, và về những khó khăn chính đã được giải quyết trong khi vắng mặt vị truyền giáo. Ngài ghi nhận tất cả; rồi đưa ra những quyết định, giảng hoà nếu chẳng may có mâu thuẫn nào đó; sau đó, ngài ngồi toà giải tội, đôi khi ngài ngồi toà cho đến tận một giờ sáng. Trong thời gian này, ông thầy giảng đi khắp làng, vào từng nhà, thúc đẩy những người trễ nãi, khuyên nhủ những kẻ tội lỗi, dạy giáo lý cho các dự tòng và trẻ em. Bình tĩnh, khoan dung với một vẻ trang nghiêm nào đó không phải là không thích hợp với cương vị của ông, người thầy giảng vừa là thư ký, người giữ phòng thánh, thầy giáo, viên dự thẩm, luật sư, tóm lại, là người quản gia thực sự, nếu ông đi theo vị truyền giáo; ông còn là thầy thuốc, nhà văn, nhà triết học, người làm bí tích rửa tội khi ông đi trước ngài và mở cho ngài con đường đến với người ngoại giáo; tóm lại, mọi lúc mọi nơi ông là một trong những công cụ đầu tiên của công việc tông đồ.
Khi vị truyền giáo đã giải tội cho tất cả các Kitô hữu, đã chúc lành cho các cuộc hôn phối, đã rửa tội cho các dự tòng, đã giải quyết tất cả các công việc của cộng đoàn Kitô hữu, ngài đi đến một giáo xứ khác, nơi mà ngài sẽ lại bắt đầu cùng những công việc như vậy.
V
Đời sống hoạt động và phong phú của Cha Guégan là như thế khi nổ ra cuộc bách hại. Lúc ấy ngài ra sao? Những kẻ nổi loạn đã dùng âm mưu nào, bạo lực nào để bắt ngài? Không ai biết cả. Tất cả giáo dân đều đã cùng chết với ngài, không một ai, không một người duy nhất nào còn sống sót để nói cho chúng ta biết thảm kịch đẫm máu nào đã diễn ra ngày 18 tháng năm 1885 trong giáo xứ Phú Hoà, sự hung dữ của các đao phủ, sự cam chịu và sự anh hùng của các nạn nhân đã như thếnào.
Cha Guégan đã chết tử đạo vì Đức Giêsu-Kitô, đó là tất cả những gì chúng ta biết; nhưng chẳng phải điều đó chưa đủ để chúng ta chúc tụng Thiên Chúa vì lòng lân mẫn của Người và ca tụng vinh quang của vị tông đồ đã đưa ra lời chứng bằng máu sao?
Cha Jobet nói tiếp: “Tôi có nên thuật lại sự kiện lạ lung này liên quan đến cái chết của người bạn chúng ta mà không thêm thắt gì?
“Nếu tôi thuật lại điều này, thì chính vì tuyệt đối chính xác và đáng tin; nhưng tôi không muốn từ đó để đưa ra kết luận liều lĩnh”.
“Buổi tối ngày Cha Guégan chết. Mẹ và chị ngài đã lui về phòng mình. Họ không tài nào ngủ được. Trong đêm, người mẹ nghe một tiếng động lạ trong phòng dành riêng cho ngài những khi về Kerléano thăm nhà. Người ta nói đó là những bước chân của một người trở về nhà và chuẩn bị để nghỉ ngơi.
Cùng giờ ấy, người chị cũng nghe như có tiếng hát du dương từ dưới đất cất lên rồi mất hút trên các tầng trời. Hai người phụ nữ đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ: không phải là Louis chào vĩnh biệt mình sao? Ngày hôm sau, Bà Guégan hỏi con gái có nghe gì trong phòng của cha không – Không, thưa mẹ. – Này, mẹ nghe có tiếng động, đó là Louis đã rời bỏ chúng ta. Đến lượt mình, cô con gái kể lại cho mẹ hay rằng cô đã nghe những tiếng hát tuyệt vời. Và cả hai đều đã tin chắc rằng người con yêu dấu đã đến chào vĩnh biệt họ khi rời bỏ trái đất này.
chuyển ngữ
Phêrô Võ Sum