Thư luân lưu (số 2) của Đức Cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn
THƯ LUÂN LƯU (số 2)
Đức Giám Mục Hoàng Văn Đoàn
gởi Giáo sĩ và Giáo hữu Địa phận Qui Nhơn
Số 38, tháng 9/1963, tr. 1-5
Quí Cha, các Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh, các Thầy Giảng và Anh Chị em Giáo hữu thân mến.
Một nước có tên tuổi trên thế giới có câu cách ngôn sau đây: Xem, nghe và trầm lặng (để suy nghĩ).
Từ ngày tôi đến Địa phận, tôi đã xem nhiều, nghe nhiều và cũng đã học hỏi nhiều do sự tiếp xúc với các giới trong Địa phận.
Tôi đã ngắm xem cảnh vật, đã nhận xét nhân tình và thấy trong tâm hồn tôi những cảm xúc hỗn hợp và phức tạp.
Tôi đã thấy tận mắt những cây tháp xưa, chân thành cổ, tấm bia mòn, pho tượng cũ, và trong tâm hồn tôi tái diễn cái cảnh dĩ vãng oanh liệt của thời kỳ xa xăm.
Tôi đã nhìn những bờ tre non, cụm trúc xanh, cổng tre, mái tranh, nhà gỗ hoặc cổng xây, sân gạch, nhà ngói, và tôi hiểu biết một phần nào cảnh sống của đồng bào.
Tôi xem những đồng ruộng phì nhiêu, dừa xanh, xoài tốt, bắp, mì, mía, đỗ, dâu, khoai, nhịp nhàng rung theo chiều gió, như để ca ngợi cái lòng từ bi quảng đại của Hóa Công và đồng thời tưởng thưởng những đức tính cần cù, nhẫn nại của người dân.
Tôi trông những đất đai hoang vu, khô chồi, những sình lầy sặc mùi tanh hôi, trong những buổi hè oi ả, đang chờ đợi sức lao động và bàn tay cứng rắn của nhà nông khai khẩn, hầu biến thành những thửa ruộng phì nhiêu, trổ sinh hoa xinh, quả đẹp.
Tôi coi những hào sâu, hố thẳm, mương ruộng, sông dài, ao to, đầm lớn, núi non trùng điệp, rừng rú u thâm, đồi gò man mác, thung lũng chi chít với những cảnh thơ mộng: đầu gối trên làn mây bạc, lưng dựa vào tảng đá xanh, mặt quay ra biển cả bao la, cùng bao bãi cát trắng, làn sóng bạc và ngoài xa xa muôn vàn cánh buồm hiên ngang tung bay theo chiều gió trên mặt biển phẳng phiu, đã tạo nên cái vẻ đặc sắc khả ái “Người Hiền, Cảnh Lịch” của Địa phận Qui Nhơn.
Chẳng những tôi nhìn xem cảnh vật bên ngoài, mà tôi còn chiêm ngưỡng nội giới bên trong của các tâm hồn.
Tôi đã gần gũi với các Cha đang vất vả, khó nhọc trong nhiệm vụ nơi địa sở, hoặc ân cần đào tạo Chủng sinh, hoặc âm thầm hướng dẫn tu viện, hoặc tận tụy giảng dạy trong các trường, hoặc phục vụ các linh hồn trong nhiệm vụ Tuyên úy ở các Nhà thương, Cô nhi, Quân đội. Tôi thông cảm cảnh khổ cực, nỗi túng thiếu, tình hình bất ổn của những cha, can đảm vì con chiên can đảm, can đảm quyết sống ở những nơi đèo heo hút gió, bất chấp những nguy hiểm.
Tôi nhớ lại với niềm cảm động và thán phục những mẫu truyện tận tụy hy sinh trong nhiệm vụ phụng sự, được nghe những buổi đàm đạo thân mật trước thềm địa sở giữa lúc gió mát trăng trong, và tôi cũng không quên những câu truyện hào hứng hài hước được nghe trong những lúc tâm sự ấy.
Tôi tri ân những Dòng tu nam, nữ, giầu lòng nhân đạo, đặm tình thương yêu, đang tận tình phục vụ trong ngành hoạt động từ thiện, văn hóa, xã hội để mưu ích cho quần chúng.
Tôi cảm thấy phấn khởi trò chuyện với các Chủng sinh, đầy nhựa sống, hăng hái trau dồi trí tuệ, tu luyện tính đức, và tôi hoan hỉ thấy các Thầy Giảng tận tâm trợ lực các Cha trong công việc rao giảng Chân, Thiện, Mỹ cho đồng bào, hầu đem lại cho họ tình yêu Phúc Âm của Chúa Kitô.
Tôi đã tiếp xúc với Anh chị em giáo hữu, tôi gặp đủ mọi giới, già có, trẻ có, nam có, nữ có, giầu có, khó có và tôi vui mừng nhận thấy những bóng dáng hiền lành, sắc diện hồn nhiên, tâm trạng trung hậu, tính tình ngay thẳng, với tấm lòng đơn sơ, cởi mở, tin tưởng, trông cậy, trìu mến, vững vàng tin đạo giữa những hoàn cảnh nguy ngập.
Tôi đã gần những bệnh nhân mà thân hình khẳng khiu, chi thể gầy yếu, và tàn phế đã làm tê tái lòng tôi, và tôi cũng thông cảm cảnh bất hạnh đau thương của những tù nhân mà tôi có dịp thăm viếng.
Sau hết, tôi không bao giờ quên những người lương dân hiền hậu, hảo tâm, mỹ ý, giọng điệu ôn hòa, thái độ thân thiện, cử chỉ nhã nhặn mà tôi đã gặp khắp nơi, khi đi qua thăm Địa Phận.
Đó là ít nhiều cảm nghĩ chân thành, phát xuất tự đáy lòng. Giờ đây tôi xin thêm mấy ý kiến về giáo chức, gia đình giáo dục và tinh thần xã hội.
1. Giáo chức cũng gọi là chức việc, chức dịch hoặc chức sở, là những vị cha sở bổ nhiệm để giúp Ngài trong trách nhiệm điều hành các họ đạo.
Như thế, vai trò của giáo chức rất quan trọng: họ là trợ lực của các cha và các cha tìm thấy ở nơi họ sự an ủi và sức mạnh để tiến hành công việc.
Để đạt mục đích ấy, các cha nên lựa chọn những người xứng đáng, thích nghi với nhu cầu và hiện tại. Khi đã bổ nhiệm rồi, các cha nên tiếp tục giúp đỡ họ bằng lời chỉ dẫn, kiểm thảo, khuyến cáo, và cũng nên tổ chức cấm phòng hằng tháng cho giáo chức, dưới sự điều khiển của cha Sở. Trong những kỳ cấm phòng ấy, sẽ có phiên thảo luận trao đổi ý kiến về tình hình đạo đức, khuynh hướng, tính tình các giới trong địa sở, và phương pháp đối phó v.v. Khi các cha xét có tiện, thì sẽ tổ chức từng hạt và sau cùng toàn Địa phận.
Tôi xin kết thúc mục này, bằng câu truyện trích trong sách Xuất Ai Cập Ký: Ô. Giêtrô, nhạc gia của Ô. Moisen đến thăm ông và…ngày nay Ông Moisen ngồi xét xử cho dân, dân chúng đứng chờ từ sớm mai đến chiều, Ô. Giêtrô thầy Ô. Môisen bận rộn suốt ngày, bèn hỏi: Con làm chi vậy? Sao chỉ có một mình con xét xử cho toàn dân? Việc ấy nặng nề mình con làm không nổi đâu. Chi bằng con nghe cha khuyên, là chọn lấy trong dân gian mấy người tài năng, kính sợ Chúa, chân thật, ghét sự tham lợi, đặt họ làm chức việc, đặng xét đoán dân sự hằng ngày. Nếu có những việc lớn khó xử, họ sẽ đệ lên con, còn những việc nhỏ mọn chính họ hãy phân xử lấy! Hãy san bớt gánh cho nhẹ, đặng họ chia gánh cùng con. Nếu con làm như vậy, Chúa sẽ chúc lành và toàn dân sẽ đạt tới đích. Ô. Môisen đã nghe lời khôn ngoan của nhạc gia và chọn những người tài đức, mẫn cán, trung hậu lên làm trưởng dân và mọi việc được tiến hành theo ý Chúa (Ex. XVIII, 5-26).
2. Gia đình giáo dục.
Ai trong chúng ta mà không biết tầm quan trọng của nền giáo dục trong gia đình? Bao nhiêu những tội ác ngoài xã hội, phần nhiều là tại không sớm trừ tận gốc tại gia đình. Và bao nhiêu những công trạng vẻ vang, tài đức cao quí phần lớn cũng chớm nở từ nền giáo dục chánh đáng của gia đình.
Hình ảnh gia đình và đặc biệt là giáo dục trong gia đình đã ám ảnh tâm trí những tác giả sách Dụ Ngôn, sách Thánh Vịnh. Các đấng ấy luôn luôn nhắc đến nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của cha mẹ trong việc giáo huấn con cái. Chính thánh Luca đã thuật lại cho chúng ta: Đức Mẹ Maria, thánh Giuse đã thực hiện cái nhiệm vụ thiêng liêng cao cả ấy đối với Đức Chúa Giêsu và kết thúc bằng những lời: Cha Mẹ Người hàng năm lên đền thờ Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, và cùng đưa Đức Chúa Giêsu đi theo.
Theo như câu này và nội dung chương 3 sách Phúc Âm thánh Luca, thì Đức Mẹ và thánh Giuse đã chu toàn phận sự dưỡng nuôi chăm sóc dạy dỗ, giáo huấn Đức Chúa Giêsu bằng lời nói bằng việc làm, bằng gương sáng.
Những người làm cha mẹ phải noi gương mà quan tâm đến việc giáo dục con cái, lo liệu cho chúng có nền giáo dục chính đáng. Đừng tưởng rằng: giáo dục con cái là việc của cha sở, của thầy giáo. Việc giáo dục con cái là việc của cha mẹ, hay nói đúng hơn, là việc của cha sở, thầy giáo và cha mẹ. Song cha mẹ chiếm một địa vị quan trọng hơn, vì đứa trẻ gần với gia đình hơn là nhà thờ và trường ốc, do đó cũng chịu ảnh hưởng gia đình nhiều hơn.
Vì tương lai của Giáo Hội và đất nước chúng ta hãy lưu tâm đến nền gia đình giáo dục và những bậc phụ huynh hãy đặc biệt cố gắng bằng lời nói, gương tốt huấn luyện cho con em trở thành những công dân chánh đáng, những giáo hữu tốt lành, và lo liệu cho gia đình mình nên giống như gia đình Thánh Thất của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse thuở xưa.
3. Tinh thần xã hội.
Tinh thần xã hội nói đây là tình đoàn kết để mưu ích chung. Một mình lẻ loi, chả làm nên trò trống gì, song nếu hợp lực, sẽ gây nên sức mạnh và có thể thực hiện được công nọ việc kia. Tôi muốn anh chị em ý thức được cái vinh dự góp phần trong việc chung. Như sửa chữa Nhà thờ, cất nhà nguyện, mở lớp học.v.v. Đó là việc chung, không phải việc riêng ai. Những việc ấy có ích chung cho đoàn thể, nên ai nấy phải tùy khả năng, kẻ giúp của người giúp công để hoàn thành công việc. Tôi biết khả năng kinh tế nước nhà nói chung, và Địa phận ta nói riêng, không dồi dào là bao. Tuy nhiên, cái chúng ta tự tạo ra bằng mồ hôi, nước mắt và bằng phương tiện riêng của chúng ta, chúng ta sẽ tha thiết lưu truyền và duy trì. Đàng khác ở đây tôi có ý thức tỉnh tinh thần cộng đồng nơi anh em mà tôi nhận thấy có rất nhiều thiện chí. Vậy chúng ta hãy nhận thức và ý thức nhiệm vụ đoàn thể và lấy làm vinh dự khi có dịp đóng góp.
Đến đây tôi cả dám mượn lời thánh Phaolô mà cam kết với anh em rằng: In Corde meo estis ad commoriendum et ad convivendum (II Co 7, 3). Anh chị em ở trong lòng tôi để chúng ta cùng sống cùng chết và chớ gì mọi người trong chúng ta.
Thủy chung phận sự vuông tròn,
Cùng nhau khăng khít lòng son dạ vàng.
Quyết tâm vững bước lên Đàng,
Qui Nhơn Địa phận mở mang tiến hành.
Xin Chúa và Mẹ Maria chúc phước lành cho toàn thể Địa phận.
Qui Nhơn, 19-7-1963
D. HOÀNG VĂN ĐOÀN