Bài giảng lễ truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, ngày 04/01/2013
Tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, ngày 04/01/2013
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chúng ta đang ở trong mùa Giáng Sinh, mùa tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần trong thân phận con người để nối kết đất với trời và trở thành vị thượng tế với vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Chính trong khung cảnh này mà hôm nay 8 thầy phó tế của giáo phận Qui Nhơn chúng ta sẽ nhận lãnh thánh chức linh mục và trở thành những alter Christus, những Đức Kitô khác, để thực hiện vai trò thượng tế của Người.
Thiên chức linh mục chỉ có thể được hiểu trong sự liên kết với sứ mạng của Đức Kitô. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 4,16-22a), Đức Giêsu đã công khai tuyên bố về sứ mạng của Người khi tự áp dụng cho mình đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; Is 61,1-2).
Linh mục là người được Thiên Chúa xức dầu và sai đi vào giữa trần gian để thi hành chính sứ mạng của Đức Kitô. Trước khi được sai đi, linh mục phải là người được Thiên Chúa kêu gọi từ trong lòng mẹ, như trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I (Gr 1,4-9). Ơn gọi làm linh mục xuất hiện cùng một lúc với ơn gọi đi vào hiện hữu. Mỗi người sinh ra đời không phải là sản phẩm của sự ngẫu nhiên mù quáng, nhưng là do tình yêu của Thiên Chúa và được Người mời gọi cộng tác với Người trong công trình sáng tạo và cứu độ thế giới. Ơn gọi ấy đi trước mọi công nghiệp của con người, như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái” (Ga 15,16).
Cùng với ơn gọi ngay từ trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã từng bước chuẩn bị và trang bị người được kêu gọi bằng biết bao ơn lành hồn xác, biết bao điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt, để ai trung thành đáp lại tiếng goi của Chúa thì sẽ đạt được điều Chúa muốn. Khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là con số không nếu không được Thiên Chúa kêu gọi và trao ban thánh chức, các tiến chức sẽ nằm phủ phục sát đất trước mặt Chúa trong một vị trí không còn vị trí nào thấp hơn, để rồi một khi đã được đấng thay mặt Chúa kêu mời chổi dậy và trao ban chức vụ, các tiến chức sẽ không vênh vang tự phụ vì tài năng hay đức độ của mình để đòi hỏi hay yêu sách điều gì, nhưng sẽ hết mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong khiêm tốn như người đầy tớ vô dụng.
Nhiệm vụ đầu tiên của các linh mục là phục vụ Lời Chúa cách trung thành và can đảm, như Chúa đã nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói!… Đây Ta đặt Lời Ta vào miệng ngươi” (Gr 1,7.9). Từ đây linh mục là người phát ngôn của Thiên Chúa. Để trở thành người phát ngôn trung thành, linh mục cần phải gắn bó với Chúa, luôn chăm chú lắng nghe để tìm kiếm thánh ý Người, luôn biết cảm nghĩ như Người, luôn nhìn và phán đoán mọi việc theo quan điểm của Người. Là sứ giả của Thiên Chúa ở giữa trần gian, linh mục phải vượt thắng tính yếu đuối và ươn lười tự nhiên để mau mắn và can đảm thực thi những gì Thiên Chúa giao phó, cho dù nhiều lúc không biết trước những việc đó sẽ dẫn đưa mình đi đến đâu, chỉ biết một điều là Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và ban sức mạnh để vượt thắng mọi khó khăn và chu toàn nhiệm vụ được giao.
Cùng với nhiệm vụ ngôn sứ rao giảng Lời Chúa, các linh mục còn là tư tế theo chân Đức Kitô, Đấng đã được Thiên Chúa gọi là Thượng Tế theo phẩm hàm Melkisêđê, để hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hy lễ đền tội cho dân và cho chính mình. Qua đôi tay các ngài, những cuộc đời xen lẫn buồn vui, vinh tủi, nước mắt và mồ hôi của từng tín hữu, sẽ đúc nên bánh, tan chảy thành rượu, để dâng lên Thiên Chúa cùng với Mình và Máu Đức Kitô. Khoác lên mình phẩm phục tư tế, các linh mục sẽ luôn nhớ rằng trọn cuộc đời của mình là một thánh lễ kéo dài.
Với chức vụ tư tế, linh mục trở thành vị đại diện của Thiên Chúa trước mặt loài người và đồng thời cũng là người đại diện của loài người trước mặt Thiên Chúa. Theo lời thư gửi tín hữu Do-thái trong bài đọc II (Dt 5,1-10), không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi như ông Aharon. Mặc dù được ban vinh dự lớn lao như thế, nhưng linh mục vẫn là những con người mỏng dòn yếu đuối. Về phương diện thân xác thì các thầy tiến chức đây không đến nỗi mỏng, nhưng con người các thầy vẫn rất dòn và dễ vỡ do mang thân phận yếu đuối của con cháu Ađam được tạo dựng từ bùn đất và phải mang vết thương nguyên tội. Tuy nhiên, đối với người Do-thái, vị thượng tế dầu có những khuyết điểm cá nhân thế nào đi nữa, vẫn là con người đã được thánh hiến để che chở đám dân tội lỗi. Dân cần có người lãnh đạo, không phải chỉ để cai quản họ, mà còn để làm trạng sư bênh vực họ trước tòa Thiên Chúa.
Vì yếu đuối nên hằng ngày các linh mục phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy, cũng như dễ dàng thông cảm với những người yếu đuối và hy vọng cũng nhận được sự thông cảm và nâng đỡ từ phía cộng đoàn tín hữu. Chính Đức Kitô, mặc dù là Con Thiên Chúa, đã tự nguyện mặc lấy thân phận yếu đuối của con người tội lỗi, đã chịu trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục và đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài.
Ba nhiệm vụ chính mà Đức Kitô ủy thác cho các linh mục để phục vụ dân Chúa là rao giảng, thánh hóa và cai quản. Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ đầu tiên, như để nhắc nhở các linh mục rằng muốn trở thành một người lãnh đạo tốt thì trước hết phải là một người hăng say rao giảng Lời Chúa và một linh mục gương mẫu thánh thiện.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các thầy phó tế sắp được truyền chức linh mục hôm nay luôn mặc lấy tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, mãi mãi sống xứng đáng với thiên chức cao cả đã lãnh nhận, suốt đời trung thành với lời cam kết trong ngày thụ phong và tận tâm chu toàn mọi nhiệm vụ với đức tin cao cả cùng với lòng khiêm hạ thẳm sâu.