Hội đoàn Xã hội 

Cải cách của mọi cải cách

CẢI CÁCH CỦA MỌI CẢI CÁCH

Sinh hoạt văn hóa trong tháng 11 hằng năm đã trở thành tháng truyền thống cho việc ghi nhớ và tôn vinh những người làm công tác giáo dục mà ngày cao điểm là 20 tháng này.

Mở đầu cho tháng 11 năm nay, làm xôn xao dư luận và cũng là tin vui trong những ngày qua chính là lá thư viết cho Mẹ đang bệnh nặng (Bài văn lạ của học sinh nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams –Dân Trí) như một hình thức làm bài cho một đề văn mở: “Nêu quan điểm của Anh (Chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” khiến nhiều người xúc động của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 trường Amsterdam – Hà Nội, cuối lá thư, thay cho lời kết, em viết: “Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa”, em đã suy nghĩ, nói ra thành lời và đã thực hiện như điều em viết khi em khiêm tốn và rất nhã nhặn tự chối sự giúp đỡ của rất nhiều tấm lòng khi đọc được bài văn đó và đã nhường phần lớn sự giúp đỡ ấy cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn.

Chúng ta cảm phục nổ lực vượt khó của em cũng như cảm ơn các thầy cô đã định hình nhân cách cho học sinh này, em đã chọn điều thiện, điều tốt cho dù phải thiếu thốn, túng nghèo. Có lẽ đây là bông hoa đẹp nhất dâng lên thầy cô nhân ngày nhà giáo năm nay.

Nhưng, như vậy là đủ chưa khi nhìn về nền giáo dục Việt Nam ?

Hình ảnh của em Nguyễn Trung Hiếu kia như ai đó đã ví von: Chỉ là phút giải lao ngắn ngủi trên quảng đường dài giáo dục mệt nhọc mà chẳng biết đích đến phía trước là gì !

Chúng ta thấy được niềm vui khi nhìn đường hầm Thủ Thiêm thông tuyến, cảng hàng không Đà Nẵng sắp hoàn thành, đoàn thể thao Việt Nam giành nhiều huy chương hay đội bóng U 23 Việt Nam vô địch trong kỳ Seagame… nhưng có lẽ không đủ làm vơi được nỗi buồn được nhắc đến trên các sạp báo, trên các bản tin từ sáng đến tối: nào tai nạn, nào rượu bia, thuần phong mỹ tục suy đồi, chém giết ngày càng hung bạo, nạn bạo hành không chỉ diển ra trong gia đình nhưng khuých tán rộng rãi ra xã hội, những vụ đàn áp, bắt bớ không chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng càng lúc càng lan rộng hơn… con người cảm thấy càng lúc càng bất an, sự dữ luôn rình rập, sự sợ hãi ngày càng lớn… Bức tranh an bình với chú mục đồng trên lưng trâu lững thửng trên bờ đê hay khói lam chiều, ráng vàng của buổi hoàng hôn biến mất nhường chỗ cho những chuyến bão xe, những quay cuồng nơi sàn nhảy, những loảng choảng va đập kiếm cung, hung khí… những đánh đấm không nương tay của các nữ sinh phổ thông đâu kém gì cảnh ăn thua đủ của phái mạnh, có khi còn tàn bạo hơn….

Thấy người bị nạn không giúp đỡ nhưng lại nhanh tay hôi của, thấy cảnh bất hòa chẳng can ngăn nhưng vổ tay cổ vũ, thấy tai nạn thập tử nhất sanh chẳng dám tới gần sợ liên lụy bản thân,… hoàn toàn vô cảm trước những khổ đau của người khác mà nickname “Kẹo mút chơi bời” trên Facebook như một minh họa cụ thể. Nickname này viết sau khi gây án chết người: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi vào hồi 17 giờ 07… anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953.” hay một status khác: “Ôi, đ… Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”… Chắc chẳng còn sự chai lỳ, sự vô cảm nào lớn hơn nơi người trẻ có nickname này!

Giáo Dục đứng ở vị trí nào trong bức tranh sẩm màu đó?

Có thể nói, chưa thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm về sự suy đồi này và dường như con người ngày nay cũng quen dần với cái ác, nói như Lỗ Tấn. Đi lâu thành đường, chẳng còn thấy xốn xang, luật sư Nguyễn Trần Bạc cũng làm nhẹ đi sự dữ bằng một nhận định: “Những hiện tượng như vậy có đầy rẫy ở trong các xã hội, phương Tây, ở Trung Quốc, ở Ấn Độ đều có. Ở đâu, lúc nào cũng có những kẻ giết người. Những yếu tố ấy là hạt đỗ đen trong toàn bộ cánh đồng đỗ. Tôi không nghĩ rằng cần phải khái quát thành một hiện tượng có tính chất phổ biến trong xã hội. Phải ẩn ác dương thiện.”và ông ta cho rằng : “Truyền thông nên nói về cái đẹp vì Cái ĐẸP cứu rỗi cuộc sống”.

Nhưng khi ẩn cái xấu liệu cái xấu có bớt đi chăng ? Không có gì bảo đảm.

Loay hoay đi tìm kế sách, mới đây trên Vietnamnet, ngày 19-8-2011 có bài viết đề tựa: “Việt Nam vẫn đang đi tìm triết lý giáo dục ?”

Thế kỷ 21 đi được 1/10 thời gian, giáo dục vẫn đi tìm triết lý đó sao ! Phải chăng vì chưa có một triết lý giáo dục mà chúng ta đi từ cải cách này đến cải cách khác, vẫn cứ tù mù, vẫn trên 90% tốt nghiệp tú tài nhưng kiếm đủ điểm sàn 13 đại học sao quá khó chưa nói tốt nghiệp đại học vẫn bị từ chối cơ hội phục vụ vì xã hội không tin vào chất lượng đào tạo như dư luận lên tiếng gần đây.

Lòng tin vào sự trung thực của giáo dục giảm dần theo năm tháng, tăng học sinh, tăng trường lớp, tăng số đại học, tăng cử nhân, tiến sĩ không có nghĩa là tăng sự tử tế, tăng tình yêu, tăng lòng khoan dung trong khi chính cái đẹp của tình yêu, của lòng quảng đại là cái giúp con người tồn tại và tồn tại có chất lượng.

Nêu vấn nạn giáo dục Việt Nam trong Ngày Nhà Giáo tại một tỉnh nhỏ miền trung lại là nhà giáo Công giáo giống như nói chuyện xây nhà tầng cho học sinh tiểu học, chẳng giải quyết được gì trong lúc biết bao nhà giáo ưu tú, biết bao nhà nghiên cứu giáo dục lỗi lạc, những nhà giáo đầu bạc đã trằn trọc ưu tư nhưng họ đã ngao ngán lắc đầu mà thốt lên rằng … những kiến nghị cải cách giáo dục … “Cho đến bây giờ, không có một trả lời nào của cấp cao nhất lẫn Bộ GD-ĐT. Bộ GD không bao giờ đối thoại với chúng tôi, không bao giờ trả lời, không bao giờ tranh luận.” (Gs. Chu Hảo). Ngần ấy đề án giáo dục đã rơi vào sự thờ ơ, theo Gs. Vũ Thế Khôi, bởi vì “chưa bao giờ có một cuộc cải cách thực sự”. (trích: Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa –vietnamnet 30/10/2011).

Là nhà giáo Công giáo, chúng ta không bi quan, luôn biết hy vọng, nếu Gs. Chu Hảo buồn lòng vì không được lắng nghe thì chính chúng ta đang được mời gọi tiến hành một chương giáo dục mới từ Đức Kitô: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11/29).

Hiền hậu để yêu thương dễ hơn

Hiền hậu để gần gũi nhau hơn

Hiền hậu để không còn vô cảm trước nỗi đau của người khác.

Hiền hậu để biết vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu…

Khiêm nhường là để dám quên mình đón nhận ý phản biện của anh em

Khiêm nhường là để không tự mãn với những thành tích nhỏ nhoi của mình

Khiêm nhường là để biết xin lỗi, để dám sửa sai, để không cố chấp

Khiêm nhường là để không lấy thước lòng mình đo lòng người khác…

Cải cách của mọi cải cách là cải cách con người, bắt nguồn từ lời mời gọi của Đức Kitô: HÃY HỌC CÙNG TÔI, lời mời gọi này không chỉ dành cho người đang đứng lớp nhưng cho cả những ai không còn đi dạy theo nghĩa giới hạn nhà trường và như thế tất cả chúng ta đều có cơ hội trở thành nhà giáo ưu tú, không là ưu tú trần thế nhưng là nhà giáo ưu tú của Nước Trời – Nhà giáo ưu tú Nước Trời không tiêu chuẩn gì ghê gớm lắm miễn là chúng ta biết để tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta, chắc chắn chúng ta đạt được. Một niềm hy vọng dạt dào đang khơi dậy.

M. Trần Tuy Hòa

Related posts