Giáo dục lương tâm giới trẻ theo tinh thần kitô giáo
Linh mục Quốc Quang dòng Đaminh trong một dịp nọ có nói: “Trong quá trình làm người, mỗi người chúng ta đều nhận được biết bao nguồn giáo dục khác nhau. Tất cả những nguồn giáo dục đó, đều nhằm mục đích đào tạo nên một con người toàn diện cả về nhân bản lẫn tâm linh”. Xin thêm phải là những nguồn giáo dục chân chính. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, người ta chỉ đặt nặng về giáo dục văn hóa, mà hình như quên lãng giáo dục về tinh thần. Trong giáo dục tinh thần, có lẽ vấn đề giáo dục lương tâm là quan trọng hơn cả.
Vai trò của thầy cô giáo bây giờ là làm sao đưa được tiếng nói thâm sâu, là lương tâm, đánh động, vang vọng trong đời sống của giới trẻ xã hội hiện nay.
Về bản chất của lương tâm Thánh, Công đồng Vaticanô II trong hiến chế về mục vụ “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” viết : “Con người khám phá tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác…”.
Và giáo lý Công giáo cũng đã xác định một cách rõ rệt: “lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ… Lương tâm chứng nhận thể giá của chân lý bằng cách qui chiếu về Thiên Chúa, là sự thiện tối thượng, là Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình”.
Trở lại với vấn đề giáo dục, ông Trần Quốc Thuận phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: Cái lớn nhất bị mất là Đạo đức, chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống, nó trở thành thói quen của xã hội Việt Nam hiện nay. Sự gian dối đã lan tràn trong xã hội hôm nay, cả ngay trong lĩnh vực giáo dục.
Giờ đây chúng ta là nhà giáo Công giáo, chúng ta hãy cầu nguyện, để theo như lời của Đức Thánh Cha: “Cần khơi dậy sức mạnh tiềm tàng nới giới trẻ để chính họ vượt qua những thách đố, xây dựng nền văn minh tình thương” và Ngài còn nói : “Thật quan trọng biết bao việc giáo dục giới trẻ hướng tới “tình yêu đẹp đẽ” để kéo họ ra khỏi những cạm bẫy, đang ra sức hủy hoại kho tàng tuổi trẻ của họ là: ma túy, bạo động, sự tội lỗi nói chung”.
Có thể nói rằng chỉ khi nào giới trẻ được sống trong nền văn minh của tình thương, họ mới có được trái tim nhân ái và hành động đúng đắn theo lương tâm chân thật.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban nhiều thần lực cho tất cả các thầy cô.
Maria Trần Thị Phúc