Nhà giáo 

Bài toán nan giải

Sáng nào cũng vậy, tôi xách giỏ ra chợ với bao nhiêu là tính toán trong đầu. Vô vàn thực phẩm mời gọi, vậy mà tôi cứ đi lòng vòng, xuống lên lên xuống. Mua cái gì? Ăn cái gì? Cái này bữa nay mắc quá! Mọi thứ lại lên giá cả rồi! Có những thứ giá cứ tăng mỗi ngày!
Giá cả chỉ là một chuyện, còn chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm nữa. Nghe báo chí phản ảnh riết rồi hễ đi chợ là gần như tôi đã đeo vào mắt một cặp kính hiển vi vậy. Thèm rau, thèm cải, xà lách… lại “thấy” toàn thuốc trừ sâu và ký sinh trùng! thèm ăn cá biển thì “thấy” phân u rê. Thích ăn bún…lại “thấy” formol…

Phải ăn thức ăn gì, phải tính mua thực phẩm thế nào để vừa an toàn, vừa không “đổ nợ”, vừa không bội chi quả là một bài toán nan giải với người nội trợ như tôi.

Nhưng tôi lại trộm nghĩ người thầy cô giáo nao cũng có những “bài toán nan giải”. Phải dạy như thế nào, phải cho học trò “ăn” những gì, phải dẫn đường như thế nào ?…

Nhưng tôi lại nghĩ đến một câu ngạn ngữ Latinh “Không ai cho cái mình không có” mà có lần tôi nghe các cha giảng. Người thầy cô có thể cho học trò kiến thức vì sẵn có. Nhưng họ không thể cho học trò những phẩm chất cao đẹp nếu như mình không có, hoặc có một cách lờ mờ. Và có lẽ lúc đó họ cũng chẳng thể tỉnh táo đề phòng những độc hại làm ngăn cản, hoặc thậm chí hủy hoại việc hình thành một con người tốt đẹp cả trong thể chất, tri thức lẫn tâm hồn nơi học trò.

Lạy Chúa Giêsu!
Xin cho chúng con được hoàn thiện hơn trong Chúa là Vị Tôn Sư duy nhất của mỗi người, để chúng con có thể chu toàn trọng trách.

TP Tuy Hòa, ngày 20 tháng 11 năm 2011
Maria PHẠM THỊ NGỌC HOA

Related posts