Văn hóa & Đức tin Xã hội 

Xuân về chở những niềm vui

Sáng nay trời se lạnh, khoát trên người chiếc áo len dày nhưng khi bước chân ra khỏi nhà tôi vẫn lạnh. Mọi người xung quanh thì bảo: “Mấy ngày cận tết này lạnh là phải. Cuối tháng 11 mà thấy hơi lạnh là biết sắp tết rồi”. Tôi chợt nhớ ra hôm nay đã là ngày cận tết. Học hành riết quên ngày tháng.

Tôi thấy mọi người ai cũng tất bật với công việc nào dọn dẹp nhà, nào lặt lá mai, người thì đi chợ mua sắm tết, người thì sơn lại nhà, chùi lại lư, tụi con nít thì chạy lung tung quanh sân để giành đi chợ tết.

Tôi cười một nụ cười hạnh phúc vì mọi người xung quanh tôi ai ai cũng vui vẻ và chờ mong nàng xuân đến một cách háo hức.

Ở quê là thế nhưng khi ra chợ bạn còn có thể cảm nhận được hương xuân rõ hơn nữa. Những cây mai được nghệ nhân tạo hình uốn éo đủ kiểu được bày bán dọc theo hai bên đường. Không chỉ có mai, nào cúc mâm xôi, vạn thọ, móng rồng, hướng dương, hoa hồng và nhiều loại hoa khác nữa. Mỗi hoa mang một ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều mang lại một ý nghĩa tốt đẹp là cả năm đều may mắn, cả nhà ấm áp và hạnh phúc.

Đặc trưng của tết là mâm ngũ quả. Nhà nhà đều chuẩn bị mâm ngũ quả để đón tết. Mâm ngũ quả là tập hợp của năm loại trái cây mà tên của năm loại trái cây đó khi ghép lại mang âm điệu là những hy vọng của mọi người trong năm mới như: Cầu sung vừa đủ xài thì mâm ngũ quả đó có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

 

Thêm một phong tục nữa trong ngày tết đó là nấu bánh đêm xuân. Cả nhà ngồi bên nhau kể những câu chuyện vui và ngập tràn tiếng cười bên bếp lửa hồng đang bập bùng cháy mang hơi ấm và cái rộn ràng của ngày xuân.

Vào ngày tết mọi người mọi nhà đều gói bánh để cúng ông bà và biếu hàng xóm lấy thảo. Ở miền Bắc thì gói bánh chưng còn người Nam thì gói bánh tét. Đó gọi là cái tục, cái lệ để cho ngày tết thêm sung túc, tình làng nghĩa xóm gắn chặt hơn.

Bánh chưng tượng trương cho mặt đất xanh tươi, giàu sự sống và màu mỡ thể hiện ước mơ sung túc và mạnh khỏe. Bánh này được lưu truyền từ cái thời vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay. Bánh chưng ăn kèm với chả lụa và dưa kiệu ngày tết được coi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết ở quê hương Bắc Bộ.

Còn bánh tét tượng trung cho sự giàu có, trù phú vì bên trong bánh tét có nếp là một thứ thực phẩm quý và có thịt heo hoặc chuối chín hoăc đậu làm nhân vừa thơm ngon vừ đầy đặn. Ngày nay, tiến bộ hơn có nhiều người còn gói được cả bánh tét khi cắt ra sẽ có chữ bên trong, nếp màu lá cẩm, chữ làm bằng đậu xanh còn gọi là nhân bánh, vừa đẹp mắt vừa ngon vừa có ý nghĩa.

Mỗi miền mỗi quan niệm, mỗi tục lệ khác nhau và món ăn đặt trưng cũng khác nhau. Nhưng loại bánh nào cũng chỉ có một ý nghĩa là mang lại điều tốt cho con người. Và khi đón xuân thì không thể nào bỏ qua nghi lễ đón giao thừa.

Giao thừa là giây phút chuyển mùa kết thúc năm cũ và bắt đầu năm mới. Giao thừa mang ý nghĩa kết thúc một năm với nhiều thành công và bỏ lại sau lưng nỗi buồn và tiếp theo đó là chào đón năm mới với ước mơ được nhiều niềm vui và may mắn trong năm mới.

Cả nhà quây quần bên nhau lúc đúng 0 giờ. Con cháu chúc tết ông bà, con cái mừng tuổi cha mẹ và nhận phong bao lì xì đỏ để lấy hên, trẻ con thì sung sướng khoe áo mới.

Tết cổ truyền Việt Nam là thế đơn sơ nhưng ấm áp và tràn đầy tình thương. Lòng tôi lâng lâng nhìn cây mai đang ra hoa trước nhà lòng hân hoan mong chờ tết đến. Mong xuân về đẻ xóa tan cái giá lạnh của mùa đông và mang tia nắng ấm áp về với mọi người mọi nhà. Chúc mừng năm mới. Happy New Year!!!

Minh Trang

Related posts