Phỏng vấn ông Eduardo Delgado, Đại sứ Cuba cạnh Toà Thánh, về chuyến công du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Phỏng vấn ông Eduardo Delgado, Đại sứ Cuba cạnh Toà Thánh, về chuyến công du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong các ngày 26 đến 28-3 tới đây
Trong các ngày từ 26 đến 28-3 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ viếng thăm mục vụ Cuba sau khi viếng thăm Mexico. Cách đây 14 năm, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Cuba và quần đảo Caribê. Trong thánh lễ cử hành tại Camaguay, Đức Gioan Phaolô II đã khích lệ người trẻ Cuba không sợ hãi làm chứng cho đức tin Kitô, can đảm sống trong sự thật và liều lĩnh trong tự do.
Cộng hoà Cuba là một quần đảo rộng gần 111.000 cây số vuông, có khoảng 11,5 triệu dân, 70% là người da trắng con cháu các người thực dân Tây Ban Nha, 17,3% là người lai giống, và 12,4% là người Phi châu da đen. Tuy chủ thuyết vô thần đã bị bãi bỏ năm 1992, nhưng 30% tổng số dân tuyên bố mình là người vô thần. Tín hữu Công giáo chiếm 10% dân số; tín hữu các tôn giáo Kitô – Phi châu Cuba một loại tôn giáo hỗn hợp chiếm 20%; còn lại là tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác như Anh giáo, Chính Thống, Chứng nhân Giêhôva và Do Thái giáo…
Kể từ khi Cristoforo Colombo khám phá ra đảo Cuba ngày 24-10-1492 trong chuyến thám hiểm đầu tiên, Cuba trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha cho tới thế kỷ XVIII. Sau hai cuộc chiến giành độc lập, năm 1902, Cuba chính thức được độc lập, nhưng trên thực tế nằm dưới quyền bảo hộ của Hoa Kỳ trong mấy thập niên liên tiếp. Năm 1952, ông Fulgencio Battista đảo chính, lật đổ chính quyền của Tổng thống Ramon Grau San Martin, rồi lên làm tổng thống. Ông Battista bán 90% mỏ kền và đất đai của Cuba, cũng như 80% các dịch vụ công cộng, và 50% hệ thống xe lửa cho các hãng xưởng Hoa Kỳ. Cuba trở thành thủ đô của các sòng bạc, nạn mại dâm và là nơi dung thân của tổ chức tội phạm mafia Mỹ. Các tổ chức này kiểm soát các khách sạn, sòng bạc, nhà chứa và khai thác du lịch Mỹ.
Năm 1958, Fidel Castro phát động cuộc cách mạng chống nhà độc tài Battista, và năm sau đó tiến chiếm thủ đô La Habana. Fidel Castro áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên Cuba và quốc hữu hoá mọi sự, trong đó có các hãng xưởng của Hoa Kỳ. Xung khắc với Hoa Kỳ khiến cho Cuba theo Liên Xô và cho phép Liên Xô đặt các giàn hoả tiễn của Nga trên đất Cuba. Sự kiện này dẫn đến cuộc khủng hoảng giữa hai cường quốc, nhưng sự cứng rắn của Tổng thổng John Kennedy đã khiến cho Chủ tịch Nikita Krusciov phải nhượng bộ rút các hoả tiễn về nước.
Trong thập niên 1970-1980, binh sĩ Cuba tham dự nhiều chiến trường bên Phi châu như tại Angola và Etiopia. Biến cố Liên Xô sụp đổ trong các năm đầu của thập niên 1990 khiến cho Cuba rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và vẫn còn kéo dài cho tới nay. Vì lý do sức khoẻ, năm 2006, Chủ tịch Fidel Castro đã từ chức và nhường quyền cho em là Raul Castro.
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn bài phỏng vấn ông Eduardo Delgado, Đại sứ Cuba cạnh Toà Thánh, về chuyến viếng thăm của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II và chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
Hỏi: Thưa ông đại sứ, ông đại sứ có kỷ niệm nào về chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II cách đây 14 năm?
Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã là một biến cố gây âm hưởng rất lớn đối với nhân dân Cuba. Nó đã là chuyến viếng thăm không thể quên được, và nó vẫn còn có các vang vọng cho tới nay, chẳng hạn như việc tái lập Lễ Giáng Sinh như là quốc lễ, và việc rộng mở đối thoại thường xuyên với Giáo hội Công giáo liên quan tới nhiều vấn đề mục vụ, và tất cả đều phục vụ sự tiến triển của các tương quan đã có sẵn. Người dân Cuba chúng tôi rất yêu kính Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chúng tôi đánh giá rất cao và không chỉ nhớ tới chuyến viếng thăm của ngài, mà cả các giáo huấn và triều đại giáo hoàng lâu dài của ngài nữa.
Hỏi: Theo đại sứ, có sự tiếp nối giữa những gì đại sứ vừa mới nhắc tới trên đây với chuyến viếng thăm sắp tới này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong các ngày 25 đến 28-3 tới đây hay không? Nhân dân Cuba chờ đợi những gì từ chuyến viếng thăm sắp tới này của Đức Giáo Hoàng?
Đáp: Tôi nghĩ là có, ngoài ra, trong các năm qua đã có các thay đổi trong tương quan giữa hai bên. Còn hơn thế nữa, trong nhiều khía cạnh, các tương quan này đã được đào sâu thêm, và đó là điều có lý thôi. Còn chúng tôi khát vọng những gì? Trước hết, chúng tôi mạnh mẽ ước mong rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng tích cực và tốt đẹp như chuyến viếng thăm của vị tiền nhiệm của ngài. Và chúng tôi cũng cầu mong nó để lại trong con tim của Đức Thánh Cha một kỷ niệm biết ơn như đã xảy ra với Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Hỏi: Người ta đã nói nhiều về việc chính quyền Cuba ân xá cho gần 3.000 tù nhân. Người ta cũng nói rằng đó là một cử chỉ thiện chí đối với chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Làm thế nào để đào sâu đề tài quan trọng này, thưa ông đại sứ?
Đáp: Trước hết, phải nói rằng việc ân xá này có 2 chiều kích. Một đàng, nó là một cử chỉ cao cả, đồng thời cũng là một cử chỉ nhân đạo. Đàng khác, cần phải nhắc lại rằng tại Cuba ân xá là một thực hành bình thường, trung bình mỗi năm một lần. Trong qúa khứ đã có các vụ ân xá cho số tù nhận đông hơn lần vừa qua. Chúng ta không đứng trước một điều gì ngoại thường. Điểm thứ ba, các vụ ân xá và đặc biệt vụ ân xá vừa qua, là một câu trả lời cho các tình trạng nhân đạo đáng kể, chẳng hạn như các tù nhân già yếu hay đau nặng, các người tù trẻ tuổi đã cải thiện thái độ sống xã hội của họ bằng cách làm việc hay học hành, các người tù đã chứng minh cho thấy có cung cách sống tốt, hay đã trải qua phần lớn thời gian bị tù của họ… Ngoài ra, đây cũng là việc đáp trả lại các lời yêu cầu của thân nhân người tù và của các Giáo Hội, của Giáo hội Công giáo cũng như của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô. Thế rồi, chúng tôi đang đứng trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, vì thế, ân xá cũng là một cử chỉ bày tỏ thiện chí có tính cách nhân đạo. Như vậy, đây không phải là một cử chỉ chính trị.
Hỏi: Với việc loan báo chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Cuba trong vài tuần nữa, cùng với Hoa Kỳ, Mexico và Colombia, Cuba được kể vào trong số ít các nước Mỹ châu được hai vị Giáo hoàng viếng thăm. Quý vị đã tiếp nhận tin này với các tâm tình nào?
Đáp: Tôi tin là có thể tóm gọn các tâm tình của nhân dân Cuba, của chính quyền, cũng như của các cá nhân, khi nói rằng trước hết đây là môt vinh dự rất lớn được hai vị Giáo hoàng viếng thăm: Đức Gioan Phaolô II và giờ đây là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Tôi cũng xin nói thêm rằng Đức Thánh Cha sẽ được tiếp đón với rất nhiều kính trọng và tình yêu thương, và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, nhằm để lại một kỷ niệm không thể quên như đã xảy ra với Đức Gioan Phaolô II.
Hỏi: Làm sao có thể kể lại sự xúc động của nhân dân Cuba, đặc biệt của những người đơn sơ, các công nhân, sinh viên học sinh, phụ nữ, người già và giới trẻ, thưa ông đại sứ?
Đáp: Trong mọi hoàn cảnh, theo thiển ý tôi, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha luôn luôn được tiếp đón với thiện cảm lớn và với nhiều chờ mong, với các biểu lộ lòng quý mến và kính trọng. Chuyến viếng thăm này trùng hợp với cuộc hành hương quốc gia tới Đền thánh Đức Bà Mỏ Đồng: tượng Đức Mẹ đã được rước qua khắp nơi trên đảo từ tháng 8-2010. Đây là một cuộc hành hương không chỉ tới với các nơi địa lý chuyên biệt như các thành phố lớn nhỏ, mà cũng đi ngang qua nhiều môi trường xã hội nữa. Thật thế, ngoài các nhà thờ, tượng Đức Bà đã được rước tới các trường học, các trung tâm văn hoá, các trung tâm nghệ thuật và các nhà tù. Cuộc hành hương này đã tạo ra một bầu khí đặc biệt, được diễn tả ra bằng sự gia tăng các chờ đợi liên quan tới sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Tôi không nghi ngờ rằng các thánh lễ mà Đức Thánh Cha chủ sự sẽ có sự tham dự đông đảo của người dân Cuba. Ai cũng biết dân Cuba là một dân tộc hiếu khách và liên đới.
Hỏi: Theo Hiến pháp Nhà nước Cuba là nhà nước đời, và từ nhiều năm nay, từ hơn 70 năm nay, đã có các liên lạc ngoại giao với Toà Thánh. Trong nhãn quan này, đại sứ đọc hiểu chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha như thế nào?
Đáp: Đó là một sự kiện chắc chắn, như quý vị đã ghi nhận: Chính quyền Cuba của chúng tôi là một chính quyền đời. Tất cả mọi Giáo Hội hiện diện tại Cuba có thể hoạt động bên trong một khung cảnh luật lệ chính xác. Tuy nhiên, tôi tin nơi sự kiện giáo lý Kitô là phần nòng cốt trong nền văn hoá của nhân dân Cuba, và kiểu suy tư của nó thật sự là điều quan trọng.
Hỏi: Từ những gì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về Cuba trong nhiều dịp khác nhau, người ta có cảm tưởng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hiểu biết một cách rõ ràng đất nước Cuba, các vấn đề của nó, cũng như các khó khăn, thách đố và các ưu tiên của nó. Có đúng thế không, thưa ông đại sứ?
Đáp: Vâng, đúng thế. Đức Thánh Cha biết rất rõ đất nước Cuba, và tại Vatican, các giới chức cao nhất cũng hiểu biết thực tại của chúng tôi. Trong các nhiệm vụ ngoại giao của chúng tôi, chúng tôi trực giác được từ phía Toà Thánh lòng quý mến và sự tôn trọng. Chúng tôi cũng thường nhận được từ nhiều phía khác nhau các bày tỏ quý mến ấy đối với đất nước chúng tôi và sự hiểu biết Cuba là gì.
Hỏi: Xin phép hỏi ông đại sứ một câu hỏi hơi lạ: Đất nước Cuba chờ đợi gì từ chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đất nước Cuba uớc mong gì và tại sao? Chúng ta không thể quên rằng Đức Thánh Cha đi hành hương để gần gũi các Giáo Hội và dân chúng địa phương…
Đáp: Trước hết, phải nói rằng các tương quan giữa Toà Thánh với Cuba là các tương quan tốt đẹp. Các liên lạc giữa chúng tôi đã kéo dài 76 năm. Trên bình diện quốc tế, Toà Thánh đã luôn luôn nói lên sự chống đối của mình với cuộc cấm vận Cuba từ nhiều năm nay, và nó là sự hạn chế nặng nề nhất mà nhân dân Cuba phải chịu trong viêc xây dựng tương lai của mình.
Từ phía Toà Thánh, trong nhiều trường hợp, chẳng hạn trong các tai ương thiên nhiên khác nhau, Toà Thánh đã bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới tinh thần và vật chất đối với nhân dân Cuba. Theo thiển ý tôi, nhân dân Cuba trước hết chờ đợi trông thấy Đức Thánh Cha, đây là điều quan trọng lắm rồi, nhân dân Cuba ước muốn được gần gũi ngài, lắng nghe ngài nói và tiếp nhận sứ điệp của ngài. Lời nói của Đức Thánh Cha có ảnh hưởng tích cực trên con người và trên sự phát triển xã hội, và nó cũng sẽ như thế trong chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha.
(RG 23-1-2012)
Linh Tiến Khải
R.Vatican