“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm”
Nhà thơ khỏe
Nói tới Xuân Ly Băng là nói tới “thơ”, nhưng trước khi nói tới thơ thiết tưởng cũng nên nói tới “thở”. Thở để có sức khoẻ.
Tôi nhớ thời còn học chung tại Vĩnh Long, giữa thập niên 50, Xuân Ly Băng, với thân hình mạnh khỏe, rất nhiệt tình với thể thao, đặc biệt là môn bóng đá, với vai trò chuyên môn là hậu vệ. Mỗi lần bóng tới là cứ đá một cú thật mạnh thẳng về phía đối phương, chứ không cần chuyền ngắn chuyền dài cho ai cả, vì thế đội nhà thường …ít khi thắng. Mà thời đó tôi cứ cho như vậy là đá giỏi. Nhưng bây giờ thì tôi mới được hiểu thêm: thi sĩ đá bóng cho khỏe người chứ đâu có cần thắng. Phải chăng nếu người “quân tử thực vô cầu bão” thì nhà thơ cũng “chơi bất cần thắng”? Suy ra cho cùng thì chơi cho khỏe là rất đúng, vì nếu không khỏe thì làm sao có thể đủ sức mà viết trên ngàn bài thơ?
Nhà thơ suy niệm
Đọc thơ Xuân Ly Băng tôi thấy có cái nét tự nhiên, dễ dàng, không phải gọt dũa, nhưng không vì thế mà trở thành dễ dãi hay tùy tiện. Hãy nghe tác giả viết:
Khi tôi hết cầu nguyện
Là Chúa đóng cửa trời
Hết những trận mưa rơi
Hết những màn sương sáng …
Khi con hết cầu nguyện
Ma quỷ vỗ tay reo
Thiên thần Chúa buồn thiu.
Tôi chợt nhớ tới câu thơ nổi tiếng của Boileau, một thi sĩ Pháp viết trong tập L’art poétique:
Ce que l’on conçoit bien s’énonce clairement,
Et les mots pour le dire arrivent aisément.
Tạm dịch:
Điều gì ngẫm nghĩ kỹ càng
Lời nói dễ dàng, văn viết tự nhiên.
Điều này muốn nói lên rằng văn thơ là hoa trái của một tâm hồn thường xuyên suy nghĩ đi tìm cái thâm sâu trong sự vật, sự kiện, thường xuyên suy niệm về sứ mạng cao siêu của con người. Xuân Ly Băng đã làm công việc đó để có thể đọc được những lời mời gọi của Thiên Chúa, là những lời luôn có sức nâng con người lên cao hơn, lên cao mãi cho tới cõi siêu việt, để rồi diễn đạt qua những lời thơ gửi tới mọi người như một quà tặng rất thân thương.
Thiết tưởng lời thánh vịnh 44 sau đây rất thích hợp với tâm trạng của thi sĩ:
Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu
Dệt bài thơ cung tiến Đức Vua
Lưỡi tôi tựa bút rung vạn điệu
Trong tay những thi nhân ân tài.
(Điệp khúc bài thánh ca “Tim dâng ý thơ” của Kim Long)
Nhà thơ ca tụng cái đẹp và sự thật
Cũng như tất cả các môn nghệ thuật khác, thi ca tìm ca tụng cái đẹp và sự thật là những điều vốn đem lại niềm vui nơi sâu thẳm của lòng người. Cái đẹp và sự thật không áp đặt, nhưng tự thân có sức cuốn hút mọi người. Nếu bạn yêu cái đẹp, yêu sự thật thì bạn trở thành bạn hữu của nghệ sĩ, và từ đó có được chiếc cầu nối liên kết với mọi người.
Trong bài tựa “Kinh sầu trên quê hương” (1975) nhà thơ Bàng Bá Lân có giới thiệu Xuân Ly Băng là con người có: “tâm tình cởi mở, tình ý chân thành, Người khiến ta dễ thân dễ mến. Thơ Xuân Ly Băng cũng vậy: bình dị, tự nhiên, không có vẻ trang nghiêm khắc khổ của nhà tu hành, dù là thơ đạo. Đọc “Kinh sầu trên quê hương” ta đã gặp một người. Một người với tất cả ý nghĩa trung thực nhất của chữ đó”.[1]
Nhà thơ Lê Ngọc Trác cũng nói điều tương tự: “Thơ Xuân Ly Băng rất gần gũi với cuộc đời chúng ta, tỏa ngát một tình thương cao cả, tinh thần và đầy lòng trung hậu”.[2]
Âm thanh của dòng thơ: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
Cũng như với vẻ đẹp nói chung như ở trên, đọc giả còn có thể cùng rung cảm với Xuân Ly Băng trên một bình diện khác: đó là bình diện tâm linh. Thực ra không phải tác giả đã đem đến cho người đọc một điều gì mới, nhưng là đã có cái tài khéo “đánh thức dậy”, “giúp tìm thấy” điều đã có sẵn trong lòng con người, đó là: niềm tin vào linh hồn bất tử, vào thế giới vô hình, niềm tin và sự ngưỡng vọng về Thiên Chúa.
Trong bài SƠ LUẬN VỀ NHỮNG NHÀ THƠ TRÊN BỐN MƯƠI (ở Bình Tuy trước năm 1975) in trên tờ ĐẤT MỚI năm 1973, ông Trần Văn Sơn và ông Phan Chính có viết: “Thi sĩ Xuân Ly Băng với một nhịp tim đánh thức dậy trong lòng người niềm tin và sự ngưỡng vọng về Thiên Chúa”.[3]
Trong Lời Tựa cho tập thơ NỖI NIỀM của Xuân Ly Băng (1961), thi sĩ Đinh Hùng đã xác nhận: “Nhà thi sĩ-tín đồ đã đem lại cho tôi Niềm Tin. Và Niềm Tin cần thiết nhất cho chúng ta hiện thời chính là phải như Xuân Ly Băng, tin rằng Linh Hồn bất diệt, ngoài thế giới hữu hình còn có một thế giới vô hình tốt, đẹp hơn”.[4]
Nhà thơ Lê Ngọc Trác cũng đồng cảm điều đó: “Nhà thơ (tức XLB) như là sứ giả giúp chúng ta tìm thấy niềm tin”. [5]
Quà tặng quý giá
Hôm nay nhà thơ Xuân Ly Băng muốn trao cho mọi người và đặc biệt là cho THI ĐÀN VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM một quà tặng quý giá, đó là chính CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM của mình. Một nhà thơ 84 tuổi, nghe con số và nhìn cuộc đời, ai cũng thấy đây là một người cao tuổi, nhưng đọc tác phẩm thì lại thấy đây là một người trẻ, trẻ mãi thôi. Vẻ đẹp của thi ca làm được điều kỳ diệu đó, điều kỳ diệu cho tác giả và cho các độc giả, những người yêu cái đẹp, yêu sự thật và luôn trên đường đi tìm niềm tin.
Nha Trang ngày 12 – 02 – 2012
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Hòa