Việt Nam đàn áp Internet và quyền tự do phát biểu
Giới trẻ Việt Nam kéo nhau đông đảo vào các quán cà phê Internet, và đua nhau mua các máy điện thoại thông minh mới nhất. Hơn 111 triệu điện thoại cầm tay đã được đăng ký tại một đất nước có dân số chỉ tới 86 triệu người. Số lượng đông đảo người truy cập thông tin trên Internet đã khiến cho con số những người theo dõi các tờ báo và chương trình phát thanh bị nhà nước kiểm soát sút giảm, và điều đó khiến Hà Nội lo lắng.
Điếu Cày biết rõ những rủi ro và phần thưởng khi viết blog ở Việt Nam. Về mặt rủi ro, ông đã bị ra tù vào khám nhiều lần trong 5 năm qua, và nay lại bị bắt giữ một lần nữa. Còn về phần thưởng? Ông vẫn là nhân vật nổi tiếng nhất trên mạng ở trong nước. Điều Cày là bút hiệu của ông Nguyễn Văn Hải, người bắt đầu viết blog vào năm 2007, đúng vào lúc Internet bắt đầu phổ biến nhanh khắp nước.
Bất bình về các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng và quần đảo Trường Sa, ông bắt đầu dùng blog của mình – trang blog này không còn xem được nữa – để tổ chức phản đối cuộc rước đuốc Olympic đến Bắc Kinh. Blogger Điều Cày bắt đầu một cách âm thầm, nhưng chẳng bao lâu đã được nhiều người chú ý. Những người dân Việt Nam khác bất đồng về các chính sách của Trung Quốc, cũng bắt đầu phản đối cuộc rước đuốc. Còn những người khác thì bắt đầu lên tiếng trên mạng, có hứng để bắt đầu về sự kiện phân biệt đối xử tôn giáo ở Việt Nam, các vấn đề sở hữu ruộng đất, hay vấn đề tham nhũng tràn lan.
Chỉ trong vài tháng, những người bạn blog khác như Anh Ba SG tên thật là Phan Thanh Hải, và cựu đảng viên Cộng sản Tạ Phong Tần đã cùng với Điếu Cày lập Câu lạc bộ Ký giả Tự do. Số người xem blog hằng tuần của họ tăng vọt.
Đó chính là lúc chính quyền có biện pháp. Cuối tháng 4-2009, Điếu Cày bị bắt về tội gian lận thuế, một tội mà nhiều người cho là bịa đặt. Hai blogger kia cũng bị bắt về những tội khác nhau. Điếu Cày sau đó đã được tha và lại bắt đầu viết blog, và liên tục bị công an sách nhiễu. Tháng 10-2010, ông lại bị công an bắt giữ, và sau đó không ai biết tung tích ông ở đâu.
Về mặt công khai, thì ông bị quy tội vi phạm điều số 88 là Tuyên truyền chống phá nhà nước. Về mặt không công khai, nhiều người gọi đó một cách đơn giản là “số phận của người viết blog ở Việt Nam”.
“Vi phạm các quyền Tự do Dân chủ”
Điếu Cày không phải là người duy nhất đã gặp rắc rối với chính quyền Việt Nam. Chỉ trong vài tháng qua, có tới 9 nhà báo và 33 blogger bị bỏ tù trong chiến dịch đàn áp quy mô nhất từ trước tới nay, để trấn áp quyền tự do phát biểu trên mạng.
Dân biểu Frank Wolf, đại diện cho bang Virginia, nói: “Thật là tệ hại, vô cùng tệ hại! Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thất bại, đại sứ quán Mỹ không còn là một ốc đảo tự do nữa”.
Dân biểu Wolf lên án điều mà ông cho là thái độ thiếu quả quyết của chính phủ Tổng Thống Obama trong việc bênh vực nhân quyền và các quyền tự do. Theo dân biểu Wolf, chính phủ Obama không mạnh mẽ lên tiếng bênh vực nhân quyền và các quyền tự do nên “một số quốc gia tin rằng chính phủ của ông không mấy quan tâm về các vấn đề đó, và cảm thấy họ có thể muốn làm gì thì làm”.
Một số người tin rằng có một lý do khác đã khiến chính phủ Việt Nam tăng cường chiến dịch đàn áp. Theo họ, động lực thúc đẩy Việt Nam tăng đàn áp không phải là vì có cơ hội làm việc đó, mà vì sợ hãi.
Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Human Rights Watch nhận định: “Hà Nội cảm thấy bị đe doạ vì các công dân Việt Nam gia tăng sử dụng mạng Internet. Vì càng có nhiều thông tin tiếng Việt trên Internet hơn, thì khả năng kiểm soát những gì người dân đọc và thấy, rõ ràng sẽ giảm sút”.
Bất kể lý do là gì, không ai nghi ngờ rằng con số người Việt Nam sử dụng Internet đang bùng nổ. Hồi năm 2000, chưa tới 1% dân số truy cập được Internet. 10 năm sau, con số ấy đã tăng vọt lên tới 27%, và có phần chắc sẽ tăng cao hơn nữa ngay tại thời điểm này.
Giới trẻ Việt Nam kéo nhau đông đảo vào các quán cà phê Internet, và đua nhau mua các máy điện thoại thông minh mới nhất. Hơn 111 triệu điện thoại cầm tay đã được đăng ký tại một đất nước có dân số chỉ tới 86 triệu người. Số lượng đông đảo người truy cập thông tin trên Internet đã khiến cho con số những người theo dõi các tờ báo và chương trình phát thanh bị nhà nước kiểm soát sút giảm, và điều đó khiến Hà Nội lo lắng.
Ông Robertson nói những gì xảy ra trong thế giới Ảrập đã gây rất nhiều quan tâm cho chính quyền Việt Nam. Họ lo ngại rằng nếu không chấn chỉnh lại vấn đề, tìm cách kiểm soát những gì được loan tải, và không kiểm soát một số blogger nổi bật, cũng như những người chia sẻ thông tin, thì tình hình theo cách nào đó có thể vuột ra khỏi tầm kiểm soát.
Đó là nguyên do sâu xa đưa đến chiến dịch đàn áp ngày càng mạnh của nhà nước Việt Nam nhắm vào một số nhân vật nổi bật đã phổ biến các ý kiến của họ mà chúng ta đã được chứng kiến, và chiến dịch sách nhiễu các nhà hoạt động tích cực.
Nhà nước Việt Nam không những chỉ ngăn chận các trang blog và trang web của họ, mà còn có những hành động sách nhiễu khác như cho cảnh sát đi ngang nhà, mời họ ra quán cà phê để gọi là “nói chuyện”, xông vào nhà họ rồi tịch thu các máy tính, cắt đường dây nối kết mạng của họ, bằng cách chấm dứt dịch vụ điện thoại của họ.
Nhưng dù là hành động vì lo sợ hay không, giới thẩm quyền Việt Nam rõ ràng đã giáng một đòn mạnh xuống các bloggers và các nhà hoạt động mạng nổi tiếng nhất. Ngoài những người bị bắt giữ, vô số những người khác bị theo dõi, buộc phải ngưng truy cập các trang mạng, hoặc bị tịch thu máy tính.
Nhà nước Việt Nam đã dùng một loạt luật lệ để cáo buộc các blogger vi phạm các luật này. Đạo luật phổ biến nhất là Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhưng ngoài điều 88 còn nhiều điều khoản khác, kể cả Điều 79 Bộ luật Hình sự, ghép tội âm mưu lật đổ chính quyền, hoặc điều khoản 258, mà trớ trêu thay lại mang tên là “Lạm dụng các quyền tự do dân chủ để xâm hại quyền lợi quốc gia”.
Bất kể là bị tố cáo về tội gì, hình phạt rất nặng: đó là bản án tù giam từ 5 năm tới 8 năm.
“Chơi một trò chơi vừa dễ vừa khó”
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 32 tuổi, là một bà mẹ ở thành phố biển miền trung là Nha Trang. Bà lo ngại về một dự án khai mỏ bauxit ở gần đó, và đối tác Trung Quốc trong dự án này là Chinalco. Do đó, vào năm 2009, bà đã bắt đầu viết blog về dự án này, chia sẻ tin tức và những lời đồn đại mà bà nghe được, sự chống đối dự án và những gì mà những người khác nói về các dự án tương tự.
Bà Quỳnh biết rõ các mối nguy hiểm của việc viết blog ở Việt Nam, vì thế đã lấy bút hiệu là Mẹ Nấm. Mọi người đã ký tên vào một thư khiếu nại trên mạng và bà đã in những dòng chữ phản đối trên áo thun; cho đến đêm 2-9-2009, khi 15 công an viên tông cửa vào nhà và bắt bà đi.
Trong một email bà Quỳnh nói với đài VOA rằng lý do bà bị tù là ‘Lạm dụng quyền dân chủ, xâm hại quyền lợi quốc gia”. Sau 10 ngày bị giam giữ và không bị truy tố, bà Quỳnh được thả nhưng bị cảnh cáo chớ nên tiếp tục viết blog. Bất chấp lời cảnh cáo, bà vẫn tiếp tục viết – đăng đàn những bất bình với chính phủ và các chính sách ruộng đất của nhà nước. Kể từ lúc đó, bà đã bị công an đóng chốt bên ngoài nhà, chủ nhà và sở làm của bà đã bị làm áp lực lấy lại nhà và cho bà nghỉ việc, bạn bè của bà bị sách nhiễu và bà lại bị tù thêm một thời gian.
Mẹ Nấm nói bà cũng nhận thấy một sự gia tăng mức độ sách nhiễu nhắm vào bà và các bạn blog. Bà viết: “Ngoài Điếu Cày và Anh Ba SG, nhiều blogger Công giáo vẫn còn bị ở tù”. Theo bà, họ đang cảnh cáo những người khác phải cẩn thận khi dùng blog để nói lên ý kiến về chính sách của Đảng Cộng sản. Là một blogger người Việt Nam, dường như đó là một trò chơi vừa khó vừa dễ. Nếu chỉ viết về đời sống bình thường hằng ngày thì không sao. Tuy nhiên, bạn có thể bị bắt bất cứ lúc nào nếu đụng vào các lĩnh vực nhạy cảm.
Bà nói bà vẫn tiếp tục viết bởi vì ít nhất nó đem lại cảm giác mình được tự do trong tâm tưởng. Và điều quan trọng nhất là mình sẽ cảm thấy không phải là con người nếu không được quyền tự do phát biểu ý kiến. Bà Quỳnh hiện đang được tự do, nhưng thừa nhận rằng vào lúc cuộc trấn át đang diễn ra, bà có thể là người kế tiếp sẽ bị bỏ tù. Được hỏi tại sao Mẹ Nấm tiếp tục viết, bà chỉ nói là “nếu mình không nói thì ai sẽ nói?”
Chiến đấu mà phần thua là chắc?
Ông Phil Robertson thuộc tổ chức Human Rights Watch nói rõ ràng là những người hoạt động thừa nhận rằng họ đang ở thế cùng và có thể bị các án tù dài hạn nếu họ cố gắng quá sức. Nhưng ông cho biết khi nói chuyện với họ, họ khẳng định rõ rằng họ không làm điều gì sai quấy, và nói đó là quyền của họ.
Thực vậy, họ có lý. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Dân quyền và Quyền Chính trị, trong đó điều 19 bảo đảm quyền được tự do phát biểu. Vì thế mà khi nói rằng tôi không làm điều gì sái quấy, họ không lùi bước và chính phủ buộc phải tiếp tục tấn công các nhà hoạt động, theo đuổi và sách nhiễu họ, và cuối cùng tiếp tục bỏ tù họ.
Khi mới lên nhậm chức, Ngoại trưởng Hillary Clinton của Hoa Kỳ gọi quyền tự do phát biểu trên mạng là một quyền cơ bản của con người, và cam kết chính quyền của Tổng thống Obama sẽ làm mọi thứ để bãi bỏ “bức màn sắt kỹ thuật số” đang bao trùm lên nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Nhưng giới chỉ trích nói kể từ khi đó, đã không có mấy biện pháp được tiến hành để hỗ trợ, trong khi tình hình ở các nước như Việt Nam chỉ ngày càng tệ hại hơn.
Dân biểu Frank Wolf than phiền rằng thời trước mọi người đều theo cùng một con đường và đó là cách ủng hộ nhân quyền và quyền tự do trên khắp thế giới cho dù ở đâu. Nhưng bây giờ tình hình ngược hẳn lại.
Với tất cả những vấn đề về chính sách đối ngoại đang có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm nay, quyền tự do phát biểu trên mạng và việc ngược đãi các blogger Việt Nam có phần chắc không được xếp hạng cao. Nhưng nói thế không có nghĩa là không có hy vọng.
Giáo sư Trường Đại học Columbia Anne Nelson vừa đi Việt Nam đã ghi nhận các cảm tưởng như sau: “Chúng ta không thể đánh giá thấp sự đau khổ, chưa kể sự khó chịu mà các vụ trấn át do công an mạng ở Việt Nam gây ra. Nhưng đồng thời, dường như họ cũng đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà phần thua là chắc. Cử toạ truyền thông Việt Nam đang chuyển lên mạng một cách nhanh chóng, một phần vì họ liên tục học hỏi được các kỹ thuật mới để qua mặt nhà cầm quyền, và một phần bởi vì các cơ quan tin tức theo truyền thống của Đảng Cộng sản đã không nắm giữ được độc giả và cơ sở quảng cáo”.
Cũng như tại nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách làm cả hai thứ: mở rộng truy cập mạng và trang bị tương lai cho đất nước trong khi lại hạn chế những gì mà công dân mình có thể làm và nói trên mạng. Đó là một sự quân bình khó đạt được, và một kỹ thuật liên tục thay đổi
Trong khi chờ đợi, thì ở đâu đó tại Việt Nam, blogger Điếu Cày đang ngồi trong một phòng giam, chờ đợi số phận của mình.
Doug Bernard
Nguồn
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/crackdown-while-vietnamese-2-24-12-140310503.html