Cảm nhận và chia sẻ Nghệ thuật sống 

Nồi cơm điện cho nội

NỒI CƠM ĐIỆN CHO NỘI

Ba má tôi đi làm cả ngày. Trừ lúc đi học, tôi quanh quẩn ở nhà chơi với bà nội. Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, cơm canh ngon lành nhờ tay Nội hết. Dù là con trai, nhưng khi Nội làm đồ ăn, tôi cũng cắm điện nấu nồi cơm. Chỉ có chút xíu vậy mà gặp ai Nội cũng khoe, làm tôi cứ trốn biệt.

Mỗi lần nấu cơm, tôi xúc gạo đúng hai lon. Nội bảo nấu như thế là vừa đủ. Tuy nhiên dạo gần đây, tôi thấy cơm nguội luôn còn thừa lại một hai chén. Tôi thì sức ăn vẫn vậy. Ba má cũng bấy nhiêu lượt xới. Vậy là chỉ có Nội thôi. Lén quan sát, tôi nhận ra Nội ăn chậm và ít đi hẳn. Vào bàn, Nội tự xới lưng chén, chan vô chút nước canh, lùa trệu trạo. Những món thịt chiên, cá nướng rất ngon lành, Nội cũng không đụng đũa. Nội gầy đi hẳn. Mặc dù ba má ân cần tới đâu, Nội cũng gạt phắt đi: “Già cả rồi, ăn nhiều mệt lắm!”.

Biết tính Nội thế, nên tôi chỉ im lặng quan sát. Dần dần tôi phát hiện ra hàm răng Nội từ lúc nào đó đã rất yếu. Có lẽ vì thế Nội không còn ăn ngon miệng như trước. Khi nghe tôi méc lại, má tôi đòi chở Nội lên bệnh viện trồng răng, nhưng Nội nhất định không chịu, kêu tốn tiền, lại vướng víu.

Trước khi Nội đi chợ, bà thường hỏi tôi thích ăn món gì. Tôi hay nói: “Nội mua gì cũng được, Nội nấu gì cũng ngon”. Thế nhưng bây giờ, tôi nghĩ kỹ lại. Tôi đặt hàng Nội nấu những món dễ ăn như canh hầm, thịt bằm, trứng chiên hay cá lạt… Nội ăn ngon miệng thấy rõ. Tuy vậy, chừng một tháng, thấy ba má tôi không hào hứng với những món ăn đơn điệu, Nội quay về với thực đơn cũ. Một bữa tôi đánh bạo nói với Nội: “Nội mua thêm đồ ăn nữa đi. Món gì mà Nội ăn được nhiều nhiều đó!”. Nội nhìn tôi hồi lâu, rồi nói: “Ăn uống với Nội không quan trọng đâu Tèo. Con với ba má con ngon miệng là Nội vui rồi!”.

Trong nhà tôi ai cũng khoái ăn cơm nấu khô. Nhưng tôi nghĩ, cơm nấu nhão một chút, chắc Nội dễ ăn hơn. Một chiều, lúc vo gạo, tôi cho thêm nửa chén nước. Tối về ba má ăn cơm nhão, than khó ăn. Mấy ngày liền tôi nghĩ cách làm sao một bữa có cả hai loại cơm. Cơm khô cho ba má, cơm mềm cho Nội. Nấu hai lượt thì không được rồi. Nội thấy mất công thế nào cũng cản. Đang bó tay thì Chúa Nhật nọ, ba má dẫn tôi ra tiệm hủ tíu ăn sáng. Nồi nước lèo chia làm hai phần đều nhau. Một bên đựng nước trụng. Một bên chứa nước dùng. Hình ảnh cái nồi hai ngăn sáng lòe lên trong đầu tôi, như tia chớp.

Tôi lén ôm cái nồi cơm điện ra tiệm hàn nhôm, nhờ họ hàn cho một vách ngăn, chia phía trong nồi ra làm hai. Khi nghe tôi giải thích, mấy anh thợ ồ lên, khen hay. Bữa cơm tối hôm đó, lúc tôi bới ra một bên chén cơm khô, một bên chén cơm mềm; người lớn cứ nghĩ tôi nấu hai lượt. Đến lúc nhìn thấy cái nồi hai ngăn, ba má tôi ngạc nhiên. Còn Nội cũng lặng đi, chảy nước mắt.

Cái nồi cơm điện hai ngăn của nhà tôi tới giờ vẫn xài ngon lành. Không chỉ nấu được cơm nhão với cơm khô, nó còn nấu cả mì, cháo và nhiều thứ kết hợp khác. Nội tôi vẫn khỏe mạnh lắm, mặc dù lúc trở trời, Nội hay nhức mỏi. Ai tới nhà, Nội cũng đem cái nồi ra khoe làm tôi phải đi trốn, đợi khách về, tôi mới dám vô nhà. Nội ơi, nghĩ ra cái nồi có gì đâu ghê gớm; miễn là giúp được chút gì nhỏ nhoi cho Nội, thì con vui lắm rồi.

Chủng Viện Qui Nhơn,
Giacôbê Nguyễn Thanh Tuấn

Related posts