7 bí quyết của những bậc cha mẹ thành công
1. Thể hiện tình yêu thương vô điều kiện và khuyến khích động viên
Là cha mẹ, bạn phải là người đầu tiên nói cho trẻ biết rằng trẻ hữu ích như thế nào và giúp trẻ bước vào đời bằng sự tự tin. Bạn có thể làm cho trẻ cảm thấy được yêu thương thông qua việc mỗi ngày dành thời gian và sự quan tâm của bạn cho trẻ, có thể là đọc sách, chơi game, hoặc trò chuyện cùng nhau. Ví du, cố gắng dành một ít thời gian ở riêng cùng trẻ khi bạn đi làm về, trước khi làm bất cứ việc gì khác. Sau khi đón đứa con nhỏ từ nhà trẻ, một người mẹ mà tôi biết đã dùng thời gian đi bộ từ trường về nhà như cách để gắn kết hơn với đứa con. Nếu gặp bạn bè trên đường, cô ấy chỉ vẫy tay chào nhưng không ngừng lại trò chuyện; cô ấy nhận ra rằng việc làm ấy khiến con gái rất khó chịu.
Hãy cho con cái thấy bạn quý trọng chúng thông qua việc nhận biết những cảm xúc, và lắng nghe khi chúng nói. Rất dễ để cho tâm trí bạn xao lãng khi một đứa trẻ chập chững tập đi hoặc khi đứa con bập bẹ nói luyên thuyên, nhưng trẻ rất dễ nhận ra bạn đang xao lãng. Tập trung vào cuộc trò chuyện với con cái – thay vì chỉ thỉnh thoảng đáp lại “uh-huh” – cũng giúp tăng vốn từ vựng cho trẻ, đồng thời làm tăng lòng tự trọng nơi trẻ.
Cách thức bạn động viên khuyến khích con trẻ cũng rất quan trọng. Thông qua việc nhấn mạnh những nỗ lực của trẻ (“Dường như con đang rất thích thú hoàn thành bức tranh tặng cho bà”) thay vì chỉ để ý đến những kết quả trẻ đạt được, bạn thể hiện sự nâng đỡ và thúc đẩy sự tự nhìn nhận và chấp nhận bản thân nơi trẻ.
Và cuối cùng, cách đơn giản tốt nhất để động viên trẻ là thường xuyên nói cho trẻ biết bạn yêu thương chúng.
2. Cho trẻ thấy trẻ là ưu tiên số 1 của bạn
Tất cả chúng ta đều đối mặt với vô số những công việc dường như chiếm hết thời gian của chúng ta, và cuộc sống gia đình luôn bị đe doạ bởi những mối ưu tiên khác, cho dù chúng ta có đi làm việc bên ngoài hay không. Nhưng chúng ta phải học biết phân biệt những điều quan trọng, chẳng hạn như dành thời gian cho những đứa con nhỏ của bạn với những công việc cấp thiết khác, chẳng hạn như những việc lặt vặt cần làm ngay hoặc những công việc đến hạn hoàn thành. Để thật sự trở thành bậc cha mẹ dạy dỗ con cái hiệu quả, bạn phải liên tục sắp xếp lại thứ tự những điều ưu tiên.
Khi tôi có 4 đứa con trong giai đoạn thực tập sinh tại trường y, tôi cho cả 4 đứa bú bằng sữa mẹ. Nhưng tôi không xem việc ấy là mục tiêu lý tưởng của mình. Cho đến khi tôi mang thai đứa con thứ tư, tôi quyết định dứt khoát rằng việc cho con bú là ưu tiên hơn những thành công khác của tôi. Để làm điều này, tôi phải từ bỏ một số những cơ hội trong năm cuối của chương trình học.
Đặt con trẻ vào vị trí ưu tiên hàng đầu không có nghĩa là bạn phải hy sinh, hoặc là một người phụ nữ phi thường. Không ai bảo bạn không thể dành thời gian riêng cho bản thân. Nhưng điều ấy có nghĩa là đôi khi bạn phải lựa chọn. Một giám đốc bệnh viện mà tôi biết đã từ bỏ công việc để chấp nhận một vị trí ít nổi tiếng hơn, như thế, cô có thể dành thời gian nhiều hơn cho cô con gái của mình. Điều khiến cô phải thay đổi ngay từ khi giáo viên trường mẫu giáo của con gái cô nói cho cô biết: “Bất cứ lúc nào vẽ tranh về gia đình, bà đều không có trong tranh”.
3. Củng cố đội của bạn
Nhìn chung, những bà mẹ đóng vai trò như người đứng đầu trong việc chăm sóc nhà cửa – những nhu cầu tức thì về cảm xúc và thể lý. Ngược lại, những ông bố thường khuyến khích sự mạo hiểm và tự lập, xây dựng sự quyết đoán và tự xử lý bởi vì những ông bố thường thích để trẻ tự giải quyết vấn đề của chúng.
Mỗi một phản ứng ấy – cảm giác an toàn khi biết bạn có được một ngôi nhà để được nuôi dưỡng, chăm sóc và một không gian để tìm ra những gì mình cần – truyền tải một thông điệp quan trọng cho trẻ và cho trẻ khả năng đương đầu và xử lý với bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Nhờ chồng của tôi mà đứa con gái Tricie của tôi học bơi từ năm 4 tuổi trong những kỳ nghỉ của gia đình. Khi anh ấy động viên con nhảy xuống hồ bơi, tôi không ngừng nhắc nhở con cẩn thận.
Cách tốt nhất bắt đầu hoạt động như một đội chính là thoả thuận với đồng đội của bạn về những điều quan trọng – chẳng hạn như những nguyên tắc đặt ra và phải kỷ luật thế nào – và để cho mỗi người tự xoay sở những công việc thường ngày theo cách mỗi người cảm thấy phù hợp. Đặc biệt, những bà mẹ hãy thôi nghĩ rằng mình biết điều gì tốt nhất cho con cái. Nếu không, những ông bố luôn chỉ đóng vai trò giúp đỡ.
Thế những bậc cha mẹ đơn thân thì sao? Hãy làm mọi việc có thể để nuôi dưỡng mối quan hệ ý nghĩa với những người đồng trang lứa khác, người thân, hoặc những người đáng tin cậy như những giáo viên chẳng hạn. Và đôi lúc có thể khó khăn, nhưng sẽ rất quan trọng nếu những bậc cha mẹ đã ly thân có thể phối hợp với chồng/vợ cũ của mình để con trẻ không phải cảm thấy chúng phải lựa chọn giữa cha và mẹ. Nếu chồng/vợ cũ của bạn không hoặc không thể hỗ trợ về mặt tình cảm, hãy thẳng thắn và giúp con trẻ vượt qua nỗi đau.
4. Kỷ luật một cách kiên định
Cách thức tốt nhất giúp con bạn phân biệt giữa đúng và sai chính là đặt ra những giới hạn rõ ràng và thi hành chúng một cách kiên định. Nếu bạn cảm thấy như thể bạn đang vướng vào việc dùng quyền lực, hãy xem xét lại: Hãy cho con bạn thời gian ở một mình và nói với trẻ bạn sẽ nói chuyện với trẻ trong ít phút nữa – và đừng quyết định hình phạt cho đến khi bạn bình tĩnh hơn.
Khi trẻ vi phạm luật lệ đã đặt ra, hãy phản ứng lại theo cách không xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ: phớt lờ hành vi khóc nhè nhằm gây sự chú ý; cảnh cáo ngắn gọn hoặc la rầy hành vi vi phạm không đáng kể (chẳng hạn như nhảy lên ghế salon); tuỳ độ tuổi thích hợp mà đưa ra hình phạt ở một mình nhằm ngăn sự hung hăng hoặc những hành vi khiến người khác xa lánh (đánh nhau chẳng hạn); và sử dụng những hình phạt hợp lý, ví dụ như đem cất đồ chơi trong một ngày bất cứ khi nào những đứa trẻ đánh nhau vì giành món đồ chơi ấy.
Nhưng việc kỷ luật không chỉ là hình phạt, nó còn là việc tán dương những hành vi tích cực – ví dụ như nhớ nói “làm ơn” và “cám ơn” để dạy trẻ về những cách cư xử -và khen trẻ khi trẻ biết giúp đỡ người khác và làm việc có ích. Thông qua việc dành thêm thời gian ở cùng trẻ, bạn có thể giảm bớt việc khóc nhè hoặc những hành vi cư xử không tốt do muốn gây sự chú ý.
5. Dạy tính trách nhiệm
Một trong những món quà tốt nhất bạn cho thể tặng cho con cái của bạn chính là giúp chúng hiểu rằng chúng chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình cũng như những hậu quả của hành động của mình, và sau cùng chính là hạnh phúc của riêng chúng. Bước đầu tiên để xây dựng tính tự lực: cho trẻ những lựa chọn phù hợp với độ tuổi của chúng. Những trẻ ở độ tuổi đi chập chững có thể lựa chọn chúng muốn ăn sáng gì hoặc mặc áo gì (bạn có thể cho trẻ lựa chọn 1 trong 2). Một đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể giúp đỡ những công việc lặt vặt đơn giản – giúp bạn nhặt đồ chơi hoặc úp chén dĩa chẳng hạn. Giao việc không chỉ cho phép trẻ ở độ tuổi sắp đến trường góp sức vào công việc nhà, mà còn dạy trẻ tính trách nhiệm.
Bước kế tiếp, khuyến khích con bạn rèn luyện những kỹ năng mới: chạy xe đạp hoặc đọc truyện lớn tiếng. Nếu trẻ phạm lỗi, hãy để trẻ tự khắc phục thay vì vội vàng sửa chữa. Bạn giúp trẻ hiểu khái niệm về năng lực và học được việc cân nhắc những hậu quả trước khi hành động.
Khi trẻ đối mặt với những thất bại không thể tránh hỏi, hãy giúp trẻ cố gắng tìm ra giải pháp thay vì nhìn những trở ngại ấy như những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu đứa con ở độ tuổi chập chững đi của bạn nói với bạn chúng không có bạn bè, bạn có thể thông qua trò chơi đóng kịch, chỉ cho trẻ cách biết rũ những trẻ khác chơi cùng, hoặc mời ai đó đến chơi.
Cuối cùng, hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ, ngay cả khi những ý kiến của chúng khác với bạn. Hãy giúp trẻ không cảm thấy sợ khi bị phản đối, điều này giúp trẻ ít lệ thuộc vào người khác.
6. Dùng những công việc thường nhật để tạo nên tình thân thiết gắn bó
Giờ giấc và những thói quen trong gia đình giúp trẻ cảm thấy an toàn. Trẻ con cảm thấy được bảo đảm khi biết rằng tiếp theo buổi ra ngoài vào ban sáng – đi công viên hoặc thư viện – sẽ là buổi ăn tra, hoặc sau giờ đọc truyện sẽ là giờ ngủ trưa. Những đứa trẻ ở độ tuổi đến trường cũng trông đợi những sự kiện chia sẻ cùng nhau, như ăn tối cùng nhau hoặc dành thời gian với bố vào dịp cuối tuần. Những việc này tăng cường khái niệm kiểm soát của trẻ, và tăng cường sự tự tin của trẻ.
Những truyền thống trong gia đình cũng làm tăng tính gắn kết giữa các thế hệ, tạo nên rất nhiều ký ức “làm chỗ dựa” đặc biệt trong gia đình.
7. Dành thời gian để nạp lại năng lượng
Bạn biết câu ngạn ngữ: “Nếu mẹ không hạnh phúc thì không ai hạnh phúc”. Việc thiếu ngủ kéo dài, thiếu chăm sóc bản thân có thể khiến các bậc cha mẹ cạn kiệt sức lực, chán nản và cuối cùng là làm việc kém hiệu quả. Vì thế, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi – để làm mới lại cách nhìn, sự nhiệt tình, sự hài hước và năng lượng của bạn. Điều ấy có thể là buổi trưa đi thăm bạn bè họăc đi xem phim, hoặc có thể đơn giản là học hỏi những gì bạn cần, và chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác.
Tôi từng gặp một người phụ nữ mất mẹ, nhưng cô đã xem mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Cô giải thích rằng mẹ chồng đã giúp cô nuôi dạy con cái và giữ vững cuộc hôn nhân của cô. “Tôi không bao giờ có thể làm gì được nếu không có sự giúp đỡ của bà”, cô khẳng định. Còn bà mẹ chồng thì chỉ mỉm cười và khiêm tốn nói: “Mọi người đều cần đến ai đó để giúp mọi việc tiến triển ổn định vững vàng”.
An Nhiên dịch