Thơ Tin Cậy Mến của Hàn Mạc Tử
Nhân dịp lễ giỗ 100 năm Hàn Mặc Tử
THƠ TIN CẬY MẾN CỦA HÀN MẶC TỬ
Năm nay, nhóm Thư viện Giáo Xứ thắp 100 ngọn bạch lạp, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-2012). Cảo thơm lần giở trước đèn. Thay cho phong tình cổ lục là thơ văn Hàn Mặc Tử rải rác trong các tác phẩm, từ Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân Như ý đến Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người có công in Hàn Mặc Tử anh tôi trong tủ sách Tin Nhà, vừa bàn về Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi mạo muội đưa ra vài ghi nhận về vần thơ tin, cậy, mến của Hàn Mặc Tử.
Trong bài ‘‘Đức Tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử’’, giáo sư Đặng Tiến cho rằng: ‘‘Kiến trúc toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc âm (…) Người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội, những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ ước và Huyền diệu; để vươn tới một thế giới sáng láng, ngoài hư linh, thế giới của Phục sinh, của Khải huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ Gái quê đã sụp đổ trong Đau thương mà nhà thơ đã chịu đựng đề đợi sống lại trong mùa Xuân Như ý.’’[1]
Bài viết của chúng tôi gồm 5 phần:
1) Tổng quan về Hàn Mặc Tử;
2) Đức tin của nhà thơ;
3) Niềm trông cậy vào ơn phước cả;
4) Lòng mến Chúa yêu người trong thơ Hàn Mặc Tử;
5) Vần thơ nhập thể.
Trong mỗi phần tin, cậy, mến, chúng tôi đều dẫn chứng bằng một đoản văn và một bài thơ tiêu biểu, trích trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử do thi sĩ Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu[2], để tránh tình trạng tam sao thất bản (三抄七板).
I – TỔNG QUAN VỀ HÀN MẶC TỬ:
Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ, cũng gọi là Tam Tòa; khu vực công giáo ở Đồng Hới. Theo học giả Thái Văn Kiểm[3], cuộc đời thơ của Hàn Mặc Tử gồm bốn giai đoạn:
– Nhà thơ cổ điển: Bài Đường thi khởi nghiệp của Hàn sáng tác năm 15 tuổi, ký tên Minh Duệ Thị, tiêu biểu cho giai đoạn cổ điển:
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây[4]
Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
Chỉ một lòng son muốn giãi bày
Này nhạn, ta còn quên chút nữa
Con tim non nớt tặng nàng đây.
– Vào làng báo: Theo Thái Văn Kiểm, Hàn Mặc Tử ‘‘mướn một căn phòng trên tầng gác nhà số 107 rue d’Espagne – Saigon (năm 1955 đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn), sống với một số bạn bè vong mệnh[5] mà tất cả chi phí đều do Hàn đài thọ’’.
– Nhà thơ lãng mạn: Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ mới đầu tay mang tựa đề Gái quê, trong đó có bài thơ năm chữ Tình quê:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề
– Nhà thương phung Qui Hòa: Ngày 20-9-1940, xe hồng thập tự đưa Hàn đến nhà thương phong Qui Hòa, ở phía đông nam Qui Nhơn, do các nữ tu dòng Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie) trông nom. Hàn mang số 1134. Theo ông Nguyễn Văn Xê làm việc ở trại phung, lúc nhập viện, Hàn Mặc Tử ‘‘gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta nói với Hàn: ‘‘Mau đưa tay cho mẹ đỡ’’. Mẹ bước tới, xốc đỡ người bệnh một cách nhẹ nhàng. Đến giường số 3, mẹ nhìn hồ sơ và nói. ‘‘Trí, đây là chỗ của con’’. (…) Thấm thoắt Trí vào Qui Hòa được ba tuần lễ. Nhờ các nữ tu Phanxicô tận tình chăm sóc, bệnh tình Trí thuyên giảm rõ rệt. Đêm 10-11-1940, tôi trực với mẹ Juetta và sœur Julienne. Chúng tôi thăm Trí ba lần. Lần thứ ba khoảng 3 giờ, sœur Julienne cho biết từ giờ đến sáng thì Trí sẽ chết. Ngày 11-11-1940, Trí tắt thở. Tôi thu dọn ‘‘di sản’’ của Trí có cuốn sách 200 trang của Rousseau, di cảo La pureté de l’âme. Tôi suy nghĩ về sự khiêm nhường: Trí không nói một câu tiếng Pháp. Lúc nào tôi cũng là người thông ngôn’’.[6]
Trong ba tháng cuối đời, Hàn Mặc Tử trước tác một đoản văn bằng tiếng Pháp kèm theo bản dịch tiếng Việt, đề tặng các nữ tu Phanxicô. Sau đây là bản tiếng Việt, in trong tập Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử[7]:
‘‘Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, mang cho tôi xin một tràng hoa.
Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng, trong biển hồn kính mến thiêng liêng.
Nhiều phép lạ bởi trời đưa xuống, người thế gian nghẹn ngào vì cảm mộ khi quan chiêm công trình thần bí Đấng Tối Cao.
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, có thấy chăng hào quang tỏ dần, màu sắc trắng tuyết, hình thể đồng trinh, linh hồn hiển hiện giữa loài người ? Lòng vội ngỡ là hồn á thánh, thơ tinh túy nguyện cầu – dáng bốc lên thành hương thơm, thanh khí, mà xuống trần gian chịu kiếp làm người !
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy hoan hô mẹ và các chị dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật hủi phong.
Tôi muốn cao ngâm những lời ca ngợi đầm khát khao trong suối ngọt ngào khi các chị, các mẹ cất tiếng hát: Chúa cứu tôi, Chúa cứu tôi !
Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả là hình tượng của:
LINH HỒN THANH KHIẾT
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa súng, tiếng hát thanh tao, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trên đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người hầu Chúa.
Phanxicô TRÍ
Tạ ơn Chúa
đêm thứ tư 24 octobre 1940’’[8]
Đoản văn ký tên Phanxicô Trí là sự kết hợp giữa nét ‘‘hàn mặc’’ thánh nhân và ‘‘cơn lâm lụy’’ của phàm nhân thi sĩ.
Về bút hiệu Hàn Mặc Tử, tác giả Phạm Chí Thiện kể lại rằng ‘‘trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí, thi nhân tuần tự lấy những bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử:
‘‘Một hôm, thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa:
– Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước ?
Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành Lệ Thanh.
Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo:
– Bộ anh ngó dễ thương mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng yếu điệu thục nữ quá ! Âu là tôi gọi là cô Lệ Thanh cho thêm duyên.
Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh). Nhưng, Quách Tấn lại nói kháy nữa:
– Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp ‘‘rèm lạnh’’. Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế ?
Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ:
– Anh này thật đa sự Không biết đặt cái ‘‘đếch’’ gì cho vừa lòng anh ?
Quách Tấn cười và nói rất ý nhị, dí dỏm:
– Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng ?
Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm ‘‘vành trăng non’’ trên đầu chữ a thành hiệu Hàn Mặc Tử (翰墨子). Chỉ thêm một dấu (ă) mà ý nghĩa đã biến hẳn: chữ ‘‘Hàn’’(寒) trước kia có nghĩa là ‘‘lạnh’’, nhưng rồi ghép với chữ ‘‘mặc’’ (mực) thì trở thành nghĩa là ‘‘bút’’ (翰).
Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:
– Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng!’’[9]
Tác giả Thiện Nam Nguyễn Bá Tin diễn nghĩa bút hiệu của anh mình như sau: ‘‘Bút hiệu Hàn Mặc Tử, trước hết vì anh tự nhận là nhà thơ nghèo nàn: chữ Hàn của anh là nghèo, không phải là lạnh: chữ Mặc là thỏi mực, ngụ ý tao nhân mặc khách.
Anh Trí vốn ngưỡng mộ triết gia Mặc Địch (墨翟)thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm Ái (兼愛), nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Địch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Địch. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la’’.[10]
Nhà văn Buffon cho rằng: ‘‘Văn là người’’. Bút hiệu của Hàn diễn tả ý nguyện ‘‘Kiêm Ái’’; còn công trình văn học của nhà thơ thể hiện ‘‘tin cậy mến’’. Nói khác đi, thơ Hàn Mặc Tử là thi ca đối thần (poésie théologale), vì hồn thơ luôn hướng về Thiên Chúa.
II – ĐỨC TIN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:
2.1. Tổng quan về đức tin:
‘‘Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.’’ (1 Cr 12,31). Trong văn bộ (corpus) thánh Phaolô, thánh nhân thường sử dụng các thuật từ tin, cậy, mến, vừa là danh từ: πίστις (pistis), ἐλπίς (elpis), ἀγάπη (agapè), lại vừa là động từ: πιστεύω (pisteuo), ελπίζω (elpizo), ἀγαπάω (agapáô). Theo thánh Thomas d’Aquin, ‘‘tin, cậy mến là các nhân đức nhằm vâng phục thánh ý Chúa, nên được gọi là đối thần’’[11].
Đức tin đồng nhất với κῆρυγμα (kerygma), có nghĩa là thuyết giảng (prédication), cao rao (proclamation à voix haute), người tín hữu làm chứng cho việc Chúa chịu chết và sống lại: ‘‘Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.’’ (1 Tx 4,14). Tin cậy mến có liên hệ khắng khít với nhau. Theo thánh Augustinô, ‘‘Không có tình yêu nếu không có hy vọng. Ngược lại, không thể có hy vọng nếu không có tình yêu. Sau cùng, nếu không có tình yêu và hy vọng thì cũng không có đức tin.’’[12]
2.2. Đức tin trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:
Hàn Mặc Tử đã chuyển hóa đức tin tôn giáo thành sự tin tưởng vào sứ mệnh của nhà thơ: ‘‘Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê, phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho và rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.’’[13] Với đức tin công giáo, Hàn Mặc Tử cao rao tin, cậy, mến bằng những vần thơ.
Ý kiến của Hàn Mặc Tử cho rằng thi sĩ ‘‘luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình’’ nhắc lại thuyết tài mệnh tương đố (才命相妒) trong truyện Kiều, hoặc câu nói của triết gia công giáo Blaise Pascal :‘‘Con người ‘‘linh ư vạn vật’’ nhận biết sự bất hạnh, khác với cỏ cây’’ (la grandeur de l’homme est grande en ce qu’il se connaît misérable. Un arbre ne se connaît pas misérable). Sau này, Hàn Mặc Tử nói đến mật đắng trong kiếp sống, mật ngọt trong thơ văn là muốn nói đến định mệnh éo le của nhà thơ: ‘‘Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng.’’[14]
Định mệnh tàn khốc và giá máu của nhà thơ đi đôi với sự cô liêu, buồn bã. Nhưng để đền bù, nhà thơ có cả mùa xuân ấm áp hằng ủ ấp trong lòng: ‘‘Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mĩ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ.’’[15]
Hàn Mặc Tử sử dụng các thuật từ ‘‘ngất ngư’’, ‘‘nuốt hết’’, hoặc là ‘‘ăn’’ trong Lang thang:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng ?[16]
Thơ của Hàn Mặc Tử là vần thơ nuốt chữ (nghĩa), là cắn thơ, là nuốt trăng, là cắn cắn cắn cắn, nghĩa là nhai ngấu nghiến nỗi xót xa khổ lụy, khiến hơi thở đứt quãng, đớn đau:
Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư!
– Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe.
– Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga?
Giáo sư Bùi Xuân Bào đã gọi cách dụng ngữ trong thơ Hàn là ‘‘khẩu cảm’’[17]. Theo ý chúng tôi, thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là ‘‘khẩu cảm’’, nhưng còn là giác quan hóa thi tứ. Vì ngoài vị giác còn là thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác.
2.3. Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử:
Ngoài văn xuôi, Hàn Mặc Tử diễn tả đức tin qua nhiều bài thơ như Nguồn thơm, Điềm lạ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện. Bài Nguồn thơm có câu:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Theo học giả Thái Văn Kiểm, ‘‘Xuân Như Ý là mùa xuân của sáng thế ký, lúc mà vũ trụ sơ khai, linh khí của Thượng đế chập chờn trên nước’’. Mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu của thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị.
‘‘Lòng tin tưởng ở Thượng đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mặc Tử và giúp cho thi tài được hoàn toàn thành tựu. ‘‘Mùa xuân như ý được xem như tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của Hàn. Bài Ave Maria cũng đủ chứng minh điều đó.’’[18]
Thái Văn Kiểm trong Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bá Tin trong Hàn Mặc Tử anh tôi đều cho rằng tên bài thơ là Ave Maria. Quách Tấn trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử lại cho rằng bài trường thi 8 chữ này là Thánh nữ Đồng trinh. Bản hợp xướng của nhạc sư Hải Linh lấy tên Tầu lạy Bà là muốn chuyển nhạc đề từ vầng trăng khuyết lẻ loi của thi nhân sang trăng rằm chung khúc ngất ngây, nốt nhạc chắp cánh cho phượng hoàng bay bổng, chiêm ngắm triều thiên Đức Mẹ Chúa Trời.
Về xuất xứ bài thơ, Quách Tấn cho rằng ‘‘một đêm Tử nằm mộng, thấy Đức Mẹ Maria lấy ngành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy ‘‘mát đến ớn lạnh’’. Cho nên khi cầm viết viết được, Tử soạn bài Thánh nữ Đồng trinh để tạ ơn Đức Mẹ.’’ [19]
Tác giả Nguyễn Bá Tín lại cho rằng:
-‘‘Từ ngày anh suýt chết ngoài bờ biển Qui Nhơn, anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng. Bài Ave Maria mà anh đã xuất thần sáng tác, có những lời tạ ơn nồng nàn tha thiết’’.
– ‘‘Anh nói: Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá. Hai tiếng đó đã tạo cho anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, anh lặp lại bốn lần một cách tha thiết.’’
– ‘‘Bốn chữ song lộc triều nguyên, Hàn Mặc Tử mượn trong khoa tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tầu, nói về đại quý cách của người được trời ban nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng: Song lộc là Hóa Lộc và Lộc Tồn đều là phúc lộc tinh. Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang. Lộc tồn là sao thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng gồm ơn phù trợ và cứu giải. Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế. Triều là hướng về, chầu về. Nguyên là bản mệnh. Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Suốt bài thơ, anh không bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu’’.[20]
Bài Ave Marie là kinh Kính mừng:‘‘lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn’’; lại vừa là lời kinh Tin kính, ‘‘tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ, tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.’’
Ave Maria
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một vạn hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới.
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
Ave Maria là bản trường ca tám chữ. Khác với kinh Kính mừng gồm hai đoạn đối xứng:
– đoạn 1 nói về trăng tròn phước cả của Đức Mẹ;
– đoạn 2 trở về với thân phận phàm nhân tội lỗi.
Ave Maria của Hàn Mặc Tử là hành trình nhân thế với bao khổ lụy, thương đau. Nhà thơ là Thánh thể kết tinh, dâng nhạc thơ tấu lạy Đức Bà. Nhờ có đức tin, thơ của Hàn tuy ‘‘cấu, cào, nhai ngấu nghiến; thịt da sượng sần và tê điếng’’ nhưng luôn vững niềm cậy trông.
Chất liệu Ave Maria là trăng (sáng hơn trăng, trăng rằm, nguồn trăng); là sao (song lộc, bắc đẩu, tinh đẩu, sao mai); là ánh sáng (sáng hơn trăng, hào quang, sáng nhiều quá, hào quang); là ngọc ngà châu báu (châu ngọc, ngọc như ý, chuỗi ngọc).
Ave Maria là kinh thơ tụng ca Thánh mẫu (muôn kinh, huyền diệu, nhân đức, từ bi, cảm tạ, phò nguy, huyền bí). Trong bài thơ, tác giả định nghĩa kinh thơ là:
nguồn trăng (siêu việt) + nguồn đau (nhân thế) = nguồn thơ
Tác giả sử dụng kỹ thuật láy âm (assonance) và điệp tự (répétition), vừa tạo nhạc tính, lại vừa là lời thở vắn than dài của nhân thế: run như run (hai lần), dòng thao thao, đây rồi đây rồi, tấu lạy Bà, lạy Bà, trong hồn, trong mạch máu, cho vỡ lở, cho đê mê. Ngoài ra là phép cân xứng (symétrie) và sánh đôi (parallélisme): song lộc, hai dòng lệ, hai hàng cây bạch lạp.
Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phương trì ! là phượng hoàng bay miết, được lập lại bốn lần, như tiếng gõ cửa của định mệnh, âm hưởng giống như bốn nốt nhạc của bản giao hưởng số 5 của Beethoven.
Khi viết: Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan, Hàn Mặc Tử so sánh ơn trời với võ lộ (雨露) là sương mai ướt sũng. Sách Lã Thị Xuân Thu (呂 氏 春 秋) có câu: Tuyết sương vũ lộ thì, tắc vạn vật dục hĩ (雪 霜 雨 露 時, 則萬 物 育 矣) (Khai xuân luận 開 春 論).
Thân phận phàm nhân còn được cực tả qua ngũ quan:
– khứu giác (odorat): thanh hương, thơm tho, hương xông lên, thơm dường bao;
– thính giác (ouïe): thần nhạc, nghe xôn xao, reo trong hồn;
– thị giác (vue): sáng hơn trăng; sáng nhiều quá;
– vị giác (goût): miệng lưỡi khong khen, trong miệng ngậm câu ca;
– xúc giác (toucher): chạm tơ vàng, nắm một vạn hào quang.
Hàn Mặc Tử cho những vần thơ nhân thế nương náu trong đức cậy.
Ca đoàn Giáo Xứ hợp xướng Ave Maria, Đà Lạt Trăng Mờ (thơ: Hàn Mặc Tử. Nhạc & hòa âm: Hải Linh)
III – ĐỨC CẬY TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:
3.1. Tổng quan về đức cậy: Trong văn bộ thánh Phaolô, từ ngữ elpis có ý nghĩa tương đồng với cậy trông trong sách Bảy mươi (Septante) của Cựu ước. Nói chung, đức cậy (espérance) là đợi chờ ngày mai, được gặp gỡ, kết hiệp cùng Thiên Chúa và Chúa Kitô phục sinh: ‘‘Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa.’’ (Rm 8,24) Niềm hy vọng vào cuộc sống trường sinh còn là cậy trông đổi mới, mong ước trường sinh.
3.2. Đức cậy trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:
Khi đưa ra ‘‘Quan niệm thơ’’, Hàn Mặc Tử bày tỏ niềm cậy trông vào Thiên Chúa: ‘‘Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ.’’[21]; vì nhà thơ ‘‘phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.’’[22]
Quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử khác biệt với Huy Cận:
Hỡi Thượng đế, tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang
hoặc Chế Lan Viên:
với tôi tất cả đều vô nghĩa.
3.3. Đức cậy trong thơ Hàn Mặc Tử:
Niềm trông cậy của Hàn Mặc Tử được diễn tả tượng trưng qua vầng trăng. Trong tiếng Pháp, thuật từ ‘‘khuynh hướng tượng trưng’’ (symbolisme) do tiếng latinh symbolictum (symbole de foi). Hàn Mặc Tử viết nhiều về trăng. Trăng giãi sáng văn thơ của Hàn: văn xuôi có Chơi giữa mùa trăng; văn vần có nhiều bài, từ Uống trăng, Sáng trăng, Ngủ với trăng, Một miệng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Vầng trăng; đến Trăng mờ Đà Lạt.
Hàn Mặc Tử yêu trăng cũng là dễ hiểu, vì nhà thơ ‘‘yêu chuộng Mẹ Từ Bi’’ là Đấng ‘‘đẹp như mặt trăng’’. Trăng có trong Cựu ước và Tân ước. Sách Diễm ca (còn gọi là Nhã ca) chép rằng:
‘‘Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông,
đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận.’’ (Dc 6,10)
Theo Thánh vịnh, ‘‘Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết. Fecit lunam in tempora’’ (Tv 104,19). Vì Thiên Chúa đã phán: ‘‘Phải có những vầng sáng trên vầng trời để phân rẽ ngày với đêm.’’ (St 1,14)
Trong Tân ước, ba Phúc âm nhất lãm (Mt 27,45; Mc 23,44; Lc 23,44) cũng như Phúc âm theo thánh Gioan (Ga 19,28) đều thuật lại việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại. Theo niên lịch phụng vụ, lễ Phục sinh được định vào chủ nhật thứ nhất tiếp theo vầng trăng tròn phục sinh (pleine lune pascale), để tưởng niệm việc Đức Kitô chịu chết vào ngày thứ sáu 7 tháng 4 năm 30.
Năm 1983, tạp chí khoa học Nature công bố công trình nghiên cứu của hai nhà vật lý thiên văn C.J. Humphreys và W.G. Waddington của Đại học Oxford, dựa trên sách Công vụ Tông đồ: ‘‘Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hóa thành máu, trước khi ngày của Chúa đến.’’ (Cv 2,20). Màu đỏ được giải thích bằng việc ánh sáng lướt qua trên bầu khí quyển, hấp thụ cụm mây xanh. Từ năm 26 đến 36, hiện tượng nguyệt thực quan sát được ở Jérusalem nhằm ngày 3 tháng 4 năm 33, ngày Đức Kitô chịu chết.
Trong tập Gái quê, Hàn sáng tác 7 bài thơ nói về trăng. Qua tập Đau thương là 17 bài thơ trăng. Hành trình trăng của Hàn Mặc Tử cũng là hành trình thơ. Bài thơ cuối đời nói đến cái chết của nhà thơ là trăng tròn thụ nạn:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.
Trong số các thi phẩm của Hàn Mặc Tử, Đà Lạt Trăng mờ là thơ trăng toàn bích, nói lên niềm cậy trông của thi nhân trong phút thiêng liêng vừa hé mở:
Đà Lạt Trăng Mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.
Trong tập hồi ký ‘‘Đôi nét về Hàn Mặc Tử’’, nhà thơ Quách Tấn kể lại rằng:
– mùa xuân năm 1933, nhân được nghỉ phép, Hàn Mặc Tử cùng gia đình bà Bùi Xuân Lang lên Đà Lạt thăm tôi (tr. 16).
– Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là một kỳ thú. Những con đường quanh co, khi lên cao, khi xuống thấp, nhiều khi đường chồng lên nhau. (tr.26)
– Đến bờ hồ, nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng. Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông trong sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây. Tử nói:
– Cứ xem bóng trăng cũng biết nước hồ Đà Lạt trong đến ngần nào.
Tôi tiếp:
– Theo tôi, chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông các hồ, dù trong đến đâu, sâu đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển.
Từ trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
– Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được. (tr.27)
Chúng tôi đương nói chuyện thì dường như có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hụt cả bốn bên.
Chúng tôi có cảm giác là trời đất đã tan thành thủy tinh và chúng tôi đương đứng lơ lửng giữa hư vô. Tôi nói khẽ cùng Tử:
– Mình đương chìm vào mộng, hay mộng đương lắng vào mình?
– Hư thực, phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều… Hãy lắng nghe… Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe…
Rồi sương tan dần, và dần dần mặt trăng trở lại. Tử nói:
– Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật. Con người hòa hẳn vào thiên nhiên.
Và tuy Tử sống với Đà Lạt không được nhiều ngày, song vẻ đẹp huyền diệu của non sông ảnh hưởng vào thơ Tử sau này không ít. Tử có bài Đà Lạt Trăng Mờ. (tr.28-30)[23]
Học giả Thái Văn Kiểm chuyển ngữ Đà Lạt Trăng Mờ là ‘‘Đà Lạt, sous la lune diaphane’’.[24] Trong La pureté de l’âme, Hàn Mặc Tử cũng dùng chữ (lumière) diaphane. Dịch giả Hélènr Péras và Vũ Thị Bích dịch là Lune voilée à Dalat.[25]
Mỗi bài thơ trăng của Hàn là một khắc khoải, đợi trông. Trong bài Chơi giữa mùa trăng, thi nhân viết:
‘‘Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là Đấng tinh tuyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng, quỳ lạy mong ơn bào chữa.’’
Phần kết luận đoản văn Chơi giữa mùa trăng nói lên niềm trông cậy, đợi chờ:
‘‘ – Không không, chị ơi, rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi.’’[26]
Hàn Mặc Tử còn viết đoản văn Ra đời, Nhà thơ gom ánh nguyệt trong bản sonate ‘‘Ánh Trăng’’ (Clair de lune), sáng soi từng thi tứ:
‘‘Cho mau lên dồn ánh nguyệt vào đây
Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo.’’
Đối với nhà thơ, vầng trăng tin cậy mến linh thiêng, cao giá:
Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.
Đức tin và niềm trông cậy chắp cánh càng khiến thơ Hàn Mặc Tử thăng hoa với lòng mến Chúa, yêu người tha thiết.
IV – ĐỨC MẾN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:
4.1. Tổng quan về đức mến:
Trong cổ ngữ Hy lạp, ἀγάπη (agapè – đức mến) do động từ ἀγαπάω (agapáô) có nghĩa là tiếp rước với tình bằng hữu, xử sự với lòng cảm mến. Trong sách Septante, agapè diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với loài người (Đnl 4,37), của loài người đối với Thiên Chúa (Xh 20,6). tình yêu lứa đôi (St 24,67), tình phụ tử (St 22,2), tình đồng loại, nghĩa đồng bào (Lv 19,18-34).
Theo thánh Phaolô:
– ‘‘Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.’’ (1 Cr 13,4-7).
-‘‘Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.’’ (1 Cr 13,13)
Đức mến có ý nghĩa rộng hơn tình bạn. Vì đức mến là yêu mến mọi người, cho dù thân phận có khác nhau. Thánh Phaolô dùng chữ agapè nói đến tình yêu mọi người, tứ hải giai huynh đệ.
Thánh nhân sử dụng định từ ἀγαπητός (agapētos: yêu dấu) để chỉ định các tín hữu (Rm 1,7), động từ αγαπάω (agapao: yêu) để nhắc nhở người tín hữu đều được Chúa yêu thương (Rm 8,37). Đức mến là chung của cộng đoàn (1 Th 4,9) nhưng còn là riêng tư của mỗi người (1 Co 14,1). Sự phân biệt giữa chung và riêng của tình yêu cho phép ta tìm hiểu đức mến trong thơ Hàn Mặc Tử trong tình cảm riêng tư.
4.2. Đức mến trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:
Hàn Mặc Tử đã bày tỏ quan niệm về đức mến bàng bạc khắp các sáng tác. Sau đây là một số trích đoạn tiêu biểu:
4.2.2. Apagè: ‘‘Thấy người đói rách thì thương, Rách thường cho mặc đói thường cho ăn’’ (Nguyễn Trãi):
Nguyễn Bá Tín thuật lại vài mẩu chuyện về lòng bác ái của Hàn Mặc Tử:
– ‘‘Anh không hề hờn giận ai, rất dễ quên, những gì anh đã làm thiệt hại cho người khác, và ngược lại cũng không nhớ ai đã làm gì thiệt hại cho anh.’’
– ‘‘Nghe nói, hồi ở Saigon, anh tự xem như có bổn phận lo lắng cho tất cả như triết gia Mặc Địch thời Chiến quốc chủ trương thuyết Kiêm Ái. Anh nói: Tụi nó đói nhăn răng ra mà để dành tiền làm chi’’.
– ‘‘Mẹ tôi thì quán xuyến hơn, thỉnh thoảng lưu ý đến áo quần anh, bà cho tôi biết có nhiều bộ đồ mới biến đâu mất, kể cả bộ đồ nỉ nâu, anh thừa hưởng của anh Mộng Châu để lại. Tôi hỏi Bùi Tuân, hắn hời hợt: ’’Có lẽ để giúp một vài người bạn vừa đi tù về.’’[27]
Câu nói: ‘‘Có lẽ để giúp một vài người bạn vừa đi tù về’’ chứng tỏ Hàn Mặc Tử đã làm theo lời Chúa dạy: ‘‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống, Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc,; Ta đau yếu, các người đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’’ (Mt 25,34-36).
Hàn Mặc Tử ‘‘không hề hờn giận ai, rất dễ quên những gì anh đã làm thiệt hại cho người khác, và ngược lại cũng không nhớ ai đã làm gì thiệt hại cho anh’’, làm được bấy nhiêu là Hàn đã thực hiện bài ca đức mến của thánh Phaolô: ‘‘Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.’’ (1 Cr 13,4-7).
Thi nhân còn thể hiện đức mến theo nghĩa hẹp (stricto sensu), nghĩa là tình yêu lứa đôi.
4.2.2. Apagè: ‘‘Trăm năm vẫn một lòng yêu, Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi’’ (Hàn Mặc Tử):
– ‘‘Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên. Ấy là dấu hiệu mùa thơ đã chín. Gặt hái cho mau, kẻo ngọn thơ càng cao, người thơ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta.
-‘‘Một đêm say rượu nhớ Nàng Khách đã khóc sưng vù đôi mắt, và từng giọt lệ đã vô tình nhỏ vào ly rượu; có ai ngờ nhớ khách đến cuồng tâm dại trí nhúng cả mảnh hình Nàng trong rượu rồi mê man, vừa uống vào lòng cả rượu, cả nước mắt và cả bóng dáng xinh tươi của Nàng!’’[28]
-‘‘Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư. Tình không những châu lưu trong khí huyết hồn tôi, tình còn lưu lộ ra làn da nong nóng, hồng đào như trứng gà so. Tình còn trút ra ở đầu mày, cuối mắt, đằng môi. Và thiết tha chưa, lời nói bằng hơi thôi đã bối rối vì mê…’’[29]
Ÿ ‘‘Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn; Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.’’[30]
4.3. Đức mến trong thơ Hàn Mặc Tử:
Trong Hàn Mặc Tử anh tôi, tác giả đã thuật lại mối tình lặng lẽ của Hàn với một thiếu nữ Huế, nhà ở thôn Vĩ Dạ:
‘‘Năm 1936, anh về hội chợ Huế, gặp chị Kim Cúc mà cả hai đều rụt rè e thẹn. Anh Trí mang sách Gái Quê tặng các em chị, nhưng lại không dám trao cho chị. Chị Cúc kể lại và ân hận về thái độ rụt rè đó: ‘‘Càng tội nghiệp hơn là hôm sau anh xuống Vĩ Dạ đứng trước cổng hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi’’. Cho đến khi anh đau nặng hồi 1939, chị Cúc còn gởi cho anh một phiến ảnh cỡ 6×9. Chị mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’.[31]
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh kể lại rằng thân phụ Hoàng Thị Kim Cúc là chánh sở Đạc điền ở Qui Nhơn. Khi Hàn Mặc Tử vào Saigon làm báo, Kim Cúc theo gia đình về thôn Vĩ Dạ.
Theo Nguyễn Bá Tín, ‘‘năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ’’. Trong Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, học già Thái Văn Kiểm đã chú thích như sau: ‘‘Vĩ Dạ: quartier mandarinal et aristocratique de Huế’’ (Vĩ Dạ: thôn quan lại, hoàng phái xứ Huế).
Đây thôn Vĩ Dạ là thơ mới bảy chữ, gồm ba khổ:
– khổ 1:
câu 1: Sao anh không về thăm thôn Vĩ ? Giới thiệu không gian (thôn Vĩ). ‘‘Về’’, vì tuy không đi chung một chuyến đò mà tưởng như đã thân quen, người viễn khách về lại chốn cũ.
câu 2: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên: nói đến thời gian, vào lúc hừng đông.
câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc: không gian thu hẹp là vườn cau, khóm trúc.
câu 4: Lá trúc che ngang mặt chữ điền: Người thôn nữ e ấp núp sau cành trúc, che ngang khuôn mặt tiểu thư khuê các, giống như tấm hình ‘‘nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát’’.
Tác giả gieo vần gián cách, minh họa cho sự khắc khoải đợi trông.
Khổ 1 có 17 chữ vần bằng, 11 chữ vần trắc nên hơi thơ thoảng nhẹ như sương mai.
-Câu 1: tác giả sử dụng một lần chữ ‘‘anh’’; câu 10 một lần chữ ‘‘em’’. Còn lại là bốn chữ ‘‘ai’’, mỗi lần mang ý nghĩa khác nhau:
– câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (ai: thôn nữ).
– câu 7: Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó (ai: người lái đò).
– câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà (‘‘ai’’ đầu là viễn khách; ‘‘ai’’ sau là thôn nữ).
khổ 2:
-câu 5: Gió theo lối gió / mây đường mây. Cách ngắt câu: 4 rồi 3 chữ, tạo thành tiết tấu nhịp nhàng. Cách ngắt câu còn nói lên sự chia lìa, tan tác của mây và gió, của viễn khách và thôn nữ.
-câu 6: Dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay. Nước sầu trôi lờ lững, bắp sầu nên nhẹ lay.
-câu 7: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Tác giả biến sông Hương thành sông Trăng. Nhà thơ hỏi con thuyền liệu có xuôi dòng, chở kịp vầng nguyệt bạch, là người viễn khách hóa thân, vật vờ trên sông Hương, về kịp thăm thôn Vĩ, và cũng là thôn nữ ?
-câu 8: Lá trúc che ngang mặt chữ điền: Khuôn mặt thôn nữ chữ điền e ấp sau cành truc la đà.
Số chữ vần trắc chỉ còn là 9. Tác giả tăng thêm vần bằng là tăng niềm nhớ nhung da diết, tăng nỗi u hoài day dứt không nguôi.
khổ 3:
-câu 9: Mơ khách đường xa / khách đường xa. ‘‘Khách đường xa’’ lặp lại hai lần, réo rắt nhạc sầu mong đợi.
-câu 10: Áo em trắng quá nhìn không ra. Lần đầu và cũng là lần cuối, thi nhân gọi người thôn nữ là ‘‘em’’.
-câu 11: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Thời gian chuyển thành sương khói hoàng hôn. Vì viễn khách không về thăm thôn Vĩ, thôn nữ chỉ còn là nhân ảnh nhạt nhòa, hay nói đúng hơn là tâm ảnh.
-câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà. Chữ ai lập lại hai lần là cung thương hồ cầm. Tuy không gặp nhau, viễn khách và thôn nữ cùng chia nhau chữ ai, sầu ai oán.
Số chữ vần trắc chỉ còn 7 khiến câu thơ nghe như tiếng thở dài não nuột.
Đây thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Tác giả có lần thổ lộ: ‘‘Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh.’’ Vườn thôn Vĩ Dạ có bờ tường cách ngăn. Còn vườn thơ Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rộng rinh làm ta ớn lạnh. Hồn thơ Hàn Mặc Tử vượt thời gian và vượt cõi không gian.
Năm 2011, nhà xuất bản Arfuyen dịch thơ Hàn Mặc Tử sang tiếng Pháp, lấy thôn Vĩ đặt tên cho toàn tập: Le hameau des roseaux. Dịch giả đã chuyển hóa thôn Vĩ sang thôn sậy, có lẽ vì sậy buông xõa như tóc mây, không khác gì hoa bắp. Tên bài thơ được dịch là Voici le Hameau des Reoseaux.
Đây thôn Vĩ Dạ được coi là tuyệt bút. Tuy thi nhân không về thăm thôn Vĩ, nhưng hồn thi nhân còn lưu lạc đất Thần Kinh. Ngày nay, có con đường ở thôn Vĩ mang tên Hàn Mặc Tử. Và trong tâm hồn nhân thế vẫn khắc ghi những bài thơ thần bút của thi nhân.
Linh mục Thi sĩ Cung Chi và nhóm Thư viện Giáo xứ
Thay kết luận: Vần thơ nhập thể:
Đỗ Phủ nhủ lòng: ‘‘Thơ chưa làm kinh động lòng người thì chết chưa yên.’’ (Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu (语不惊人, 死不休). Thơ tin cậy mến của Hàn Mặc Tử thực sự làm kinh động lòng người. Mỗi câu mỗi chữ đều dính cân não, đều tràn huyết lệ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Trong bài Ave Maria, nhà thơ nhận mình là Thánh thể kết tinh. Ý tưởng này lại càng làm nổi bật ý nghĩa nhập thể: ‘’Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’’ (Ga 1,14).
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử, chúng tôi có bài Đường thi, xin chép lại sau đây để nói lên tâm tình biết ơn của một kẻ hậu sinh yêu thơ họ Hàn:
Vần thơ nhập thể (poésie incarnée)
Vần thơ nhập thể nhẹ hơi sương
Trí não trào dâng quá lạ thường
Khắc khoải linh hồn tràn huyết lệ
Mê man xác thịt rướm đau thương
Niềm tin chất ngất thơ mầu nhiệm
Cậy mến miên man dạ vấn vương
Kỷ niệm trăm năm Hàn Mặc Tử
Thuyền trăng thấp thoáng bến sông Hương.
Thư viện Fels (Paris), ngày 13 tháng 3 năm 2012
Lê Đình Thông
Vietcatholic News
——————————————————————————–
[1] Đặng Tiến, Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử, Saigon, Văn, (bán nguyệt san) 01/06/1071.
[2] Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, Hà Nội, nhà xuất bản Văn học, 1987.
[3] Thái Văn Kiểm, Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, Saigon, Ed. France-Vietnam, 1950.
[4] Bản của Chế Lan Viên chép là: Chầm chậm cho mình giữ mối giây (sđd, tr. 42). Bản của Thái Văn Kiểm (sđd, tr 34) chép là: Chầm chậm cho mình gởi mối giây.
[5] Bạn bè vong mệnh (亡命): bạn bè trốn tránh hoạn nạn.
[6] Nguyễn Văn Xê, Nhớ Hàn Mặc Tử, trong Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Paris, nhà xuất bản Quê Mẹ, 1988, tr. 181.
[7] Hàn Mặc Tử, Chơi giữa mùa trăng, Paris, Lá Bối, 1977, tr. 71.
[8] Chúng tôi chép lại bản tiếng Pháp do Hàn Mặc Tử sáng tác để tiện việc tra cứu hoặc đối chiếu giữa nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Việt:
‘‘Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, apportez-moi une couronne.
Je veux me baigner dans l’océan de lumière et d’amour divin.
Car ici-bas s’accomplissent des miracles qui tiennent les hommes muets d’admiration en contemplant l’œuvre mystique du Très-Haut.
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, voyez-vous cette lumière diaphane qui se précise, cette blancheur de neige, cette forme immaculée, cette âme apparue au monde ? Je crois au premier abord que c’est l’esprit des saints, la poésie, la quintessence de la prière, qui au lieu de s’exhaler en Parfum et en Éther, prend la modeste résolution de se faire créature ?
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, applaudissez: car ce sont les mères et les sœurs de saint François d’Assise qui descendent au monde pour calmer les douleurs et les peines des faibles mortels, des malades et des lépreux tels que nous sommes. Ô Thérèse d’Avila !
Je veux chanter des louanges, me désaltérer de leurs douces paroles quand elles chantent: Hosanna ! Hosanna !
Je veux toujours admirer cette blancheur immaculée, cette fraîcheur, cette lumière, car tout cela est l’emblème de la
PURETÉ DE L’ÂME
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de gaïté, lancez des roses et des nénuphars, des chants mélodieux et des notes embaumées et versez avec effusion les vertus, le courage et le bonheur, parmi les servantes de Dieu.
François TRÍ
Deo Gratias
Nuit de mercredi
24 octobre 1940’’
[9] Phạm Công Thiện, ‘‘Thể truyện ký nhân đọc quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại’’, trong Quách Tấn, sđd, tr.198.
[10] Thiện Nam Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, Paris, nhà xuất bản Tin, 1990, tr. 49.
[11] Saint Thomas d’Aquin, Somme théologique, tome 2, Paris, Cerf, 1984, tr. 377.
[12] Saint Augustin, Œuvres de saint Augustin, 9, 1ère série: Opuscules IX, Exposés généraux de la foi, Paris, Desclée de Brouwer et Cie, Enchiridium/sive de fide, spe et charitate, tr. 115.
[13] Hàn Mặc Tử, ‘‘Quan niệm thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 34-35.
[14] Hàn Mặc Tử, ‘‘Ra đời’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 61.
[15] Ibid.
[16] Tuyển tập Hàn Mặc Tử, tr. 95.
[17] Bùi Xuân Bào, ‘‘Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử’’, trong tập san Khoa học nhân văn (tập II), Saigon, tr. 163-172.
[18] Thái Văn Kiểm, sđd, tr. 43.
[19] Quách Tấn, sđd, tr. 45-46.
[20] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 39, 79, 81.
[21] Hàn Mặc Tử, ‘‘Quan niệm thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 37.
[22] Sđd, tr. 40.
[23] Quách Tấn, sđd.
[24] Thái Văn Kiểm, sđd, tr. 24
[25] Hàn Mặc Tử, La Hameau des Roseaux, Paris, Ed. Arfuyen, 2001, p. 59.
[26] Chơi giữa mùa trăng, tr. 15-17.
[27] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 18, 31, 32.
[28] Hàn Mặc Tử, ‘‘Kêu gọi’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 28.
[29] Hàn Mặc Tử, ‘‘Tình’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 47.
[30] Hàn Mặc Tử, ‘‘Thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr.55.
[31] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 50.