Giảng lễ chung 

Trả dần những món nợ ân tình (kỷ niệm 10 năm linh mục)

Trả dần những món nợ ân tình

THÁNH LỄ TẠ ƠN GIÁP MƯỜI NĂM LINH MỤC TẠI TUY HÒA

25.04.2002 – 25.04.2012

(Của các linh mục :Anr. Điểm, Tom. Binh, Aug. Phú, Phr. Hoà, Phx.Triều)

 LM. Giuse Trương Đình Hiền

Chúng ta đang ở giữa Mùa Phụng Vụ Phục Sinh, khi tiếng hát vui mừng Alleluia còn vang vọng trong muôn vạn cõi lòng Kitô hữu, khi Bàn Tiệc Lời Chúa trong những ngày nầy qua sách Tông Đồ Công Vụ liên tục đưa chúng ta trở về sống lại cái thuở “Ban đầu tuyệt vời của Kitô giáo”, cái thuở mà ở đó, các Tông Đồ và môn đệ Chúa Kitô hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng cho dù phải đối diện với bao gian nan thử thách. Đặc biệt, hôm nay chúng ta cùng với Dân Chúa mừng lễ Thánh Tông Đồ Maccô, tác giả của cuốn Tin Mừng ngắn nhất trong 4 cuốn Tin Mừng về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu ; và trong khung cảnh Phụng Vụ đặc biệt nầy, chúng ta lại được dịp cùng với Năm Anh em Linh mục (Triều, Phú, Binh, Hòa và Điểm (đang du học tại Áo quốc) chào mừng kỷ niệm “Thập niên” cuộc đời linh mục, tạ ơn mười năm bước lên bàn thánh : 25.04.2002 – 25.04.2012.

Cách đây 10 năm, khi chọn thời điểm Phụng Vụ lễ thánh Maccô nầy để phong chức cho 5 linh mục, chắc chắn Đức Cha Phêrô đã có một dụng ý : ngài muốn nối kết cuộc đời linh mục, Bí tích truyền chức thánh với sứ vụ Tông Đồ, rao giảng Tin Mừng mà Thánh Maccô như một biểu tượng, một dấu ấn sinh động để không ngừng nhắc nhớ, khơi gợi.

Thật vậy, là tác giả của Tin Mừng, người chuyển tải cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu cách trung thực, xác tín và súc tích, chắc chắn Maccô đã có một cuộc đời tiếp cận sâu xa với Chúa Giêsu, hay chí ít, cũng là người thường xuyên lắng nghe và suy tư nhuần nhuyến những lời giảng dạy về Chúa Giêsu của Thánh Tông Đồ Phêrô.

Giám mục Papias nhận xét thế nầy về Thánh Maccô : “Marcô chỉ có một lo lắng này là không bỏ sót một điều nào đã nghe và không thêm điều gì mới. Đọc phúc âm Marcô, chúng ta chắc chắn được nghe tiếng của vị đã nói với Hội Đồng tối cao Do Thái : “chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe”(Cv 4,20).

Không chỉ là một người viết Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân,  Maccô còn là một chứng Nhân trọn hảo cho Tin Mừng đó bằng cuộc tử đạo anh hùng của mình. Theo truyền thuyết, thánh Maccô được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa. Nhưng bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.

Trong ngày kỷ niệm “Sinh Nhật trên trời” của Thánh Maccô hôm nay, cũng là ngày mừng “Sinh Nhật 10 năm trong chức linh mục” của quý cha đang ở giữa bàn thờ. Như vậy, thật là ý nghĩa, để chúng ta, qua hình tượng của Maccô, vẽ lại chân dung của người linh mục hôm nay bằng một nét mà tôi cho là cơ bản nhất :

Linh mục gắn liền với Đức Ki-tô :

ĐGH G.P.II đã thuyết minh nguyên tắc nền tảng nầy trong Tông huấn Pastores dabo vobis : “Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Ki-tô, Vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình…” (Số 15).

Thật hạnh phúc biết bao cho thời đại nào, quốc gia nào, cộng đoàn nào có được những linh mục như thế ; và quả thật những linh mục như Maximilien Kolbe, như Gioan Maria Vianney, như Anrê Trần An Dũng Lạc, như Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên…đã mang lại cho Hội Thánh biết bao nhiêu hoa trái thánh thiện.

Nhưng liên kết với Đức Ki-tô bằng cách nào ? Thay cho câu trả lời, tôi xin được trích đọc một số câu trong bài thơ “trên cánh đồng hợp tác” của lm thi sĩ Võ Tá Khánh :

Tôi cúi xuống

Thấy Ngài trước mắt

Lội suối băng đồng tìm con chiên lạc

Xin cho tôi tấm lòng

Của kẻ có con chiên lạc mất

Xin cho tôi tấm lòng

Của người Cha tìm đứa con đi hoang

Và là tấm lòng

Của kẻ nhìn đám đông bơ vơ

Mà dạt dào thương xót

Của kẻ không đành tâm bỏ sót

Một em bé nào

Hay bất cứ một người đuôi mù què quặt…

Xin cho tôi trái tim,

Của người đã khóc

Trước sự đau khổ của kẻ khác

Xin cho tôi trái tim đó

Trái tim yêu mấy cho vừa

Cây sậy dập đong đưa

Không đành bẻ gãy…

Không nỡ tắt ngọn đèn leo lét

Trái tim yêu thương cho đến chết

Và chết rồi còn nở hoa.

Và chúng ta cũng có thể nói ngược lại rằng : một linh mục mà không liên kết với Đức Ki-tô, không để Ngài xuyên thấu, là đã đánh mất căn tính linh mục của mình, đã đánh mất “Mùa xuân linh mục” và cuộc sống linh mục chỉ là một kéo dài mùa đông ảm đạm, như một lời hát ví von của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang : “Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang… Vì tôi là linh mục, chưa rửa tội bao giờ, nên âm thầm qua đời, tội ác đành mang theo……”.

Kính thưa quý cha và toàn thể cộng đoàn, hôm nay mừng 10 năm linh mục,

Tôi nghĩ rằng không ai trong quý vị lại cho rằng : 10 năm linh mục cũng chỉ là “10 năm tình cũ”, mà nếu không nhắc lại ắt sẽ lãng quên :

“Mười năm không gặp tưởng chừng đã cũ, mây bay bao năm tưởng mình đã quên…”

 Ngày kỷ niệm hôm nay thật là ý nghĩa khi đây chính là dịp để chúng ta “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa” như lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô dành cho đồ đệ Timôthê :

“Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một Thần Khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa ; nhưng hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1, 6-9).

Thật vậy, chúng ta phải “khơi dậy đặc sủng”, vì sống thiên chức linh mục cũng giống như bao ơn gọi khác. Thời gian sẽ làm phai nhạt dần “tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Sự sốt sắng, trân trọng, trung thành, nghiêm túc… sẽ dễ nhường chỗ lần lần cho thái độ coi thường, sơ sài, thiếu chuẩn bị và thiếu cả thái độ nội tâm, đức tin cần thiết cho các tác vụ thánh. Sự thánh hiến của chức linh mục chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được sống từng ngày trong cố gắng và trung thành.

Cũng chính trong ý nghĩa đó, trong dịp mừng quý cha 10 năm lãnh tác vụ linh mục, tôi chợt nhớ tới bài thơ ‘Mắc Nợ” của Nguyễn Văn Thiên mà Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục hải Phòng, trong một bài giảng tĩnh tâm năm 2011 cho các linh mục Qui Nhơn, đã nhắc tới :

Ta mắc nợ mùa thu

Bài-thơ-lá-rụng-sương-mù
Ta mắc nợ ai, bao năm rồi chưa trả nổi

Một nụ cười má lúm đồng… xu

Chúng mình mắc nợ mẹ hiền lời ru

Mắc nợ thầy cô

một dấu chấm câu đặt không đúng chỗ

Mắc nợ bạn bè

một lần vẫy tay cuối phố

Mà một đời trả mãi chắc chi xong!

          Đối với chúng ta, những linh mục, chúng ta mắc nợ :

          Bài Thánh Vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng

          Mắc nợ những giờ Chầu Thánh Thể chiều đông…

          Mắc nợ bao người kẻ liệt ngóng trông,

          Mắc nợ bài giảng chưa xong của ngày Chúa Nhật…

          Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật,

Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương…

Ta nợ người trẻ nhiệt huyết để lên đường,

Nợ các gia đình những lần ủi an thăm viếng…

Kính thưa quý cha, trong lần kỷ niệm 10 năm hôm nay, tôi cầu chúc quý cha dần dần trả hết những món nợ ân tình đó. Amen.

 

Related posts