CCSTS Phú Yên 

Cây đuốc lá dừa

CÂY ĐUỐC LÁ DỪA

 Phương Hạc

cayduaMỗi lần đi ra miền ngoài, vừa tới cầu Nước Mặn, cách Tam Quan khoảng 3 cây số là lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Ký ức về tuổi thơ, về nơi chôn nhau cắt rốn lại hiện về.

Quê tôi thuộc họ Gò Xoài, thôn Gia An, Xã Hoài Châu, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Họ đạo tôi là một trong 12 họ nhánh của địa sở kỳ cựu Gia Hựu. Nhà tôi nằm cách ga Chương Hoà 500 mét, cách cầu Chui lên đèo Bình Đê, ranh giới Bình Định và Quảng Ngãi khoảng 2 cây số.

Đã nhiều lần định bụng sẽ viết lại những kỷ niệm tuổi thơ, nhưng cứ lần lữa mãi cho đến hôm nay tôi mới cầm bút đuợc. Đây là dịp tiễn chân người bạn cố tri về Quảng Ngãi, cũng là về quê ngoại tôi. Về quê ngoại Quãng Ngãi mà lại đi qua quê nội Bình Định, bao là xúc cảm của đứa con ly hương. Cái tâm trạng của Thâm Tâm ngày xưa có lẽ cũng là cái tâm trạng riêng tôi lúc này :

 “ Đưa người, ta không đưa qua sông,

 Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?

 Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

 Sao đầy hoàng hôn, trong mắt trong ? “

 (Tống biệt hành )

Tiễn người đi mà lại ngang qua quê hương ly biệt mình! Một trời hoàng hôn, một trời biển sóng.

Đứng trên đèo Bình Đê nhìn ngược lại rừng dừa Hoài Châu, ngược cánh đồng Quy Thuận. Kìa là đồi mười ! Nhà tôi ở ngay dưới chân đồi mười đó! Mới nghĩ tới thôi mà mắt đã cay sè…

Xứ tôi là xứ dừa, bạt ngàn dừa. Nó là cây trồng chủ lực nên cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình :

 “ Công đâu công uổng công thừa

 Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan “

Dừa nhiều quá làm sao mà tưới! Với dừa thì người dân tôi không bỏ sót một phần nào. Cơm dừa làm thực phẩm hoặc tinh chế làm dầu dừa để gội đầu, thắp đèn. Thân dừa làm cột làm kèo. Vỏ bện thành dây, trái làm gáo, cành lá để lợp mái để làm chất đốt …

Chuyện lá dừa thì tôi nhớ mãi vì chiều nào cũng được cha tôi giao nhiệm vụ tỉa lá cho ông bện thành cây đuốc. Muốn cháy lâu thì đuốc phải lớn, phải quấn thật chặt, phải làm sao cho nó cháy lâu đủ để soi hơn một cây số đường đi lễ sáng, qua 2 dốc đá là dốc Bà Đốc và dốc ông Nghi.

Còn nhớ hồi mới lên 10, vừa xưng tội rước lễ lần đầu xong và mỗi khi đi lễ phải diện bộ đồng phục là áo dài đen với quần bà ba trắng.

Tầm hơn bốn giờ sáng, hễ bà Sáu cùng cô Bảy xóm dưới đi ngang gọi là phải bật dậy ngay. Một tay cầm đuốc cháy soi đuờng, một tay xách bộ quần áo lúp xúp chạy theo. Tới cổng nhà thờ là dừng lại đóng bộ áo dài, quần trắng trông đạo mạo như ông cụ non rồi mới bước vào. Sở dĩ không mặc ở nhà là để giữ cho nó xài được lâu. Hôm nào ngủ nướng theo không kịp thì nhờ cây đuốc xua tan bóng đêm, xua tan nổi sợ hãi. Một lần vì vội quá tôi cầm lộn cái quần đen của mẹ, thế là đến nơi chỉ còn biết ôm quần đứng trước cổng nhà thờ mà khóc …

Tôi lớn lên như thế từ bóng râm của dừa, từ tấm lòng hiền hoà đạo đức của người quê xứ đạo. Còn nhớ những lần kiệu ảnh Đức Mẹ đi khắp mọi nẽo đường làng, ánh đuốc lá dừa bập bùng sáng cả đường đi, sáng cả tâm hồn người bổn đạo. Những ánh đuốc cháy trong đêm là những niềm tin rực sáng bám rễ giữa lòng cuộc đời.

Ánh sáng đuốc lá dừa đó cũng là thứ ánh sáng được tiếp nối từ máu các thánh tử đạo, máu của hơn hai ngàn người bị tàn sát dưới cơn bách hại kinh hoàng thời Văn Thân ngay tại cánh đồng gần Bồng Sơn.

Làm sao quên được những trò chơi trước sân nhà thờ : u mọi, dựt cờ, thảy lỗ, đánh trỗng, chơi vụ ( vụ ổi gầm, vụ trâm chạy, vụ dúi nhảy, vụ bồ lời u … )

Rồi trò chơi đánh giặc giả mà lựu đạn là những trái dừa non, súng là những ống thụt bắn bằng trái bồ lời. Chiến thắng thì khao quân bằng củ mì nướng, bằng cá tràu cắm câu nướng… Những dịp vui liên hoan thường diễn trò với những bài vè đồng dao mà giờ tôi còn nhớ một đoạn :

Đội nón hai vành là cái dân ngoài Huế

Thường hay cúng tế là cái dân Đồng Nai,

Trồng củ trồng khoai là cái dân ở rẫy

Thường hay gài bẫy là cái dân chăn trâu ,

Dân mồ côi là cái dân lạc mẹ,

Dân gỡ ghẻ là cái dân nhà thương,

Dân mang cương là cái dân cỡi ngựa,

Dân có cựa là cái dân gà trống .

Dân đánh trống là cái dân Gò Xoài,

Dân gạt dòi là cái dân ở cửa (biển Kim Bồng)

Dân gõ cửa là cái dân đi đêm,

Dân nói thêm là cái dân Quảng Ngãi,

Dân hay cãi là cái dân Bình Định

Ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên là nhà từ đường có mái lợp bằng lá dừa. Từ căn nhà đó, ông cố nội tôi đã chỉ giữ lại một người trai truởng để nối dõi tông đường, đó là ông nội tôi, còn ba người con trai khác là ông Năm, ông Tám và ông Mười thì được ông dâng cho Chúa. Cả ba đều chịu chức linh mục và phục vụ tại giáo phận Quy Nhơn. Ông nội tôi chỉ sinh được mỗi một người con là cha tôi nên cha tôi không đi tu .

Đến phiên mình, cha tôi cũng đã dâng cho Chúa tất cả những đứa con sinh ra dưới mái nhà lá dừa và 3 người đã chịu chức Linh Mục, còn một là nữ tu.

Dường như được những ngọn đuốc lá dừa ngày xưa soi lối gặp Chúa mỗi sáng, lại thêm được kế thừa dòng máu tử đạo của tiền nhân nên giáo dân Gò Xoài yêu thương và đùm bọc nhau một cách đặc biệt, dù xa xứ vẫn luôn đối xử với nhau như trong một gia đình. Ơn Chúa nhờ thế đã đổ xuống dư tràn, chỉ có vài trăm giáo dân mà giáo họ đã có được 18 Linh muc và 8 nữ tu.

Hiện nay vùng bắc Bình Định một vùng rộng lớn không còn xứ đạo, không còn nhà thờ và giáo xứ Gia Hựu cũng vậy. Nhưng tôi tin rằng ngọn đuốc lá dừa từng cháy mỗi sáng thuở xưa sẽ phả hơi nóng làm tan sương đêm giá lạnh, xua đi bóng tối mịt mùng và làm rực sáng lại niềm tin.

Sẽ một ngày xứ đạo của tôi được Phục Sinh ! Hỡi Gia Hựu mến yêu của tôi !

Ôi ngọn đuốc lung linh

Tiếp lửa ân tình từ ngọn nến Phục Sinh

Chúng ta bên nhau bằng hơi ấm vô hình

Làm biến đổi cả chuỗi ngày u tối …

Phương Hạc

Related posts