Tin thế giới 

Viện giáo vụ – Ngân hàng Vatican

Viện giáo vụ – Ngân hàng Vatican

WHĐ (28.05.2012) – Trong những ngày qua, sự kiện ông Ettore Gotti Tedeschi, giám đốc Viện giáo vụ (Ngân hàng Vatican) bị Hội đồng quản trị bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị cách chức, đã trở thành nguồn tin sốt dẻo cho các hãng thông tấn. Báo chí Việt Nam cũng đưa tin với những tựa đề hấp dẫn, chẳng hạn: “Bí ẩn trong ngân hàng Vatican” (Tuổi Trẻ, ngày 26-5-2012). Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Viện giáo vụ để đọc giả hiểu rõ bối cảnh của vụ việc.

Viện giáo vụ (Istituto per le Opere di Religione, Institute for the Works of Religion, viết tắt IOR), cũng được gọi là ngân hàng Vatican, được thành lập năm 1887 để giúp Đức giáo hoàng điều hành vấn đề tài chính của Giáo Hội. Khách hàng chủ yếu của ngân hàng này là các nhân viên và văn phòng của Vatican, các dòng tu, các giáo phận, các tổ chức bác ái công giáo và những tổ chức khác của Giáo Hội. Trước đây, nhiều giáo dân người Ý cũng có quan hệ với ngân hàng này, nhưng những cải tổ sau này đã giới hạn việc sử dụng ngân hàng cho các việc bái ái và các nhân viên Vatican mà thôi.

Theo sự cải tổ từ năm 1989, một hội đồng giám sát được thiết lập gồm năm chuyên viên tài chính, có trách nhiệm giám sát hoạt động của ngân hàng và chỉ định giám đốc. Thành viên của hội đồng này được tuyển chọn do tiểu ban gồm năm vị hồng y được chính Đức giáo hoàng chỉ định. Tiểu ban này có trách nhiệm bảo đảm cho ngân hàng hoạt động đúng quy chế. Theo lời giải thích của Đức hồng y Castillo (+2007), tiểu ban các hồng y chỉ giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, cụ thể là mối quan hệ với công chúng và với các cơ quan của giáo triều Rôma.

Ngân hàng Vatican cung cấp các dịch vụ ngân hàng như giữ tiền, đổi tiền và chuyển tiền cho các giáo phận, dòng tu, các tổ chức bác ái và tôn giáo khác. Ví dụ, việc gửi tiền tại ngân hàng này giúp cho các tổ chức công giáo không bị tịch thu tài khoản do các chính phủ không có thiện cảm với công giáo. Ngân hàng cũng giúp đỡ nhiều cho các tổ chức tôn giáo hoạt động tại nhiều quốc gia, ví dụ một dòng truyền giáo muốn gửi tiền cho cộng đoàn ở châu Phi, họ có thể giữ tài khoản bằng Mỹ kim tại ngân hàng Vatican và chỉ đổi thành tiền châu Phi khi cần thiết.

Lợi nhuận của ngân hàng được trình lên Đức giáo hoàng và phần lớn được ngài dùng vào việc giúp các Giáo hội có nhu cầu. Đức hồng y Castillo giải thích: “Có nhiều Giáo hội trong thế giới thứ ba và ngày nay tại Đông Âu cần sự giúp đỡ. Đức Thánh Cha cần có tiền để giúp nhiều việc: ở Rwanda, Mozambique và những nơi khác. Tất cả đều là việc bác ái, chỉ dành một phần nhỏ cho việc chi phí của giáo triều Rôma”.

Viện giáo vụ đã từng bị công kích về nhiều chuyện, từ việc giúp các nhà giàu ở Ý trốn thuế đến việc rửa tiền cho Mafia. Vụ việc ồn ào nhất là sự sụp đổ của Banco Ambrosiano năm 1982 mà Viện giáo vụ bị kết án là có dính líu. Người đứng đầu Viện giáo vụ lúc ấy là Tổng giám mục Paul Marcinkus, người Mỹ. Không ai nghĩ rằng ngài đã dùng vị thế cá nhân để kiếm lợi riêng nhưng nhiều người cho rằng ngài hơi ngây thơ khi quá tin tưởng Roberto Calvi là giám đốc ngân hàng Ambrosio lúc đó. Ba mươi ba người đã bị buộc tội trong vụ việc này, Roberto Calvi tự tử ở cầu Blackfriars tại Luân Đôn, riêng Tổng giám mục Marcinkus có quyền miễn trừ về ngoại giao nên chính phủ Ý không thể kết tội.

Nhiều khi, các tổ chức tôn giáo, cách riêng tại Ý, cũng có thể gây khó khăn cho ngân hàng Vatican, chẳng hạn khi họ dùng những tài khoản của mình để giúp các ân nhân tại Ý chuyển tiền ra nước ngoài mà không bị chính quyền Ý kiểm soát. Vì có hằng trăm hội dòng và tổ chức tôn giáo có tài khoản tại ngân hàng nên không dễ để kiểm soát được những lạm dụng này, do đó ngân hàng bị quy gán trách nhiệm là cộng tác với hoạt động rửa tiền.

Đôi khi ngân hàng Vatican cũng được sử dụng để tránh những hạn chế của các quốc gia về việc chuyển tài sản của Giáo Hội. Ví dụ, Tòa Thánh đã chống lại việc cấm vận kinh tế đối với Ba Lan sau khi nước này ban hành thiết quân luật năm 1981, và tiếp tục gửi tiền giúp Giáo Hội Ba Lan qua ngân hàng Vatican. Tương tự như thế, Tòa Thánh chống lại việc cấm vận kinh tế đối với Cuba, do đó những nguồn giúp đỡ từ Hoa Kỳ có thể gửi cho Giáo Hội Cuba qua ngân hàng Vatican, điều mà theo quy định của Hoa Kỳ là trái luật.

Ngoài những sai sót trong việc điều hành, không thể không nói đến sự tấn công từ bên ngoài. Đức hồng y Castillo nhận định: “Tại Ý, ảnh hưởng của Tam điểm rất lớn trong hoạt động ngân hàng và báo chí, và họ tấn công Tòa Thánh cũng như Viện giáo vụ cách dữ dội”.

Thiên Triệu

(Nguồn: Thomas J. Reese, Inside the Vatican, Harvard University Press, 1996)

Related posts