Thể thao tạo ra sự hiệp nhất và tình huynh đệ
Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia
Ngày mùng 8-6-2012 các cuộc đấu vòng loại tranh giải túc cầu Âu châu 2012 đã bắt đầu tại Ba Lan và Ucraine và sẽ kéo dài cho tới ngày mùng 1-7 tới đây. Các trận đấu vòng loại diễn ra giữa 16 đội tuyển tại 8 sân vận động của hai nước, và mỗi đội phải giao đấu ba lần, nếu không bị thua trong hai trận đầu. Đã có hơn 12 triệu người đặt mua vé, tức gia tăng 17% so với cách đây 4 năm. Giá vé xê xích giữa 30 Euro và 600 Euro trên khán đài chính trong trân đấu chung kết.
Để chuẩn bị cho biến cố này hai nước Ba Lan và Ucraine đã đầu tư các số tiền lớn cho việc xây các sân vận động nơi diễn ra các trận đấu vòng loại. Điển hình như sân vận động mới của thủ đô Varsava với kinh phí 320 triệu Euros. Giáo Hội hai nước cũng huy động nhân lực của mình để bảo đảm và đáp ứng các nhu cầu tinh thần của các đội banh cũng như của hàng triệu khán giả đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi đội banh quốc gia đều có hàng chục ngàn ủng hộ viên đi theo để cỗ võ tinh thần cho đội banh nhà.
Như qúy vị và các bạn đã biết Giáo Hội đã luôn luôn chú ý tới thể thao thể dục và dành cho chúng một vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường công giáo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần rất lớn trong việc phát triển quan niệm công giáo về thể thao thể dục. Là người tiếp tục các vị tiền nhiệm là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, với các kinh nghiệm riêng và tư tưởng của mình Đức Wojtila đã tạo ra một nền tảng khoa học giáo dục cho thể thao thể dục, trong các khía cạnh khác nhau của nó như bản thể học, nhân chủng học, luân lý đạo đức và thần học. Các bài giáo lý của người về đề tài thần học thân xác đề cao giá trị của bản vị con người và yểm trợ những người tìm tái lập một quan niệm quân bình đúng đắn đối với thân xác con người, được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Người và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc qua việc nhập thể, cuộc khổ nạn cái chết và sự phục sinh của Người.
Với xác tín về sự thánh thiện của thân xác con người, Đức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ khẳng định như sau: ”Ý thức về tiềm năng giáo dục và tinh thần của thể thao, các tín hữu và người thiện chí phải hiệp nhất với nhau trong cuộc chiến chống lại bất cứ lệch lạc nào, có thể len lỏi vào đó, vì chúng là một chướng ngại đối với một sự phát triển toàn vẹn của con người và đối với niềm vui trong cuộc sống con người. Cần phải bảo vệ thân thể con người khỏi các mưu sát khác nhau chống lại sự toàn vẹn của nó, và khỏi bất cứ khai thác bóc lột hay tôn thờ thần tượng nào”.
Trong buổi tiếp kiến các lực sĩ thế giới về Roma mừng Năm Thánh 2000 Đức Gioan Phaolô II nói: ”Thể thao chắc chắn là một trong các biểu lộ quan trọng nhất, có khả năng chuyển đạt các giá trị nhân bản và tinh thần sâu xa, nếu nó được thực thi trong tinh thần tôn trọng các luật lệ. Tuy nhiên nó cũng có thể chống lại các luật lệ và các mục đích, nếu nó phục vụ các lợi lộc xa lạ với các lợi lộc chính của nó; các lợi lộc xa lạ ấy không tôn trọng vai trò trung tâm của bản vị con người. Rất tiếc là có những biểu lộ của sự khủng hoảng mgày càng dễ thấy hơn, thường đe dọa các giá trị luân lý đạo đức nền tảng của thể thao. Bên cạnh loại thể thao cao thượng hóa thân thể con người, có loại thể thao gây thiệt hại cho con người, hạ nhục và phản bội con người. Bên cạnh loại thể thao phục vụ các lý tưởng cao qúy cũng có loại thể thao chỉ kiếm tiền; bên cạnh loại thể thao hiệp nhất có thể thao chia rẽ” (10-10-2000). Thật vậy, nếu được thực thi một cách đúng đắn, thể thao là dụng cụ phát triển con người, thăng tiến hòa bình và tình huynh đệ rất hữu hiệu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia về giải túc cầu âu châu 2012. Đức Hồng Y đã từng là bí thư riêng của Đức Gioan Phaolô II trong 40 năm trời.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y nghĩ gì về giải bóng đá Âu châu 2012 đang diễn ra tại Ba Lan và Ucraine, có hàng triệu người tham dự và hàng trăm triệu người theo dõi trên các đài phát thanh truyền hình?
Đáp: Giải bóng đá Âu châu 2012 giải tỏa sự chia rẽ vẫn còn giữa Đông và Tây Âu, bởi vì tuy bức tường Berlin đã sụp đổ, nhưng trong tâm hồn của người dân vẫn còn có sự chia rẽ giữa Đông và Tây Âu. Vì thế chắc chắn là các cuộc giao đấu này giúp củng cố sự hiệp nhất của Âu châu.
Hỏi: Mọi người đều chú ý nhìn vào Ba Lan. Sự thay đổi trên bình diện xã hội và văn hóa tại đây có thực sự không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Chắc chắn đây là điều có thực chứ. Nước Ba Lan ngày nay khác với nước Ba Lan dười thời chế đô độc tài mác xít. Sự tự do đã khơi dậy việc canh tân kinh tế, nhưng cũng tạo ra sự thay đổi văn hóa. Tôi nghĩ rằng Ba Lan đã được chuẩn bị cho sự thay đổi này. Giờ đây nó phải tiến bước mà không đánh mất đi sợi chỉ tinh thần dẫn đường đã đồng hành với nhân dân Ba Lan kitô từ bao thế kỷ qua.
Hỏi: Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết trong sứ điệp gửi các Giám Mục Ba Lan, túc cầu và thể thao có thể chống lại các ích kỷ của thời đại chúng ta như thế nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Dĩ nhiên là bằng cách sống tinh thần thể thao một cách tốt đẹp. Bời vì qúy vị biết rằng trong sinh hoạt bóng đá cũng đã có thời gian xảy ra các vụ đấm đá nhau, các hành động bạo lực và cả khủng bố phá hoại nữa. Chúng ta phải tìm cách tránh tất cả những điều đó và vì cuộc tranh giải túc cầu Âu châu còn đang ở trong những ngày đầu, chúng ta hy vọng rằng mọi sự diễn tiến tốt đẹp, theo tinh thần thể thao.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khi nói tới thể thao thể dục người ta nghĩ ngay tới Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đức Karol Wojtila thường đến sân vận động để xem đội bóng đá của Cracovia hay người đã thích đội Wilsa Cracovia là đội banh đã được người tiếp kiến tại Vaticăng, khi đội này đến Roma đấu với đội Lazio ngày 20 tháng 2 năm 2003, có đúng thế không?
Đáp: Đức Thánh Cha đã không đi xem đá bóng ở sân vận động, nhưng người theo dõi các trận đấu trên báo chí, qua radio và truyền hình. Người chú ý tới thể thao vì chính người cũng chơi thể thao.
Hỏi: Người ta thường bàn tán về cảm tình mà Đức Gioan Phaolô II dành cho một vài đội banh Italia. Có người cho rằng Đức Karol thích đội banh Lazio, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Đức Gioan Phaolo II ưa thích thể thao và bóng đá Italia. Tôi phải nói rằng người đã ủng hộ đội banh Roma. Nhưng mà như là Đức Giáo Hoàng người phải ở bên trên tất cả những tâm tình đó.
Hỏi: Trở lại với giải túc cầu Âu châu 2012. Để chống lại chủ trương kỳ thị chủng tộc và bài do thái, các đội banh của Hòa Lan và Italia đã viếng thăm trại tập trung Đức quốc xã Auschwitz. Đức Hồng Y nhận thấy có cái gì đang thay đổi trong cảm quan của các cầu thủ bóng đá hay không?
Đáp: Có vài môi trường Âu châu nào đó muốn cho thấy hình ảnh này. Tại Ba Lan này và tôi nghĩ rằng cả tại Ucraine nữa, nhưng tôi chỉ nói nhân danh Ba Lan thội, tuyệt đối là không có kỳ thị chủng tộc. Trái lại người dân có thiện cảm đối với những người da mầu và người do thái. Có vài môi trường Tây phương muốn áp đặt tư tưởng kỳ thị chủng tộc và bài do thái, nên họ làm thế.
Hỏi: Ngày 12-6 hai đội ba Lan và Nga đấu với nhau. Bóng đá có thể làm giảm bớt đả kích giữa hai dân tộc này hay không? Có người sợ có các cuộc biểu tình của người Nga tại thủ đô Varsava như đã loan báo, trong những ngày tưởng niệm thảm cảnh rớt máy bay, trong đó nguyên tổng thống Ba Lan đã bị thiệt mạng. Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Tôi không nghĩ như thế. Giữa hai dân tộc Ba Lan và Nga hiện nay không có vấn đề. Trước đây đã có vấn đề với chủ nghĩa cộng sản mác xít, chứ không phải với người dân Nga, bởi vì dân tộc Nga là một dân tộc tốt lành, một dân tộc nhậy cảm đối với nền văn hóa, đối với thể thao thể dục.
Hỏi: Hai cầu thủ người Ba Lan Klose và Podolski đã chọn quốc tịch Đức. Xem ra người dân Ba Lan không thích đội tuyển quốc gia gồm nhiều thành phần có quốc tịch khác, con cái của những người Ba Lan di cư sống ở nước ngoài. Có người cho rằng họ cũng chẳng biết quốc ca Ba Lan nữa. Đức Hồng Y có đồng ý không?
Đáp: Có nhiều ý kiến khác nhau mà người ta có thể đọc trên báo chí. Những người gốc Ba Lan chơi trong các đội banh ở nước ngoài tham dự giải túc cầu Âu châu khiến cho chúng hài lòng, vì họ đá giỏi.
Hỏi: Cá độ bóng đá là một hiện tượng tại Italia nhưng cũng là hiện tượng của Ba Lan nữa. Hiện đang xảy ra các vụ kiện tụng và xử án. Đức Hồng Y nghĩ gì về hiện tượng này?
Đáp: Luôn luôn xảy ra chuyện tương tự trong lãnh vực hành xử thể thao.
Hỏi: Đức Hồng Y có theo dõi vài trận đấu của giải túc cầu lần này hay không, và Đức Hồng Y có thích bóng đá không?
Đáp: Có, tôi đã coi bốn đội giao đấu và tôi thấy đội bóng của Nga rất mạnb. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ các đội khác như Italia và Tây Ban Nha. Chắc chắn sẽ là các trận đấu thể thao có mức độ rất cao. Rất tiếc là các đội này gặp nhau ở ngay vòng đầu của giải túc cầu Âu châu. Và dĩ nhiên là tôi theo dõi chứ.
Hỏi: Thế Đức Hồng Y thấy lộ trình của đội banh Ba Lan như thế nào?
Đáp: Trong lúc này đây thì đội banh của Ba Lan không mạnh lắm, nhưng tôi hy vọng là nó có thể tiếp tục tiến tới.
Hỏi: Thế theo Đức Hồng Y thì ai sẽ thắng giải túc cầu lần này?
Đáp: Tôi không muốn nói gì cả. Tôi đã đoán sai, khi cho rằng đội banh Ba Lan sẽ thắng, nhưng trái lại đã chỉ huề thôi. Đã không có ai nghĩ rằng trận đấu giữa đội của Nga và đội của Cộng Hòa Tchèques đã nổi đình đám như vậy. Vì thế mọi sự đều rộng mở. Nếu Italia mà thắng, thì dĩ nhiên là tôi hoan hô chứ. Tôi xin cám ơn qúy vị. Xin qúy vị giúp các tín hữu kitô hiểu rằng thể thao thể dục quan trọng, nhất là đối với việc thăng tiến nhân bản và phát triển con người.
(RG 10-6-2012)
Linh Tiến Khải
R. Vatican