Chức tư tế trong Thánh Kinh Cựu Ước
Khi tầm nguyên lịch sử chức tư tế trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta thấy các tổ phụ Abraham, Igiaác và Giacóp đã tự mình dựng bàn thờ dâng của lễ lên cho Thiên Chúa. Các văn bản đầu tiên nhắc tới các tư tế ngoại giáo, chứ không phải do thái giáo. Điển hình là trường hợp tư tế Melkixêđê, vua Salem (St 14,18), và ông Giêtrô tư tế Madian (Xh 2,16), bố vợ ông Môshê. Các văn bản sách Sáng Thế có đề cập tới các Lêvi, nhưng không nhắc tới chức tư tế.
Chỉ khi dân Israel bắt đầu ý thức mình là một dân tộc, mới bắt đầu có các tư tế. Chương 28 sách Xuất Hành đề cập tới lệnh Thiên Chúa truyền cho ông Môshê tách rời Aharon và các con trai ông ra khỏi dân Israel, để họ phục vụ Người trong chức vị tư tế. Cả chương được dành để miêu tả y phục của các tư tế là áo ephốt, túi đeo trên ngực, áo khoác, dấu thánh hiến, và áo dài cho các con của ông Aharon. Đặc biệt huy hiệu của tư tế Aharon được miêu tả như sau: ”Ngươi sẽ làm một huy hiệu bằng vàng ròng. Ngươi sẽ khắc trên đó những chữ sau đây, theo kiểu khắc dấu ấn: ”Thánh hiến cho Giavê”. Ngươi sẽ đính huy hiệu đó trên một dây bằng chỉ đỏ tía buộc vào mũ tế; huy hiệu đó sẽ ở trước mặt mũ tế. Huy hiệu đó sẽ ở trên trán Aharon. Như vậy Aharon sẽ mang lấy những lỗi lầm con cái Israel đã phạm liên quan đến những của thánh, khi chúng thánh hiến những lễ vật thánh. Huy hiệu đó sẽ luôn luôn trên trán ông, để Giavê đoái nhận những của lễ ấy” (Xh 28,36-38).
Tiếp đến chương 29 sách Xuất Hành miêu tả lễ thánh hiến ông Aharon và các con ông làm tư tế của Thiên Chúa.
Bộ Ngũ Thư đưa ra nhiều giải thích đặc ân của các tư tế. Có một truyền thống cổ xưa kể rằng chức tư tế được phong cho các Lêvi như việc tưởng thưởng cho sự hăng hái hy sinh của họ trong việc trừng phạt dân Israel bất trung chạy theo tôn thờ con bò vàng. Tư tế Aharon đã có trách nhiệm rất lớn, vì đã nhu nhược nghe theo lời dân chúng xin làm cho họ một vị thần. Và thế là ông đã lấy vàng của họ đúc ra con bê, và dẫn Israel tới tội tôn thờ thần giả, rồi ăn uống nhảy múa và truy hoan (Xh 32,1-6.21-24). Chương 32 sách Xuất Hành cho thấy thảm cảnh của tư tế Aharon, người lãnh đạo nhu nhược đã nhượng bộ các áp lực của dân chúng và phạm tội dẫn toàn dân đi vào con đường lầm lạc, ở đây là phạm tội chối bỏ Giavê Thiên Chúa để tôn thờ con bò vàng.
Văn bản kể rằng: Ông Môshê thấy dân sống buông thả, vì ông Aharon đã để cho họ sống buông thả, khiến cho họ nên trò cười cho địch thù của họ. Ông Môshê đứng ở cổng trại và hô: ”Ai thờ Giavê thì theo tôi!” Tất cả con cái ông Lêvi đều tập họp bên ông Môshê. ông bảo họ: ”Giavê Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Mỗi người hãy đeo gươm vào. Hãy đi đi lại lại trong khắp trại, từ cửa này sang cửa khác mà giết: kẻ thì giết anh em mình, người thì giết bạn hữu, kẻ thì giết người thân cận của mình”. Con cái ông Lêvi đã làm theo lời ông Môshê; trong ngày ấy, có ba ngàn người trong dân đã ngã gục. Ông Môshê nói: ”Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ Giavê, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì đã hy sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay” (Xh 32,25-29). Các Lêvi đã báo thù tội phản bội Giavê Thiên Chúa bằng gươm và đã xứng đáng được phong làm tư tế.
Sách Dân Số chương 25 cũng kể lại một câu chuyện tương tự liên quan tới Pinkhát, cháu của tư tế Aharon. Khi dân Israel trú ngụ tại Sittim, họ bắt đầu dâm đãng với gái Moab. Con gái Moab rủ rê dân Israel thờ cúng các thần của chúng ăn uống và thờ lậy các thần của chúng. Israel bán mình cho thần Baal Peor. Thiên Chúa truyền cho ông Môshê trừng phạt các thủ lãnh đã phạm tội tôn thờ thần Baal. Ông Môshê ra lệnh cho các thẩm phám giết những kẻ đã bán mình cho thần Baal Peor. Bỗng một người Israel xuất hiện dẫn theo một gái Madian về nhà, ngay trước mắt ông Môshê và toàn thể cộng đồng con cái Israel lúc ấy đang khóc lóc tại cửa lều Hội Ngộ. Thấy thế ông Pinkhát con của Eleazar, cháu tư tế Aharon, liền cầm một chiếc giáo trong tay đi theo người Israel vào phòng hắn và dâm chết cả hai người. Thế là chấm dứt tai ương đe dọa con cái Israel… Giavê phán bảo ông Môshê rằng Pinkhát con của Eleazar cháu tư tế Aharon, đã ngăn Ta trút cơn phẫn nộ xuống con cái Israel, khi nó cũng nổi ghen như Ta, chống lại bọn người kia. Vì vậy Ta không tiêu diệt con cái Israel trong cơn ghen của Ta. Cho nên, ngươi hãy bảo nó: Này, Ta ban cho nó giao ước bình an của Ta. Đối với nó cũng như con cháu nó sau này, đó sẽ là giao ước bảo đảm cho nó chức tư tế đời đời, bởi vì nó đã nổi ghen cho Thiên Chúa của nó, và làm cho con cái Israel được xá tội” (Ds 25,1-13)
Trong các văn bản kể trên chức tư tế được đặt trong viễn tượng một sự gắn bó cương quyết trung thành với Giavê Thiên Chúa, với hậu qủa là việc triệt để chống lại tội lỗi và những kẻ có tội. Chúng ta tìm thấy cùng viễn tượng này vào thời nhà Seleucít bách hại dân Israel hồi thế kỷ thứ II trước công nguyên. Sách Macabây I chương 2 kể rằng Vua Antioco IV Epifane ra sắc chỉ bắt buộc tín hữu Do thái tế lễ cho các thần ngoại giáo. Khi đến thành Modin các viên chức của vua nói với tư tế Mattatia rằng: ” Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ. Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Giuđa và những người còn ở lại Giêrusalem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc”. Ông Mattatia lớn tiếng đáp lại: ”Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc có nghe lời vua và ai cũng từ chối bỏ việc thờ phượng cảu cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái”. Ông vừa dứt lời thì có một người Do thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Modin theo chỉ dụ của vua. Trước cảnh tượng đó, ông Mattatia bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pinkhát trong vụ Dimri, con của Salu. Rồi ông Mattatia rảo khắp thành và hô lớn tiếng: ”Ai nhiệt thành với Lề Luật và tuân giữ Giao ước, hãy theo tôi!”. Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản” (1 Mcb 2,15-28). Phong trào kháng chiến Macabây bắt nguồn từ đó.
Có một truyền thống khác giải thích việc đặt các Lêvi với việc thay thế. Các Lêvi thế vào chỗ của các con đầu lòng của dân Israel. Bình thường người con trưởng của mỗi gia đình phải được thánh hiến cho việc phụng tự của Thiên Chúa. Và một thầy Lêvi thay thế vào đó như viết trong chương 3 sách Dân Số, là chương nói về chi tộc Lêvi và các Lêvi: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Đây, chính Ta đã chọn các thầy Lêvi giữa con cái Israel thay thế tất cả các trưởng nam, các con đầu lòng trong số con cái Israel, cho nên các thầy Lêvi thuộc về Ta. Thật vậy, tất cả các con đầu lòng đều thuộc về Ta, từ ngày Ta đánh phạt tất cả các con đầu lòng trong đất Ai Cập; Ta đã thánh hiến cho Ta tất cả các con đầu lòng trong Israel, của loài người cũng như của súc vật: chúng thuộc về Ta. Ta là Giavê” (Ds 3,11-13). Xa hơn Thiên Chúa phán: ”Ta là Giavê hãy dành các người Lêvi cho Ta thay cho tất cả các trưởng nam trong số con cái Israel, và hãy dành súc vật của các người Lêvi thay cho tất cả các con vật đầu lòng trong đàn vật của con cái Israel” (Ds 3,41). ”Thật vậy, chúng được dâng hiến, được dâng hiến cho Ta, từ giữa con cái Israel. Ta đã chọn chúng làm của riêng Ta, thay thế cho tất cả các con đầu lòng, các trưởng nam của con cái Israel” (Ds 8,16).
Quyền của Giavê Thiên Chúa trên mọi con đầu lòng có thể được gắn liền với việc dâng các của đầu mùa. Nhưng Bộ Ngũ Thư gắn liền nó với tai ương cuối cùng bên Ai Cập: khi các con đầu lòng của người Ai Cập bị tận diệt, thì các con đầu lòng của người Do thái được giữ gìn. Như thế Thiên Chúa đã ”thánh hiến chúng cho Người” và nhờ thế các con đầu lòng của người Do thái được cứu thoát. Thế rồi các Lêvi đã được tuyển chọn để thay thế cho các con đầu lòng của người Do thái lo việc phụng tự cho Thiên Chúa. Điều được truyền thống này nêu bật đó là sự cần thiết phải có một đại diện của dân lo cho các việc tế tự. Vì toàn dân không thể liên tục làm việc phụng tự được. Do đó phải có một vài người được lựa chọn theo các chỉ dẫn của Thiên Chúa để đảm trách các công tác ấy. Như vậy các thầy Lêvi, các tư tế là những người được tuyển chọn để phụng sự Thiên Chúa thay cho dân.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1109)
Linh Tiến Khải