Bài giảng lễ mừng bổn mạng Đức cha Matthêu
Có câu chuyện dụ ngôn kia kể rằng: một người kia đi bắt chuột con về nuôi rắn. Ông thả chú chuột con vào chiếc lồng nuôi có con rắn đang nằm ngủ trên đống mùn cưa. Con chuột bé nhỏ bổng nhiên gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Bất cứ lúc nào nó cũng có thể bị nuốt sống. Dĩ nhiên, chú chuột con cần có một kế hoạch nào đó nếu không muốn chết. Nó làm gì? Nó phủ mùn cưa lên mình con rắn cho đến khi con rắn hoàn toàn nằm dưới lớp mùn cưa. Làm xong việc, con chuột cứ nghĩ rằng mình đã giải quyết được vấn đề sinh tử của mình. Tuy nhiên, giải pháp của vấn đề chỉ có thể đến từ bên ngoài: người chủ thấy tội nghiệp con chuột bé nhỏ nên đã đem nó ra khỏi chuồng rắn. Bài học của dụ ngôn dành cho chúng ta là: cho dù cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể che giấu, phủ nhận hay lờ tội lỗi đi. Tội lỗi cũng giống như con rắn kia, nó có thể tỉnh giấc, thoát khỏi vỏ bọc và vồ lấy chúng ta. Nếu không có ân sủng cứu độ của Thiên Chúa thì tội lỗi sẽ nuốt chửng chúng ta.
Câu chuyện dụ ngôn là một minh họa cho ơn gọi của Thánh Matthêu mà chúng ta vừa mới nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc đời của Thánh Matthêu sẽ ra sao nếu không có bàn tay Chúa Giêsu kéo ông ra khỏi bàn chiếc thu thuế ở Capharnaum? Là một người thu thuế cho quân chiếm đóng Roma, dưới mắt đồng bào ông, không có một tên gọi nào khác dành cho ông ngoài người tội lỗi và phản quốc. Chính ông cũng không che giấu nghề nghiệp đầy thị phi của mình. Matthêu đã không tốn nhiều giấy mực để ba hoa về bản thân và ơn gọi của mình, ông chỉ viết đơn giản như không thể nào ngắn gọn hơn: “Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đấy, Ngài thấy một người tên Matthêu ngồi ở bàn thu thuế” (Mt 9, 9). Đây là lời tự thuật đầy khiêm tốn của Matthêu. Mặc dù vẫn biết rằng nhiều người, nhiều thế hệ sẽ đọc những gì ông viết nhưng không vì thế mà ông che giấu sự thật nhằm nâng tầm giá trị mình lên để “khè” thiên hạ. Ông muốn mọi thế hệ đọc Tin Mừng Matthêu sẽ biết ông thuộc hạng người nào – một người thu thuế tội lỗi. Thánh Giêrônimô trong Chú giải Tin Mừng Matthêu đã nói rằng: “Ông đã viết rõ tên và nghề nghiệp đầy tai tiếng của mình trong khi các tác giả Tin Mừng khác đã quảng đại bao che cho ông dưới một cái tên khác (là Lêvi) ..… Matthêu tự nhận mình là người thu thuế tội lỗi để nói cho các độc giả biết rằng không ai phải thất vọng về phần rỗi của chính mình, bởi vì chính ông cũng đã đột ngột thay đổi từ một người thu thuế thành một tông đồ”.
Khi đi ngang qua bàn thuế, Chúa Giêsu nói với Matthêu “Hãy theo tôi”. Lời mời gọi được đáp ứng ngay lập tức. “Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9, 9). Đây không phải lệnh tổng động viên cưỡng bức của Chúa Giêsu mà chỉ là một lời mời gọi mở. Có thể Matthêu đã từng nghe tiếng hoặc nhìn thấy Chúa Giêsu trước đó. Có thể ông đã từng bị ấn tượng bởi những lời đầy uy quyền và những hành động quyền năng của Ngài. Có thể trong thâm tâm ông cũng đã đi đến một quyết định riêng tư nào đó cho cuộc đời còn lại của mình, nhưng với mặc cảm tội lỗi, ông đành chôn giấu ý định tận đáy lòng. Thế nhưng ngày ấy đã đến như một định mệnh. Ông chưa bao giờ có chút hy vọng rằng Chúa Giêsu sẽ ngỏ lời trực tiếp với con người tội lỗi công khai như ông. Ông đáp ứng ngay như sợ thời gian làm vuột mất cơ hội. Ông không xin cho thêm thời gian suy nghĩ, cũng không buồn sầu bỏ đi như chàng thanh niên giàu có (Mt 19, 16-22) mặc dù chính bản thân ông cũng thuộc “hạng có máu mặt”. Ông chỉ xin mời Chúa Giêsu và các môn đệ đến tệ xá để vui cùng gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp của ông. Ngay cả bữa tiệc này ông cũng không nói ra. Tin Mừng Matthêu chỉ nói rằng người thu thuế đứng dậy và theo Chúa Giêsu ngay sau lời mời “Hãy theo tôi”, điều này dễ khiến chúng ta cứ tưởng bữa tiệc sau đó được tổ chức tại nhà người quen của Chúa Giêsu. Nhưng chính Thánh Luca lại tiết lộ “tin bí mật” rằng: Này! Nói nhỏ cho mà nghe nhé! “Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông” (Lc 5, 29). Có thể trước một hồng ân quá lớn lao đã lãnh nhận, ông không biết làm thế nào để tạ ơn Chúa cho cân xứng, một bữa tiệc dầu cho có tiêu tốn đến cả gia tài thì chẳng kể xá gì với hồng ân nhận lãnh, cho nên ông đã không nhắc đến. Đến nhà mới thấy ông là một đại gia bởi vì một căn nhà có thể chứa từng ấy người để tiệc tùng thì không phải là căn nhà nhỏ. Và khách mời của ông thuộc hạng người mà phái Pharisiêu thầm thì với các môn đệ rằng “toàn là những người tội lỗi”. Có thể trưa nay Đức Cha Matthêu sẽ mời nhiều người đến dự tiệc mừng bổn mạng nhưng đừng ai liên hệ đến khách mời của Thánh Matthêu để rồi hiểu nhầm thiện ý của Đức Cha cho rằng ngài có ý xỏ xiên ai đó. Nhưng xét cho cùng là người tội lỗi cũng chẳng sao bởi vì Thánh Gioan cũng đã nói rằng: không ai là không có tội (1 Ga 1, 8-10). Vậy thì chúng ta cứ vui vẻ đến dự tiệc của Đức Cha mà chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Và chỉ cần nhớ lấy một điều là sau bữa tiệc, cuộc đời của Thánh Matthêu đã hoàn toàn thay đổi. Ông đã “đứng dậy”!
Có điều gì đó rất có ý nghĩa trong hành động “đứng dậy” của Matthêu. Từ “đứng dậy” trong tiếng Hy Lạp cũng là từ được dùng để chỉ sự phục sinh. Chúa Giêsu đứng dậy, chỗi dậy từ cõi chết. Đây chính xác là ý nghĩa của việc theo Chúa: nó thay đổi hẳn con người chúng ta như một cuộc phục sinh, sống một đời sống mới. Khi đứng dậy và theo Chúa, cuộc đời ông đã thay đổi hẳn. Từ một người bị khinh rẻ trong xã hội, ông trở thành người ngồi cùng bàn với Chúa. Ông không còn ở vị trí bên lề mà bước vào vị trí trung tâm. Điều đó không dễ dàng đối với Matthêu. Ông đã phải bỏ mọi sự đằng sau, cả con người cũ lẫn nghề nghiệp cũ. Ông đã “đứng dậy”!
Matthêu đã đánh đổi tất cả trong hành động “đứng dậy”. Thánh Matthêu đã đánh mất gì và tìm lại được gì? Ông đã bỏ lại gì và đem theo cái gì? Ông đã mất đi một công việc nhàn nhã thu nhập cao nhưng tìm lại được hướng đi cho cuộc đời mình như một định mệnh. Ông đã mất đi một nguồn lợi tức khủng nhưng tìm lại được danh dự và vinh dự. Và khi rời bỏ bàn thu thuế ông chỉ cầm theo một vật dụng quen thuộc duy nhất là cây bút. Chính nhờ cây bút mang theo này mà chúng ta có được Tin Mừng Thánh Matthêu. Ông ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu như một cách tạ ơn Đấng đã kéo mình ra khỏi chiếc bàn thu thuế. Nghề thu thuế đã dạy ông cách cầm bút nhưng chính nghiệp tông đồ đã dạy ông cách viết Tin Mừng. Ông đã chuyển từ việc ghi lại những con số thành những con chữ để ghi lại cho hậu thế những lời giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu. Ông đã chuyển từ những con số chính xác trong “excel” sang những con chữ trong “word” cũng với một sự chính xác tương tự. Chính nhờ cây bút giữ lại của Thánh Matthêu mà chúng ta biết được Chúa Giêsu không chỉ là Vua dân Do Thái mà còn là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta. Các Tin Mừng khác thuật lại chi tiết về sự khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu nhưng chỉ có Thánh Matthêu giải thích Bữa Tối cuối cùng của Chúa bằng những hạn từ của sự thứ tha tội lỗi, một kinh nghiệm mà ông không bao giờ quên được trong cuộc đời mình và không ngừng tạ ơn Chúa. Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Trong hình ảnh của Thánh Matthêu, Tin Mừng trình bày cho chúng ta một nghịch lý: những người xa cách sự thánh thiện nhất cũng có thể là mẫu gương về sự đón nhận lòng thương xót Chúa và những kết quả kỳ diệu của nó trong cuộc sống mình” (Tiếp kiến chung ngày 30/8/2006)
Và kính thưa quý OBACE
Hôm nay, chúng ta họp nhau đây để dâng thánh lễ với ý tạ ơn cùng với Đức Cha Matthêu nhân ngày bổn mạng. “Matthêu” là tên gọi từ tiếng Do Thái Mattathia có nghĩa là “món quà của Thiên Chúa”. Theo một nghĩa nào đó, Đức cha Matthêu cũng là món quà mà Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta. Có lẽ đây là món quà quý và dễ vỡ cho nên được bao bì kỹ lưỡng, giấy bưu điện ký nhận ngày 4/2/2010 mà cho đến 30/6/2012 vừa qua mới được mở ra được. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì đã nhận được quà. Đức Cha Matthêu tạ ơn Chúa vì đã sử dụng mình như một món quà cho dân Chúa. Lời tạ ơn thì vô cùng và phải nói lên hằng ngày trong suốt cả cuộc đời. Những lời cầu chúc chúng ta xin gác lại và nhường lại sau thánh lễ. Trong thánh lễ này chúng ta hiệp cùng với Đức Cha Matthêu để tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho ngài dù cho việc đọc tên thánh của Đức cha trong lời nguyện thánh thể vẫn còn cần có sự cố gắng và tập trung vì thời gian còn khá mới. Chúng ta cầu cho Đức cha được giống với vị thánh bổn mạng, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Cũng như ngày xưa Thánh Matthêu rời bàn thu thuế chỉ mang theo cây bút để viết nên Tin Mừng như một lời tạ ơn, chúng ta cầu xin cho Đức cha Matthêu luôn dắt theo cây cọ để vẽ nên bức chân dung của Chúa trong tâm hồn mọi người, tô điểm cho bức tranh giáo phận ngày càng tươi đẹp và nhiều màu sắc hơn. Cùng với Đức cha Matthêu, chúng ta hiệp ý tạ ơn Chúa vì những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho ngài và qua ngài đến với chúng ta. Xin Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của chúng con. Amen.