Cần thay đổi hệ thống kinh tế tài chánh thương mại hiện hành trên thế giới
Phỏng vấn Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa Honduras (1/2)
Vào dịp cuối năm người ta thường đúc kết các sinh hoạt và kiểm điểm kết qủa của chúng. Điều nay cũng đúng đối với nhiều tổ chức của Giáo Hội điển hình như tổ chức Caritas Quốc Tế, mà Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga là chủ tịch. Theo ”Ủy ban Diễn đàn thành thị thế giới” của Liên Hiệp Quốc, châu Mỹ Latinh là vùng có nhiều chênh lệch giữa người giầu và người nghèo nhất thế giới. Khoảng gần 20% tổng số dân chiếm hữu 60% tài sản của toàn vùng này. Và tình trạng đã kéo dài từ nhiều thập niên qua này chẳng những đã không giảm bớt, mà ngày càng gia tăng.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa Honduras, về sự cần thiết thay đổi hệ thống kinh tế tài chánh thương mại hiện hành trên thế giới ngày nay, vì nó không nhắm bài trừ nạn nghèo đói.
Bài phỏng vấn do bà Maria Lorenzo thực hiện cho chương trình ”Nơi đâu Chúa khóc” của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đăng trên hãng tin ZENIT trong hai ngày 18 và 19 tháng 12 năm 2012.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã không ngừng tố cáo nạn bất công xã hội tại bất cứ đâu. Đức Hồng Y có phải trả giá cho các hậu qủa của hành động can đảm này không?
Đáp: Nếu chúng ta là các người theo Chúa Giêsu, thì chính Chúa đã nói rằng môn đệ không hơn thầy. Chúa Giêsu đã dậy dỗ chúng ta bằng chính cuộc sống của Người rằng: nói lên sự thật và rao giảng Tin Mừng bao gồm hậu qủa bị bách hại. Vì thế nó là địp dể trở nên đồng hình dạng hơn một chút với thập giá của Đấng Cứu Thế. Chắc chắn rồi, thường xảy ra là có các lời nguyền rủa và đôi khi cả các tấn kích vật lý nữa. Nhưng cũng phải nói rằng thường khi chúng tôi nhận được lời cầu nguyện, và tôi cố gắng sống theo lương tâm một cách đơn sơ và theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh, nhất là sống theo Tin Mừng, và tìm cách hành động tốt chừng nào có thể.
Hỏi: Đức Hồng Y là thành viên của nhiều Bộ và Hội Đồng, trong đó có Bộ Tu Sĩ, Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Hội Đồng Tòa Thánh về Truyên thông xã hội và Hội Đồng Tòa Thánh về Châu Mỹ Latinh và Đức Hồng Y cũng là Chủ tịch của Caritas Quốc Tế… Đức Hồng Y tìm đâu ra giờ để ”xạc điện” cho cuộc sống vậy?
Đáp: Thánh Don Bosco đã nói rằng một tu sĩ Salesien sẽ chỉ nghỉ ngơi trên trời, vì thế chúng tôi hy vọng rằng với lòng thương xót của Chúa, tôi có thể đạt tới quê trời. Thật luôn luôn tốt sự kiện chúng ta dành thời giờ nhất là cho việc cầu nguyện. Đối với tôi đó là lúc nghỉ ngơi, để lấy lại sức một cách thiêng liêng, và cũng là một lúc mà tôi cho là rất quan trọng trong cuộc sống của mình: cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện cộng đoàn, cử hành Thánh Thể, và đặc biệt là Lectio divina, đọc suy gẫm và cầu nguyện với Thánh Kinh, là điều dưỡng nuôi tinh thần của tôi rất nhiều: đó là sự nghỉ ngơi của tôi.
Hỏi: Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras hồi năm 2009, Đức Hồng Y đã nói rằng có người tìm cách thiết lập một cách có hệ thống sự thù hận giai cấp trong nước, đây là điều trước đó chưa có. Trên bình diện này thì cuộc khủng hoảng có để lại dấu vết nào không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Có, nó đã để lại các dấu vết sâu đậm, và còn tiếp tục nữa. Có một ngôn ngữ mà chúng tôi đã tin là thắng vượt được, đó là thứ ngôn ngữ của người mác xít. Xem ra người ta đã muốn làm sống dậy ý thức hệ mác xít, là ý thức hệ đã gây ra biết bao nhiêu khổ đau, chết chóc, thù hận và những điều này hiện nay vẫn còn hiện hữu. Trên thế giới người ta nói rất nhiều về sự khoan nhượng, nhưng mà tôi không thích từ này, vì nó diễn tả sự ”chịu đựng bất đắc dĩ”. Đối với tôi, cần phải đi xa hơn sự khoan nhượng, nghĩa là cần phải chấp nhận: tôi chấp nhận qúy vị như là một người, tôi chấp nhận qúy vị như là một người con của Thiên Chúa, tôi tôn trọng ý kiến của qúy vị, cả khi nó không trùng hợp với ý kiến của tôi. Tôi tin rằng chúng ta phải đi bước đi này, sự khoan nhượng là một bước ở lưng chừng, nhưng cần phải đi xa hơn tới sự chấp nhận.
Hỏi: Tuy nhiên, người ta có thể chấp nhận những điều không đúng đắn thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Đúng thế, nhưng như là điểm khởi hành cho một cuộc đối thoại. Và tôi không nói đến việc chấp nhận các sự vật, mà chấp nhận các con người.
Hỏi: Liên quan tới cuộc đấu tranh giai cấp, sự bất bình đẳng giữa người giầu và người nghèo, thế thì nó lại đã không phải là ”một song đề ngàn đời” tại nhiều quốc gia, chứ không phải chỉ tại châu Mỹ Latinh thôi sao thưa Đức Hồng Y? Điển hình như tại Brasil 10% tổng số dân chiếm hữu tới phân nửa tài sản của cả quốc gia. Có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Sau 32 năm làm Giám Mục và sau nhiều kinh nghiệm đối thoại với các tổ chức tài chánh quốc tế, sau khi đã tự học kinh tế – bởi vì khi là tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, viết tắt là CELAM, tôi đã được giao cho nhiệm vụ đối thoại với thế giới kinh tế – tôi xác tín rằng tôi đã không tìm thấy các người đối thoại. Các nhà kinh tế nói rằng: ”Ôi, cái này là điều các linh mục kinh tế biết…”, và tôi tự nhủ: ”đây là điều mà họ sẽ không lập lại với tôi” và tôi đã tự học môn kinh tế để hiểu biết môi trường này. Thế thì sau tất cả các năm qua tôi xác tín rằng hệ thống kinh tế hiện nay là một hệ thống bất công tạo ra sự bất bình đẳng. Theo tôi, con đường mới phải theo là việc ưu tiên lựa chọn bênh vực người nghèo, và nó phải nhắm tới đích điểm là tạo ra các thay đổi cần thiết trong hệ thống kinh tế ngày nay. Nhưng ai là những người phải làm điều này đây? Chắc chắn là các nhà kinh tế rồi, nhưng Giáo Hội có bổn phận loan báo các nguyện tắc lớn mà kinh tế phải lấy đó làm nền; và Giáo Hội cũng phải loan báo những gì là thiện ích chung. Điều thiếu hiện nay là nguyên tắc. Bởi vì nền kinh tế hiện nay chỉ tìm ích lợi cho một thiểu số, dù đó là các quốc gia, hay các hãng kinh doanh, hoặc các nhóm quyền bính tại các nước khác nhau.
Đây là điều tôi đã nêu lên cách đây nhiều năm rồi, hồi thập niên 1990, trong các cuộc đối thoại với Ngân hàng phát triển liên Mỹ châu. Và tôi nhớ có lần đã đưa ra câu hỏi như thế này: ”Các nhà lãnh giải thưởng Nobel Kinh tế đâu cả rồi? Họ không có khả năng tìm ra một hệ thống kinh tế khác sản xuất ra sự bình đẳng hơn hay sao?” Đã không có ai trả lời, và rồi trong một lúc nghỉ giải lao, một trong các nhà kinh tế tới nói với tôi rằng: ”Thưa Đức Cha, các nhà kinh tế họ không muốn tìm ra một hệ thống mới đâu, bởi vì họ rất hài lòng với hệ thống kinh tế hiện nay… Và đó mới là vấn đề”.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vậy đây lại không phải là dịp kích thích việc nghiên cứu luân lý đạo đức và thiện ích chung trong ngành khoa học kinh tế, và có lẽ cả trong khoa học chính trị nữa hay sao?
Đáp: Đúng thế. Vai trò của hàng giáo phẩm giáo hội là tái đưa vấn đề này vào trong bàn hội luận. Không thể chỉ suy nghĩ với các tiêu chuẩn kinh tế hay tiền tệ được, cũng không thể chỉ suy tư với các tiêu chuẩn chính trị. Nhất là cần phải đưa đề tài luân lý đạo đức vào trong việc thảo luận, vì nó vắng bóng. Có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nó xảy ra không phải vì nó nổ tung từ cái bọt của các cơ cấu bất động sản, mà bởi vì cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức đã bùng nổ trước, bởi vì người ta đã chỉ tìm kiếm lợi nhuận, và không đếm xỉa gì đến những người đã mất hết mọi sự.
Hỏi: Đã từ lâu Giáo Hội nói đến việc lựa chọn bênh vực người nghèo và thăng tiến công bằng xã hội. Thế còn việc thực thi nó thì ra sao thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Tôi phải nói rằng ngay từ đầu bên Châu Mỹ Latinh, các linh mục thừa sai đã là những người xây các trường học, các đại học đầu tiên, các nhà thương và các cơ cấu bác ái xã hội. Chúng tôi có thánh tu huynh Pedro de Betancourt bên Guatemala. Khi tới từ các đảo Canarie để trợ giúp các người nghèo chết ngoài đường, tu huynh là một giáo dân. Nhưng người đã thành lập một dòng các tu huynh nhà thương. Toàn lịch sử của Giáo Hội đều đã được làm thành như thế. Qúy vị sẽ không tìm thấy một dòng tu nào mà ngay từ đầu công tác rao truyền Tin Mừng lại đã không chọn lo lắng trợ giúp và thăng tiến cuộc sống của dân nghèo. Thế rồi trong lịch sử hiện đại cũng vậy, sau Công Đồng Chung Vaticăng II, việc áp dụng các giáo huấn của Công Đồng đã được thúc đẩy với các lời của Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ngài đã nói rằng: ”Giáo Hội phải là Giáo Hội của người nghèo”. Hội nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Medellin năm 1968 bắt đầu nhấn mạnh việc ưu tiên lựa chọn người nghèo, và điều này đã tiếp tục với các hội nghị sau đó triệu tập tại Puebla, Santo Domingo, và Aparecida. Đối với tôi thì phải tiếp tục bước thêm một bước nữa. Đó là huy động các thay đổi trong hệ thống kinh tế thế giới. Sẽ không có sự lựa chọn người nghèo, nếu hệ thống thương mại toàn cầu không thay đổi. Tôi nghĩ rằng chính tại đây có một điểm thần kinh nhức nhối. Điều duy nhất mà Tổ chức thương mại quốc tế làm được: đó là tổ chức các cuộc thương thuyết không đưa tới đâu hết. Xem ra chúng là các vòng tròn luẩn quẩn. Trước đây thì có hội nghị tại Uruguay, bây giờ thì có hội nghị tai Doha, nhưng cho tới nay đã không có gì thay đổi cả…
Hỏi: Như vậy thì lỗi tại ai thưa Đức Hồng Y? Có phải lỗi tại một số ít quốc gia thống trị và khiến cho mọi sự phải xoay chung quanh họ phải không?
Đáp: Vâng, đúng thế. Lỗi tại chủ trương bao che thương mại của một ít quốc gia thống trị, bắt mọi người phải theo các luật lệ của họ. Chẳng hạn nước Honduras chúng tôi không thể xuất cảng chuối theo như kiểu chúng tôi muốn. Honduras là một trong các nước sản xuất chuối nhiều nhất thế giới, nhưng nay thì không còn như thế nữa. Chúng tôi cũng không thể xuất cảng cà phê một cách thích đáng, bởi vì tất cả đều do văn phòng thương mại quốc tế có trụ sở tại Luân đôn quyết định. Tại sao vây? Đây là một phần của các bất công trong hệ thống kinh tế thương mại hiện hành trên thế giới ngày nay.
(ZENIT 18-12-2012)
Linh Tiến Khải