Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Thư mục vụ Mùa Chay của Đức cha Giáo phận Qui Nhơn

THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN 

GỬI CÁC LINH MỤC, TU SĨ NAM NỮ, CHỦNG SINH
VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN
TRONG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN
NHÂN DỊP MÙA CHAY 2013

Anh chị em thân mến,

1. Chúng ta đang cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay thánh. Mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị cho các tín hữu đón mừng lễ Vượt Qua. Đối với các dự tòng, đây là thời kỳ họ được chuẩn bị trực tiếp để có thể lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm vọng Phục Sinh; còn đối với những người đã được thanh tẩy, thì đó là thời gian sám hối, thanh luyện đời sống và củng cố đức tin.

Đặc điểm của Mùa Chay là sự hoán cải. Việc hoán cải có thể được biểu lộ bằng nhiều cách rất khác nhau. Nhưng Thánh Kinh nhấn mạnh đặc biệt đến ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí (x. Mt 6,1-18), là những cách diễn tả sự hoán cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.[1] Chay tịnh để từ bỏ con người tội lỗi, cầu nguyện để trở về và gắn bó với Thiên Chúa, thực hành bác ái đối với tha nhân để xứng đáng nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Mục đích chính của sự hoán cải là để con người từ bỏ con đường tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa. Đây cũng là một định hướng của Năm Đức Tin, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong tự sắc Porta fidei: “Năm Đức Tin là một lời mời gọi thực hiện cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ”.[2]

2. Chúa Giêsu đã mô tả tiến trình hoán cải một cách tuyệt vời trong dụ ngôn đứa con hoang đàng và người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-24). Sự quyến rũ của một thứ tự do sai lạc, việc đứa con rời bỏ nhà cha, sự đau khổ cùng cực sau khi nó phung phí hết tài sản, sự nhục nhã ê chề khi nó phải đi chăn heo và thèm thuồng những thức ăn của heo mà không được ăn, việc suy nghĩ lại về những điều thiện hảo nó đã đánh mất, sự hối hận và quyết tâm nhận lỗi trước mặt cha, con đường trở về, sự đón nhận bao dung và niềm vui của người cha. Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hoán cải và được Thiên Chúa tha thứ. Áo đẹp, giày, nhẫn và tiệc mừng là những biểu tượng của một đời sống mới với sự tự do đích thực của một người con giữa lòng gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Chỉ có trái tim của Đức Kitô, Đấng thấu suốt các tầng sâu thẳm của tình yêu nơi Chúa Cha, mới có thể mặc khải cho chúng ta lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy.[3]

3. Theo lời mời gọi của Thiên Chúa và của Giáo Hội, trong suốt Mùa Chay này mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận nỗ lực hoán cải để giao hòa với Thiên Chúa và với nhau. Việc hoán cải được thực hiện trong đời sống hằng ngày bằng cách tự vấn lương tâm, kiểm điểm đời sống, khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi trước mặt Thiên Chúa và quyết tâm sửa mình, sẵn sàng giao hòa và tha thứ cho nhau, giúp nhau sửa lỗi, vui lòng chấp nhận đau khổ. Con đường chắc chắn nhất của sự hoán cải là vác thập giá mình hằng ngày đi theo Chúa.

Đi đôi với sự hoán cải là tâm tình cầu nguyện tha thiết, thường xuyên lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, để cho Lời Chúa soi chiếu vào những góc tối của cuộc đời và chất vấn những hành vi sai trái. Nhờ việc cầu nguyện, chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào cuộc sống thân mật gắn bó với Thiên Chúa, nhờ đó có thể chống lại những sự lôi cuốn và quyến rũ của tội lỗi.

Sự gắn bó với Thiên Chúa cũng phải được thể hiện xuyên qua tình yêu đối với tha nhân là hình ảnh của Người. Mùa Chay được cử hành trong Năm Đức Tin cũng là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá đức ái. Chính đức tin sẽ giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô nơi những người đau khổ và chính tình yêu Đức Kitô sẽ giúp chúng ta sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ họ.[4]

Trong sứ điệp Mùa Chay 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng dạy: “Mùa Chay mời gọi chúng ta biết dưỡng nuôi đức tin của mình bằng cách chú tâm, siêng năng lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đồng thời lớn lên trong đức ái, trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, qua những việc làm cụ thể như ăn chay, đền tội và làm việc bố thí”. Tuy nhiên Ngài lưu ý: “Điều quan trọng cần nhớ là công việc bác ái lớn nhất chính là việc truyền giảng Tin Mừng”.[5]

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và nâng đỡ hành trình hoán cải của mỗi người chúng ta trong suốt Mùa Chay này, để chúng ta xứng đáng đạt được niềm vui cùng với toàn thể Giáo Hội trong ngày đại lễ Phục Sinh.

Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 07 tháng 02 năm 2013+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn

Related posts