Dáng đứng của niềm tin yêu hy vọng – Chúa Nhật III Mùa Chay năm C
Dáng đứng của niềm tin yêu hy vọng
(Chúa Nhật III Mùa Chay năm C 2013)
Dẫn nhập : Trong lịch sử của Dân Chúa thời Cựu ước, có một nhân vật đã đi vào tâm thức của nhân loại trong vóc dáng của một đấng minh quân vừa rất oai phong vĩ đại của một bậc anh hùng vừa rất yếu đuối mỏng manh của một phàm nhân dương thế. Người ta luôn nhắc đến ông trong kỳ tích vĩ đại của một kiện tướng chiến thắng ngoan mục đại tướng khổng lồ Go-li-át. Nhưng người ta lại không thể quên ông trong cái tội “hám sắc”, đến độ giết tướng đoạt vợ trong một âm mưu thấp hèn. Tuy nhiên, điều cao cả đáng kính phục nơi ông mà muôn đời người ta vẫn nhắc lại- cùng với lời thơ đã trở thành lời kinh cầu nguyện của ông – lại chính là tâm tình khiêm hạ và sám hối.
Vâng, lời ca kinh cầu nguyện của vua Đa-vít gần như đã vang lên đều đặn xuyên suốt Mùa Chay của Ki-tô giáo, như một lời thúc nhắc, một dốc lòng tâm nguyện để mọi người Ki-tô hữu, noi gương con người sám hối của Đa-vít ngày xưa mà lên đường hoán cải, mà sám hối đổi đời trong niềm trông cậy vào lòng Chúa xót thương :
Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…
(Tv 50, 3-4)
Riêng cộng đoàn chúng ta trong Chúa Nhật III Mùa Chay (năm C) nầy lại một lần nữa được Lời Chúa gọi mời hãy lên đường sám hối.
Nói đến sám hối, thông thường người ta nghĩ ngay đến hai thái độ nội tâm:
Trước hết là nghĩ đến quá khứ lỗi lầm của chính mình để ăn năn sám hối, buồn sầu đau đớn vì cái yếu đuối, cái tầm thường, cái “sự dữ và trái mắt’ của mình đối với Chúa hay đối với anh em.
“Vâng con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cư ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài…”
(Tv 50, 5)
Nhưng đó mới chỉ là thái độ cần thiết khởi đầu, là việc sám hối mang tính quy kỷ mà sách giáo lý vẫn thường gọi bằng danh xưng “ăn năn tội vì mình”.
Điều cốt yếu của thái độ thành tâm sám hối phải đặt trọng tâm vào tình yêu đối với Thiên Chúa, phải là một quy hướng của lòng hiếu thảo tin yêu về chính Ngài, là Đấng giàu lòng xót thương và đầy khoan nhân tha thứ để quyết tâm làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác. Đó chính là thái độ ăn năn sám hối đích thực mà sách giáo lý gọi là “Ăn năn tội vì Chúa” ; và thánh vương Đa-vít cô đọng thái độ sám hối sâu xa nầy thành nên một của lễ hiến dâng :
“Lạy Thiên Chúa,
tế phẩm dâng Ngài là một tâm hồn tan nát ;
một tấm lòng tan nát giày vò,
Ngài sẽ chẳng khinh chê…”
(Tv 50, 19)
Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay đang mời gọi tất cả chúng ta hãy lên đường trở về trong cả hai chiều kích sám hối đó.
Đó là trước tiên hãy nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu đuối, tăm tối và thấp hèn của chính mình. Đó là thân phận của một kiếp lầm than trong chuỗi ngày nô lệ tăm tối của dân Ít-ra-en ; hay cũng là thân phận của một “kẻ chăn heo khốn nạn” mà Chúa Giê-su đã ngụ ngôn trong câu chuyện “người con hoang đàng” nơi trình thuật của Tin Mừng Luca.
Một trái tim kiêu căng không nhìn thấy tội lỗi và yếu đuối của chính mình sẽ không bao giờ có khả năng “đứng lên để đi về nhà cha” (như người con trong dụ ngôn), không bao giờ có được những giọt nước mắt để làm lại cuộc đời (nư Maria Mađalêna, như Phêrô…). Trong khía cạnh nầy, chúng ta lại gặp thấy một mẫu gương tuyệt vời của Thánh vương Đa-vít : Khi được ngôn sứ Na-than chỉ mặt “kẻ đó chính là ngài”, sau khi phạm tội ngoại tình-giết tướng-đoạt vợ, Đa-vít đã khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi và sám hối ăn năn :
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
Từ thái độ “nhìn lại chính mình”, người sám hối đích thực không dừng lại để bùi ngùi thất vọng, chán nản buông xuôi đến độ hủy hoại chính mình.
Sám hối chân thực chính là “dám tin vào tình thương của Chúa để đứng lên trở về”. Hai mẫu người đối lập đã dẫn tới hai kết cục khác nhau : Bằng những giọt nước mắt sám hối và vững tin vào ánh mắt nhân từ của Thầy Chí Thánh, cho dù chối Thầy 3 lần, Phêrô vẫn được Thầy thứ tha, đón nhận và tín nhiệm giao cho thánh vụ chăn dắt Giáo hội. Trong khi đó, Giu-đa quay lưng lầm lũi bước đi trong bóng tối cô độc của cái tôi kiêu căng và khước từ vĩnh viễn tình thương yêu tha thứ để cuối cùng kết thúc cuộc sống bằng chiếc dây thòng lọng của tuyệt vọng.
Lời Chúa hôm nay, qua lời nhắn gởi cho Mô-sê từ “Bụi Gai bốc cháy” vẫn âm vang hoàn toàn thời sự và mới mẻ : “Ta đã thấy cảnh khổ cực của Dân ta bên Ai-Cập, ta đã nghe tiếng chúng kêu than…ta biết nổi đau khổ của chúng. ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-Cập. và đưa chúng từ đó tới một miền đất tốt tươi rộng lớn….”.
Thiên Chúa của chúng ta là như thế. Một Thiên Chúa đang biết rõ nổi lầm than khốn khổ, và thân phận tội lỗi yếu hèn của chúng ta để tìm phương cứu thoát, để mở đường cứu độ, để tha thứ khoan dung…
Và nhất là qua cách chuyển tải của Chúa Giêsu, Thiên Chúa được mặc khải trong chân dung “của người cha già bao năm ngóng đợi con hoang trở về” (Lc 15) lại càng giúp ta mạnh mẽ và xác tín đứng lên để làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác.
Đó cũng chính là niềm tin yêu của Đa-vít thuở xưa khi thân thưa với Chúa :
Xin đừng nở đuổi con
không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con
thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con
niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.
(Tv 50, 13-14)
Và như thế, hành trình sám hối của Mùa Chay thánh luôn mang dáng đứng của niềm tin yêu hy vọng, hy vọng sẽ có một miền “đất hứa” tâm linh xinh tươi và đầy hoa thơm cỏ lạ, một “mái ấm nhà cha” đầy ắp tiếng cười của anh em sum họp một nhà, một tiệc cưới Phục Sinh mà mọi người chúng ta đều hân hoan trong chiếc áo trắng tinh của ân sủng.
Làm sao chúng ta lại để Mùa Chay qua đi mà mình chẳng được gì, để “thời thuận tiện, giờ cứu độ” trôi qua mà chúng ta vẫn đứng lại trong bộ trang phục cũ mèm của cái tôi đáng ghét, để phải hỗ thẹn bị chối từ trong “Tiệc Cưới của Con Chiên”.
Không, “tôi phải đứng lên và đi về nhà Cha tôi” ! Amen.