Đó là nơi cần có Hội Thánh
“Cánh cửa đức Tin” (x. Cv 14, 27) dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo hội…” (Porta fidei)
Đề tài học hỏi dành cho linh mục theo Công Đồng Vaticanô II và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo :
ĐỨC TIN VÀ CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI (GH 8, 11, 17, 65)
Lời thưa trước :
Kính thưa quý cha,
Tất cả những gì con chia sẻ hôm nay chỉ là những cảm nhận riêng tư xuyên qua chủ đề đã được giao phó : Đức tin và cộng đoàn Giáo Hội.
Chia sẻ cảm nhận thôi. Chứ lấy gì mà học hỏi. Bởi chưng, với một đề tài to “tổ bố” như thế nầy thì phải để cho các giáo sư tầm cở, các nhà chuyên môn về Giáo Hội học mới đủ uy tín và khả năng giải thích và truyền thụ ; chứ tay ngang như con đây thì biết cái mốc gì mà thuyết trình để các cha học hỏi.
Vã lại, con tin chắc rằng, tất cả chúng ta, khi ngồi trên ghế ĐCV đều đã được học đầy đủ đề tài nầy trong chuyên đề thần học tín lý Giáo Hội Học. Và nếu có cần phải bổ túc và cập nhật điều gì thì chúng ta lại có các cuộc thường huấn linh mục hàng năm ; đó là chưa kể, với thời đại @ này, chỉ cần vào google gõ một cái là nó bày ra mọi chuyện chúng ta cần và muốn.
Chính vì thế, con chỉ xin được mạo muội chia sẻ cùng quý cha một đôi điều cảm nhận để gọi là “tám chuyện cho vui” mỗi lần họp mặt với tinh thần huynh đệ hiệp thông trong Năm Đức Tin, theo đúng tinh thần của câu ca dao :
Mượn màu một chút làm duyên,
Mấy đời gỗ mục đúc nên thuyền vàng.
Và con xin được bắt đầu.
1). Đằng sau đức tin của một con người luôn thấp thoáng có một cộng đoàn
Trong sinh hoạt sống đạo của người Ki-tô hữu, khi đề cập đến Đức Tin, người ta thường viện dẫn các nhân vật tiêu biểu, như những chứng nhân trọn hảo của đời sống đức tin, đó là : Abraham, Mô-sê…của thời Cựu ước ; hay Đức Trinh nữ Maria, Thánh Cả Giuse, Thánh Phêrô, thánh Phaolô…của Tân ước.
Như thế, một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng : Đức Tin chính là một hành vi cá vị, một thái độ cá nhân của một con người đối với Thiên Chúa và công trình của Ngài.
Tuy nhiên, trong viễn tượng tín ngưỡng của Ki-tô giáo, chúng ta luôn nhìn thấy, đằng sau đức tin của một con người luôn thấp thoáng có một cộng đoàn, một Hội Thánh.
– Với Abraham : “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn….Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,1-3)
– Với Mô-sê : “Bây giờ ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,10)
– Với Đức Trinh Nữ Maria : “Chúa đã độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55)
– Với Phê-rô : “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 20,32) ; “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết ; anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…” (Mt 16,18).
– Với Phao-lô : “Và chính Người đã ban cho kẻ nầy làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho tới khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,11-13).
Như vậy, đức tin cá nhân, chỉ là một chuẩn bị, một bước chuyển tiếp, một “ngón tay trỏ, để hướng tới tiêu đích chính là một cộng đoàn, một Hội Thánh, một “Dân tộc”, như chính lời khẳng quyết của giáo huấn Công Đồng Chung Vaticanô II trong Hiến Chế Giáo Hội : “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện…” (GH 9).
Và từ khái niệm “Đại Hội của Thiên Chúa” (Qahal Javê)-thực tại tiên báo, là dân tộc Ít-ra-en[1], đến Giáo Hội Chúa Ki-tô (Ecclesia Christi) – thực tại viên thành, giáo lý Công Đồng chung Vaticanô II còn vươn tới chân trời cánh chung là toàn thể nhân loại khi nhắc lại giáo lý của các Giáo Phụ : “Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Thánh Giáo Phụ, mọi người công chính từ Ađam, “từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được tập hợp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha”. (GH 2)
2). Chính Đức tin làm nên Giáo Hội.
Chắc chắn có nhiều người đã từng “bước qua cánh cửa đức tin” để “đi vào Giáo Hội”[2] qua con đường lãnh nhận các bí tích gia nhập Ki-tô giáo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có đức tin. Trong kinh nghiệm mục vụ của quý cha, chắc chắn đã gặp không ít anh chàng và cô nàng “con thờ lạy Chúa Ba Ngôi, con ẳm được vợ con thôi nhà thờ” !
Nhưng cho dù có vô số người vô tín như thế, thì Hội Thánh, tự trong bản chất, vẫn và một cộng đoàn đức tin, như Công đồng Vatican II và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã dạy : “Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin Chúa Ki-tô họp thành Hội Thánh” (GH 2, Sách GLCG 759).
Và để trình bày thế nào là một cộng đoàn đức tin, Hiến Chế Giáo Hội đã trình bày chi tiết (nhất là qua các chương mục được đề dẫn (số 8, 11, 17, 65) và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã cắt nghĩa tường tận từ số 748-986). Con chỉ xin được bổ túc qua cái nhìn của tác giả linh mục Dòng Tên Mark Link trong tác phẩm The Catholic vision, khi ngài ví các mô thức Hội Thánh như là góc cạnh của một viên kim cương, mà mỗi góc cạnh đều có những giá trị độc đáo :
Mô thức cộng đồng môn đệ nhấn mạnh Hội Thánh là một cộng đồng đức tin, mở rộng cho Chúa Thánh Thần.
Mô thức sứ giả Tin Mừng nhấn mạnh Hội Thánh có một sứ điệp đức tin phải đem cho thế giới.
Mô thức cộng đồng ân sủng nhấn mạnh đến sự kết hiệp của các phần tử Hội Thánh với Chúa Ki-tô và với nhau.
Mô thức tổ chức có cơ cấu nhấn mạnh việc Chúa Thánh Thần ban cho các phần tử Hội Thánh những đặc sủng khác nhau.
Mô thức bí tích nền tảng nhấn mạnh việc Hội Thánh giúp cho Đức Giê-su hiện diện một cách có thể cảm nhận được.
Mô thức tôi tớ nhấn mạnh rằng Hội Thánh được kêu gọi trở nên một “cộng đồng vị tha” như chính Đức Giê-su đã là “người sống cho tha nhân.” [3]
Người tín hữu Công Giáo Việt Nam chúng ta thường nhìn Giáo Hội qua “mô thức nhà thờ”. Giáo Hội chính là ngôi nhà thờ của xứ đạo. Giáo Hội mạnh, phát triển, khi nhà thờ to, hoành tráng. Vì thế, xây dựng nhà thờ là xây dựng đức tin, đóng góp cho nhà thờ là góp phần xây dựng Giáo Hội. Chúng ta không phủ nhận chiều kích tích cực của quan niệm và thái độ sống đức tin như thế. Nhưng cũng phải coi chừng, như lời cảnh giác của Billy Sunday : “Đi vào nơi đậu xe không thể biến bạn trở thành một chiếc xe. Cũng thế, vào nhà thờ không làm cho bạn thành một Ki-tô hữu.” [4]
3). Chúng tôi là Giáo Hội
Đã lâu rồi con đọc ở đâu đó câu chuyện nầy : Có hai người nam nữ tranh luận với nhau về Giáo Hội Công Giáo. Một người đã mang ra đủ mọi lý chứng và sự kiện lịch sử để phủ nhận sự thánh thiêng và đẹp đẽ của Giáo Hội ; đồng thời kết án Giáo Hôi không thương tiếc. Đợi cho người kia nói xong, cô nầy mới buột miệng : “Sao hồi nãy giờ anh chữi tôi nhiều dữ vậy ?”. Anh chàng kia đáp ; “Tôi nói Giáo Hội Công Giáo chứ đâu có đã động gì đến cô đâu !”. Cô liền đáp lại : “Giáo Hội chính là tôi”.
Và đây cũng là nội dung của một video clip mà con vừa đọc được trên mạng với tựa đề : We are Catholic Church. Con xin chép lại để quý cha cùng tham khảo :
Chúng tôi được tạo thành từ mọi chủng tộc. Nam phụ lão ấu, mọi thành phần trong xã hội, những người thánh thiện và cả những người tội lỗi. Giáo Hội chúng tôi đã trải qua nhiều thế kỷ và lan tràn khắp hoàn cầu. Chúng tôi đã xây dựng các bệnh viện để chăm sóc cho các bệnh nhân. Chúng tôi thành lập các viện mồ côi và những trung tâm giúp đỡ người nghèo. Chúng tôi có tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, đem lại ủi an và chăm sóc cho những người cần. Chúng tôi giáo dục trẻ em nhiều hơn các tổ chức học thuật và tôn giáo khác. Chúng tôi đã phát triển các phương pháp khoa học. Chúng tôi thành lập hệ thống đại học. Chúng tôi bảo vệ nhân phẩm và sự sống. Đề cao hôn hôn nhân và gia đình. Nhiều thành phố đã được đặt theo tên của các vị thánh mà chúng tôi tôn kính, những người theo đuổi sự thánh thiện trước chúng tôi. Chúng tôi dịch thuật Kinh Thánh, chúng tôi được biến đổi bởi thánh Kinh và Thánh Truyền là ánh sáng đã đã liên tục hướng dẫn chúng tôi hơn 2 ngàn năm qua. Chúng tôi là Giáo Hội Công giáo với hàng triệu tín hữu cùng chia sẻ các bí tích và sự viên mãn của đức tin Ki-tô. Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi đã cầu nguyện cho thế giới và anh chị em mình, mỗi giờ, mỗi ngày, bất cứ khi nào chúng tôi cử hành Thánh lễ. Chính Chúa Giêsu đã đặt nền tảng cho đức tin của chúng tôi khi Ngài nói với Thánh Phêrô Tông Đồ, Vị Giáo hoàng đầu tiên ; “Con là Đá, trên Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Trong hơn 2000 năm qua, chúng tôi đã có một dòng liên tục các mục tử hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo trong tình yêu và sự thật giữa một thế giới hoang mang và đau thương ; và trong thế giới khó khăn, hổn loạn và đau thương nầy, thật là điều an ủi để biết rằng vẫn còn những điều là nhất quán, sự thật đó là đức tin Công Giáo, và tình yêu vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi loài thụ tạo.
Nếu bạn không phải là Công Giáo, chúng tôi mời bạn có cái nhìn khác. Chúng ta là một gia đình hiệp nhất trong Chúa Giê-su, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chào mừng bạn về nhà. Chúng tôi là Công Giáo.
Nêu bật hai sự kiện đều có chung một nội dung chuyển tải : Chúng tôi là Giáo Hội, con muốn nhấn mạnh đến khía cạnh mục vụ của đề tài hôm nay : Đức tin và cộng đoàn Giáo Hội.
Nếu Mẹ Giáo Hội đã đưa chúng ta vào đời sống con cái Chúa, đã giáo dục, gìn giữ và cung ứng cho ta những phương thế để lớn lên trong đức tin, đã đồng hành và dẫn đưa ta đi hết chặng đường trần gian để về quê trời, đã gọi mời ta trong thánh chức linh mục để sẻ chia sứ vụ mục tử của Chúa Ki-tô…thì lẽ gì mà chúng ta không yêu mến Giáo Hội và nhiệt tâm phục vụ Giáo Hội. Tông huấn Pastores dabo vobis đã dành trọn các số từ 31-32 để khai triển tư tưởng nầy như sau :
“Cũng như bất cứ đời sống thiêng liêng Kitô giáo chính hiệu nào, đời sống của linh mục cũng sở đắc một chiều kích Giáo hội cốt yếu và bất khả thay thế : đời sống ấy tham dự vào sự thánh thiện của chính Giáo Hội” (31)
“Sự trao hiến chính mình, cội rễ và chóp đỉnh của Đức Ái mục vụ nhằm đối tượng là Giáo hội. Điều nầy ứng dụng cho Đức Kitô : “Đấng đã yêu mến Giáo Hội và đã nộp mình cho Giáo Hội”. Linh mục cũng phải làm như vậy. Với Đức Ái mục vụ thấm nhuần vào việc thực thi thừa tác vụ linh mục như một “tác vụ tình yêu”, linh mục một khi đón nhận ơn gọi thi hành tác vụ, có nhiệm vụ làm cho ơn gọi ấy trở thành một lựa chọn do tình yêu, nhờ đó Giáo Hội và các linh hồn trở thành mối lợi chính yếu của linh mục. Sống đường thiêng liêng ấy một cách cụ thể, linh mục sẽ có khả năng yêu mến Giáo hội phổ quát và thành phần Giáo Hội được giao phó cho mình, với tất cả sự nồng nhiệt của một người chồng đối với vợ mình” (số 22)
Xuất phát từ những định hướng nền tảng đó, xin đề nghị một vài áp dụng mục vụ :
Không phải chỉ cho riêng mình, mà chúng ta cần đào tạo cộng đoàn tinh thần yêu mến Giáo Hội, huấn luyện giáo dân tập luyện cái nhân đức tổng hợp rất cần thiết nầy : “nhân đức Giáo Hội” !
Những anh em đang xây dựng Hội Thánh trong lặng lẽ, âm thầm, ẩn khuất : hãy an tâm. Tòa nhà Giáo Hội vẫn cần thiết phải có những viên gạch nằm sâu trong góc tối. Sự thánh thiện đó là biết “nằm đúng vị trí trong Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô”.
Chính lòng yêu mến Giáo Hội sẽ phát sinh nhiệt tâm truyền giáo, tinh thần huynh đệ hiệp thông, tương thân tương trợ, lòng quảng đại và anh hùng làm chứng tá phúc âm…
Một linh mục coi xứ mà đặt quyền lợi cá nhân trên danh dự và quyền lợi của Giáo Hội, vì mục tiêu và tham vọng cá nhân mà coi thường sự hiệp thông, hiệp nhất trong Hội Thánh…thì đó là một tai nạn khủng khiếp cho Giáo Hội và cho chính bản thân.
Chúng ta đừng tự hào là đã làm quá nhiều cho Giáo Hội, nhưng hãy đấm ngực mà ăn năn vì chúng ta chưa làm được bao nhiêu cùng với Giáo Hội. [5]
Thay cho lời kết : Giáo Hội : một câu chuyện về tình yêu
Kính thưa quý cha,
Hơn lúc nào hết, con người hôm nay đang cần Giáo Hội ; nhưng không phải một Giáo Hội kềnh càng, cơ cấu với áo mảo cân đai, mà là một Giáo Hội đơn sơ, trong sáng, khó nghèo và phục vụ trong yêu thương. Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã chinh phục thế giới ngay từ những ngày đầu tiên trên “Ngai tòa Thánh Phêrô”, phải chăng vì Ngài đã thổi vào Giáo Hội một luồng gió mới, luồng gió của khiêm nhu, khó nghèo và phục vụ. Trong một thánh lễ ngày 24.4 vừa qua ĐTC đã chia sẻ :
“Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”
Hôm nay, khi chia sẻ với nhau về đề tài “Đức Tin và cộng đoàn Giáo Hội’, con cũng ước mong tất cả chúng ta cố gắng xây dựng Giáo Hội địa phương thành một câu chuyện về tình yêu, một câu chuyện mà mọi thành phần trong giáo xứ đều thấy mình là một nhân vật trong đó ; không phải một nhân vật bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị kết án…mà là một người anh, một người chị, một đứa em… đang hăng say phục vụ và cống hiến, một con chiên lạc đang quay gót trở về, một tông đồ đang quảng đại “đập bể bình dầu thơm cuộc đời” để yêu thương và phục vụ.
Và chúng ta cũng đừng quên rằng : chung quanh ta, khắp đó đây trên quê hương Việt Nam nầy, hay trên mọi nẻo đường thế giới hôm nay, có biết bao nhiêu địa chỉ đang cần sự hiện diện của Giáo Hội. Nếu mọi linh mục, mọi người Ki-tô hữu đều xác tín và sống chết với câu định nghĩa “TÔI LÀ GIÁO HỘI”, thì con người sẽ đỡ khổ biết bao, sự dữ sẽ bớt hoành hành, nhiều tội nhân sẽ trở lại và bóng tối sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho ánh sáng. Vì như George MacLeod đã nói : “Đức Giê-su không bị đóng đinh trong nhà thờ giữa hai ngọn nến, nhưng trên thập giá giữa hai tên cướp, trên một núi rác thành phố… tại một nơi những tên vô lại dối trá, kẻ cắp văng tục chửi thề và lính tráng bài bạc… Đó là nơi chúng ta phải tìm đến và đó là nơi cần có Hội Thánh.” [6]