Giáo hội là Đền thờ Thiên Chúa
Trong Giáo hội tất cả chúng ta điều quan trọng, không ai là vô dụng. Một trong những đoạn rất ý nghĩa của bài giáo lý tuần này tại quảng trường thánh Phêrô đông chật người. Đức Thánh Cha khẳng định, dưới cái nhìn của Thiên Chúa tất cả chúng ta đều như nhau, ngay cả Giáo hoàng. Đức thánh cha đã khích lệ tất cả mọi người hãy mang lại cho Giáo hội cuộc sống và con tim của chính mình.
Anh chị em thân mến
Hôm nay tôi muốn vắn tắt nét chính về một hình ảnh cuối cùng giúp chúng ta minh họa mầu nhiều nhiệm của Giáo hội : Giáo hội là đền thờ (LG 6)
Điều gì làm cho chúng ta nghĩ đến từ đền thờ? Từ đền thờ làm cho chúng ta nghĩ đến một tòa nhà, nghĩ đến việc xây dựng. Đặc biệt, tâm trí của nhiều người hướng đến lịch sử của Dân tộc Israel được thuật lại trong Cựu ước. Tại Giêrusalem, Đền thờ vĩ đại của Salomon đã là nơi gặp gỡ Thiên Chúa khi cầu nguyện; bên trong đền thờ có Hòm bia Giao ước, dấu chỉ hiện diện của Thiện Chúa giữa dân Người; Trong hòm bia có những bảng Lề luật, có bánh manna và cây gậy của Aharon: làm chúng ta nhớ đến sự kiện Thiên Chúa đã luôn hiện diện trong lịch sử của dân Người, cùng đồng hành và dẫn lối đưa đường. Đền thờ nhắc đến lịch sử này : Cả chúng ta nữa khi chúng ta đến đền thờ chúng ta phải nhớ đến lịch sử này, lịch sử của chúng ta, của vài người trong chúng ta, giống như Chúa Giêsu đã gặp gỡ tôi, đã đồng hành với tôi, yêu thương và chúc phúc cho tôi.
Điều đã được tiên báo nơi đền thờ xưa kia nay đã được thực hiện, do quyền năng Chúa Thánh Thần, trong Giáo hội : Giáo hội là “nhà của Thiên Chúa”, là nơi hiện diện của Người, nơi chúng ta có thể tìm thấy và gặp gỡ Thiên Chúa; Giáo hội là Đền thờ nơi Chúa Thánh Thần là linh hồn cư ngụ, hướng dẫn và nâng đỡ. Chúng ta tự hỏi xem : Nơi nào chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa? Nơi nào chúng ta có thể đi vào trong sự hiệp thông với Người qua Đức Kitô? Nơi nào chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu dọi vào cuộc sống chúng ta? Câu trả lời là : nơi dân tộc của Thiên Chúa, giữa chúng ta, chúng ta là Giáo hội. Ở đây chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.
Đền thờ xưa kia được xây nên từ những bàn tay con người : Con người muốn “xây một căn nhà” cho Chúa, để như dấu chỉ hiện diện hữu hình của Người giữa dân tộc. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, Người hoàn tất lời ngôn sứ Nathan nói cho Vua Đavít (x. 2Sam 7,1-29) : không phải đức vua, không phải chúng ta “xây nhà cho Chúa”, nhưng là chính Thiên Chúa “xây nhà của Người” để đến và sống giữa chúng ta, như Thánh Gioan đã viết trong Tin mừng (x. Ga 1,1-4). Đức Kitô là Đền thờ sống động của Chúa Cha, và chính Đức Kitô đã kiến tạo nên “ngôi nhà tâm linh” của Người, Giáo hội không phải xây bằng những viên đá vật chất nhưng bằng “những viên đá sống động”, là chúng ta. Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Êphêsô rằng : “được xây trên nền móng là các tông đồ và tiên tri, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu. Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp nhau, và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Ep 2,20-22). Đây là điều tuyệt vời! Chúng ta là những viên đá sống động của tòa nhà Thiên Chúa, hiệp nhất cách thâm sâu với Đức Kitô là viên đá tảng, cũng là đá tảng giữa chúng ta. Muốn nói lên điều gì? Muốn nói rằng đền thờ là chúng ta, chúng ta là Giáo hội sống động, đền thờ sống động và khi chúng ta ở với nhau cũng có Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta, giúp chúng ta phát triển như là Giáo hội. Chúng ta không đơn côi, nhưng chúng ta là dân tộc của Chúa : là Giáo hội.
Chúa Thánh Thần, với các ơn của Người, phác họa nên tính khác biệt. Điều này rất quan trọng : Điều gì làm cho Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta? Người phác họa nên tính khác biệt là sự phong phú trong Giáo hội, hiệp nhất tất cả mọi người mọi vật, như vậy từ việc xây dựng đền thờ tâm linh, chúng ta không cống hiến sự hy sinh về vật chất, nhưng là chính cuộc sống của mình (1Pt 2,4-5). Giáo hội không đan kết bằng các vật chất và những lợi ích, nhưng là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nơi đó Thiên Chúa hành động. Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nơi đó Thiên Chúa hành động, nơi đó mỗi người chúng ta với ơn của Phép rửa là viên đá sống động. Điều này nói cho chúng ta biết rằng, trong Giáo hội không ai là người vô dụng và nếu ai đó có lần nói với người khác rằng : “Anh về đi, đồ vô dụng”, điều này không đúng, bởi vì không ai là người vô dụng trong Giáo hội, tất cả mọi người chúng ta thì cần thiết để xây nên Đền thờ này! Không ai là người thứ yếu. Không ai là người quan trọng hơn trong Giáo hội, trong đôi mắt của Thiên Chúa tất cả chúng ta đều bình đẳng. Vài người chúng ta có thể nói rằng : “Thưa Giáo hoàng, ngài không bình đẳng với chúng tôi được”. Vâng, tôi cũng như mọi người, tất cả chúng ta đều bình đẳng, chúng ta là anh em! Không ai là người vô danh. Chúng ta hình thành và xây dựng Giáo hội. Điều này cũng mời gọi chúng ta suy tư về sự kiện nếu thiếu những viên gạch của đời sống kitô hữu, là thiếu cái gì đó đối với vẻ đẹp của Giáo hội. Có người nói : Tôi với Giáo hội không thể ăn nhập được, như vậy là bỏ qua những viên gạch của cuộc sống trong Đền thờ đẹp đẽ này. Không ai là người có thể bỏ đi, tất cả chúng ta phải mang đến cho Giáo hội cuộc sống, con tim, lòng mến, tư tưởng và việc làm của chúng ta : tất cả cùng như vậy.
Giờ đây tôi muốn hỏi anh chị em : Làm thế nào chúng ta có thể sống như là Giáo hội? Nói cách khác, có chăng chúng ta là những viên đá sống động hay những viên đã mệt mỏi, chán nản và lãnh cảm? Một người kitô hữu như vậy thì không ổn. Người tín hữu phải sống động, vui vì là kitô hữu; phải sống vẻ đẹp làm nên thành phần dân tộc của Thiên Chúa là Giáo hội. Chúng ta mở ra cho hành động của Chúa Thánh Thần để là thành phần hoạt động trong cộng đoàn của mình, hay chúng ta tự khép mình lại và nói : “Có nhiều việc phải làm quá, tôi không thể chu toàn được”?
Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn của Người, sức mạnh của Người để chúng ta có thể được hiệp nhất thâm sâu với Đức Kitô, là viên đá góc tường, là trụ cột, đá tảng của cuộc sống chúng ta và của toàn thể cuộc sống Giáo hội. Chúng ta cùng cầu xin Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn là những viên đá sống động của Giáo hội.
News.va
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ