Tường thuật ngày thứ 6 chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Brasil
Chúa Nhật 28-7-2013 là ngày cuối cùng trong chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Brasil một tuần để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro. Sau khi chủ sự thánh lễ bế mạc cho 2 triệu người trẻ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ Ủy ban điều hợp Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu La tinh. Tiếp đến ngài gặp gỡ hàng chục ngàn nhân viên thiện nguyện trước khi từ biệt Brasil để trở về Roma.
Sau đây chúng tôi kính mời qúy vị theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ tối thứ sáu 26-7-2013 tại bãi biển Copacabana, và thánh lễ với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Rio sáng thứ bẩy 27-7-2013.
Các chặng đàng Thánh Giá gợi lại nỗi khổ đau của Chúa Giêsu được diễn tả ra nơi người trẻ ngày nay. Lộ trình vác Thánh Giá của Chúa Giêsu được dựng lại tại Copacabana dọc bãi biển với 14 chặng, trong đó 13 chặng diễn ra trên đường Atlantico dài 900 mét. Chặng cuối cùng diễn ra trên khán đài nơi có ghế của Đức Thánh Cha Phanxicô. Buổi đi đàng Thánh Giá kéo dài 1 giờ 15 phút với sự tham dự của 260 nghệ sĩ và bạn trẻ thiện nguyện thuộc các nước Brasil, Porto Rico, Mêhicô, Argentina, Đức và Hoa Kỳ. Mỗi một chặng khai triển một đề tài trực tiếp liên quan tới giới trẻ ngày nay: truyền giáo, hoán cải, cộng đoàn, người trẻ là mẹ, chủng sinh, tôn giáo bảo vệ sự sống, nữ giới khổ đau, sinh viên, mạng lưới xã hội, người trẻ bị tù và mục vụ nhà tù, bệnh cuối đời, cái chết của người trẻ, và người trẻ trên toàn thế giới. Các văn bản suy niệm do hai cha Zezinho và Joãozinho dòng Dehoniani biên soạn. Hai cha chuyên làm mục vụ cho giới trẻ.
Ngỏ lời với các bạn trẻ sau buổi đi đàng Thánh Giá Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và nói: ”Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (22-4-1984 Insegnamenti VII,1 (1984) 1105). Kể từ đó Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đưa ra cho các bạn trẻ ba câu hỏi: Các bạn trẻ Brasil thân mến, trong hai năm Thập Giá đã đi qua đất nước rộng mênh mông của các con, các con đã để lại trên Thập Giá điều gì? Thập giá đã để lại nơi từng người trong các con điều gì? Và sau cùng Thập Giá đó đã dậy điều gì cho cuộc sống của các con?
Một truyền thống cổ xưa của Giáo Hội Roma kể rằng trong thời hoàng đế Neron bắt đạo, Tông Đồ Phêrô trốn khỏi thành, nhưng thấy Chúa Giêsu đi vào thành Roma nên ngac nhiện hỏi: ”Lậy Chúa, Chúa đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: ”Thầy đi vào Roma để chịu đóng đinh trở lại”. Trong lúc đó Phêrô hiểu rằng cần phải can đảm theo Chúa cho tới cùng, nhưng nhất là thánh nhân hiểu rằng mình không bao giờ cô đơn trên đường đời; cùng người đã có Chúa Giêsu Đấng đã yêu thương thánh nhân cho tới chết trên thập giá. Áp dụng vào hoàn cảnh ngày nay Đức Thánh Cha nói:
Đó, với thập giá của Người Chúa Giêsu đi trên các con đường của chúng ta để nhận lấy trên mình các lo sợ, các vấn đề, các khổ đau, kể cả những khổ đau sâu thẳm nhất của chúng ta. Với Thập Giá Chúa Giêsu hiệp nhất với sự thinh lặng của các nạn nhân của bạo lực, những người không còn có thể kêu la nữa, nhất là các người vô tội và không được bênh đỡ. Với thập giá Chúa Giêsu hiệp nhất với các gia đình gặp khó khăn đang thương khóc con cái mình, hay đau khổ trông thấy chúng là mồi ngon cho các thiên đường giả tạo như ma túy. Với thập giá Chúa Giêsu hiệp nhất với tất cả mọi người khổ đau vì đói khát trong một thế giới mỗi ngày phung phí hàng bao tấn thực phẩm. Với thập giá Chúa Giêsu hiệp nhất với những ai bị bách hại vì tôn giáo, vì tư tưởng, hay một cách đơn sơ chỉ vì mầu da của họ. Trong thập giá Chúa Giêsu hiệp nhất với tất cả các bạn trẻ đã mất tin tưởng nơi các cơ cấu chính trị, bởi vì họ trông thấy ích kỷ và gian tham hối lộ, hay đã mất niềm tin nơi Giáo Hội và cả nơi Thiên Chúa nữa, vì cách sống không trung thực của các Kitô hữu hay các thừa tác viên của Tin Mừng. Trong Thập Giá của Chúa Kitô có nỗi khổ đau, tội lỗi của con người, cả tội lỗi của chúng ta nữa, và Chúa Kitô tiếp nhận tất cả với đôi tay rộng mở, Ngài mang trên vai mình các thập giá của chúng ta và nói với chúng ta rằng: ”Hãy can đảm lên! Con không vác các thập gia một mình! Cha vác chung với con và Cha đã chiến thắng cái chết và Cha đến để trao ban hy vọng và sự sống cho con” (x Ga 3,16).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha trả lời cho câu hỏi thứ hai: Thập giá đã để lại gì nơi những người đã thấy và đụng vào nó, và ngài nói:
Thập giá để lại một thiện ích mà không ai có thể cho chúng ta: đó là sự chắc chăn về tình yêu không thể lay chuyển của Thiên Chúa đối với chúng ta. Một tình yêu lớn lao tới độ bước vào trong tội lỗi của chúng ta, tha thứ cho nó, bước vào trong nỗi khổ đau của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng nó, bước vào trong cả cái chết để chiến thắng nó và cứu rỗi chúng ta. Trong Thập Giá Chúa Kitô có tất cả tình yêu của Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người. Và đó là tình yêu mà chúng ta có thể tín thác, nơi đó chúng ta có thể tin tưởng. Các ban trẻ thân mến, chúng ta hãy tin tưởng nơi Chúa Giêsu, hãy hoàn toàn tín thác nơi Người (Lumen fidei, 16). Chỉ nơi Chúa Kitô chết và sống lại chúng ta mới tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu độ. Với Người, sự dữ, khổ đau và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Người trao ban cho chúng ta hy vọng và sự sống: Người đã biến đổi thập giá từ dụng cụ của thù hận, thất bại và chết chóc trở thành dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và sự sống.
Tên gọi đầu tiên người ta đặt cho Brasil là ”Đất của Thánh giá”. Thập Giá Chúa Kitô đã không chỉ được trồng trên bãi biển cách đây hơn 5 thế kỷ, nhưng cũng được trồng trong lịch sử, trong con tim và cuộc sống của người dân Brasil nữa, mà không chỉ có thế. Chúa Kitô khổ đau chúng ta cảm thấy Người gần gũi, là một người trong chúng ta, chia sẻ con đường của chúng ta cho tới cùng. Không có thập giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống chúng ta, mà Chúa lại không chia sẻ với chúng ta.
Trả lời cho câu hỏi Thập Giá Chúa dậy chúng ta điều gì Đức Thánh Cha nói:
Nhưng Thập Giá Chúa Kitô cũng mời gọi chúng ta để cho mình bị lây nhiễm bởi tình yêu đó, và khi đó dậy chúng ta luôn nhìn tha nhân với lòng thương xót và tình yêu thương, nhất là những ai đau khổ, những ai cần được trợ giúp, những ai chờ đợi một lời nói, một cử chỉ; và ra khỏi chính chúng ta để đến với họ gặp gỡ và giơ tay ra cho họ. Biết bao nhiêu gương mặt đã theo Chúa Giêsu trên con đường hướng tới núi Sọ: Philatô, người Cirene, Mẹ Maria, các phụ nữ… Cả chúng ta nữa trước các người khác chúng ta cũng có thể như ông Philatô không có can đảm đi ngược dòng để cứu mạng sống của Chúa Giêsu, và ông đã rửa tay. Các bạn thân mến, Thập Giá Chúa Kitô dậy cho chúng ta biết là người Cirene, giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng, như Mẹ Maria và các phụ nữ không sợ đồng hành với Chúa Giêsu cho đến cùng, với tình yêu thương, với sự hiền dịu. Còn bạn thì thế nào? Như Philatô, như người Cirene, như Mẹ Maria?
Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy đem các niềm vui, khổ sau, thất bại của chúng ta tới Thập Giá Chúa Kitô; chúng ta sẽ tìm thấy một Con tim rộng mở hiểu biết chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và xin chúng ta vác chính tình yêu đó trong cuộc sống, yêu thương mọi anh chị em khác với chính tình yêu này. Ước gì được như vậy!
Sau buổi đi đàng Thánh Giá với các bạn trẻ Đức Thánh Cha đã đi xe về trung tâm Sumaré cách đó 9 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ 6 chuyến viếng thăm Brasil.
Lúc 8 giờ sáng thứ bẩy 27-7-2013 Đức Thánh Cha đã đi xe từ Sumaré đến nhà thờ chính tòa Rio để chủ sự thánh lễ với các Giám Mục tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và các Linh Mục với sự tham dự của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và chủng sinh.
Nhà thờ chính tòa thánh Sebastiano của tổng giáo phận Rio de Janerio được xây trên một khu đất do chính phủ liên bang Guanabara hiến tặng Giáo Hội. Đức Hồng Y Jaime B. Câmara đã bắt đầu công trình xây cất năm 1964, và Đức Hồng Y Eugênio de Araújo Sales đã thánh hiến năm 1979. Nhà thờ có hình cái tháp của dân tộc Maya, để ghi nhớ các dân tộc châu Mỹ Latinh đã nhận lãnh đức tin từ các thừa sai. Nền nhà thờ hình vuông rộng và vòm cao 80 mét hình tròn, có kính mầu hình Thánh Giá ở giữa ”lôi kéo mọi người đến với Chúa”. Các cánh Thánh Giá kéo dài dọc tường cho tới lúc chạm mặt đất, qua khối 4 kính mầu thẳng đứng, tác phẩm của ông Lorenz Hailmar, minh giải 4 đặc tính của Giáo Hội: Duy Nhất (kính nổi nhất mầu xanh lá mạ), Thánh Thiện (mầu đỏ), Công Giáo (mầu xanh da trời) và Tông Truyền (mầu vàng).
Đàng sau bàn thờ chính là đồi Canvê cao 6 mét có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh, Mẹ Maria và thánh Gioan tông đồ. Nhà thờ chính tòa được dâng kính các thánh Bổn Mạng của tổng giáo phận là Sebastiano và Anna, có 5.000 chỗ ngồi. Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm nhà thờ 3 lần và tham dự hội nghị của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh ngày mùng 2 tháng 7 năm 1980.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được linh mục giám quản và kinh sĩ đoàn tiếp đón tại cửa và hướng dẫn vào phòng mặc áo.
Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9 giờ sáng giờ địa phương. Trong bối cảnh Năm Đức Tin các bài đọc được lấy từ thánh lễ Truyền Giáo. Phần thánh ca do ca đoàn đại chủng viện thánh Giuse và ca đoàn trẻ của tổng giáo phận phụ trách.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khai triển ba điểm: được Thiên Chúa kêu gọi, được kêu gọi để loan báo Tin Mừng và được kêu gọi để thăng tiến nền văn minh gặp gỡ. Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: khi nhìn thấy nhà thờ chính tòa đầy các Giám Mục, Linh Mục, chủng sinh và nam nữ tu sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, ngài nghĩ tới các lời Thánh vịnh trong thánh lễ: ”Ước chi mọi dân tộc chúc tụng Ngài, lậy Thiên Chúa” (Tv 66). Phải, chúng ta ở đây để chúc tụng Chúa, và chúng ta làm điều đó bằng cách tái khẳng định ý muốn của chúng ta là các dụng cụ của Người, để tất cả mọi dân tộc chúc tụng Chúa chứ không phải chỉ vài dân tộc mà thôi. Chúng ta cũng hãy loan báo Tin Mừng cho người trẻ với cùng sự hăng say của hai thánh Phaolô và Barnaba, để cho họ gặp gỡ Chúa Kitô soi sáng con đường đời họ, và để họ trở thành các người xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khích lệ mọi người hiện diện phải trở về nguồn ơn gọi của mình, và làm sống dậy thực tại là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn, mời gọi và sai đi rao giảng Tin Mừng: ”Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Chúng ta đã được mời gọi để ở lại với Chúa Giêsu (x. Mc 3,14), kết hiệp với Người một cách sâu xa đến độ có thể nói với thánh Phaolô: ”Không còn là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Việc sống trong Chúa Kitô đó trong thực tế ghi dấu tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. ”Cuộc sống này trong Chúa Kitô” chính là điều bảo đảm cho sự hữu hiệu tông đồ và sự phong phú công việc phục vụ của chúng ta: ”Thầy đã cắt cử các con để các con ra đi mang nhiều hoa trái và hoa trái của các con tồn tại” (Ga 15,16). Đức Thánh Cha khẳng định như sau:
Không phải óc sáng tạo mục vụ, không phải các cuộc gặp gỡ hay các phương án bảo đảm cho hoa trái, mà là việc trung thành với Chúa Giêsu, Đấng đã nhấn mạnh với chúng ta rằng: ”Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4). Và chúng ta biết rõ nó có nghĩa là gì: chiêm ngắm Chúa, thờ lậy Chúa và ôm lấy Chúa, đặc biệt qua sự trung thành của chúng ta với lời cầu nguyện hằng ngày, trong cuộc gặp gỡ mỗi ngày với Người hiện diện trong Thánh Thể, và trong những người cần được trợ giúp. Việc ở lại với Chúa Kitô không phải là tự cô lập hóa, nhưng là ở lại để ra đi gặp gỡ các người khác. Tôi nhớ tới những lời của Chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta: ”Chúng ta phải rất hãnh diện về ơn gọi của chúng ta đã cho chúng ta cơ may phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo. Phải đi tìm và phục vụ Chúa Kitô chính trong các khu xóm ổ chuột, trong các khu xóm của sự bần cùng”. Chúng ta phải đi tới với họ như là linh mục bước lên bàn thờ, với niềm vui” (Giáo huấn của Mẹ, I, 80). Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành là kho tàng đích thật của chúng ta, con tim chúng ta hãy luôn tìm dán chặt vào Người (x. Lc 12,34).
Về điểm thứ hai là được mời gọi để loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói: Các Giám Mục và linh mục rất thân mến, nhiều người trong anh em, nếu không phải là tất cả, đã đồng hành với các người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Cả họ nữa cũng đã lắng nghe các lời sai đi của Chúa Giêsu: ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (x. Mt 28,19). Dấn thân của chúng ta đó là phải trợ giúp họ làm cháy lên trong con tim ước muốn là các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu. Chắc chắn trước lời mời gọi này có người có thể cảm thấy hoảng sợ một chút, vì nghĩ rằng là thừa sai có nghĩa là cần phải bỏ quê hương, gia đình và bạn bè. Tôi còn nhớ giấc mộng của tôi hồi còn trẻ là làm thừa sai bên Nhật Bản xa xôi. Nhưng Thiên Chúa đã chỉ cho tôi thấy rằng vùng đất truyền giáo của tôi gần hơn nhiều: đó là chính quê hương tôi. Và Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau:
Chúng ta hãy giúp đỡ người trẻ ý thức rằng là môn đệ thừa sai là một hiệu qủa của việc được rửa tội, là phần nòng cốt của sự kiện là Kitô hữu, và nơi rao truyền Tin Mừng đầu tiên là chính nhà mình, môi trường học hành hay làm việc, gia đình và bạn bè của mình.
Chúng ta đừng tiết kiệm sức lực trong việc đào tạo người trẻ! Thánh Phaolô dùng một kiểu nói mà thánh nhân đã khiến trở thành một thực tại trong cuộc đời ngài, khi nói với các tín hữu: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa để cho Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19). Cả chúng ta nữa cũng hãy làm cho nó trở thành thực tại trong sứ vụ của chúng ta! Chúng ta hãy giúp giới trẻ tái khám phá ra lòng can đảm và niềm vui của đức tin, niềm vui được yêu thương một cách riêng rẽ bởi Thiên Chúa, là Đấng đã trao ban Đức Giêsu Con của Người cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta hãy giáo dục họ cho sứ mệnh truyền giáo, ra ngoài và ra đi. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế với các môn đệ Người: Người đã không giữ họ dính chặt vào mình như một gà mái làm với gà con, nhưng đã gửi các vị ra đi. Chúng ta không thể đóng kín trong giáo xứ, trong các cộng đoàn của mình, khi biết bao nhiêu người đang chờ đợi Tin Mừng! Đây không chỉ đơn sơ là mở cửa để tiếp đón, mà là ra khỏi cửa để tìm kiếm và gặp gỡ! Với lòng can đảm chúng ta hãy nghĩ tới mục vụ khởi đầu từ các vùng ngoại ô, bắt đầu từ những người ở xa nhất, từ những người thường không lui tới giáo xứ, cả họ nữa cũng được mời gọi vào bàn ăn của Chúa.
Điểm thứ ba là được mời gọi để thăng tiến nền văn hóa của sự gặp gỡ. Rất tiếc trong nhiều môi trường có một ”nền văn hóa của loại trừ”, một ”nền văn hóa của vứt bỏ” đang bước vào. Không có chỗ cho người già, cũng không có cho cho đứa con không được muốn; không có thời giờ để dừng lại với người nghèo đứng ở lề đường. Nhiều khi đối với vài người các tương quan con người được hướng dẫn bởi hai ”tín điều tân tiến”: là sự hữu hiệu và chủ trương thực tế. Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi như sau:
Các Giám Mục linh mục, tu sĩ và cả các chủng sinh thân mến, là những người đang chuẩn bị cho sứ vụ, hãy có can đảm đi ngược dòng đời. Chúng ta không khước từ ơn này của Thiên Chúa: đó là gia đình duy nhất các con của Người. Việc gặp gỡ và tiếp đón tất cả mọi người, tình liến đới và huynh đệ là những yếu tố khiến cho nền văn minh của chúng ta thực sự nhân bản.
Là những người phục vụ sự hiệp thông và nền văn hóa gặp gỡ! Xin để cho tôi nói rằng chúng ta cần phải hầu như là bị ám ảnh trong nghĩa này. Chúng ta không muốn yêu sách bằng cách áp đặt ”các chân lý của chúng ta”. Điều hướng dẫn chúng ta là sự chắc chắn khiêm tốn và hạnh phúc của người đã được tìm thấy, đạt tới và được biến đổi bởi Chân Lý là Chúa Kitô. và không thể không loan báo Người (x. Lc 24,13-35).
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài giảng như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để loan báo Tin Mừng và thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ với lòng can đảm. Ước chi Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu của chúng ta. Trong cuộc đời mình Mẹ đã nêu gương tình yêu mẫu tử, và tình yêu ấy cũng phải linh hứng cho tất cả những người cộng tác trong sứ mệnh tông đồ mà Giáo Hội có là tái sinh con người” (LG 65). Xin Mẹ là Ngôi Sao chắc chắn hướng dẫn các bước chân của chúng ta đi gặp Chúa. Amen.
Sau khi từ giã mọi người hiện diện Đức Thánh Cha đã đi xe tới Nhà hát thành phố để gặp hàng lãnh đạo chính trị, dân sự, ngoại giao, doanh thương, văn hóa và đại diện các tôn giáo tại Brasil.
Rạp hát thành phố đã được khánh thành năm 1909 và được tu sửa nhân dip kỷ niệm 100 năm thành lập hồi năm 2009. Nó là thí dụ điển hình của nghệ thuật kiến trúc thuộc thế kỷ XIX, với mặt tiền xây theo kiểu phục hưng dùng các chất liệu như cẩm thạch, mạ vàng, kính mầu và thủy tinh. Các cuộc trình diễn đầu tiên là sản phẩm nước ngoài như Pháp và Italia. Vào thập niên 1930 mới thành lập đoàn hát có dàn nhạc, ca đoàn và các vũ công hoạt động từ đó tới nay.
Đức Thánh Cha đã được bà chủ tịch rạp hát và bà bộ trưởng văn hóa tiếp đón. Ngỏ lời với hàng lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo Brasil Đức Thánh Cha đã trích lời của tư tưởng gia Alceu Amoroso Lima nói rằng các người có vai trò lãnh đạo trong một quốc gia được mời gọi đương đầu tương lai ”với cái nhìn thanh thản của người biết trông thấy chân lý” (Il nostro tempo, in la vita sopranaturale e il mondo moderno, Rio de Janeiro 1956, p.106). Cái nhìn thanh thản và khôn ngoan ấy bao gồm 3 khía cạnh: thứ nhất là nét độc đáo của một truyền thống văn hóa, thứ hai là tinh thần trách nhiệm liên đới để xây dựng tương lai, và thứ ba là cuộc đối thoại xây dựng để đương đầu với hiện tại.
Đức Thánh Cha nói: cần đánh gía cao sự độc đáo năng động của nền văn hóa Brasil, có khả năng hội nhập các yếu tố khác nhau. Cảm quan của một dân tộc, các nền tảng tư tưởng và óc sáng tạo của nó, các nguyên tắc nền tảng của cuộc sống, các tiêu chuẩn phán xử có các ưu tiên, luật lệ hành động dựa trên một quan điểm toàn vẹn về bản vị con người. Quan niệm về con người và về cuộc sống đó của dân tộc Brasil đã nhận được nhựa sống từ Tin Mừng qua Giáo Hội công giáo, trước hết là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô và tình huynh dệ đối với tha nhân. Cần phải đánh giá cao sự phong phú của nhựa sống đó. Nó có thể phong phú hóa một tiến trình văn hóa trung thành với căn tính Brasil và giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Để lớn lên việc nhân bản hóa toàn vẹn và nền văn hóa của sự gặp gỡ và tương quan là kiểu Kitô thăng tiến thiện ích chung và niềm vui sống. Chính ở đây quy tụ đức tin và lý trí, chiều kích tôn giáo với các khía cạnh của nền văn hóa nhân bản: nghệ thuật, khoa học, lao động, văn chương… Kitô giáo hiệp nhất siêu việt và nhập thể; luôn luôn hồi sinh tư tưởng và sự sống trước nỗi thất vọng và vỡ mộng xâm chiếm các con tim và lan rộng trên đường đời.
Tiếp tục diễn văn Đức Thánh Cha khẳng định rằng tinh thần trách nhiệm xã hội đòi buộc chúng ta đào tạo các thế hệ mới, có khả năng trong lãnh vực kinh tế, chính trị, và vững mạnh trong các giá trị luân lý đạo đức. Tương lai đòi buộc chúng ta phải có một quan niệm nhân bản về kinh tế và một đường lối chính trị luôn thực hiện việc tham gia của dân chúng nhiều hơn và tốt hơn, tránh các chủ trương ưu việt và phải nhổ tận gốc rễ sự nghèo đói. Ước gì không có ai bị lấy mất đi những gì cần thiết cho cuộc sống của họ, và ưởc chi mọi người đều được bảo đảm phẩm giá, tình huynh đệ và liên đới: đây là con đường phải theo…
Ai nắm giữ vai trò lãnh đạo, thì phải có các mục tiêu rất cụ thể và tìm kiếm các phương thức chuyên biệt để đạt các mục tiêu đó, nhưng cũng có nguy cơ của sự thất vọng, cay đắng và thờ ơ, khi các khát vọng không thành sự thật. Đức hy vọng năng động thúc đẩy chúng ta luôn tiến xa hơn, và dồn toàn lực và khả năng cho những người mà chúng ta hoạt động cho, chấp nhận các kết qủa và tạo ra các điều kiện để khám phá ra các lộ trình mới, tận hiến chính mình, cả khi không trông thấy các kết qủa, nhưng luôn duy trì niềm hy vọng.
Lãnh đạo phải biết có các lựa chọn đúng đắn nhất, sau khi đã cân nhắc chúng khởi đầu từ trách nhiệm riêng và từ thiện ích chung. Đây là hình thức giúp đi vào trong các tệ nạn của một xã hội và chiến thăng chúng với các hành động can đảm liều lĩnh và tự do… Ai hành động một cách có trách nhiệm, thì đặt để hành động của mình trước các quyền lợi của người khác và trước sự phán xử của Thiên Chúa. Ý thức luân lý đạo đức này, ngày nay, là một thách đố lịch sử chưa từng có. Ngoài sự hữu lý khoa học và kỹ thuật, trong tình trạng hiện nay cần có mối dây rằng buộc luân lý với một tinh thần trách nhiệm xã hội và liên đới sâu xa.
Sau cùng là tinh thần đối thoại xây dựng. Giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản đối bạo lực luôn luôn có một lưạ chọn khác có thể: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hê, đối thoại với người dân, khả năng cho và nhận, rộng mở cho sự thật. Một đất nước lớn lên, khi có sự đối thoại một cách xây dựng giữa các phong phú văn hóa: văn hóa bình dân, văn hóa đại học, văn hóa giới trẻ, văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông. Không thể tưởng tượng ra một tương lai cho xã hội, mà không có sự cộng tác mạnh mẽ của các năng lực luân lý trong một nền dân chủ, có nguy cơ đóng kín trong cái luận lý đại diện cho các lợi lộc cơ cấu. Nền tảng là phần đóng góp của các truyền thống tôn giáo lớn, nắm giữ vai trò là men của cuộc sống xã hội và linh hoạt nền dân chủ. Tính cách đời của nhà nước, không có thái độ tôn giáo nào, nhưng tôn trọng và trân qúy sự hiện diện của yếu tố tôn giáo trong xã hội, tạo thuận lợi cho sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau, và cho các diễn tả cụ thể của chúng.
Khi các vị lãnh đạo thuộc nhiều lãnh vực khác nhau xin tôi một lời khuyên, câu trả lời của tôi luôn luôn là: đối thoại, đối thoại, đối thoại. Đó là cách thức duy nhất giúp con người, gia đình và xã hội lớn lên. Cách thức duy nhất giúp cuộc sống của các dân tộc tiến triển là nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa trong đó tất cả mọi người đều có cái gì tốt để cho đi, và tất cả mọi người đều có thể nhận lại được điều gì tốt lành. Tha nhân luôn có cái gì đó để cho, nếu chúng ta biết tới gần họ với thái độ cởi mở và sẵn sàng, không thành kiến. Chỉ như thế mới có sự thuận thảo giữa các nền văn hóa và các tôn giáo, sự trân qúy nhau và tôn trọng quyền của mỗi tôn giáo.
Diễn văn của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay cảu cử tọa. Sau đó giàn nhạc và ca đoàn của rạp hát đã trình tấu một số bài thánh ca như: Đâu có tình yêu thương ở đấy có Chúa Trời. Trong khi đó mấy chục bé gái tiến đến ngồi quanh ghế của Đức Thánh Chaa và một em bé hai tuổi được chị nó dẫn đến tặng hoa cho Đức Thánh Cha. Sau đó các em đã ríu rít vây quanh Đức Thánh Cha để được ngài hôn và vuốt ve. Trong số những người đại diện các thành phần lên chào Đức Thánh Cha cũng có vài thổ dân trong sắc phục của họ. Một thổ dân đa tặng Đức Thánh Cha cái mũ lông của ông. Ngài đã đội lên đầu giữa tiếng vỗ tay của mọi người.
Sau khi từ giã cử tọa Đức Thánh Cha trở về tòa tổng giám mục Rio gặp các Hồng Y, ban chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục Brasil. Sau đó vào ban chiều Đức Thánh Cha đến chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại bãi biểm Copacabana, thay vì tại Cánh đồng đức tin Guaratiba, vì mấy ngày qua trời mưa, cánh đồng đầy nước và bùn.
Linh Tiến Khải
R.Vatican