Tin Giáo hội 

Đức Giáo hoàng: Thế giới cần những nhà truyền giáo Kitô can đảm

EMTY (Vatican, 6-8-2013, CNA/EWTN) – Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo của mình, ĐGH Phanxicô đã mạnh mẽ kêu gọi các Kitô hữu chia sẻ đức tin, rằng trong thế giới nhiễu nhương ngày nay “cần can đảm công bố Tin Mừng Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh”.

“Trong tình hình phức tạp này, nơi đường chân trời hiện tại và tương lai dường như bị đe doạ bởi những đám mây vần vũ, trong mọi hoàn cảnh, cần can đảm công bố Tin Mừng Chúa Kitô; công bố thông điệp hy vọng, hoà giải và hiệp thông; công bố sự gần gũi của Thiên Chúa, lòng thương xót và sự cứu rỗi của Ngài; và công bố rằng sức mạnh tình yêu Thiên Chúa có thể chiến thắng bóng tối của sự dữ và dẫn dắt chúng ta đến đường thiện hảo”, Đức Giáo hoàng viết trong thông điệp của ngài, được Vatican phát hành hôm 6-8.

Đức Giáo hoàng mở đầu sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo đầu tiên của mình, được cử hành vào ngày 20-10, bằng cách chỉ ra rằng việc kết thúc Năm Đức Tin chỉ còn lại ít tuần kể từ ngày dành riêng cho nỗ lực truyền giáo được cử hành; với điểm trọng tâm đầu tiên về đức tin, là điểm mà Giáo Hội tập trung vào kể từ khi Đức Bênêđictô XVI khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 11-10-2012. Theo lịch trình, Năm Đức Tin kết thúc bằng nghi lễ bế mạc diễn ra vào ngày 24-11-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong ánh sáng đó, ngài đã dùng lá thư của mình để đưa ra 5 ý tưởng về đức tin, về việc cần chia sẻ đức tin ấy, về một số rào cản mà nỗ lực truyền giáo có thể gặp phải và về tầm quan trọng của việc quảng đại đáp lại lời kêu gọi truyền giáo của Chúa Thánh Thần.

“Đức tin là món quà quý giá của Thiên Chúa”, ĐGH Phanxicô viết, nó “mở tâm trí của chúng ta để nhận biết và yêu Ngài… Tuy nhiên, đức tin cần được đón nhận, nó cần sự đáp trả của mỗi cá nhân chúng ta, cần sự can đảm phó thác của chính chúng ta cho Thiên Chúa, để sống trong tình yêu của Ngài và tỏ lòng biết ơn đối với lòng thương xót vô biên của Ngài”.

Đức tin cũng là “một món quà, không dành riêng cho một số ít người, nhưng được trao tặng một cách quảng đại. Tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm niềm vui được Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu rỗi! Đó là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng là để chia sẻ. Nếu chúng ta chỉ muốn giữ cho riêng mình, thì chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu đơn độc, nghèo nàn và èo uột”, ngài viết trong sứ điệp của mình. Mặt khác, một Giáo Hội khoẻ mạnh và trưởng thành là một Giáo Hội dấn thân xa hơn vào công cuộc truyền giáo, ngài nói, trích dẫn lời Đức Bênêđictô XVI.

Ngài cũng trở lại một trong những chủ đề đặc trưng của mình, đó là tiếp cận với những người sống bên lề xã hội. “Một cộng đồng “trưởng thành” khi cộng đồng ấy tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin ấy với niềm vui trong phụng vụ, sống bác ái, không ngừng công bố Lời Chúa, đem tài sản của mình chia sẻ cho những người sống ‘bên lề xã hội’, đặc biệt là những người chưa có cơ hội biết Chúa Kitô”, ngài khẳng định.

ĐGH Phanxicô sau đó trở lại suy tư của ngài về việc kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II, diễn ra đồng thời với Năm Đức Tin. “Năm Đức Tin, 50 năm sau khi khai mạc Công đồng Vatican II, thúc đẩy toàn thể Giáo Hội hướng tới một nhận thức mới về sự hiện diện của mình trong thế giới đương đại cũng như sứ mệnh của mình giữa các dân tộc và các quốc gia”, ngài nói. “Công đồng Vatican II” – ĐGH khẳng định – “nhấn mạnh một cách đặc biệt về việc truyền giáo như thế nào, đó là mở rộng những ranh giới của đức tin, vốn thuộc về tất cả những ai được rửa tội và tất cả cộng đồng Kitô hữu”.

Như một cách áp dụng thực tế, Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục, các hội đồng mục vụ và “mỗi người và mỗi nhóm có trách nhiệm trong Giáo Hội đưa ra một quan điểm nổi bật với chiều kích truyền giáo này trong việc hình thành các chương trình mục vụ, trong nhận thức rằng việc dấn thân tông đồ của họ không hoàn tất trừ khi nó nhằm mục đích làm chứng cho Chúa Kitô trước các quốc gia và các dân tộc”.

Trong điểm thứ ba, Đức Giáo hoàng đưa ra một đánh giá thẳng thắn về một số trở ngại bên trong và bên ngoài mà công cuộc rao giảng Tin Mừng phải đối mặt. “Đôi khi thiếu đi sự nhiệt tình, niềm vui, lòng can đảm và niềm hy vọng trong việc công bố thông điệp của Chúa Kitô cho mọi người và trong việc giúp đỡ con người của thời đại chúng ta gặp gỡ Ngài. Đôi khi, người ta vẫn nghĩ, việc công bố sự thật của Tin Mừng có nghĩa là một cuộc tấn công vào sự tự do”, ngài viết.

Chống lại khẳng định đó, ngài nhắc lại lời ĐGH Phaolô VI: “Thật sai lầm khi áp đặt một điều gì đó trên lương tâm của người anh em chúng ta. Nhưng đề xuất với lương tâm của họ về sự thật của Tin Mừng và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, với độ rõ nét hoàn toàn và với tất cả sự tôn trọng đối với những lựa chọn tự do mà nó thể hiện… là một việc cống hiến cho sự tự do này”.

Một cạm bẫy khác cản trở bước đường của các nhà truyền giáo là sự cám dỗ loan báo Chúa Kitô mà không cần Giáo Hội của Ngài. “Việc rao giảng Tin Mừng không phải là một hành động cá nhân hoặc riêng tư bị cô lập, nó luôn luôn thuộc về Giáo Hội”, ngài phản ánh.

Đức Giáo hoàng dành điểm suy tư thứ tư của mình về việc làm thế nào để việc di dân và việc dễ dàng trong giao tiếp, liên lạc “dung hoà con người, kiến thức và kinh nghiệm”. “Vì những lý do công việc”, ngài lưu ý, “cả gia đình phải di chuyển từ lục địa này sang lục đia khác, những trao đổi về nghề nghiệp và văn hoá, về du lịch và các hiện tượng khác cũng đã dẫn đến những biến động lớn của con người. Điều này làm cho việc truyền giáo khó khăn, ngay cả đối với cộng đồng giáo xứ, để biết những ai đang sống vĩnh viễn hoặc tạm thời trong khu vực”.

Việc di chuyển này có nghĩa là những người, có thể đã từng được giáo dục đức tin ở một nơi còn thiếu sót, và “số người không biết đức tin, hoặc không quan tâm đến lĩnh vực tôn giáo hay bị tác động bởi những niềm tin khác, ngày càng gia tăng”, Đức Giáo hoàng giải thích. Tất cả những yếu tố này làm nên việc cần thiết “tân Phúc Âm hoá”.

Đức Giáo hoàng cũng nhận xét rằng chúng ta “sống trong một thời đại khủng hoảng, vốn liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, không chỉ kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm hay môi trường, mà còn liên quan đến ý nghĩa sâu xa hơn về cuộc sống và các giá trị cơ bản tác động đến nó”. “Những con người trong thời đại chúng ta”, ngài nhấn mạnh, “cần nguồn ánh sáng an toàn chiếu soi con đường của mình và chỉ có việc gặp gỡ Chúa Kitô mới có thể mang lại”.

Đồng thời, ngài nói rõ rằng “tinh thần truyền giáo của Giáo Hội không liên quan đến việc cải đạo, nhưng là lời chứng về một cuộc sống soi dẫn con đường mang lại hy vọng và tình yêu. Giáo Hội – tôi nhắc lại một lần nữa – không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức phi chính phủ, nhưng là một cộng đồng người được tác động bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã sống và đang sống điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và muốn chia sẻ kinh nghiệm niềm vui sâu đậm này, cũng như chia sẻ sứ điệp cứu độ mà Chúa đã ban cho chúng ta”.

ĐGH Phanxicô dùng phần cuối sứ điệp của mình để cám ơn tất cả những người đã dành thời gian – như các nhà truyền giáo – hay cống hiến cuộc đời mình để loan báo Tin Mừng. Ngài cũng cám ơn các giám mục và các cộng đoàn dòng tu đã gửi các linh mục đến những nơi thiếu ơn gọi và khuyến khích lòng quảng đại không ngừng của họ. Sai các nhà truyền giáo ra đi, ngài viết, “không bao giờ là một sự mất mát, nhưng là một lợi ích”.

Trước khi kết thúc sứ điệp, ĐGH Phanxicô nhớ lại “những Kitô hữu, ở mọi miền khác nhau trên thế giới, đang gặp khó khăn trong việc tuyên xưng công khai đức tin của họ cũng như trong việc được hưởng các quyền hợp pháp để thực thi công việc truyền giáo một cách chính đáng”. “Họ là những anh chị em của chúng ta, những nhân chứng can đảm – thậm chí số lượng còn nhiều hơn cả các vị tử đạo vào thế kỷ đầu tiên – những người phải kiên trì chịu đựng dưới nhiều hình thức khủng bố hiện đại. Khá nhiều người còn gặp nguy hiểm đến tính mạng để giữ vững lòng trung thành với Tin Mừng Chúa Kitô. Tôi muốn tái khẳng định sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện với các cá nhân, gia đình và cộng đồng chịu bách hại và bất khoan dung, và tôi nhắc lại cho họ những lời an ủi của Chúa Giêsu: “Hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian.”

Ngài kết thúc sứ điệp của mình bằng lời chúc cho “các nhà truyền giáo và tất cả những ai đang đồng hành và hỗ trợ sự dấn thân này với Giáo Hội để rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất”.

Hùng Nguyễn

Related posts