Chữ cổ Do Thái vào thế kỷ VII trước Công Nguyên được tìm thấy ở Jerusalem
Jerusalem – Theo tờ thời báo Bưu Điện Jerusalem (The Jerusalem Post) đưa tin ngày 18.8.2013 cho biết hàng ngàn mảnh sành vỡ, đèn đất sét và những bức tượng nhỏ có niên đại cuối cùng của Đền Thờ đầu tiên ở Jerusalem (thế kỷ thứ VII trước Công nguyên) được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ trong thành phố của David ở Jerusalem. Một thông cáo báo chí của Cơ quan Cổ vật Do Thái chính thức cho biết tin quan trọng này vào ngày Chúa Nhật, 18.8.2013.
Thành phố của David, tiếng Anh gọi là “City of David”, nằm trên một con đường hẹp phía Nam của Đền thờ Núi (Temple Mount). Thành phố được bao quanh bốn phía bởi các thung lũng và gần nguồn nước Gihon và ngôi làng Ả Rập của Silwan.
Những phát hiện khảo cổ này đã được tìm thấy trong cuộc khai quật được tiến hành bởi Cơ quan Cổ vật, quan trọng nhất trong số tìm được đó là một chiếc bát gốm có khắc một dòng chữ tiếng cổ Do Thái, còn có thể đọc được, qua đó hình như ghi tên của một nhân vật trong Kinh Thánh thời Cựu Ước. Khai quật này được mô tả như “một sự phát hiện phong phú” với nhiều cổ vật.
Hai nhà khảo cổ học tìm ra chiếc bát cổ là Tiến sĩ Joe Uziel và Nahshon Zanton nói rằng các ký tự khắc ghi trên chiếc bát nung thuộc về thế kỷ VII trước Công nguyên. Cái bát gốm này đưa chúng ta trở về thời điểm sụp đổ của thành phố Jerusalem dưới thời vua Zedekia của Juda, vào khoảng năm 586 trước Công nguyên.
Dòng chữ trên bát gốm đã được xác định là tiếng Do Thái cổ, mặc dù chữ cái đầu tiên đã mất và một phần còn lại của cái bát được bảo tồn. Ông Joe Uziel và Nahshon Zanton nói rằng các dòng chữ còn đọc được có thể là một địa chỉ. Dòng chữ đọc được không có nguyên âm và được ký tự lại qua tiếng Anh là “…riahu ben Benaiah”.
Dòng chữ này cũng tương tự như tên của Zechariah, con trai của Benaiah, là cha đẻ của tiên tri Jahaziel, có tên trong Sử Biên Niên 2, đoạn 20:14 khi Jahaziel nói lời tiên tri cho vua Jehoshaphat trước khi vua đi đánh trận để chống lại người Ammonites và Moabites.
Trong Sử Biên Niên 2, đoạn 20 câu 14 ghi như sau: “Bấy giờ, giữa cộng đoàn, thần khí ĐỨC CHÚA xuống trên ông Gia-kha-di-ên con ông Dơ-khác-gia-hu, cháu ông Bơ-na-gia, ông này là con ông Giơ-y-ên, cháu ông Mát-tan-gia; Gia-kha-di-ên là một thầy Lê-vi trong hàng con cháu ông A-xáp”.
Trên mảnh bát “câu văn chưa hoàn chỉnh, tuy nhiên dòng chữ giới thiệu cho chúng ta với một tên gọi của thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, giống như tên khác được biết đến với chúng ta từ Kinh Thánh và khảo cổ học… và cho chúng ta một liên hệ với những người dân sống ở Jerusalem vào cuối thời đại của Đền Thờ đầu tiên”, thông tin của Cơ quan Cổ vật Do Thái cho biết.
Hai nhà khảo cổ học Joe Uziel và Nahshon Zanton lưu ý rằng dòng chữ “được khắc trên chiếc bát gốm trước khi được nung, cho thấy là dòng chữ ban đầu được trang trí trên mép bát nằm trong ý nghĩa toàn bộ chứ không phải viết trên một mảnh của chiếc bát sành đã bị vỡ.”
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn