Giảng lễ chung 

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
(Ds 21, 4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3, 13-17)
Thánh giá
Nơi thể hiện tình yêu cứu độ trọn vẹn

Thập giá, đối với người La-mã và Do-thái, từng là biểu tượng của sự chúc dữ, là hình phạt dành cho những tội nhân hết sức nguy hiểm. Nay nhờ và qua Chúa Giê-su, thập giá lại trở thành dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa, vì chính nơi đó Chúa đã thể hiện tình yêu cứu độ trọn vẹn của Ngài cho nhân loại.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho ta thấy rõ điều đó. Bài đọc I, trích sách Dân Số, thuật lại việc ông Mô-sê đưa dân Ít-ra-en qua sa mạc, dân kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng ta đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Vì thế Chúa đã cho rắn độc đến cắn chết nhiều người. Dân lại nài xin ông Mô-sê khẩn cầu Chúa tha cho họ. Chúa bảo ông Mô-sê làm một con rắn đồng, treo lên cây cột, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống. Con rắn đồng treo trên cây cột là hình bóng của Chúa Giê-su chấp nhận chịu treo trên thập giá mà bài Tin Mừng đề cập.

Trong bài Tin Mừng, thánh Gio-an thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Chúa Giê-su báo trước việc Ngài sẽ bị treo trên thập giá, để ai nhìn lên đó, nhìn lên với cả lòng tin, thì sẽ được sống đời đời.

Ngài sẽ bị treo trên thập giá là tột đỉnh của việc thể hiện tình yêu hiến thân trọn vẹn mà thánh Phao-lô diễn tả cụ thể trong bài đọc II: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

Chúa Giê-su chọn thập giá là phương thế mặc khải tình yêu cứu độ cho nhân loại. Chúa có thể chọn những cách thức khác, đơn giản hơn, dễ dàng hơn để thể hiện tình yêu của Ngài cho con người, để cứu độ con người. Từ trên cao, Ngài chỉ cần đổ xuống muôn vàn ơn huệ cho họ. Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi người sẽ được cứu độ. Nếu như thế, Ngài sẽ biến con người thành những rô-bốt, thành những vật vô tri vô giác, thụ động, không còn là con người với sự tự do, với tình yêu và lý trí nữa. Nhưng không, Ngài chọn đi vào con đường thập giá, chấp nhận vác thập giá và chịu đóng đinh trên thập giá, để con người có thể nhìn thấy, chiêm ngắm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, để cho con người hiểu rõ Thiên Chúa yêu họ đến mức nào: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đó là sáng kiến tuyệt với của Chúa. Đó là cách thức mà Chúa chọn để thể hiện rõ nét và cụ thể nhất về tình yêu dành cho con người.

Thập giá là nơi Chúa thể hiện tình yêu hiến thân một cách trọn vẹn và tột cùng. Nơi thập giá, Chúa Giê-su cho nhân loại thấy Ngài yêu họ không phải yêu một cách mơ hồ, không phải yêu nửa vời, nhưng là yêu đến cùng, yêu cho đến hy sinh đến giọt máu cuối cùng, sẵn sàng chấp nhận tất cả, không quản ngại nhục nhã, đau đớn và chịu chết vì họ. Qua thập giá, từ đây Thiên Chúa không còn xa cách con người, không còn đứng bên ngoài thế giới của họ, nhưng đi vào trong họ, trở nên đồng thân đồng phận với con người tội lỗi, chấp nhận gánh vác tội lỗi của họ, đồng lao cộng khổ với họ, mang lấy tất cả “bể khổ” của họ, cùng chết với và chết thay cho họ. Tình yêu Thiên Chúa thật lạ lùng, bao la, vĩ đại, khôn siết mà không ai dám nghĩ tới, không ai suy cùng.

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lên, suy niệm và chiêm ngưỡng thập giá để cảm nghiệm được phần nào về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua đó mời gọi chúng ta đáp trả lại phần nào về tình yêu ấy bằng chính đời sống cụ thể của chúng ta: bằng tình yêu dành cho Thiên Chúa, chấp nhận đi vào con đường thập giá và chịu đóng đinh đối với xác thịt vì phần rỗi của tha nhân.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Thanh Phục

Related posts