Giải đáp 

Việc dời ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được qui định thế nào?

Giải đáp phụng vụ: Việc dời ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được qui định thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Năm nay (2013) lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được cử hành ngày thứ hai, 9-12, tại giáo xứ của tôi. Lễ đã được dời qua ngày 9, bởi vì ngày 8-12 là một Chúa Nhật Mùa Vọng, nên không được cử hành lễ khác. Mặc dù lễ cử hành vào ngày Chúa Nhật 8-12 là một ngày lễ buộc, lễ vào ngày dời không là ngày lễ buộc, vì luật buộc đã được đáp ứng bằng cách tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật 8-12 rồi. Nếu một người tham dự Thánh lễ vào tối Thứ bảy 7-12, người ấy đã chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật. Nhưng, thưa cha, liệu người ấy có chu toàn luật buộc dự lễ vào ngày 8-12, là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không, trong trường hợp lễ này rơi vào ngày Chúa Nhật? – R. C., Calangute, Ấn Độ.

Đáp: Trước hết, tôi cần phải minh định một trong các tiền đề của bạn. Không phải là luôn luôn chính xác khi nói rằng luật buộc chấm dứt khi một ngày lễ được dời ngày. Luật liên quan đến nội dung của lễ ấy, chứ không liên quan đến ngày mà lễ ấy được cử hành.

Vì vậy, trong một số quốc gia, nơi mà lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được dời qua ngày thứ hai 9-12, luật buộc dự lễ này vẫn còn đó.

Trong các trường hợp này, phải dự lễ hai lần. Việc này được thực hiện từ chiều tối thứ bảy 7-12 đến hết ngày 9-12.

Chúng ta phải phân biệt giữa yêu cầu tối thiểu của Giáo luật về việc chu toàn luật buộc, vốn đòi hỏi tham dự bất cứ Thánh lễ Công Giáo nào vào chiều vọng lễ, ngay cả khi công thức của Thánh Lễ không là công thức của Thánh lễ buộc, và lợi ích tinh thần của việc tôn vinh ngày lễ trọng càng trọn vẹn càng tốt.

Vì vậy, vì lợi ích tinh thần lớn nhất, và như là một biểu hiện của sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, một người Công Giáo (nếu luật buộc đòi hỏi) cần tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật Mùa Vọng và Thánh Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày thứ hai.

Tuy nhiên về mặt Giáo luật, một người Công Giáo sẽ thực hiện cả hai lần buộc, nếu tham dự Thánh lễ chiều thứ bảy và chiều Chúa Nhật, ngay cả khi hai Thánh Lễ này đều có các lời nguyện và bài đọc giống nhau. Cũng có thể chu toàn hai lần buộc, nếu người ấy tham dự hai Thánh Lễ buổi sáng và chiều tối của ngày Chúa Nhật.

Vì thế, không thể chu toàn hai lần buộc khi chỉ tham dự một thánh lễ, tức là như người ta nói “bắn một phát trúng hai con chim”.

Ở một số nước, chẳng hạn ở Mỹ, các Giám mục miễn chước cho tín hữu luật buộc dự lễ ngày Chúa Nhật, khi ngày lễ buộc rơi vào hoặc được chuyển qua một ngày thứ bảy hoặc ngày thứ hai. Việc này có thể được thực hiện thông qua một luật chung, do Hội đồng Giám mục công bố với sự chấp thuận của Tòa Thánh. Đây là trường hợp của Mỹ, mặc dù trong quốc gia này, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vẫn là một lễ buộc khi ngày 8-12 rơi vào ngày thứ bảy hoặc ngày thứ hai, nhưng không phải khi lễ rơi vào ngày Chúa Nhật, và trong trường hợp này lễ Đức Mẹ được dời qua ngày thứ hai, 9-12, như đã xảy ra trong năm nay.

Một sự miễn chước như vậy cũng có thể là kết quả của một quyết định mục vụ đúng, dựa vào quyết định của các Giám mục địa phương, liên quan đến khả năng của tín hữu tham dự Thánh lễ hai ngày liên tiếp, mà một trong hai ngày là một ngày làm việc bình thường.

Có lẽ sự miễn chước này của Giám mục xảy ra trong giáo phận của bạn đọc đặt câu hỏi, làm cho bạn tin rằng luật buộc tự động ngừng khi có sự đổi ngày mừng lễ.

Các trường hợp ngoại lệ cho quy tắc đổi ngày đôi khi được thực hiện ở các quốc gia, mà ở đó ngày lễ mừng thấm đậm vào văn hóa dân tộc của các nước ấy. Ví dụ, ở Ý, Tây Ban Nha và một số nước khác gắn bó về lịch sử với Tây Ban Nha, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội luôn được mừng vào ngày 8-12, ngay cả khi lễ rơi vào ngày Chúa Nhật. Đây một phần là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc mà Tây Ban Nha đã có trong việc phát triển lòng sùng kính và học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và một phần là do tại Ý và Tây Ban Nha ngày lễ Đức Mẹ trùng hợp với một ngày nghỉ của ngân hàng dân sự quốc gia.

Một trường hợp tương tự là lễ Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico. Mặc dù lễ này không phải là một ngày nghỉ dân sự hoặc không phải là ngày lễ buộc ở Mexico, Tòa Thánh thường ban phép chuẩn miễn đặc biệt, cho phép lễ Đức Mẹ được tổ chức vào ngày Chúa Nhật. Nhưng không như trường hợp của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tây Ban Nha và Ý, sự chuẩn miễn này này không phải là vĩnh viễn, cũng không là tự động. Hội Đồng Giám Mục Mexico phải xin phép chuẩn miễn của Tòa thánh, mỗi lần lễ Đức Mẹ trên rơi vào một ngày Chúa Nhật. (Zenit.org 17-12-2013)

Nguyễn Trọng Đa

Vietcatholic News

Related posts