Tin Giáo hội 

Đức Thánh Cha tông du nước Đức lần thứ ba: Dấu chỉ của tương lai

Đức Thánh Cha tông du nước Đức lần thứ ba: Dấu chỉ của tương lai

 WHĐ (22.09.2011) – Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Đức lần thứ ba – sẽ diễn ra từ 22 đến 25 tháng Chín–, hôm thứ Sáu 16 tháng Chín, cha Federico Lombardi giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh đã giới thiệu chuyến đi này. Đây là một chuyến tông du rất bận rộn tại 3 giáo phận và Quốc hội Đức, nơi mà những liên hệ đại kết và liên tôn sẽ được làm nổi bật với dấu chỉ của tương lai: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có tương lai”.

Chủ đề: chìa khóa để hiểu chuyến tông du

Đây sẽ là chuyến tông du thứ 21 của ĐTC ngoài nước Ý và là lần viếng thăm thứ 3 quê hương của ngài sau chuyến đi vào năm 2005 dịp Ngày Giới trẻ Thế giới ở Köln, và chuyến đi vào năm 2006 ở Bavaria.

Chủ đề của chuyến tông du 4 ngày này là: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai”. Câu nói này được trích từ bài giảng của ĐTC ở đền thờ Mariazell, nước Áo năm 2007. Cha Lombardi đã nhấn mạnh rằng sự chọn lựa câu nói này muốn nhắc nhở đến vị trí tối thượng của Thiên Chúa và sự nâng đỡ của Người đối với nhân loại trước những thách đố của thế giới.

Cha Lombardi nhận định, chủ đề chính là “chiếc chìa khóa quan trọng” để hiểu được chuyến tông du “rất phong phú và rất bận rộn” này với 17 hay 18 bài diễn văn được dự định trước. Điều này khiến cho chuyến tông du là một trong những chuyến đi “có nhiều bài diễn văn nhất”, sau chuyến tông du ở Thánh địa.

ĐTC sẽ đến Berlin, Elfurt và Freiburg ở Brisgau. Đặc biệt tại Berlin, bài diễn văn của ngài ở Quốc hội Đức rất được trông đợi. Nhưng cũng quan trọng không kém là những cuộc gặp gỡ của ngài với Giáo hội Tin lành Đức, các Giáo hội Chính thống, cũng như với những đại biểu cộng đồng Do thái và các đại biểu Hồi giáo.

Diễn văn ở Quốc hội Đức

Cha Lombardi đã nhắc lại rằng ĐTC sẽ gặp tổng thống Đức, ông Christian Wulff ở tư dinh Bellevue, rồi bà thủ tướng Angela Merkel, ở trụ sở Hội đồng Giám mục Đức tại Berlin.

Về cuộc viếng thăm Quốc hội Đức ngày thứ năm 22 tháng Chín, để trả lời cho một vài nhân vật chính trị không muốn ĐTC đọc diễn văn ở đây, cha Lombardi đã nhấn mạnh tính cách “chính thức” của lời mời ĐTC Bênêđictô XVI từ chính ông Norbert Lammert, chủ tịch Quốc hội, một người công giáo là thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU): “Chính vị chủ tịch Quốc hội đã mời ĐTC đến nói chuyện. Với tư cách khách mời, ĐTC sẽ đến đó và đọc diễn văn, lẽ dĩ nhiên là cho những ai muốn nghe ngài và muốn đón nhận bài diễn văn này với lòng kính trọng”.

Có vài dân biểu đã tuyên bố là họ sẽ rời phòng họp trong dịp này. Về phần đức Tổng giám mục Berlin Rainer Maria Woelki, ngài nhấn mạnh rằng nước Đức là một nước dân chủ, tôn trọng tự do ngôn luận. Ngài đề nghị là trước khi chỉ trích, nên chờ nghe bài diễn văn của ĐTC đã.

Còn cha Hans Langendörfer, người điều phối chuyến tông du và là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đức, mong rằng quyền tự do ngôn luận sẽ không biến thành bạo lực.

Cũng tại Berlin, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ ở sân vận động Olympia với hàng chục ngàn người tham dự.

Ở đất nước của Luther, Đông Đức cũ

Ở Erfurt, thủ đô của Thüringen (thuộc Đông Đức cũ), vào ngày thứ bảy 24 tháng Chín, ĐTC sẽ có một cuộc gặp gỡ đại kết rất quan trọng ở nhà dòng thánh Augustinô là nơi ngài sẽ gặp các đại diện của Giáo hội Tin lành và ngài sẽ tham dự một nghi lễ đại kết có khoảng 300 người tham dự, trong đó sẽ đọc một Thánh vịnh theo bản dịch của Luther.

Tu viện này nổi tiếng vì Martin Luther đã ở đây từ 17 tháng Bảy 1505 đến năm 1508. Vì thế, Luther đã là tu sĩ của dòng Augustinô, sau những năm học ở đại học Erfurt (1501-1505). Ông đã vào nhà tập một thời gian ngắn và được thụ phong linh mục năm 1507. Năm sau, ông được gởi dến Wittenberg để hoàn tất chương trình thần học: ông trở về tu viện đều đặn cho đến năm 1511.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng ĐTC rất mong muốn người công giáo và người tin lành ngày càng xích lại gần nhau hơn, sau gần 500 năm ly khai. Do đó, ngày 17 tháng Mười Hai 2010, ĐTC đã tiếp đón mục sư Munib Younan, chủ tịch Liên hội Tin lành Thế giới ở Vatican.

ĐTC đã phát biểu: “Trong vài năm nữa sẽ kỷ niệm 500 năm những biến cố của năm 1517”, khi tu sĩ người Đức, ngài Martin Luther đã rời xa tín lý công giáo, “người công giáo và người tin lành được mời gọi tái suy tư để thấy con đường đi tới hiệp nhất sẽ dẫn đưa chúng ta đến đâu và để nài xin Chúa khuyên bảo và giúp đỡ cho tương lai của chúng ta” .

Ngày 24 tháng Giêng vừa qua, tại Vatican ĐTC cũng đã tiếp đón một phái đoàn Giáo Hội Tin lành Luther của Đức, trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Ngài đã mong muốn những nghi thức được cử hành trong tinh thần đại kết tạo điều kiện nhấn mạnh đến đức Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. ĐTC còn thấy ở đó một cơ hội tốt để suy nghĩ về những lý do dẫn đến sự chia rẽ và để tiếp tục thanh tẩy lương tâm, trong khi hồi tưởng 1500 năm di sản chung của Giáo hội.

Buổi chiều, ĐTC sẽ đi đến Đền Thánh mẫu Etzelsbach, nơi ghi dấu những cuộc bách hại Giáo Hội do những người cộng sản của nước “Cộng hòa Dân chủ Đức” cũ.

Gặp gỡ giới trẻ tại Freiburg

Ở Freiburg – Brisgau, ĐTC sẽ chủ sự một Thánh lễ ngoài trời vào ngày Chúa nhật 25 tháng Chín. Cha Lombardi cho biết đây là một khu vực ở Đức có rất nhiều người công giáo. ĐTC cũng sẽ gặp ông Helmut Kohl, cựu thủ tướng Đức, một trong những nhân vật chủ chốt đem lại sự thống nhất nước Đức.

Cha Lombardi cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc tiếp kiến đã được dự trù với những người công giáo dấn thân trong Ủy ban Trung ương những người công giáo Đức (ZDK). Uỷ ban này đóng vai trò then chốt trong sứ mạng tông đồ giáo dân ở Đức.

Cao điểm của những cuộc gặp gỡ này là đêm canh thức với giới trẻ của nhiều giáo phận trong toàn nước Đức.

Đức cha Zollistch, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã xác nhận là vấn đề chi phí của chuyến tông du này –khoảng 30 triệu euro– do Hội đồng Giám mục Đức chịu trách nhiệm. Về phía chính phủ, họ chỉ chi phí cho vấn đề an ninh như bao nhiêu cuộc biểu tình công cộng khác.

Đức cha Zollistch cũng tuyên bố thành lập “Quỹ ĐTC Bênêđictô XVI cho miền Đông Phi” để giúp đỡ người dân của vùng Sừng châu Phi đang lâm cảnh đói ăn.

(Anita S. Bourdin, Zenit, 16-09-2011)

An Phú Sĩ chuyển dịch
Nguồn:  WHĐ

Related posts