Tòa Thánh tuyên bố về vấn đề buôn bán vũ khí

Tại New York, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 7 vừa qua, Ủy Ban Chuẩn Bị cho Hội Nghị Liên Hiệp Quốc bàn về hiệp ước buôn bán vũ khí qui ước đã triệu tập phiên họp thứ ba. Nhân dịp này, Phái Bộ của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã công bố bản tuyên bố sau.

1. Năm 2006, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các quốc gia cho biết quan điểm về việc sọan thảo một hiệp ước về buôn bán vũ khí. Hơn 100 quốc gia đã đóng góp quan điểm của họ. Các quan điểm này đã được thu thập thành phúc trình năm 2007 của Tổng Thư Ký về vấn đề này. Tiếp sau đó, vào năm 2008, một Nhóm Chuyên Viên Cấp Chính Phủ đã cho công bố phúc trình thứ hai về chủ đề này.

Cuối năm 2009, Đại Hội Đồng quyết định triệu tập Hội Nghị về Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí vào năm 2012 “để chi tiết hóa một văn kiện có tính trói buộc về luật pháp bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế chung cao cấp nhất cho việc chuyển giao các vũ khí qui ước”. Đại Hội Đồng cũng ấn định rằng bốn phiên họp của Nhóm Làm Việc Không Giới Hạn sẽ được tổ chức để chuẩn bị cho Hội Nghị dưới danh xưng các phiên họp của Ủy Ban Chuẩn Bị. Phiên họp đầu tiên đã diễn ra hồi tháng 7 năm 2010. Trong năm 2011, 2 phiên họp khác đã được tổ chức vào các ngày 28 tháng 2 tới ngày 4 tháng 3, và ngày 11 tới ngày 15 tháng 7. Kỳ họp thứ tư của Ủy Ban Chuẩn Bị được dự trù vào các ngày từ 13 tới 17 tháng 2 năm 2012, trước khi có việc Hội Nghị chấp nhận Hiệp Ước mong đợi.

2. Tại nhiều nơi trên thế giới, việc buôn bán vũ khí và đạn dược bất hợp pháp đã và đang dẫn tới nhiều đau khổ nhân bản, nhiều tranh chấp nội bộ, nhiều bất an dân chính, nhiều vi phạm nhân quyền, nhiều khủng hoảng nhân đạo, nhiều tội ác, bạo hành và khủng bố. Thực vậy, cộng đồng quốc tế đang phải đối phó với những vụ buôn bán vũ khí vô trách nhiệm ở một vài nơi trên thế giới. Dù đã có một số biện pháp vá víu có tính quốc gia và miền đối với việc chuyển giao vũ khí, việc buôn bán hoàn cầu về vũ khí qui ước từ các chiến hạm và xe tăng chiến đấu tới các phản lực cơ và súng máy, vẫn chưa được qui định vì thiếu các tiêu chuẩn được quốc tế thoả thuận. Vì thế, Tòa Thánh đã tham dự các buổi thương thảo về Hiệp Ước này ngay từ đầu.

3. Tòa Thánh nhìn nhận tầm quan trọng lớn lao của diễn trình Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí vì diễn trình này đề cập cách riêng tới những thiệt hại nhân bản trầm trọng vốn do việc buôn bán vũ khí tạo ra. Việc buôn bán vũ khí chưa được qui định và không hề trong sáng cũng như việc thiếu các hệ thống theo dõi hữu hiệu đối với việc buôn bán này trên bình diện quốc tế đã tạo ra nhiều hậu qủa nhân bản trầm trọng, làm chậm việc phát triển con người toàn diện, phá hoại nguyên tắc trọng pháp, gia tăng tranh chấp và bất ổn khắp thế giới, đe dọa các diễn trình tạo hòa bình tại nhiều quốc gia khác nhau và phát sinh ra nền văn hóa bạo lực và không bị trừng phạt. Ở đây, ta nên nhớ tới các hậu quả nghiêm trọng của việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp đối với hoà bình, phát triển, nhân quyền và tình hình nhân đạo, nhất là tác động sâu xa của nó đối với phụ nữ và trẻ em. Những vấn đề này chỉ được giải quyết qua việc toàn thể các thành viên của cộng đồng quốc tế phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

4. Không được coi các vũ khí qui ước, nhỏ hay nhẹ, như một loại hàng hóa khác được bày bán trên thị trường hoàn cầu, miền hay quốc gia. Việc sản xuất chúng, buôn bán và sở hữu chúng có những hệ luận đạo đức và xã hội. Nên cần được qui định bằng những nguyên tắc thuộc trật tự luân lý và luật pháp. Cần phải đưa ra mọi cố gắng để ngăn ngừa việc lan tràn bất cứ loại vũ khí nào nhằm khuyến khích các cuộc chiến tranh địa phương và bạo lực đô thị cũng như sát hại quá nhiều người mỗi ngày trên thế giới. Do đó, khẩn trương phải chấp nhận một văn bản có tính luật pháp, một văn kiện được Tòa Thánh ủng hộ, gồm các biện pháp có tính trói buộc về luật pháp để kiểm soát việc buôn bán các vũ khí và đạn dược qui ước trên các bình diện hoàn cầu, miền và quốc gia.

5. Cộng đồng quốc tế cần một văn kiện mạnh mẽ, khả tín, hữu hiệu và cụ thể để cải thiện sự trong sáng trong việc buôn bán vũ khí, cổ vũ việc chấp nhận các tiêu chuẩn chung để kiểm soát việc buôn bán vũ khí cũng như để thiết lập ra một cái khung luật pháp có tính trói buộc để qui định việc buôn bán các vũ khí và đạn dược qui ước cũng như việc buôn bán và cấp giấy phép cho các kỹ thuật sản xuất ra chúng.

6. Thành quả của diễn trình Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí sẽ thử thách ý chí chính trị cũng như sự sẵn sàng đáng tin của các chính phủ trong việc đảm nhận trách nhiệm luân lý và luật pháp của họ trong việc tăng cường hơn nữa chế độ của liên hiệp quốc đối với việc buôn bán vũ khí hiện chưa được qui định. Việc chú tâm tới số lượng lớn lao những người chịu ảnh hưởng và những người đang đau khổ vì tai họa lan tràn bất hợp pháp các loại vũ khí và đạn dược phải thách thức cộng đồng quốc tế đạt cho bằng được một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí hữu hiệu và có thể chấp pháp được. Các nước xuất cảng và nhập cảng phải ban hành có hiệu lực các qui tắc và cơ cấu có tính bắt buộc, trong sáng, có thể kiểm chứng được và phổ quát để kiểm soát việc buôn bán vũ khí bằng cách áp dụng các hệ thống giữ sổ sách và báo cáo hữu hiệu với sự trợ giúp và hợp tác hữu hiệu của quốc tế cũng như các liên hệ đặt căn bản trên niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia. Các nước xuất cảng và nhập cảng cũng phải đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ trước bất cứ tiềm năng thối nát nào và trong việc giám sát các kỹ nghệ vũ khí và môi giới vũ khí tuân theo các qui định quốc tế về việc buôn bán chúng.

7. Muốn đạt được một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí mạnh, hữu hiệu và toàn bộ, cộng đồng quốc tế không được lãng quên tầm quan trọng của việc trợ giúp và bồi thường các nạn nhân. Mục đích chính của Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí phải là bảo vệ mạng sống con người và xây dựng một thế giới biết tôn trọng nhân phẩm nhiều hơn, chứ không phải chỉ là qui định việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí cũng phải thách thức cách tiếp cận “cứ làm việc như thường” từng liên tiếp vi phạm tư cách miễn tố dân sự trong các cuộc tranh chấp. Hành động một cách có trách nhiệm nghĩa là phải cổ vũ nền văn hóa chân thực của hòa bình và sự sống. Trong chiều hướng này, điều quan trọng nữa là phải cổ vũ giáo dục về hòa bình và các chương trình gây ích công cộng với sự tham dự của mọi thành phần trong xã hội, kể cả các tổ chức tôn giáo.

8. Tòa Thánh xác tín rằng Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí có thể đóng góp lớn lao vào việc cổ vũ nền văn hóa hòa bình có tính hoàn cầu đích thực qua việc hợp tác có trách nhiệm của các chính phủ, trong tình hùn hạp và liên đới với kỹ nghệ vũ khí và với xã hội dân sự. Trong viễn ảnh này, các cố gắng hiện nay trong việc chấp nhận Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí nhất định sẽ trở nên một dấu chỉ tốt đẹp cho ý chí chính trị của các quốc gia và chính phủ muốn có một nền hòa bình, công lý, ổn định và thịnh vượng lớn hơn trên thế giới.

9. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói: “Đã đến lúc phải thay đổi giòng lịch sử để tìm lại lòng tin, để vun đắp đối thoại, để nuôi dưỡng tình liên đới. Đó là mục tiêu cao cả từng linh hứng các nhà sáng lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc, một trải nghiệm thực chất của tình bạn giữa mọi dân tộc. Tương lai nhân loại tùy thuộc sự cam kết của mọi người chúng ta. Chỉ nhờ tuân theo một chủ nghĩa nhân bản toàn diện và có tính nâng đỡ nhau mà trong ngữ cảnh của nó vấn đề giải giới có được một bản chất đạo đức và tâm linh, nhân loại mới có khả năng tiến tới một nền hoà bình chân chính và lâu dài hằng chờ mong” (Hội thảo quốc tế về “Giải Giới, Phát Triển và Hòa Bình, Các Viễn Cảnh Cho Việc Giải Giới Toàn Diện”, ngày 10 tháng 4 năm 2008)

Zenit 24 tháng 7

Vu Van An

Related posts

Leave a Comment