Nhớ về một người thầy
Giáo phận Quy Nhơn kính báo
LM Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên
đã được Chúa gọi về lúc 19:30 ngày 19/9/2009
sau hơn 3 tháng ngã bệnh ung thư.
…
Cha Phêrô là một linh mục gương mẫu,
là chứng nhân đời sống khó nghèo bác ái huynh đệ
và niềm vui trong sứ mạng phục vụ tha nhân.
Giáo phận Quy Nhơn
Vâng, cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên là một linh mục gương mẫu, là chứng nhân đời sống khó nghèo bác ái huynh đệ. Đó là những điều không cần bàn cải.
Với chúng tôi, những học trò cũ của ngài, mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, thì dù mọi chuyện nêu ra đều luôn có người bàn cãi phải trái này nọ nhưng hễ khi nào nhắc tới cha Phêrô thì tất cả đều công nhận rằng đời ngài quả là một tấm gương sáng, hơn thế nữa, ngài là một vị thánh.
Chúng tôi thật có phước khi được ngài làm cha linh hướng suốt mấy năm Tiểu chủng viện. Sống gần một vị thánh, tâm hồn ta cũng được lây cái sự thánh. Giọng giáo huấn ấm áp của ngài từng sáng, từng trưa, từng chiều tối vang lên như dòng nước trong gội rửa tâm hồn mỗi người.
Chúng tôi được học biết rằng khi chọn đời chủng sinh là chọn con đường theo Chúa với một tâm hồn quảng đại và một trái tim trong sạch.
Chúng tôi được học biết rằng theo Chúa là phải biết từ bỏ mọi sự, từ bỏ chẳng những các tính hư tật xấu mà còn bỏ cả những khuyết điểm vì “ nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, ương ương dở dở ta mửa ngươi ra ” (Kh 3, 16)
Chúng tôi được học để biết rằng linh mục là một “nghề ” cao quý, nghề chăn dắt linh hồn và rằng làm nghề mà không biết nghề là một điều bỉ ổi …
Linh mục là một Alter Christus. Và cứ thế từng ngày, mỗi người qua sự dẫn dắt của ngài trở nên tốt hơn, biết nhìn mọi sự qua con mắt đức tin, biết hy sinh, cầu nguyện …
Còn nhớ khi mới bước chân vào chủng viện, cái tật xấu quay cóp bài làm ở ngoài được đưa luôn vào trường. Cả lớp mỗi khi trả bài đều bắt gặp cảnh quay ngang liếc dọc thế mà với sự dạy bảo của ngài thì đến kỳ tết năm ấy, qua hai Tam cá nguyệt ( một niên học thưở đó chia làm 3 Tam cá nguyệt ) mỗi chúng tôi khi làm bài cho dù không người coi ngó đều thực hiện cách trung thực.
Mà chúng tôi nghe lời ngài dạy, chân thành bày tỏ mọi chuyện với ngài không phải chỉ vì lời giáo huấn mà hơn thế, vì chính cuộc sống thánh thiện, vì tấm gương đạo đức. Chỉ cần gặp ngài, nói chuyện với ngài ta cũng cảm thấy hương thánh thiện tỏa lan. Cái đạo đức của ngài được đặt trên nền tảng kết hợp cùng Chúa trong mọi sự, luôn phó thác và vui sống bình an.
Với tha nhân ngài đầy quảng đại. Còn nhớ tài sản đáng giá nhất của ngài thuở đó là bộ loa, nhưng vì cần cảm hóa một thanh niên nghiện xì ke ở phố về niềm tin vào con người nên khi anh ta hỏi mượn để mừng sinh nhật ngài đã không ngần ngại đưa cho, dù biết thế là nguy hiểm. Và quả thật hắn ta đã phụ lòng tin của ngài khi bán mất món đồ ấy, trở về ngài chỉ nói với chúng tôi là hãy cùng cầu nguyện cho anh ta.
Cũng là linh hướng cho một trại tù nên thỉnh thoảng để giáo dục các chú biết quan tâm đến tha nhân, ngài lại yêu cầu chúng tôi giặt sạch quần áo dư để làm quà cho các tù nhân. Việc tuy nhỏ nhưng sức giáo huấn cao.
Còn nhớ vào một buổi sáng đang lúc ngài dạy giáo lý cho lớp chúng tôi ở tầng trệt, một bà lão ăn xin không hiểu sao đi lọt được vào chủng viện. Đứng phía ngoài thềm bà già vừa đưa chiếc nón rách ra thì cha giám đốc từ đàng xa đã bước tới la lên : Bà kia ! Ai cho bà vào đây ! Đi ra ngoài ngay !
Bà lão chưa kịp phản ứng gì thì cha Hiên đã bước ra giọng đầy nhỏ nhẹ : Mời bác bước ra ngoài vì đây là nhà tu.
Rồi như để sửa cái lỗi nóng tính có thể làm gương xấu, trước chúng tôi ngài đã thẳng thắn nói với cha giám đốc : Cha nên trách người gác cổng chứ đừng nên trách bà già.
Khi ra làm cha sở xứ Tịnh Sơn, một giáo xứ miền núi thì đời sống của ngài cũng được mọi người thán phục. Ngài không giữ một cái gì cho riêng mình. Trong nhà, từ lon gạo cho đến vật dụng, giáo dân hoặc bất kỳ ai cần đến thì ngài cũng sẵn sàng cho đi. Phòng ở rất đơn sơ chỉ gồm một chiếc giường gỗ và một cái bàn nhỏ để làm việc. Tin tưởng nơi tình thương của ngài nên thỉnh thoảng trước sân nhà thờ một vài đứa bé sơ sinh đã được bỏ lại mặc cho ngài lo toan …
Sau giải phóng, cuộc sống khó khăn, một mình trong nhà xứ lo toan mọi chuyện. Bữa cơm chỉ là ít con cá khô, chén nước mắm … tự nấu. Giáo dân có cho gì thì ngài lại đem cho những người túng thiếu … Nhưng lúc nào gặp ngài là ta lại gặp nụ cười ấm áp hiền hòa.
Cuộc đời của ngài đúng là được dành để cho đi, để được sống trọn vẹn cho Chúa. Với Thiên chức linh mục, suốt đời mình ngài đã tận tụy phục vụ tha nhân.
Xin được thắp một nén hương để tỏ lòng kính nhớ cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên.
————————
Cát Giang.