Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 1)
Loạt bài chia sẻ của ĐGM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong cuộc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận Phan Thiết từ ngày 9 đến 13-1-2012, theo chủ đề “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận”
NHẬP ĐỀ
Chủ đề suy tư, cầu nguyện và sống trong Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010 vừa qua xoay quanh Giáo Hội dưới 3 khía cạnh mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Trong cuộc Đại hội Dân Chúa quy tụ các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa trong 26 giáo phận và các dòng tu diễn ra vào tháng 11-2010, hiệp thông và sứ vụ là 2 đề tài được đề cập nhiều nhất, đặc biệt là sự hiệp thông. Điều đó thật dễ hiểu vì Giáo hội Việt Nam đang gặp nhiều thánh đố và khó khăn trong sự hiệp thông và thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người ta nói nhiều về vấn đề hiệp thông trong Giáo Hội tại Việt Nam khi có bao nhiêu biến cố đã xảy ra và được báo chí mô tả, tô đen hay cường điệu hoá như những dấu hiệu của một sự phân hoá giữa lòng Giáo Hội, xem đó như là một phản chứng gây trở ngại cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Không ai có thể xác định được tính thực hư hay mức độ trầm trọng của thực trạng ấy, nhưng mọi người đều cùng nhìn thấy đó như một dấu chỉ thời đại đòi buộc Giáo Hội tại Việt Nam phải canh tân mối hiệp thông để có thể thi hành sứ vụ dẫn đưa con người ngày nay đến với mầu nhiệm cứu độ.
Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 23, đã viết: “Đại hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội… Việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới”.
Sự hiệp thông trong Giáo Hội được xây dựng từ những mối quan hệ giữa các thành phần Dân chúa. Để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội, cần phải đổi mới các mối quan hệ ấy. Vì thế, Thư ngỏ của Công nghị Tổng Giáo phận Sài Gòn 2011 với chủ đề Đổi mới để hiệp thông và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, số 5, đã viết: “Cần đổi mới các tương quan giữa giám mục và linh mục, giữa linh mục với nhau, giữa linh mục với tu sĩ và giáo dân, và giữa giáo dân với nhau, trong gia đình cũng như trong giáo xứ. Theo tinh thần Phúc Âm, những mối tương quan này cần được vun đắp bằng tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm và tinh thần trách nhiệm”.
Trong những cuộc thảo luận theo nhóm, nhiều đại biểu tham dự Đại hội Dân Chúa 2010 đã khẳng định rằng để canh tân Giáo Hội tại Việt Nam thì việc làm đầu tiên là phải đổi mới hàng linh mục, vì đó là những người có nhiệm vụ dẫn dắt Dân Chúa. Và nếu Giáo Hội nói chung phải củng cố và canh tân mối hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa ở mọi cấp bậc để có thể thi hành sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng, thì trước hết cần phải củng cố và canh tân mối hiệp thông giữa các linh mục. Đó chính là nội dung những gì chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm trong những ngày này dưới chủ đề CỦNG CỐ VÀ CANH TÂN TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC TRONG GIÁO PHẬN.
Đây không phải là một đề tài mới, vì tình huynh đệ hay tình yêu giữa anh em với nhau đã có ngay từ đầu, từ nơi Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu, như Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định trong Thư thứ nhất của ngài (x. 1 Ga 4,8.16). Cũng trong bức thư ấy, Thánh Gioan đã viết: “Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em” (1 Ga 2,7-8). Người ta kể lại rằng lúc về già, không còn sức đứng vững nữa, ngài vẫn bảo người ta khiêng ngài trên một chiếc ghế đến giữa cộng đoàn và lần nào ngài cũng dạy chỉ có một ý: “Các con hãy yêu thương nhau”. Có người đến thưa với ngài: “Thưa cha, cha không còn gì để nói với chúng con nữa sao, mà cha cứ lặp đi lặp lại mãi một điều như thế?” Ngài trả lời: “Chỉ một điều ấy mà thôi, nếu các con tuân giữ thì cũng đủ rồi!”
Ngoài giáo huấn Thánh Kinh, những đề tài suy niệm của chúng ta còn dựa trên giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, cụ thể là:
– Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis của Công đồng Vatican II.
– Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay Pastores dabo vobis của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
– Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
1.
TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC
TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ HIỆN NAY
TẠI VIỆT NAM
MỘT THOÁNG NHÌN QUA
Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 5, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Thiên Chúa lúc nào cũng kêu gọi các linh mục của Ngài giữa những môi trường nhân sinh và môi trường Giáo Hội nhất định, các linh mục không thể không mang dấu vết của những môi trường ấy”. Là con người, các linh mục cũng hiện diện trong một toạ độ không gian và thời gian nhất định. Mối tương quan giữa các linh mục tất nhiên cũng bị ảnh hưởng và chi phối bởi toạ độ ấy. Do đó, để củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục tại các giáo phận ở Việt Nam hôm nay, trước hết cần phải phân tích bối cảnh văn hoá mà các linh mục đang sống và làm việc, và phân định những ảnh hưởng tiêu cực cũng như tích cực của bối cảnh văn hoá ấy đối với họ. Cả Tông huấn Pastores dabo vobis lẫn Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 đều bắt đầu bằng những nhận định về bối cảnh văn hoá xã hội hiện nay (Pastores dabo vobis, chương I, các số 5-10; Thư Chung, chương I, các số 4-9).
1. BỐI CẢNH VĂN HOÁ HIỆN NAY TẠI VIỆT NAM
Bối cảnh văn hoá hiện nay tại Việt Nam không mang tính thuần nhất, nhưng là kết quả của cuộc hợp lưu giữa dòng chảy hàng ngàn năm của văn hoá truyền thống và những làn sóng từ thế giới bên ngoài tràn vào ngày càng nhiều, ngày càng mạnh và ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc sống cá nhân cũng như xã hội. Các phân tích cho thấy nền văn hoá Việt Nam hiện nay vừa mang nét truyền thống, vừa có dáng dấp văn hoá hậu hiện đại, lại vừa bi cuốn hút vào cơn lốc toàn cầu hoá đang tràn qua các lục địa trên toàn thế giới.
1.1. Văn hoá truyền thống
Văn hoá truyền thống của Việt Nam là văn hoá nông nghiệp. Đời sống nông nghiệp khiến người Việt Nam quan tâm đến mối tương quan giữa các yếu tố khác nhau nhưng tương tác với nhau trong thiên nhiên, từ đó dẫn đến tư duy biện chứng mà hình thức tiêu biểu là triết lý âm dương. Đó là tư tưởng triết lý được hình thành rất sớm tại vùng nông nghiệp Á Đông. Nơi người Việt Nam, khái niệm âm dương để lại dấu vết trong cặp vật tổ Rồng Tiên. Rồng tượng trưng cho dương, còn Tiên tượng trưng cho âm.
Đặc tính của tư tưởng âm dương hệ tại sự kiện này là người ta không nhìn các thực tại cách riêng rẽ nhau, nhưng với một cái nhìn tổng hợp và biện chứng, vì âm dương tuy tương phản nhưng hòa quyện với nhau, sinh ra nhau, tương tác lẫn nhau. Khi dương đạt đến đỉnh cao thì sinh ra âm và ngược lại. Đó là triết lý về sự hoà điệu dựa trên sự cân bằng giữa hai yếu tố âm và dương, và đối với người Việt Nam thì yếu tố âm hình như trội hơn. Để diễn tả sự hoà điệu này, trong truyền thống văn hoá Việt Nam người ta sử dụng biểu tượng Vuông – Tròn. Đó là sự hoà điệu giữa trời và đất: thiên viên địa phương, trời tròn đất vuông. Vuông – Tròn cũng tượng trưng sự viên mãn, hạnh phúc: đạt đến sự hoà điệu giữa âm dương tức là đạt được hạnh phúc.
Đối với các dân tộc Á Đông nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng, ý nghĩa của sự hoà điệu được đề cao như một lý tưởng sống của cá nhân cũng như xã hội. Sự hoà điệu này đặt nền trên nguyên lý bổ túc giữa 2 yếu tố trái nghịch nhau là âm và dương, một sự hoà điệu giữa đất với trời, giữa nữ với nam, giữa thấp với cao, biến những cái khác nhau và đối nghịch nhau thành chung với nhau, hoạt động và thu hút lẫn nhau.
Triết lý âm dương là cơ sở của văn hoá truyền thống Việt Nam và do đó nó ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ và cách sống của dân tộc này. Người Việt Nam luôn tìm kiếm một cuộc sống hoà điệu. Sự hoà điệu này được quan niệm trước hết trong tương quan với vũ trụ thiên nhiên. Tiếp đến, nó được biểu lộ trong mối tương quan giữa con người với nhau. Như trên đây chúng ta đã nói, nơi người Việt Nam yếu tố âm nổi trội hơn, khiến cho họ thiên về tình cảm, sự mềm dẻo, bao dung và thích sự an bình.
Tình cảm chiếm chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Việt. Mọi tình huống, mọi biến cố đều luôn luôn mang đậm màu sắc tình cảm. Khi xem tình cảm là nguyên tắc ứng xử, họ thường giải quyết mọi vấn đề bằng tình hơn là bằng lý. Trong kho tàng văn chương Việt Nam, chúng ta gặp thấy nhiều châm ngôn, tục ngữ, ca dao, đề cao tình cảm hơn lý luận.
Theo Cha J. Maïs, một thừa sai người Pháp đã từng làm việc lâu năm tại Việt Nam, đối với người Âu Châu, khi nói chuyện người ta nhằm chuyển đạt cho người nghe một thông điệp, người ta nhấn mạnh đến nội dung câu chuyện; trong khi đó đối với người Việt Nam, người ta quan tâm hơn đến tình cảm ẩn chứa trong lời nói và trước hết nhắm đến việc tạo được một tương quan giữa hai người. Đời sống dựa trên tình cảm khiến cho Việt Nam trở thành một dân tộc hiền lành, chuộng hoà bình, và đó là kết quả của đời sống nông nghiệp. Hơn nữa, lối sống in đậm tình cảm cũng khiến người Việt Nam dễ nhẫn nhục và nhường nhịn nhau. Trong đời sống thường ngày, người ta hay nhắc nhở cho nhau câu tục ngữ “một sự nhịn chín sự lành”.
Ngoài ra, trong văn hoá truyền thống mang tính nông nghiệp của người Việt Nam, gia đình chiếm một vai trò rất quan trọng. Gia đình Việt Nam không chỉ là gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái, mà còn được nới rộng đến cả gia tộc. Người ta nhấn mạnh nhiều đến tình huynh đệ giữa các anh chị em một nhà. Tình huynh đệ này được biểu lộ qua sư hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau. Tình huynh đệ trong gia đình và họ hàng được nới rộng hơn nữa trong phạm vi làng xã và quốc gia như một đại gia đình. Truyền thuyết về nguồn gốc các tộc Bách Việt phát sinh từ bọc trứng của tổ mẫu Âu Cơ cho thấy mọi người Việt Nam đều coi nhau là anh chị em do một mẹ sinh ra. Vì tất cả đều phát xuất từ một bọc, nên mọi người dân Việt phải đùm bọc lẫn nhau. Tình huynh đệ trong gia đình phải được thể hiện qua sự đoàn kết và tinh thần cộng đoàn trong làng xã và quốc gia.
Người Việt Nam truyền thống không biết đến cá nhân chủ nghĩa. Chính cơ cấu tổ chức xã hội hàng ngàn năm này đã biến họ thành những người của cộng đoàn. Tuy nhiên, mặt trái của sự kiện này là nhiều lúc ảnh hưởng cộng đoàn quá mạnh đến độ lấn áp cá nhân, khiến cho các cá nhân bị mất hút trong cộng đoàn, từ đó dẫn đến sự ỷ lại, đố kỵ và thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra sự gắn bó quá nhiều vào làng xã nhiều khi tạo nên tinh thần cục bộ, óc địa phương hẹp hòi, từ đó có thể tạo ra sự chia rẽ giữa những người có gốc gác khác nhau.
1.2. Văn hoá hậu hiện đại
Thế giới hiện nay đang sống trong một thời đại mà các nhà chuyên môn gọi là hậu hiện đại. Để hiểu thế nào là văn hoá hậu hiện đại, chúng ta hãy thử tìm hiểu đôi chút về văn hoá hiện đại. Văn hoá hiện đại là một nền văn hoá bao trùm các nước Tây phương trong một giai đoạn dài và ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của các dân tộc tại các châu lục khác nhau cho đến ngày nay. Đó là một giai đoạn trong lịch sử Âu Châu bắt đầu từ thời Phục Hưng ở thế kỷ XV – XVI và kéo dài đến thế kỷ XX. Thuật ngữ “hiện đại” trước tiên được dùng để chỉ “con đường hiện đại” hay cách thức mới trong nghiên cứu thần học và triết học, đối lại với “con đường xưa” trong các học thuyết Tôma, Duns Scot và các nhà kinh viện. Cuối cùng, sau những biến đổi ngữ học, thuật ngữ “hiện đại” được dùng để chỉ một thái độ phê phán, dựa trên lý trí, mang tính khoa học, đối lại với chủ nghĩa tín điều truyền thống. Người ta đòi hỏi một sự tự lập bao hàm địa vị tối thượng của con người trên chính mình, địa vị tối thượng của lý trí và một sự tự do tuyệt đối. Đó là nguồn gốc của cá nhân chủ nghĩa. Đây là thời kỳ của những ý thức hệ lớn về triết lý rồi đến chính trị.
Tuy nhiên, sau 2 cuộc thế chiến ở tiền bán thế kỷ XX, niềm tin tuyệt đối vào huyền thoại lý trí vạn năng và sức mạnh giải phóng của khoa học đã bắt đầu bị lung lay và sụp đổ. Cùng lúc ấy hàng loạt hệ thống tư tưởng lớn và những hình thức toàn trị về xã hội và chính trị cũng sụp đổ theo. Với sự sụp đổ của các ý thức hệ mạnh và sự rệu rã của các hệ thống triết lý, nhãn quan thống nhất của nền văn hoá đậm sắc nhân bản của thời trước đã rơi vào khủng hoảng. Bối cảnh văn hoá của những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX vì thiếu những lý tưởng mạnh nên đã rơi vào sự phân hoá và mất dần những điểm quy chiếu. Hans Küng gọi tình trạng văn hoá ấy là cuộc khủng hoảng của thời hiện đại và thế giới đang bước vào thời kỳ hậu hiện đại. Thuật ngữ “hậu hiện đại” được dùng để chỉ một phong cách sống và tư duy đang xa rời những ý tưởng chủ đạo của thời hiện đại. Thực ra, tương quan giữa hiện đại và hậu hiện đại là một sự xen lẫn phức tạp giữa tiếp nối và đứt đoạn, bởi vì trong xã hội Tây Phương cả văn hoá hiện đại và văn hoá hậu hiện đại đang cùng tồn tại với nhau.
Đặc tính đầu tiên của văn hoá hậu hiện đại là sự chuyển đổi từ hệ thống sang cục bộ, từ toàn khối sang mảnh vụn. Trong khi văn hoá hiện đại tìm cách hệ thống hoá và cơ cấu hoá tất cả thành một toàn bộ thống nhất, thì văn hoá hậu hiện đại lại phủ nhận mọi cố gắng thống nhất để chỉ nhìn thế giới trong sự đa dạng và dị biệt triệt để. Mọi thực tại đều được xác định bởi một sự hỗn mang và đứt đoạn. Đối với con người cũng thế, trong bối cảnh bấp bênh tạm bợ như hiện nay, con người không thể giữ được căn tính cá nhân của mình, bởi vì con người vừa kiến tạo vừa phá huỷ chính mình giữa lòng sự thay đổi mang tính hỗn mang của thực tại. Người ta chỉ chấp nhận những dấn thân mang tính ngắn hạn và từ chối mọi dấn thân dài hạn, như hôn nhân và đời sống tu trì.
Đặc tính thứ hai của văn hoá hậu hiện đại là phủ nhận mọi chân lý phổ quát. Trong thời hiện đại người ta đặt trọn tin tưởng vào lý trí phổ quát, thì ngược lại, trong thời hậu hiện đại người ta muốn thoát ly khỏi sự thống trị của lý trí để có thể suy nghĩ theo ý muốn. Không có một điểm quy chiếu chung, mỗi người trở thành điểm quy chiếu cho chính mình. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống tự quy chiếu về chính nó, không liên hệ gì đến toàn bộ.
Đặc tính thứ ba của văn hoá hậu hiện đại là nhấn mạnh tuyệt đối trên sự tự do cá nhân và phủ nhận mọi cơ cấu, hệ thống, dẫn đến một hình thức cá nhân chủ nghĩa tuyệt đối. Tiếp đến, người ta nhận thấy một ảnh hưởng ngược lại của xã hội hiện nay trên đời sống chung. Ngày nay, không riêng gì tại các nước Tây phương mà cả tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, tự do cá nhân được đề cao nhiều khi đến quá mức, do ảnh hưởng của các trường phái triết học nhân bản bắt nguồn từ thời Phục Hưng và trải qua các cuộc cách mạng xã hội. Với phong trào đô thị hoá đang phát triển khắp nơi trên thế giới, người dân tại các miền quê đổ xô về làm việc và sinh sống tại các đô thị lớn, tạo ra những đám đông khổng lồ nhưng nặc danh, trong đó người ta sống sát nách nhau nhưng không biết gì về nhau. Mỗi người là một cá thể giữa một tập thể gồm những cá thể hoàn toàn độc lập. Ngoài ra, với đà phát triển văn minh vật chất, xã hội ngày càng cung cấp cho con người những thoả mãn các nhu cầu hưởng thụ, khiến người ta ngày càng sống ích kỷ và không quan tâm gì đến tha nhân. Chủ nghĩa cá nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc về tự do: cái tôi trở thành tiêu chuẩn của tự do. Cái tôi là trên hết. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm lan tràn khắp nơi một nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa, một thái độ phản kháng, một não trạng hưởng thụ ích kỷ, và điều đó cũng góp phần làm suy yếu lý tưởng đời sống chung và sự dấn thân trong các dự phóng cộng đồng.
1.3. Tiến trình toàn cầu hoá
Một khía cạnh khác xuất hiện gần đây trong bối cảnh thế giới là tiến trình toàn cầu hoá. Đây là một hiện tượng phát sinh từ khung cảnh kinh tế nhưng ảnh hưởng rất nhanh đến tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Điều có vẻ mâu thuẫn là có một mối liên hệ mật thiết giữa hiện tượng được coi là toàn cầu này với nền văn hoá hậu hiện đại có đặc tính thiên về dị biệt.
Toàn cầu hoá là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng tăng cường các quan hệ có khuynh hướng vượt quá các giới hạn truyền thống của các quốc gia, để tạo ra một thế giới quan hệ tự do giữa các chủ thể kinh tế chứ không còn là những quốc gia nữa. Mặc dù tiến trình đã manh nha từ những thế kỷ trước, nhưng nó chỉ thực sự lớn mạnh từ thập niên 80’ của thế kỷ XX với sự hình thành một thị trường tài chính toàn cầu, bắt đầu từ thị trường chung Châu Âu. Chính cuộc cách mạng viễn thông đã đẩy mạnh sự phát triển thị trường tài chính toàn cầu, đến độ tại một số thành phố lớn người ta có thể mua bán hàng triệu đôla trong một tích tắc. Người ta ước tính mỗi ngày có đến hơn 1.500 tỉ đôla lưu hành trên thế giới.
Tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế góp phần vào sự hình thành một nền văn hoá mang tính toàn cầu, đi kèm với một cuộc cách mạng xã hội và văn hoá. Đặc biệt nó làm cho cả thế giới hiện diện trong cuộc sống thường ngày của mỗi người qua những sản phẩm tiêu thụ khác nhau, những tin tức đa dạng, khả năng đi lại và giao tiếp. Cuối cùng, thế giới dường như thu nhỏ lại thành một ngôi làng. Toàn cầu hoá không chỉ giản lược vào việc gia tăng sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia, mà còn có khuynh hướng tạo nên sự đồng nhất các mô hình văn hoá. Khi tiêu thụ một sản phẩm, người ta đồng thời cũng chia sẻ một cái nhìn đặc thù về thế giới, một phong cách sống. Vì thế, toàn cầu hoá không chỉ được coi như một tiến trình thuần tuý kinh tế, nhưng còn là một thái độ và một cách sống.
Người ta không thể phủ nhận rằng toàn cầu hoá đã đem lại cho nhân loại một sự tiến bộ chưa từng có về hiệu quả, khả năng tổ chức, sự gia tăng năng suất, phổ cập kiến thức và chuyển giao kỹ thuật. Tất cả đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế toàn cầu khiến cho đời sống con người được nâng cao. Song song với việc phát triển kinh tế, hiện tượng toàn cầu hoá còn góp phần vào việc liên kết giữa gia đình nhân loại, khiến mọi người trở nên ngày càng gần gũi nhau hơn. Hằng ngày qua các phương tiện truyền thông người ta có thể biết ngay lập tức những gì đang xảy ra trên trái đất và cùng chia sẻ những quan tâm chung. Hơn bao giờ hết, hình ảnh trái đất như một hành tinh bé nhỏ mất hút trong khoảng không vô tận của vũ trụ với tất cả sự bất tất của nó đã trở thành một tiếng kêu gọi mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm đối với vận mệnh chung, như những người đồng hội đồng thuyền. Các dân tộc đang trở nên một với ý thức ngày càng sâu đậm về sự liên đới, về sự tương liên và tương thuộc. Nhiều vấn đề chính của thời đại trở thành những vấn đề quốc tế, không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết được, chẳng hạn vấn đề bảo vệ môi sinh, chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh… Nhờ tiếp xúc với nhiều lý thuyết, cách suy nghĩ và cách sống khác nhau, người ta dễ có thái độ cởi mở hơn và thông cảm nhau hơn.
Tuy nhiên, hiện tượng toàn cầu hoá cũng đem lại nhiều hiệu quả tiêu cực. Một trong những đặc tính của toàn cầu hoá là hiện tượng siêu cạnh tranh ngày càng căng thẳng và tàn bạo. Sự siêu cạnh tranh với những quy luật tàn khốc theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” làm cho nhiều quốc gia và cá nhân yếu kém bị đẩy ra bên lề cuộc chơi, sự phân hoá giữa giàu và nghèo ngày càng sâu đậm. Lý do là vì toàn cầu hoá là một cơ chế rất hiệu nghiệm trong việc sản xuất, nhưng không có khả năng phân phối đúng đắn các sản phẩm, vì cái logic của cạnh tranh hàm chứa một sự phát triển không đồng đều.
Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 7, Đức Gioan Phaolô II đã “ghi nhận tình trạng trầm trọng do những bất công xã hội và do sự tập trung của cải trong tay một thiểu số, là kết quả của một chủ nghĩa tư bản phi nhân bản, ngày càng khơi thêm hố ngăn cách giữa những dân tộc giàu và những dân tộc nghèo, bởi đó có sự phát sinh trong xã hội con người những căng thẳng và những băn khoăn khiến cho đời sống cá nhân và cộng đoàn bị xáo trộn cách sâu đậm”.
Toàn cầu hoá với sự cạnh tranh không kiềm chế còn tạo ra một hình thức thực dân hay đế quốc, trước hết trong lĩnh vực kinh tế rồi đến chính trị và văn hoá, khi các nước giàu tìm cách áp đặt lên các nước nghèo những chính sách kinh tế, những hệ thống chính trị và những truyền thống văn hoá của họ. Các phương tiện truyền thông hiện đại đã phổ biến sự tiến bộ và văn hoá, nhưng đồng thời chúng cũng làm cho người ta bị kiểm soát về tinh thần và bị hạn chế tự do. Toàn cầu hoá hàm chứa một sự phủ nhận tính đa dạng của các nền văn minh và văn hoá. Sự hiệp nhất được hiểu như sự đồng bộ hay sự thống trị của một nền văn hoá đặc thù nào đó có sức mạnh. Người ta dần dần đánh mất căn tính văn hoá của họ. Bị bật rễ khỏi những giá trị văn hoá truyền thống của quốc gia, người ta trở thành kẻ lạ ngay giữa lòng quê hương, hay tệ hơn nữa, như một kẻ lang thang không căn cước. Thêm vào đó, tiến trình toàn cầu hoá phá hủy không chỉ các nền văn hoá khác nhau, mà còn các giá trị nhân bản và luân lý, bởi vì với sự thắng thế của cơ chế kinh tế thị trường, toàn cầu hoá làm phát triển con người về phương diện vật chất, nhưng lại tàn phá con người về phương diện tinh thần và đạo đức.
2. ẢNH HƯỞNG CỦA BỐI CẢNH VĂN HOÁ ĐỐI VỚI TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC
Bối cảnh văn hoá của Việt Nam hiện nay với những nét đặc trưng và đầy phức tạp như thế đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế và đạo đức, và do đó không thể không ảnh hưởng đến mối tương quan giữa các linh mục với nhau, vì các linh mục đang sống và làm việc giữa lòng xã hội trần thế.
2.1. Ảnh hưởng của văn hoá truyền thống dân tộc
Nền văn hoá truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam mặc dù đang trải qua nhiều đổi thay do sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt với nền văn hoá hậu hiện đại và tiến trình toàn cầu hoá, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đối với tương quan giữa các linh mục, một cách tích cực cũng như tiêu cực.
Về mặt tích cực, văn hoá truyền thống chịu ảnh hưởng triết lý âm dương, đề cao sự hoà điệu và lấy tình làm gốc, khiến cho các linh mục dễ thành người của hiệp thông, tạo được tương quan hoà thuận hoà hợp, mềm dẻo bao dung, không xét nét hơn thua, không tranh chấp đố kỵ, nhưng nhẫn nhục và nhường nhịn, đối xử với nhau có tình có nghĩa. Truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc phát sinh từ bọc trứng của tổ mẫu Âu Cơ, cùng với đời sống nông nghiệp đặt nặng quan hệ gia đình và làng xã, khiến các linh mục dễ thực thi tình huynh đệ đối với nhau, coi nhau như anh em một nhà, có tinh thần cộng đoàn, sẵn sàng đùm bọc lẫn nhau và đoàn kết tương thân tương ái.
Tuy nhiên, văn hoá truyền thống cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với mối tương quan huynh đệ giữa các linh mục. Sự hoà điệu và hoà hợp nhiều khi bị biến dạng khiến các linh mục trở thành những người thiếu lập trường, xu thời, tiêu cực, không dám phát huy sáng kiến, cả nể hay sợ mất lòng nên không dám nói thẳng nói thật với nhau, không dám phê bình góp ý để giúp nhau thăng tiến. Vì quá thiên về tình cảm, thiếu tư duy logic và khoa học, nên nhiều khi làm việc theo hứng, không có nguyên tắc và chương trình hợp lý, khiến cho người khác không thể cộng tác với mình; ngoài ra còn có nguy cơ dẫn đến thành kiến, óc bảo thủ hẹp hòi, cản trở sự hiệp thông. Tính cộng đồng quá đáng có thể khiến cho các linh mục không tìm cách phát triển cá nhân, lãng quên hay phủ nhận nét độc đáo và sự chọn lựa cá nhân, từ đó dẫn đến thái độ ỷ lại, đố kỵ và thiếu tinh thần trách nhiệm. Sự gắn bó quá nhiều với làng xã nhiều khi tạo nên nơi các linh mục tinh thần cục bộ, óc địa phương hẹp hòi, dễ làm nảy sinh những sự chia rẽ giữa những người có gốc gác khác nhau.
2.2. Ảnh hưởng của văn hoá hậu hiện đại
Nhiều người cảm thấy xót xa khi thấy nền văn hoá truyền thống của dân tộc đang bị mất dần ảnh hưởng nơi quần chúng, nhất là giới trẻ là những người bị cuốn hút nhiều nhất bởi những ý tưởng và lối sống của nền văn hoá hậu hiện đại đang ồ ạt tràn ngập vào đất nước, nhất là từ sau thời mở cửa.
Tuy nhiên nền văn hoá này vẫn có những ảnh hưởng tích cực đối với người Việt Nam chúng ta, cách riêng đối với các linh mục. Khi đề cập đến sự hiệp thông trong Giáo Hội, ta luôn xác định rằng đó không phải là một sự đồng nhất theo kiểu hàng hoá sản xuất hàng loạt theo cùng một mẫu mã, nhưng là sự hiệp thông trong đa dạng và tôn trọng những khác biệt, xem đó như yếu tố đem lại sự phong phú và phát triển. Chính văn hoá hậu hiện đại đã giúp các linh mục khám phá và tôn trọng sự khác biệt nơi các anh em linh mục khác, tạo điều kiện thuận lợi để những khác biệt đó được phát triển.
Văn hoá hậu hiện đại đề cao cá nhân và sự tự do cá nhân, khiến mỗi linh mục biết tôn trọng các anh em linh mục khác như những hữu thể độc đáo và tự do, có đủ mọi quyền lợi mà mình phải tôn trọng. Mỗi linh mục không phải là một con số bị mất hút trong linh mục đoàn, nhưng là những cá vị tạo nên linh mục đoàn. Mỗi người được tự do và được nâng đỡ khuyến khích để phát triển bản thân giữa lòng cộng đoàn, như cây rừng cùng lớn lên bên nhau.
Tuy nhiên, văn hoá hậu hiện đại có những bước đi phá cách quá trớn, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực trên linh mục đoàn. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá hậu hiện đại là tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Điều này rõ ràng đi ngược lại bối cảnh văn hoá của Việt Nam là nơi mà giá trị của cộng đoàn được đề cao. Ngày nay, tại Việt Nam, người ta đang chứng kiến một sự đánh mất từ từ cảm thức thuộc về cộng đoàn và tình trạng xuống cấp của những tương quan giữa người với người, khiến cho nhiều linh mục dễ rơi vào nếp sống ích kỷ, chỉ biết có mình và quy chiếu mọi sự về chính mình chứ không về một điểm chung, sống xa cách và ít quan tâm đến nhau.
Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 7, Đức Gioan Phaolô II chắc hẳn đã muốn cảnh giác các linh mục trước nguy cơ này khi viết: “Người ta cũng ghi nhận rằng chủ nghĩa duy chủ thể của ngôi vị vẫn được bảo vệ một cách khốc liệt, chủ nghĩa này có khuynh hướng vây kín ngôi vị trong cá nhân chủ nghĩa, để rồi không thể có được những quan hệ đích thực giữa người với người. Vì thế, nhiều người, nhất là giới trẻ, tìm cách bù trừ tình trạng cô đơn ấy bằng những phương tiện khoả lấp thuộc nhiều bản chất khác nhau, với những hình thức tìm hưởng lạc hoặc tìm trốn tránh trách nhiệm trong mức độ cường điệu khác nhau; bị giam hãm trong cái chóng qua, những người ấy tìm cách sống những kinh nghiệm cá nhân nào mạnh nhất và có lợi nhất trong mức độ có thể, những kinh nghiệm trên bình diện giác quan và cảm xúc nhất thời, bởi đó họ đương nhiên trở thành vô tâm và như thể bại liệt trước lời mời gọi bước vào một kế hoạch sống đòi phải có chiều kích thiêng liêng và tôn giáo, hoặc phải có sự dấn thân trong tình liên đới”.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo dịp cho Hội Thánh suy nghĩ và đào sâu ơn gọi sống đời cộng đoàn của mình, để nhờ đó trở thành, không phải như một phản kháng và kết án đối với thế gian, nhưng như một chứng từ sống động hơn của một tình huynh đệ Kitô giáo có sức thổi vào thế giới đang bị phân hoá vì hận thù, ích kỷ, một luồng gió mát của Chúa Thánh Linh, Đấng liên kết mọi người không phân biệt thành thân thể Đức Kitô, trong khi vẫn luôn tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi nền văn hoá và của mỗi người.
2.3. Ảnh hưởng của tiến trình toàn cầu hoá
Nhờ tiến trình toàn cầu hoá Việt Nam có thể hưởng lợi từ những công nghệ tiên tiến trên thế giới để cải tiến nền kinh tế cách nhanh chóng hơn. Nền kinh tế đất nước phát triển thì đời sống vật chất của các linh mục cũng được bảo đảm hơn. Những sự giúp đỡ của cộng đoàn quốc tế đối với Việt Nam, sau những năm dài bị cô lập của thời đóng của, góp phần tạo nên hình ảnh về một gia đình nhân loại với ý thức ngày càng cao và sâu sắc về sự liên đới, về sự tương liên và tương thuộc. Các linh mục ngày càng trở nên gần gũi, biết chia sẻ trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau.
Nhờ tiến trình toàn cầu hoá, các tư tưởng tiến bộ về tự do, công bình và bình đẳng, sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người và những kiến thức khoa học được phổ biến rộng rãi, khiến cho người Việt Nam nói chung và các linh mục nói riêng học được nơi các nước tinh thần cộng tác và làm việc chung, tinh thần phê phán. Nhờ tiếp xúc với nhiều lý thuyết, cách suy nghĩ và cách sống khác nhau, các linh mục dễ có thái độ cởi mở và thông cảm nhau hơn.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực kể trên, hiện tượng toàn cầu hoá cũng tạo nên những hậu quả tiêu cực không thể chối cãi. Kỹ thuật cao tạo nên sự phát triển và nâng cao đời sống con người nhưng đồng thời biến con người thành những cái máy, khiến các linh mục nhiều lúc chỉ chú trọng đến kết quả và sự hữu hiệu, không đối xử với nhau bằng tình nghĩa, như trong văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tiến trình toàn cầu hoá khởi đi từ lĩnh vực kinh tế đã tạo nên một xã hội tiêu thụ thiên về lợi nhuận: chọn vật chất, không chọn những giá trị tinh thần như tình yêu thương, tình bằng hữu; có khuynh hướng chỉ chấp nhận những gì hợp với mình, có lợi cho mình, làm tắt nghẽn sự hiệp thông. Sự thắng thế của cơ chế kinh tế thị trường cùng với hiện tượng siêu cạnh tranh đã góp phần tạo nên trong xã hội một nếp sống bon chen giành giật, loại trừ lẫn nhau, khiến cho tương quan huynh đệ giữa các linh mục cũng có thể bị sứt mẻ hoặc bị ảnh hưởng một cách nào đó hay ở một mức độ nào đó.
Toàn cầu hoá hàm chứa một sự phủ nhận tính đa dạng, đề cao tính đồng bộ và sự rập khuôn. Có những cách suy nghĩ, cách đánh giá và lối sống được phổ biến và áp đặt cách tinh vi bằng những phương tiện truyền thông hiện đại khiến cho nhiều linh mục dần dần đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập và tương quan giữa các linh mục cũng bị giản lược thành một sự đồng bộ nghèo nàn.
Ngoài ra, những phương tiện truyền thông hiện đại đang tạo ra một thế giới ảo, có nguy cơ làm cho người ta quên đi tương quan thực tế giữa con người với nhau. Gặp gỡ nhau bằng điện thoại giúp các linh mục trở nên gần gũi nhau hơn, nhưng cũng khiến các ngài ngày càng giảm bớt những cuộc viếng thăm và gặp gỡ thân tình bằng xương bằng thịt, viện lý do là mình quá bận rộn công việc nên không thể đến với nhau.
+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi